Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 8 tháng 7 năm 2024  

Nghĩa Đàn quyết tâm “về đích” huyện nông thôn mới trong năm 2024

Thứ sáu, ngày 5 tháng 7 năm 2024 | 8:13

Huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đang huy động nhiều nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới.

22/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Nghĩa Đàn với quyết tâm chính trị cao đã sát sao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch cũng như kiện toàn Ban Chỉ đạo, Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện để chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý, kịp thời. Bên cạnh đó, cùng với sự chung sức, đồng lòng của nhân dân nên huyện Nghĩa Đàn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Tốc độ tăng trưởng năm 2023 đạt trên 14% so với cùng kỳ năm 2022. Tốc độ tăng trưởng 3 tháng đầu năm 2024 đạt gần 13% so với cùng kỳ năm 2023.

Một góc nông thôn mới ở Nghĩa Đàn

Trong đó: Khu vực nông, lâm, thủy sản tăng gần 8%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 14,73% so với cùng kỳ 2023. Kết quả về giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản năm 2023 ước đạt 5.287.301 triệu đồng, tăng 7,97% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng lương thực ước đạt 51.470 tấn; trồng rừng tập trung 900 ha, khai thác gỗ đạt 98.000m3, tỷ lệ che phủ rừng đạt 28,81%; sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 3.950 tấn.

Toàn huyện hiện có 125 trang trại chăn nuôi, trong đó, có 5 trang trại quy mô lớn, tổng đàn trâu, bò trên 11.000 con, tổng đàn bò trên 78.000 con, đàn lợn 60.000 con, đàn gia cầm trên 1,6 triệu con.

Đến nay, huyện đã có 22/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới (100% số xã); 1 xã (Nghĩa Bình) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, và 1 xã (Nghĩa Sơn) đang hoàn thiện hồ sơ trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, đối chiếu với Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 quy định tại Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ thì huyện mới chỉ đạt 3/9 tiêu chí, tương ứng với 26/36 chỉ tiêu, gồm tiêu chí số 3 về thủy lợi và phòng, chống thiên tai, tiêu chí số 4 về điện, tiêu chí số 6 về kinh tế. Như vậy, huyện Nghĩa Đàn còn 6 tiêu chí, tương ứng với 10 chỉ tiêu chưa đạt.

Tiếp tục hoàn thành các tiêu chí

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ ghi nhận tinh thần, quyết tâm cao và những kết quả mà huyện Nghĩa Đàn đã thực hiện được trong triển khai nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2024 cũng như thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở phân tích những tiêu chí chưa đạt trong xây dựng nông thôn mới, để xây dựng huyện Nghĩa Đàn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024 theo đúng kế hoạch đã đăng ký với tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng huyện nông thôn mới.

Theo đó, huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là phổ biến kế hoạch quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới trong năm 2024 để nhân dân được biết và cùng chung tay phấn đấu thực hiện. Cùng đó, gắn Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới", phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới" với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”.

Một góc Cụm công nghiệp Nghĩa Long

Đồng thời, huyện cần bám sát các nhiệm vụ, giải pháp được ban hành tại Quyết định số 152/QĐ-UBND ngày 18/01/2024 của UBND tỉnh và các chỉ tiêu được giao; rà soát kế hoạch và kịch bản tăng trưởng của huyện trong năm 2024 để tổ chức triển khai quyết liệt nhằm đảm bảo thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian tới, huyện Nghĩa Đàn tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, tiếp tục phát triển các sản phẩm đặc sản, ưu tiên cho thế mạnh của địa phương gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu, đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) nhằm nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững. Đi cùng với đó là tăng cường công tác bảo vệ môi trường nông thôn.

Huyện cũng cần tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ, thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án trên địa bàn; Đa dạng hóa nguồn vốn xã hội hóa, huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp, kêu gọi sự chung tay góp sức từ doanh nghiệp, cộng đồng và phát huy tối đa nội lực của địa phương. Trong đó, lưu ý việc huy động nguồn lực từ nhân dân phải được họp bàn thống nhất, thực hiện đúng quy chế dân chủ, tuyệt đối không được huy động quá sức dân.

