Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024  

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu tìm phương án xử lý hàng trăm trụ sở công dôi dư sau sáp nhập

Thứ sáu, ngày 26 tháng 7 năm 2024 | 9:31

Sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và các đơn vị, Hà Tĩnh có đến 245 trụ sở, tài sản công dôi dư. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng yêu cầu tìm phương án tháo gỡ.

Sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, hướng đến tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ, công chức.

Chủ trương này nhận được sự đồng thuận của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân. Tuy nhiên, hậu sáp nhập, bất cập lớn nhất là việc xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư. 

Tại kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa 18  vừa qua, ông Trịnh Văn Ngọc, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, qua rà soát sau sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, toàn tỉnh có 245 cơ sở nhà đất dôi dư chưa hoàn thành xử lý. Trong đó, cơ sở dôi dư thuộc các sở, ban, ngành cấp tỉnh và doanh nghiệp nhà nước quản lý là 11; 234 cơ sở nhà đất dôi dư thuộc các địa phương quản lý.

Toàn tỉnh có 35 tài sản công của các cơ quan Trung ương, đã xử lý xong 15 tài sản. Tại huyện Can Lộc, trong số 3 trụ sở (Viện Kiểm sát huyện, doanh trại Ban chỉ huy Quân sự huyện, Chi cục Thuế) đã xử lý xong 2 tài sản, chỉ còn lại doanh trại Ban chỉ huy Quân sự huyện Can Lộc cũ.

“Trụ sở sáp nhập xã để hoang thì lãng phí thật, để bò vào thì được, còn nếu địa phương cho ai mượn, thuê để quản lý sử dụng ngắn hạn lại vi phạm. Vì vậy, cần mạnh dạn đưa ra chính sách nào phù hợp hơn để tránh lãng phí”, ông Đặng Trần Phong, nguyên Chủ tịch UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) bày tỏ.

Hàng trăm trụ sở sau sát nhập đơn vị hành chính tại tỉnh Hà Tĩnh đang bỏ hoang, lãng phí Hà Tĩnh đang tìm phương án xử lý.

“Tài sản dôi dư có thể được xử lý, điều chuyển cho các đơn vị sử dụng hoặc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, quá trình xử lý do một số quy định hiện hành còn bất cập như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được điều chỉnh. Một số tài sản được nhận định tổ chức bán không khả thi, không có người mua. Ngoài ra, trình tự, thủ tục bán tài sản chưa quy định rõ ràng. Một số cơ sở dôi dư bị bỏ sót trong quá trình rà soát nên chậm xử lý”, ông Ngọc cho hay.

Tại kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa 18, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho biết, về việc giải quyết các trụ sở tài sản công, nhất là các trụ sở dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính, toàn tỉnh đã tiếp nhận 49 cơ sở nhà đất không còn nhu cầu sử dụng của các bộ, ngành trung ương. Trong đó, 29 cơ sở đã bàn giao, 20 cơ sở đang trong quá trình rà soát.

Trụ sở xã Việt Xuyên (cũ), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh bỏ hoang sau sáp nhập, tháng 9/2020.

UBND tỉnh đã hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp hơn 2.000 cơ sở nhà đất thuộc tỉnh quản lý, còn 145 cơ sở nhà đất đang xây dựng phương án quản lý. Nhiều trụ sở bỏ hoang, gây lãng phí.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho hay, đây là những hệ lụy mà tỉnh cần tìm những giải pháp khắc phục. Từ thực trạng trên, ông Hoàng Trung Dũng đề nghị UBND tỉnh phát huy vai trò của tổ kiểm tra, rà soát xử lý những trụ sở, tài sản công dôi dư và nêu cao trách nhiệm của các sở, ngành, tránh đùn đẩy, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm.

"Hiện nay, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đang triển khai chủ trương xây dựng các trụ sở như ban chỉ huy quân sự, đơn vị công an... Đề nghị các địa phương xem xét, rà soát việc sử dụng lại các trụ sở dôi dư. Chúng ta có thể tổ chức đoàn đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm của một số tỉnh, thành trong xử lý vấn đề này. Một số địa phương như Đà Nẵng thực hiện rất tốt. Tỉnh kiến nghị với Chính phủ sửa đổi các quy định về việc xử lý tài sản công dôi dư sát hơn với thực tiễn", ông Hoàng Trung Dũng nói.

 

Trà Giang

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top