Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 8 tháng 8 năm 2024  

Mục tiêu 7% nhìn từ 3 trụ cột vững vàng

Thứ ba, ngày 6 tháng 8 năm 2024 | 13:43

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức từ cả nội tại và cả những tác động khó lường của kinh tế, thị trường và xung đột trên thế giới nhưng trên tinh thần nghiêm túc thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Không bàn lùi, chỉ bàn làm”, “Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” và “Nghĩ thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân được hưởng thụ thật”.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt 6,42%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023 (3,84%), vượt mục tiêu Nghị quyết 01 (5,5 - 6%), nằm trong rất ít nền kinh tế vẫn duy trì nhịp tăng trưởng cao trên thế giới.

Đây là tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 6 đến 6,5%, mức nhiều tổ chức kinh tế, tài chính trong nước và quốc tế nhận định (ông Paulo Medas - Trưởng nhóm phụ trách Việt Nam của IMF - dự báo, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 đạt gần 6%. Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% trong năm nay. Ngân hàng Standard Chartered dự báo GDP Việt Nam tăng 6%. Ngân hàng UOB (Singapore) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam đạt 6%. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo tăng trưởng trong năm 2004 sẽ  cao hơn mục tiêu mà Quốc hội đã thông qua, đạt 6,55 đến 6,95%).

Mục tiêu tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 là 7%. Ảnh minh họa 

Dù đã đạt kết quả tích cực nhưng mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2024 là năm đặc biệt quan trọng trong thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nên hai quý cuối năm có ý nghĩa rất lớn trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao của năm 2024. Thủ tướng  nêu yêu cầu phấn đấu đạt tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6,5 - 7%; lạm phát dưới 4,5%.

Theo nhiều chuyên gia, đây là mục tiêu thách thức vì những biến động khó đoán định từ các cuộc bầu cử trên thế giới, các cuộc xung đột, thị trường, biến đổi khí hậu và sự phục hồi của các nền kinh tế lớn, nhất là đối với nền kinh tế có độ  mở cao như nền kinh tế của ta.

Nói vậy không có nghĩa là không thể bởi tín hiệu tích cực ngày càng rõ nét và xuất hiện nhiều hơn trên cả 3 trụ cột (xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư): Nhu cầu hàng hóa trên thế giới có xu hướng tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần tại nhiều quốc gia có nền kinh tế lớn như EU, Hoa Kỳ. