Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 7 năm 2024  

Cơ hội xuất khẩu nông sản với sầu riêng cấp đông

Thứ ba, ngày 23 tháng 7 năm 2024 | 10:41

Bà Vũ Kim Hạnh, nhà tư vấn đầu tư, xuất khẩu hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ, sầu riêng Việt Nam hiện nay không chỉ có hướng xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc ở dạng quả tươi, mà sầu riêng cấp đông còn là mặt hàng được Thái Lan nhập khẩu nhiều nhất.

Củng cố chất lượng canh tác, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu sẽ là hướng đi phù hợp để ngày một gia tăng giá trị cho loại nông sản này.

Đa dạng thị trường, đa phương chế biến!

Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho rằng, nên định vị chiến lược xuất khẩu sầu riêng bền vững cho địa phương, cũng như toàn vùng cao nguyên, dựa vào cơ hội “lệch mùa” thu hoạch so với địa phương khác.

Cụ thể, sầu riêng Đắk Lắk có vụ chính từ tháng 7 - 9, sau đó đến tỉnh Gia Lai, huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng). Những thời điểm này sai khác với vụ thu hoạch sầu riêng ở miền Tây Nam Bộ (từ tháng 3 - 5), và khá lệch so với sầu riêng Thái Lan (vốn thu hoạch từ tháng 4 - 6 hằng năm). Lệch mùa thu hoạch sẽ tạo “khan hiếm” cục bộ ở dòng xuất khẩu chính của thị trường, và là lý do để một nước xuất khẩu sầu riêng rất cạnh tranh như Thái Lan phải mua sầu riêng Việt Nam.

Hơn nữa, hướng xuất khẩu sầu riêng lâu nay ở Tây Nguyên là xuất nguyên trái tươi, phục vụ nhu cầu ăn múi tự nhiên của người dùng. Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu sầu riêng chính từ Tây Nguyên và Việt Nam, là do hướng tiêu thụ này. Song sầu riêng tươi đòi hỏi lịch trình vận chuyển ngắn hạn, điều kiện bảo quản khắt khe nên chi phí cao, lợi nhuận thực tế cho người nông dân không cao mà lại nhiều rủi ro. Nếu đổi sang hình thức xuất khẩu múi sầu riêng cấp đông như Thái Lan, nhắm đến những tiêu chuẩn chế biến chuyên sâu khác nhau, sầu riêng Đắk Lắk và Tây Nguyên sẽ có những cơ hội khác hẳn.

Theo đó, ông Vũ Đức Côn cho biết, địa phương đang phối hợp các cấp ngành quản lý đề xuất, thương thảo xuất khẩu sầu riêng cấp đông chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Nếu đạt được thỏa thuận này, sầu riêng Đắk Lắk sẽ có thêm nhiều hướng phân phối, đa dạng thị trường, đa phương chế biến, thu hút được nhiều dự án đầu tư hấp dẫn vào địa bàn cũng như thực hiện kết nối logistics ra bên ngoài thuận lợi hơn.

Ngay với thị trường trong nước, sầu riêng ăn múi tươi đến nay đang ở mức giá cao, không phải người tiêu dùng nào cũng chấp nhận được. Do đó, nếu chuyển sang xử lý sầu riêng cấp đông, phục vụ các yêu cầu chế biến chuyên sâu, không còn bị lệ thuộc thời gian mùa vụ, sầu riêng Đắk Lắk lại càng có ưu thế cạnh tranh với thị trường.

Sơ chế, đóng gói sầu riêng cấp đông tại nhà máy của Công ty TNHH Ban Mê Green Farm (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Minh Thuận

Ba cơ hội không thể bỏ lỡ

Theo bà Vũ Kim Hạnh, có ít nhất ba cơ hội thay đổi thị trường và chất lượng hàng hóa nông sản khi chuyển dịch sầu riêng từ trái cây tươi sang cấp đông.

Thứ nhất, việc xuất khẩu sầu riêng của những vùng trồng trọng điểm như Tây Nguyên sẽ mở rộng từ Trung Quốc đến Thái Lan, và nếu đi kèm chiến lược cấp đông đóng túi, sầu riêng xuất khẩu còn có thêm những loại hình sản phẩm chế biến cao cấp, thực phẩm chuyên biệt để đi vào châu Âu hay Hoa Kỳ… Nếu thị trường trong nước cũng quen dần các phương thức bảo quản, tiêu thụ sầu riêng cấp đông hiện đại hơn, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân cũng sẽ thay đổi và là cơ hội rất lớn cho nông sản Tây Nguyên phát triển.

Thứ hai, sầu riêng thay vì thu hoạch tươi nguyên trái có thể xử lý bóc múi cấp đông, là một hình thức xử lý tốt hơn, bảo đảm thời gian bảo quản, chất lượng trái cây được ổn định, an toàn. Tình trạng thu hoạch sớm, sử dụng các loại hóa chất bảo quản nguy hiểm, ảnh hưởng sức khỏe người dùng sẽ dần bị loại bỏ. Ngược lại, giá thành sầu riêng qua cấp đông lại không ngừng tăng lên và việc tiêu thụ thuận lợi, chủ động hơn, không còn lệ thuộc mùa chính.

Thứ ba, vấn đề quan trọng hơn, chuyển hướng thu hoạch và bảo quản sầu riêng cấp đông sẽ giúp thay đổi quy trình và nhận thức canh tác của người nông dân, tạo những chuỗi giá trị đầu tư mới vào nông nghiệp nông thôn, đa dạng hóa, xã hội hóa nguồn lực sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nguyên. Người nông dân với hướng bảo quản sầu riêng cấp đông sẽ chủ động được lịch trình sản xuất của mình và tuân thủ tốt những yêu cầu canh tác, thu hoạch đúng tiêu chuẩn quốc tế hóa, ngày càng đổi mới, tăng cường nhận thức và cơ hội làm giàu.

Theo ông Vũ Đức Côn, những cảnh báo cơ hội này, rất đáng được các cấp quản lý và ngành chức năng quan tâm, chính quyền các địa phương thiết thực áp dụng. Khó khăn hiện nay của hướng thay đổi sản phẩm này, chính là hệ thống các kho lạnh chuyên ngành, các kho bảo quản nông sản chất lượng cao tại các địa bàn, cụ thể ở Đắk Lắk vẫn còn hạn chế, thiếu sự quy hoạch đồng bộ, tập trung bảo đảm chất lượng, sản lượng thu hoạch tốt cho các vùng chuyên canh diện tích lớn.

Đồng thời, hướng vận động xuất khẩu sầu riêng cấp đông cũng đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của cộng đồng các doanh nghiệp kinh doanh và người nông dân để có được những hệ thống xe vận tải chuyên dụng, phối hợp tổ chức các dịch vụ logistics chất lượng, an toàn và bền vững hơn.

Nhận thức về chuỗi cung ứng nông sản giá trị cao, từ khâu canh tác đến chế biến thực phẩm vì người tiêu dùng cần được quảng bá rộng rãi với cộng đồng xã hội, đến tận từng người nông dân, từ đó mới thực sự tạo chuyển biến mạnh cho sầu riêng xuất khẩu.

 

 

Nguyên Đức/Báo Đắk Lắk

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top