Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 5 tháng 10 năm 2024  

Nông nghiệp đô thị: Lợi ích kép cho người dân đô thị

Thứ bảy, ngày 6 tháng 7 năm 2024 | 11:30

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa diễn ra ở nước ta ngày càng nhanh, dẫn đến sự thiếu hụt về cây xanh, thực phẩm sạch cho cuộc sống hàng ngày của người dân đô thị. Vì thế, phát triển nông nghiệp đô thị được cho là một trong những giải pháp, xu hướng mang lại lợi ích kép cho người thành thị.

Xu hướng tất yếu

Các mô hình nông nghiệp đô thị đang phát triển ở Việt Nam theo hướng chính quy (được tổ chức sản xuất tập trung tại các không gian rộng như các trang trại ở ngoại thành) và phi chính quy (do các hộ gia đình tận dụng không gian hạn hẹp nơi sinh sống để tự trồng trọt, chăn nuôi). Tuy nhiên, hiệu quả của các mô hình này hiện còn hạn chế do người dân chưa tiếp cận nhiều công nghệ mới.

Ở khu vực nội đô, khi nhận thức của người dân về thực phẩm sạch tốt cho sức khỏe, thì không ít người tận dụng không gian trong khuôn viên của mình (sân thượng, ban công, sân vườn...) để trồng rau trong khay, chậu hoặc trồng thủy canh; nuôi những loài vật với mục đích ban đầu để giải trí nhưng thu hoạch được thực phẩm tươi sống do mình tạo ra để sử dụng.

Đối với khu vực ven đô, do canh tác theo tập quán cũ nên năng suất và chất lượng thấp, trong khi chi phí sản xuất cao và gây ô nhiễm môi trường. Do đó, ở ven đô, người dân dần thay thế mô hình và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất, không những tăng năng suất, chất lượng mà còn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản, thủy sản.

Khách du lịch tham quan trang trại trồng dưa lưới tại TP.HCM.

Mặc dù ngành Nông nghiệp chiếm tỷ trọng không cao trong toàn bộ nền kinh tế của TP.HCM nhưng vẫn mang lại những kết quả tốt, thu nhập người nông dân ngày càng tăng nhờ ứng dụng có hiệu quả các nghiên cứu, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất và kinh doanh nông nghiệp.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT TP.HCM, ngành Nông nghiệp thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, phục vụ phát triển đô thị theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, giá trị gia tăng, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường.

Các chuyên gia cho rằng, tuy nông nghiệp TP.HCM chỉ chiếm khoảng 1% GRDP nhưng lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội của thành phố. Cho nên, trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, thành phố cần lập quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bố trí vị trí, diện tích xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, cần quản lý sử dụng tối ưu đất nông nghiệp trong tương lai.

Tại Hà Nội, mới đây, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 5568/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương “Đề án nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội”, thực hiện trong giai đoạn 2024-2026 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, thành phố phấn đấu đến năm 2030, tăng trưởng sản xuất nông nghiệp đô thị (nông, lâm nghiệp, thủy sản) hằng năm 2-3%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái đạt trên 70%...

Để thực hiện mục tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp Thủ đô cũng như các huyện, thị xã đang tập trung phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh dinh dưỡng, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và nhu cầu của dân cư đô thị.

Nuôi được mực biển ở thành phố

Đó là mô hình kết hợp nuôi trồng thủy sản tuần hoàn và trồng cây thủy canh (Aquaponics), đang nổi lên như một giải pháp tiềm năng cho nông nghiệp đô thị của Công ty TNHH Công nghệ sinh học MEGA.

Mô hình phát triển dựa trên nguyên tắc chất thải từ quá trình nuôi cá được vi sinh vật chuyển hóa thành dinh dưỡng cho cây trồng; không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu hóa học, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Phát triển các mô hình trồng rau công nghệ cao tại Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội).

Theo kỹ sư Nguyễn Ngọc Thạnh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học MEGA, ưu điểm nổi bật của Aquaponics là khả năng tận dụng không gian nhỏ hẹp, phù hợp với điều kiện đô thị. Với diện tích chỉ 5m2, mô hình có thể cho thu hoạch 80kg cá và 2,5kg rau mỗi tháng.

Công ty MEGA đã triển khai thành công aquaponics từ năm 2016, nuôi nhiều loài thủy sản nước ngọt và trồng đa dạng rau, củ, quả. Đặc biệt, MEGA là một trong số ít đơn vị chủ động ứng dụng Aquaponics nước mặn và lợ, nhờ công thức pha nước biển nhân tạo và giống rau chịu mặn.