Để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu thuộc bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, trước mắt Nghĩa Đàn cần khẩn trương rà soát, xác định rõ các nội dung, tiêu chí cấp huyện chưa đạt (6 tiêu chí tương ứng với 10 chỉ tiêu) để huy động các nguồn lực thực hiện đồng thời tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí còn thiếu và yếu.

Đối với các kiến nghị đề xuất của huyện Nghĩa Đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao cụ thể để các sở, ngành liên quan tham mưu xử lý; đồng thời, đề nghị các sở, ngành cần có sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời cho Nghĩa Đàn trong quá trình xây dựng huyện nông thôn mới.

Bám sát thực tế, thực hiện hiệu quả

Để thực hiện các chương trình hành động, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 đạt hiệu quả cao, huyện Nghĩa Đàn tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc các cấp, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trên cơ sở đó, cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, huy động sự tham gia tích cực của nhân dân, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân.

Qua trao đổi, đồng chí Phạm Chí Kiên - Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn khẳng định: Quan điểm thực hiện của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội theo các mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra là huy động tối đa nguồn lực, bao gồm nguồn lực con người và nguồn lực đầu tư. Theo đó, từ lãnh đạo huyện đến cán bộ, chuyên viên cấp huyện, cán bộ xã luôn xây dựng ý thức nỗ lực với khả năng cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; từ đó góp phần tăng hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; thúc đẩy các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, các ngành dịch vụ phát triển với nhiều kết quả tích cực.

Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn Phạm Chí Kiên thăm mô hình Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện.

Cũng theo đồng chí Phạm Chí Kiên, huyện Nghĩa Đàn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cắt giảm, tích hợp thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện tốt các quy định về sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Hiện nay, huyện đang hoàn thiện các thủ tục đề xuất mở rộng Cụm công nghiệp Nghĩa Long và thành lập mới các cụm công nghiệp (Nghĩa Thành, Nghĩa Phú, Phú Thọ và Nghĩa Lâm) để thu hút các nhà đầu tư; đồng thời giám sát và đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án đầu tư ngoài ngân sách.

Tập trung huy động nguồn lực, bám sát các danh mục chương trình, đề án đặt ra để thực hiện hiệu quả. Đó là trọng tâm được huyện Nghĩa Đàn đã và đang triển khai khi thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Quá trình thực hiện, huyện Nghĩa Đàn chú trọng nâng cao trách nhiệm giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức đối với người dân, doanh nghiệp; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; có hình thức xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, quy tụ sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng người dân, doanh nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu cụ thể trên tất cả các lĩnh vực mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX đã đề ra.

Quá trình xây dựng huyện nông thôn mới, Nghĩa Đàn chủ trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí trên cơ sở đảm bảo tính bền vững, tránh nóng vội.

Ông Phạm Chí Kiên - Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn cho biết: Mục tiêu chính của xây dựng xã, huyện nông thôn mới chính là nâng cao đời sống cho nhân dân. Chính vì vậy, tất cả các chương trình, dự án, nhất là những công trình dân sinh phải thực hiện kịp thời, đảm bảo chất lượng lâu dài, phục vụ bà con nhân dân phát triển kinh tế - xã hội. Cùng đó, huyện đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập.

"Hướng đi bền vững được huyện Nghĩa Đàn xác định và được nhân dân đồng thuận ủng hộ là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị. Huyện đang tích cực thu hút đầu tư trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản...”, Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn nhấn mạnh.

Nhiều hộ dân ở Nghĩa Đàn quy hoạch lại các diện tích đất để phát huy hiệu quả

Để tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, ngành, địa phương ở huyện Nghĩa Đàn tích cực triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư huyện Nghĩa Đàn giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo” của Ban Thường vụ Huyện ủy.

Huyện Nghĩa Đàn cũng cam kết tích cực hỗ trợ, đồng hành, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư để sớm thực hiện các dự án, phát huy hiệu quả thiết thực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng huyện nông thôn mới theo mục tiêu đề ra.

 

Ngọc Lan (Tổng hợp từ Báo Nghệ An)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top