Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 8 tháng 8 năm 2024  

Cần Thơ bảo vệ vườn cây ăn trái trong mùa mưa lũ

Thứ hai, ngày 5 tháng 8 năm 2024 | 14:17

Những năm gần đây, dù không còn lũ lớn nhưng triều cường dâng cao và thời tiết diễn biến cực đoan, khó đoán do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Để tránh các thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra cho vườn cây ăn trái trong mùa mưa lũ, nông dân TP Cần Thơ đã và đang tích cực áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp được ngành Nông nghiệp khuyến cáo chủ động chăm sóc và bảo vệ vườn cây.

Nông dân tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền chủ động làm đập tạm để ngăn lũ và triều cường, bảo vệ vườn cây.

Tích cực bảo vệ vườn cây

Cây ăn trái là loại cây trồng lâu năm, nông dân phải đầu tư khá nhiều chi phí và công sức mới có được những vườn cây giúp mang lại huê lợi cho người trồng. Do vậy, nếu để xảy ra các sự cố vườn cây bị chết do ngập úng hay bị đổ ngã do giông lốc và mưa bão thì thiệt hại là rất lớn. Nông dân phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi và trồng lại cây. Nhận thức được điều đó và được các ngành chức năng quan tâm hướng dẫn và có các khuyến cáo thường xuyên, nông dân trồng cây ăn trái tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm chăm sóc và bảo vệ vườn cây.

Anh Cao Đàm Hữu Trị ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền, cho biết: “Nhờ phát triển trồng cây ăn trái, nhất là trồng cây sầu riêng mà nhiều hộ dân tại địa phương có thể vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Do vậy, bà con rất quan tâm đến việc bảo vệ vườn cây, nhất là chuẩn bị sẵn các máy móc để kịp thời tiêu thoát nước cho vườn cây ăn trái trong mùa mưa lũ. Tôi có 7 công đất trồng sầu riêng và hiện cũng chủ động đặt sẵn máy bơm nước trong vườn. Kiểm tra gia cố hệ thống bờ bao, thực hiện nạo vét, vệ sinh, dọn cỏ trong các mương vườn để dòng chảy thông thoáng, thuận lợi cho việc tiêu thoát nước khi gặp phải trời mưa to kéo dài”.

Theo ông Trần Văn Dũ ở ấp Đông Hòa, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, gia đình ông có 2ha trồng nhãn. Năm nay, dự báo lũ không lớn và hiện hầu hết các diện tích trồng cây ăn trái đều được bảo vệ bởi hệ thống đê bao vững chắc nhưng ông và các hộ dân tại địa phương không chủ quan bởi gần đây thời tiết diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, tình hình mưa lớn kéo dài, kết hợp với ảnh hưởng của nước lũ và triều cường có thể khiến vườn cây bị ngập nước, giông lốc và mưa bão cũng khiến cây dễ bị đổ ngã và hư hại, nhất là đối với các diện tích cây đang ra hoa và cho trái. Vì vậy, ông đã chủ động chuẩn bị máy bơm nước và thực hiện nhiều biện pháp nhằm tránh cây bị đổ ngã, hư hại do mưa gió. Thực hiện cắt tỉa tàn, tạo tán cây, buộc dây, chống đỡ cho cây và bón phân phù hợp để cây giảm nguy cơ bị đổ ngã.

Kịp thời khuyến cáo

Diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn TP Cần Thơ đã liên tục tăng và có đóng góp ngày càng lớn vào giá trị sản xuất nông nghiệp. Nhiều vườn cây ăn trái đã giúp nông dân có thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Đến nay, diện tích trồng cây ăn trái ở TP Cần Thơ đã đạt trên 25.000ha, với sản lượng trái cây có thể đạt hơn 223.250 tấn/năm. Cây ăn trái được trồng tại thành phố khá đa dạng về chủng loại, với nhiều loại trái ngon, đặc sản. Trong đó, diện tích trồng nhiều nhất là các loại sầu riêng, với 4.816ha. Diện tích trồng xoài các loại khoảng 3.376ha, nhãn 2.547ha, mận 1.792ha, mít 1.714ha, vú sữa 1.452ha, chanh 1.331ha, chuối 976ha, cam 974ha, măng cụt 847ha, bưởi 600ha, chôm chôm 366ha, ổi 360ha. Ngoài ra, diện tích trồng dừa là 1.326ha và các loại cây trồng khác là 3.617ha.

