Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 6 tháng 10 năm 2024  

Hydrogen - “Chìa khóa” của chuyển đổi xanh

Thứ hai, ngày 8 tháng 7 năm 2024 | 10:34

Nhu cầu chuyển đổi sang năng lượng xanh đang thúc đẩy nhiều quốc gia chạy đua sản xuất hydro xanh nhằm đạt được vị thế thống trị trên thị trường. Hydro được coi là “chìa khóa” để đạt được quá trình chuyển đổi xanh trên toàn cầu.

“Chìa khóa” của quá trình chuyển đổi xanh

Hydro xanh đang được công nhận là giải pháp khử carbon cho các lĩnh vực phát thải cao như vận tải và sản xuất. Các lĩnh vực này chiếm hơn 30% mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Với các ứng dụng nhằm giảm thiểu các ngành công nghiệp phát thải cao như nhà máy sản xuất xi măng và thép cho đến vận tải hàng không và hàng hải, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo, hydro xanh sẽ chiếm gần 25% nguồn cung năng lượng vào năm 2050.

Hydro được coi là “chìa khóa” để đạt được quá trình chuyển đổi xanh, vì không giống như nhiều nguồn năng lượng tái tạo khác, nó có thể được sử dụng làm nhiên liệu cho ngành vận tải và các ngành công nghiệp khác.

Theo báo cáo của Deloitte công bố, thị trường hydro xanh được dự báo sẽ vượt qua giá trị thương mại khí tự nhiên lỏng vào năm 2030 và đạt hơn 1,4 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2050. Báo cáo cho biết, thương mại toàn cầu, được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng giao thông đa dạng, là “chìa khóa” để khai thác toàn bộ tiềm năng của thị trường. Việc khử carbon trong ngành hàng không, vận tải hàng hóa và các ngành công nghiệp như sản xuất sẽ phụ thuộc nhiều vào sản xuất hydro xanh trong khu vực, điều này đã khuyến khích cả đầu tư công và tư nhân lớn vào lĩnh vực này trong những năm gần đây, để tăng tốc sản xuất và thúc đẩy đổi mới công nghệ.

Bên cạnh đó, sự thay đổi toàn cầu hướng tới nguồn năng lượng tái tạo này tạo tiền đề cho sự gia tăng thương mại xuyên biên giới và hợp tác quốc tế. Các chuyên gia trong ngành dự đoán, cuộc đua giành quyền kiểm soát mạnh mẽ nền kinh tế hydro xanh sẽ không chỉ làm thay đổi mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia mà còn tác động đến sự thống trị địa chính trị.

Các phương tiện chạy bằng hydro đang dần phổ biến tại các quốc gia Vùng vịnh.

Trong khi châu Á và Trung Đông đang nhanh chóng xây dựng năng lực sản xuất thì châu Âu đang tập trung vào kết nối để đảm bảo có thể vận chuyển hydro xuyên biên giới. Các quốc gia có đường ống sản xuất hydro xanh tham vọng nhất bao gồm: Trung Quốc, Saudi Arabia, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Anh, Đức, Việt Nam, Australia, Oman, Pháp và Canada.

Năm 2023, Trung Quốc có công suất hydro dựa trên điện phân là 1060,9 kiloton (kT) đang ở giai đoạn phát triển cuối cùng. Trong khi đó, cường quốc hydro xanh lớn thứ hai là Saudi Arabia có 339 kT, tiếp theo là Thụy Điển với 230,8 kT. Những con số ấy thể hiện sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Saudi Arbia đang xây dựng dự án hydro xanh lớn nhất thế giới cho đến nay, một cơ sở dự kiến sẽ có công suất lên tới 4 GW năng lượng mặt trời và gió, để sản xuất tới 600 tấn hydro xanh mỗi ngày hoặc lên tới 200 GW từ hydro xanh mỗi năm.

Cuộc đua công nghiệp hóa xanh

Nicola De Blasio, thành viên cấp cao tại Trung tâm Belfer của Trường Harvard Kennedy, cho biết: “Trong khi các quốc gia riêng lẻ phải đối mặt với những thách thức và cơ hội riêng biệt, thì cuộc chạy đua xanh sẽ được kích hoạt để giành vị trí lãnh đạo công nghiệp, tác động đến quan hệ quốc tế”.

Theo ước tính của các chuyên gia tư vấn toàn cầu Strategy&, nhu cầu về hydro xanh được dự đoán sẽ tăng đáng kể trong trung hạn, có khả năng thay thế lượng dầu tương đương 10,4 tỷ thùng, tức 37% sản lượng dầu toàn cầu hiện nay, vào năm 2050.

