Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 8 tháng 8 năm 2024  

Trồng dưa lưới trong nhà màng hiệu quả kinh tế cao và hướng đến du lịch trải nghiệm

Thứ hai, ngày 5 tháng 8 năm 2024 | 8:52

Thay vì thâm canh, tăng vụ bằng các loại cây trồng truyền thống trên diện tích cấy lúa kém hiệu quả, ông Đặng Văn Phúc mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ Israel vào sản xuất. Bước đầu mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, mở hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Hải Phòng.

Hiệu quả cao

Ghé thăm mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của gia đình ông Đặng Văn Phúc (xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng), trước mắt chúng tôi là khu vườn có quy mô lớn, được quy hoạch bài bản. Bên trong nhà màng là những hàng dưa có trái màu vàng óng ả, to đều, thẳng tắp trên vùng đất vốn cấy lúa kém hiệu quả.

Ông Đặng Văn Phúc, người dân tiên phong trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng dưa công nghệ cao.

Là hộ tiên phong chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao của địa phương, dẫn PV thăm khu nhà màng trồng dưa lưới, ông Phúc hào hứng tâm sự: “Xuất phát từ người làm nông nghiệp nên khi địa phương có chủ trương chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng những giống cây mới, nâng cao thu nhập cho nông dân, năm 2020, tôi mạnh dạn thuê lại diện tích đất trồng lúa 4,5ha của bà con và xin chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Phải mất 3 năm cải tạo đất, dựng nhà màng… đến tháng 2/2023, vụ dưa lưới đầu tiên được đưa vào sản xuất”.

Ban đầu, ông Phúc dựng 3 nhà màng trên diện tích 1ha và đưa các giống dưa lưới Thiên Long, Hami vào canh tác. Mỗi cây được trồng riêng trong từng túi bầu với giá thể xơ dừa đã qua xử lý và đặt trên mặt đất có bạt lót vệ sinh môi trường.

Để bảo đảm cây dưa phát triển đồng đều thì nguồn nước, phân bón đều được chuyển qua hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại theo công nghệ Israel, giúp chất dinh dưỡng được hấp thụ tốt qua từng giai đoạn sinh trưởng của cây.

Ông Đặng Văn Phúc cùng người phụ trách kỹ thuật trao đổi về quá trình phát triển của cây dưa.

Trao đổi với P.V Kinh tế nông thôn, chị Lê Thị Ngà, phụ trách kỹ thuật cho hay, trồng dưa lưới không khó, nhưng cần am hiểu kỹ thuật chăm sóc và cách phòng trị sâu bệnh theo từng giai đoạn phát triển của cây. Chú ý giai đoạn cây ra hoa, thay vì thụ phấn bằng phương pháp thủ công như trước kia, qua tìm hiểu cộng với kinh nghiệm trong sản xuất, chúng tôi đã mua giống ong Ý từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam về thả vào nhà lưới để thụ phấn. Một con ong có thể thay thế sức lao động của 10 người, giúp giảm chi phí lao động mà tỷ lệ hoa đậu quả lại cao.

“Sau khi đậu trái, mỗi cây chỉ giữ lại một quả đẹp nhất để nuôi cho tới khi thu hoạch. Để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi quả cũng như phòng tránh dịch bệnh, phải thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh, tạo sự thông thoáng cho vườn. Sau mỗi vụ trồng đều phải vệ sinh, khử trùng nhà màng cẩn thận, rồi mới tiếp tục trồng vụ tiếp theo”, chị Ngà cho biết thêm.

Giai đoạn cây ra hoa, ong sẽ làm nhiệm vụ thụ phấn cho hoa, thay thế sức lao động của con người.

Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới của gia đình ông Phúc đem lại những ưu điểm như giúp tránh mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng, kiểm soát nhiệt độ trong vườn..., tiết kiệm công lao động so với phương pháp canh tác truyền thống.

Nhờ áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất dưa lưới, cùng với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, kiểm soát từ khâu chọn giống, chăm sóc cho đến khi thu hoạch nên sản phẩm dưa đảm bảo an toàn, chất lượng, bảo vệ sức khỏe người trồng cũng như người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.

Hướng đến du lịch trải nghiệm

Với diện tích 2.000m2/1 nhà màng, ông Phúc trồng 5.500 cây dưa lưới/vụ, mỗi vụ kéo dài khoảng 80 ngày. Dưa lưới sản xuất trong nhà màng có thể canh tác được 3 - 4 vụ/năm. Mỗi quả dưa đến kỳ thu hoạch có trọng lượng từ 1,5 - 3kg.

Cửa hàng hoa quả sạch của chị Tống Thị Thúy là đầu mối gia đình ông Phúc cung cấp dưa đến người dân Hải Phòng.

Là đầu mối phân phối dưa lưới đến với người dân Hải Phòng, chị Tống Thị Thúy (địa chỉ: số 49 Văn Cao, phường Đằng Lâm, quận Hải An, TP. Hải Phòng) cho hay: “Hiện nay những mặt hàng hoa quả sạch được người dân Hải Phòng chuộng và tìm kiếm nhiều. Dưa lưới của cửa hàng đang phân phối có vị thơm ngon, thanh mát, ngon ngọt, thịt dưa giòn nhiều nước nên có lượng tiêu thụ mạnh. Mỗi ngày được tôi bán ra thị trường với sản lượng là từ 200 - 500kg/ngàymỗi một vụ thu hoạch, giá bán 35.000đ/kg. Sản phẩm dưa lưới của cửa hàng được trồng trong nhà màng và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, không chất bảo quản và đã có thương hiệu nên sản lượng tiệu đến đâu hết đến đó”.

Với hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel giúp chất dinh dưỡng được hấp thụ tốt qua từng giai đoạn sinh trưởng của cây dưa.

“Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, hệ thống nhà màng đảm bảo nên cây dưa sinh trưởng và phát triển khá tốt, sản lượng thu hoạch đạt 7 - 9 tấn/vụ/nhà màng. Hiện nay, sản phẩm dưa lưới Thiên Long đang được bán với giá 30.000 - 35.000 đồng/kg. Dưa thu hoạch được thương lái thu mua và phân phối cho nhiều cửa hàng hoa quả sạch tại Hải Phòng. Hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với cấy lúa và các cây trồng khác”, ông Phúc phấn khởi cho hay.

Gia đình ông Đặng Văn Phúc hướng đến phát triển du lịch trải nghiệm để du khách hiểu thêm về quá trình tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, ông Phúc cho biết: “Với diện tích 4,5ha, tôi phấn đấu xây dựng 16 nhà màng để trồng dưa và nhiều cây trồng có giá trị kinh tế khác, tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động địa phương. Đồng thời kết hợp làm du lịch trải nghiệm, người dân và du khách không chỉ tham quan, trải nghiệm mà còn có thể ăn thử dưa tại vườn. Hình thức du lịch nông nghiệp này sẽ giúp du khách hiểu thêm quá trình tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của gia đình ông Đặng Văn Phúc đã mở hướng đi triển vọng cho sản xuất nông nghiệp ở Hải Phòng, góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen, tập quán canh tác của nông dân, từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với nhu cầu người tiêu dùng. Từ đó, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

 

Phạm Trang

Xem thêm

4 5[6]
Top