Để hỗ trợ nông dân chăm sóc và bảo vệ tốt các loại cây ăn trái, cũng như giúp nông dân phát huy hiệu quả vườn cây, thời gian qua ngành Nông nghiệp thành phố cùng các ngành chức năng tại các địa phương đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động tập huấn kỹ thuật. Hướng dẫn nông dân chuẩn hóa sản xuất đạt theo các tiêu chuẩn, chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa các khâu sản xuất, nhất là lắp đặt các hệ thống tưới phun nước cho vườn cây. Thúc đẩy nông dân tăng cường liên kết với nhau và với các doanh nghiệp nhằm gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thường xuyên cung cấp thông tin thị trường và dự báo thời tiết để giúp nông dân chủ động có giải pháp ứng phó. Đặc biệt, hằng năm khi chuẩn bị bước vào mùa mưa và các tháng cao điểm bị ảnh hưởng bởi mưa bão, lũ và triều cường, các cấp và các ngành chức năng cũng kịp thời có các khuyến cáo, hướng dẫn nông dân kiểm tra, gia cố các hệ thống đê bao, bờ bao... Chuẩn bị máy móc và các phương tiện tát nước để sẵn sàng tiêu thoát nước và phòng, chống ngập úng cho vườn cây ăn trái. Khuyến cáo nông dân thăm vườn thường xuyên, đề cao cảnh giác với tình hình vườn cây có thể bị ngập úng do mưa lũ và triều cường.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, năm nay tình hình thời tiết dự báo có nhiều diễn biến phức tạp bởi biến đổi khí hậu, nhiều khả năng có mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của La Nina, đặc biệt từ tháng 8 đến tháng 11 sẽ có mưa nhiều. Dù lũ được dự báo ở mức thấp nhưng tình hình giông lốc, mưa bão và triều cường tiếp tục diễn biếp phức tạp, ảnh hưởng đến các vùng trồng cây ăn trái, nhất là khi hầu hết vùng trồng cây ăn trái lớn đều nằm cặp theo các sông lớn. Nhiều vùng trồng cây ăn trái chịu sự uy hiếp trực tiếp của triều cường. Để bảo vệ các diện tích trồng cây ăn trái trong mùa mưa bão hiện nay và bước vào giai đoạn nước lũ đang lên, nông dân tại các địa phương, từng vùng sản xuất và từng hợp tác xã phải rà soát, gia cố lại các hệ thống đê bao, bờ bao. Chủ động chuẩn bị máy bơm nước và các phương tiện phục vụ tát nước. Cắt tỉa các cành cây già cỗi, tạo tán cho cây thông thoáng để hạn chế nơi trú ẩn cho sinh vật gây hại và kết hợp thực hiện các biện pháp chống chỏi phù hợp cho từng loại cây để phòng tránh cây bị đổ ngã. Mùa này, nhiều bà con cũng xử lý cho cây ra hoa và trái để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán 2025, nên chú ý cắt tỉa trái để nâng cao phẩm chất, chất lượng trái cây, bảo vệ cho cây khỏe mạnh. Quản lý tốt cỏ dại trong vườn cây ăn trái, không diệt cỏ bằng biện pháp phun thuốc cỏ để tránh lưu tồn trong đất và ảnh hưởng đến hệ sinh thái và chất lượng, an toàn của trái cây. Quan tâm sử dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ một cách phù hợp, chú ý theo dõi độ pH của đất để kịp thời có giải pháp xứ lý vôi và thực hiện các giải pháp để vườn cây ăn trái phát triển khỏe mạnh và có khả năng chống chịu tốt với các điều kiện bất lợi...

 

Khánh Trung/Báo Cần Thơ

Xem thêm

4 5[6]
Top