Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024  

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua lời kể của những người bạn cùng lớp

Thứ tư, ngày 24 tháng 7 năm 2024 | 20:34

Ngồi trong ngôi nhà đơn sơ của mình, ông Nguyễn Quang Hoằng ôm lấy vai người người bạn già Nguyễn Thanh Thản hỏi nhỏ: “Mai bạn có đến viếng Trọng không? Mai chắc mình về Lại Đà cùng các bạn viếng thôi, chứ sang bên kia đông lắm”. Rồi những giọt nước mắt và những ký ức về người bạn học cùng lớp Nguyễn Phú Trọng lại ùa về trong tâm trí của hai ông cách đây hơn 60 năm về trước.

Anh Trọng là một người rất quan tâm đến bạn bè

Tôi có may mắn được biết đến hai người bạn cùng học với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở trường cấp 2-3 Nguyễn Gia Thiều, ông Nguyễn Thanh Thản, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Quảng cáo & Hội chợ Thương Mại (VINEXAD) - lãnh đạo cũ của tôi; ông Nguyễn Quang Hoằng là bố của người bạn thân với tôi thời chúng tôi cùng học với nhau ở trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều. Biết hai ông đều là bạn học cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ lâu, nhưng hôm nay tôi mới có dịp để ngồi nghe các ông kể chuyện về người bạn cùng lớp học - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sau khi nhấp một ngụm nước và hỏi thăm một vài câu về tình hình sức khỏe, tôi hỏi ông Nguyễn Thanh Thản, ở phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Nguyễn Thanh Thản cho tác giả xem cuốn sách "Lứa học trò thủa ấy".

Chú ơi, kỷ niệm hay ấn tượng nào của Tổng Bí thư với Chú và các bác học cùng lớp cho đến bây giờ không thể phai mờ trong tâm trí của mọi người? Trầm ngâm một lát, dường như là để cho xúc động đi qua, ông Thản nhẹ nhàng kể: Chú với anh Trọng là bạn học cùng lớp với nhau từ hồi cấp 2 khi đó là lớp 7A, sau đó lên cấp 3 chú lại tiếp tục học cùng lớp 8B – 9B và 10B với anh Trọng ở Trường Nguyễn Gia Thiều. Những năm đó, đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh, việc đi học vô cùng là vất vả không chỉ đối với các chú, với anh Trọng thì vất vả, gian nan hơn rất nhiều. Bởi nhà anh Trọng ở bên kia sông Đuống, Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội).

Mỗi lần đi học, anh Trọng phải đi bộ lên bến đò Đông Trù hoặc bến đò làng Bắc Cầu để sang đây, mùa hè thì còn đỡ vất vả chứ những hôm nào mưa phùn, gió bấc thì khổ lắm. Trời mưa, đường trơn lại tối trời, đi không cẩn thận là bị ngã bẩn, ướt hết quần áo, mà nhà nghèo thì làm gì có để mà thay.

Sau này, vì nhà ở quá xa nên anh Trọng và nhóm các bạn nhà bên Đông Anh gồm có anh Ngô Bá Dục, Vương Khắc Tăng ở trọ nhà của một người bạn trong xóm Giếng (bây giờ thuộc phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) để thuận tiện cho việc học tập.

Nói về anh Trọng thì nhiều kỷ niệm lắm, nhưng có lẽ điều đọng lại trong tâm trí của tất cả các bạn học cùng lớp với anh Trọng cho đến tận ngày hôm nay, đó là sự quan tâm của anh ấy đến tất cả các bạn bè, không trừ một ai.

Trong lớp có bạn nào ốm đau hay gia đình có việc, mặc dù bận trăm công, nghìn việc, nhưng anh Trọng vẫn đến thăm, trừ những khi phải đi công tác còn không anh đều có mặt để thăm hỏi và động viên.

Tổng Bí thư gặp gỡ các bạn nhân dịp đón năm mới năm 2013.