Hiện tại, công ty tập trung nghiên cứu ương nuôi mực lá trong hệ thống Aquaponics. Trứng mực được vận chuyển từ miền Trung, ấp nở và ương nuôi trong môi trường tuần hoàn, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Đối với mực nhỏ trọng lượng 50g bắt từ biển, chúng tôi đưa về Long An và nuôi trong bể đến trọng lượng 200g, rồi bán ra thị trường. Đây sẽ là một trong những mô hình kinh tế mới của việc nuôi biển ngay trong đất liền thời gian tới”, ông Thạnh cho biết.

Lồng ghép phát triển nông nghiệp đô thị với sản phẩm đặc thù

Nhiều chuyên gia cho rằng, tồn tại lớn nhất và cũng là thách thức lớn nhất cho phát triển nông nghiệp đô thị ở Việt Nam chính là chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Chưa kể, công tác quy hoạch thiếu tầm nhìn đã và đang làm gia tăng các diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực.

Tuy nông nghiệp không đóng góp tỷ trọng lớn trong GDP của các đô thị (dưới 5% tại các đô thị lớn), song luôn giữ vai trò rất quan trọng. Hiện nay, cơ cấu cư dân thành thị tăng nhanh. Nếu như năm 1990, tỉ lệ dân số thành thị là 19,51% thì con số này tăng lên 36,76% vào năm 2020. Dự báo tỷ lệ này sẽ vượt 50% sau năm 2030.

Tại Hội thảo “Nông nghiệp đô thị - Lợi ích kép cho người dân đô thị” mới đây, GS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, với điều kiện quỹ đất hạn hẹp, để phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, việc ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn, kinh tế số trong chuỗi sản xuất là yếu tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tiết kiệm chi phí; giảm chất thải, phát thải. Đầu tư cho phát triển nông nghiệp đô thị là đầu tư cho bốn mục tiêu: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn, sức khỏe tốt hơn. Hay nói cách khác, nông nghiệp đô thị mang lại đa lợi ích cho quốc gia, cho mỗi đô thị và cho mỗi cư dân của đô thị đó.

Để phát huy tiềm năng, lợi ích nông nghiệp đô thị, ông Bộ khuyến nghị, các địa phương khi quy hoạch đô thị cần lồng ghép với phát triển nông nghiệp đô thị có tính đến đặc thù của vùng nội đô và ven đô, đến sản phẩm đặc sản, đặc hữu, bản địa và yêu cầu của thị trường. 

Còn theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp, trong xu thế phát triển nông nghiệp đô thị, việc áp dụng công nghệ cao còn hạn chế, chủ yếu trồng trọt và chăn nuôi các loại động thực vật thích hợp như hoa kiểng, rau, sinh vật cảnh. Các thành phố và đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long Xuyên (An Giang)... cũng đang manh nha hình thành các mô hình nông nghiệp đô thị.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa cho biết, được sản xuất và cung ứng tại chỗ, nên sau thu hoạch, chi phí đóng gói, vận chuyển và bảo quản bằng kho lạnh được bỏ qua, giúp giảm chi phí tồn trữ. Chất lượng các sản phẩm được đảm bảo an toàn, đồng thời góp phần giảm lượng xe cộ trọng tải lớn vào ra các đô thị, giảm ô nhiễm đáng kể cho khu vực đô thị.

Bên cạnh đó, nông nghiệp đô thị còn góp phần tạo cảnh quan đô thị và cải thiện sức khỏe cộng đồng, tạo ra hệ thống cảnh quan, các vành đai xanh rất ý nghĩa cho đô thị (hệ thống cây xanh, công viên, mảng xanh trên các ban công, hay các vành đai xanh bao quanh ven đô… là những hình thức và sản phẩm của nông nghiệp đô thị).

Do đó, TS Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, cần xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị có tính dài hạn, phù hợp với quy hoạch phát triển ở các khu đô thị và tốc độ đô thị hóa, xu hướng di cư của người dân ra các khu vực thành thị. Đặc biệt, cần có chính sách, chương trình phát triển nông nghiệp đô thị để ứng dụng các công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa khu vực tư nhân và Nhà nước trong phát triển nông nghiệp đô thị và hơn nữa, việc sử dụng tối đa các không gian ở đô thị để sản xuất nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, mang lại môi trường sống xanh cho người dân đô thị cũng là kinh nghiệm mà các nước trên thế giới thực hiện thành công.

D.Thanh

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top