Ông De Blasio cho biết thêm, trong cuộc đua công nghiệp hóa xanh, một số quốc gia như Trung Quốc, Canada và Hoa Kỳ có thể sẽ trở thành các quốc gia dẫn đầu về hydro xanh. “Các quốc gia này có thể tận dụng các cơ sở công nghiệp gần nơi sản xuất hydro xanh để kiểm soát tốt hơn chuỗi cung ứng và giảm thiểu chi phí vận chuyển. Điều này giúp họ có thể thu được những lợi ích sâu rộng và trở thành người chiến thắng”, chuyên gia này nhận định.

Không chỉ các quốc gia phát triển mới có tham vọng trong lĩnh vực này. Ấn Độ, Brazil, Chile, Ai Cập và nhiều quốc gia châu Phi có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào đang mong muốn tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất hydro xanh để xuất khẩu. Theo các nhà tư vấn toàn cầu của Alvarez & Marsal, bốn yếu tố sẽ quyết định khả năng cạnh tranh của một quốc gia trong cuộc đua hydro xanh, bao gồm: nguồn năng lượng tái tạo, khả năng sản xuất, hệ sinh thái điện và chi phí vốn.

Aaron Fleming, đồng Giám đốc nhóm công nghiệp, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis, cho rằng: “Các quốc gia và khu vực được thiên nhiên ưu đãi với các nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như Australia, Ấn Độ và Trung Đông, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất hydro xanh.”

Mặt khác, ông Jenhao Han, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Hy24,  một công ty đầu tư toàn cầu có trụ sở tại Paris, cho biết, các chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu phát triển hydro thông qua việc ban hành các quy định và cung cấp trợ cấp để thúc đẩy ngành công nghiệp hydro xanh phát triển.

Việt Nam, trung tâm sản xuất hydrogen xanh ở châu Á?

Theo Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen Việt Nam được Thủ tướng Phạm Minh Chính duyệt đầu tháng 2/2024, hệ sinh thái năng lượng này phát triển dựa trên điện tái tạo, gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu. Hydrogen xanh được coi là “chìa khóa” giúp Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ngày càng nhiều quốc gia tham gia vào cuộc đua sản xuất hydro xanh.

Tại Hội nghị về triển khai chiến lược năng lượng hydrogen, bà Huỳnh Thị Kim Quyên, Tổng giám đốc Tập đoàn The Green Solutions - đơn vị đầu tư dự án nhà máy hydro xanh đầu tiên ở Việt Nam - đánh giá, năng lượng tái tạo (nắng, gió) cùng đường bờ biển dài là những lợi thế lớn của đất nước trong sản xuất hydrogen.

“Việt Nam có nhiều tiềm năng để sản xuất và có quyền mơ ước trở thành trung tâm sản xuất hydrogen xanh ở châu Á”, bà Quyên cho hay.

Cùng đó, sản xuất loại nhiên liệu này cũng đem lại nguồn thu từ bán tín chỉ carbon. Chẳng hạn, với Nhà máy sản xuất hydro xanh Bến Tre, công suất 24.000 tấn hydro mỗi năm, doanh thu ước tính từ bán tín chỉ carbon có thể lên tới 37 triệu USD, tương đương 1 tỷ USD cả vòng đời nhà máy. “Nguồn tiền này sẽ san sẻ phần chi phí đầu tư cao ban đầu”, bà   Quyên nêu rõ.

Dù vậy, CEO The Green Solutions cho rằng, thách thức lớn đặt ra trong sản xuất loại hydrogen là giá thành cao, chi phí đầu tư lớn. Bởi vậy, để có nguồn lực làm dự án hydro xanh đầu tiên ở Việt Nam với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, doanh nghiệp phải tiếp cận khoản vay tài chính xanh của các tổ chức tài chính và ngân hàng quốc tế.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho hay, tập đoàn đang xây dựng lộ trình và giải pháp chuyển đổi năng lượng. Trong đó, các nhà máy điện than thuộc EVN sẽ chuyển sang dùng nhiên liệu phối trộn hydrogen. Do giá thành cao, nên đại diện EVN kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ các dự án phát điện bằng hydrogen, để đảm bảo cạnh tranh với các nguồn điện khác chi phí thấp hơn.

Hơn nữa, đây là lĩnh vực mới đang được nghiên cứu, thí điểm phát triển, nên các doanh nghiệp, địa phương kiến nghị cơ quan quản lý xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp, tháo gỡ khó khăn về pháp lý.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ sẽ tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch triển khai, nhằm thực hiện các mục tiêu, giải pháp phát triển hydrogen ở Việt Nam.

Ông Diên nhắc tới vai trò của các tổ chức quốc tế trong chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng mới này. Bởi, điều này sẽ giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ, đào tạo nhân lực, hợp tác sản xuất để đưa giá thành hydrogen về mức hợp lý.

Phạm Thị Hương

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top