“Trước đây, khi mẹ chú còn, biết bà cụ ốm nên anh Trọng sang tận nhà để thăm. Khi cụ mất, anh ấy cũng đến thăm viếng. Một lần chú bị tai nạn, đích thân anh Trọng cũng đến tận nhà thăm. Tết năm nào, anh Trọng cũng mời chú và một số người bạn thân đến tận nhà ở phố Thiền Quang.

Thời kỳ anh Trọng làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, chú thì công tác ở Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), nên có điều kiện để gặp nhau nhiều hơn so với các bạn cùng lớp khác. Lần nào gặp, anh Trọng cũng đều hỏi thăm sức khỏe đến từng người bạn, hay cùng chú đi thăm những người bạn bị ốm đau. Những lần đi thăm đó, không bao giờ anh Trọng đi xe công vụ mà thường đi cùng xe với các bạn trong lớp, hoặc tự đi xe máy đến", ông Thản cho biết thêm.

Tổng Bí thư tặng hoa thầy cô giáo khi về trường.

"Mặc dù là một lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhưng anh Trọng vẫn là anh Trọng của thuở học trò, rất trọng tình, trọng nghĩa". Trong một lần về trường để chúc mừng thầy giáo Nguyễn Văn Quế nhân dịp thầy 75 tuổi vào năm 1999, trong khi mọi người chuẩn bị lên xe ô tô để ra nhà thầy, thì anh Trọng lại nói với mọi người là muốn đi bộ cho đúng đạo nghĩa, vì nhà thầy Quế ở không xa với trường. Hành động này của anh Trọng làm cho mọi người rất kính nể, bởi sự “tôn trọng thầy cô” luôn có sẵn trong con người anh.

Lớp của chú đến nay chỉ còn trên chục người học cùng với anh Trọng còn sống thôi, nhưng họ đều yếu hết cả rồi, khi nghe tin anh ấy mất mọi người buồn lắm, muốn đến nhìn mặt bạn học thân thiết lần cuối, nhưng lại không đi được. Chỉ có chú và một người nữa còn khỏe sẽ thay mặt cho lớp đến viếng anh ấy thôi”, ông Thản nghẹn ngào nói.

Tổng Bí thư là một người học giỏi, hiền lành

Nói về người bạn học cùng mình, ông Nguyễn Quang Hoằng, ở thôn 1, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, cho biết: “Anh Trọng hiền lành nhưng chăm học lắm, anh là một trong những người học rất giỏi môn Văn. Anh ấy là một người hay làm thơ và làm thơ rất hay nên rất được mọi người yêu mến. Đặc biệt Anh trọng rất mê dòng văn học Cách mạng và yêu say đắm tác giả Hồ Chí Minh và Tố Hữu”.

Trong cuốn sách "Lứa học trò thuở ấy" có tên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

“Anh Trọng và chúng tôi là thế hệ lớn lên sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, thành phần gia đình đều là bần cố nông nên nghèo lắm, tôi còn nhớ anh Trọng đi học chỉ có mỗi cái áo cánh màu nâu, mùa đông thì có thêm mấy cái áo vá mặc bên trong thôi, nghèo lắm nhưng anh ấy học rất giỏi, Anh ấy năm nào cũng làm lớp trưởng và là Bí thư đoàn rất xuất sắc. Anh ấy thường có tên trong danh sách thi học sinh giỏi thành phố”, ông Hoằng nghẹn ngào nói về người bạn học - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nói về việc Tổng Bí thư học giỏi, ông Nguyễn Thanh Thản cho biết thêm: “Năm học lớp 10, anh Trọng đã có những bài thuyết trình ở những buổi ngoại khóa, điều làm chúng tôi khâm phục ở anh là chúng tôi đang trong cái tuổi vẫn “ăn chưa no, lo chưa tới” đó, thì ở anh đã có những cái cái nhìn rất sâu sắc về thân phận của người nông dân trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng, hay thân phận của những người phụ nữ trong thơ Tố Hữu”.

Điều mà những người bạn cùng học với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn yêu mến ông, là dù ở cương vị cao và giữ những trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhưng mỗi khi về thăm trường hay họp lớp, Tổng Bí thư luôn coi mình là học trò khi đứng trước các thầy cô và “đồng trang lứa” với các bạn cùng lớp.

"Mai bạn có đi viếng Trọng không? Chắc mình về Lại Đà viếng thôi, sang bên đó đông lắm", ông Hoằng (áo trắng) nói với người bạn Nguyễn Thanh Thản.

Hai ông nhớ lại vào dịp Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Trường Nguyễn Gia Thiều, nhà trường có tổ chức 2 hoạt động vào 2 ngày tại 2 địa điểm khác nhau. Ngày thứ nhất là Lễ Kỷ niệm tổ chức tại hội trường Nhà văn hóa Hàng không dành riêng cho các quan khách cấp trên cùng các cơ quan đơn vị có quan hệ với trường.

Ngày thứ hai được tổ chức ngay tại sân trường mang tính chất Hội trường kỷ niệm 55 năm trường Nguyễn Gia Thiều dành cho toàn thể giáo viên, nhân viên, học sinh; các thế hệ cựu giáo chức, cựu học sinh của trường.

Lúc đó anh Trọng đang là Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhưnganh không có mặt trong buổi lễ dành riêng cho quan khách, mà có mặt đúng giờ như trong giấy mời, sau khi chào thăm hỏi các thầy cô đã dạy tại trường thời gian 1957-1963; trò chuyện với các bạn đồng khóa và một số cựu học sinh các khóa sau này. Được mời phát biểu, anh nói xin được phát biểu với tư cách một cựu học sinh về thăm trường cũ, chúc mừng nhà trường đã đạt nhiều thành tích, chúc mừng các thầy giáo cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chúc các cựu học sinh thành công trong sự nghiệp, hạnh phúc trong cuộc sống.

Anh cũng tâm sự cùng các học trò THPT Nguyễn Gia Thiều 2005 về nhiều kỷ niệm đẹp gắn bó với ngôi trường, thầy cô và bạn bè. Bài phát biểu không chuẩn bị trước trên giấy đã cuốn hút các thế hệ giáo viên, học sinh Trường Nguyễn Gia Thiều có mặt trong Ngày Hội kỷ niệm 55 năm thành lập trường bởi sự chân tình, giản dị của người cựu học sinh đã  học 6 năm tại trường.

Hai ông đang trầm ngâm không nói gì thì bất giác ông Hoằng ôm lấy vai người người bạn già Nguyễn Thanh Thản hỏi nhỏ “Mai bạn có đến viếng Trọng không? Mai chắc mình về Lại Đà cùng các bạn viếng thôi, chứ sang bên kia đông lắm”. Rồi những giọt nước mắt cứ lăn ra từ đôi mắt mờ đục nằm phía sau đôi kính sẫm màu.

Tôi biết, cả hai ông đều đang rất xúc động khi nhắc về người bạn cùng lớp của mình nay đã không còn nữa, nhìn hai ông ôm lấy nhau không nói một lời, trong mắt tôi như muốn trực trào nước. Không phải hai ông buồn đau đâu, cả Đất nước này đều đau buồn như thế, nỗi đau này còn thấu tận trời xanh, cho nên mấy ngày hôm nay “người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” để tiếc thương một con người đã vì nước vì dân, cống hiến đến hơi thở cuối cùng.

Viết lại những tình cảm của bạn học cùng lớp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, như một nén tâm nhang để tưởng nhớ đến ông - Người chiến sỹ cách mạng kiên cường, suốt đời vì nước, vì dân.

 

Ngọc Thủy

Xem thêm

4[5] 6
Top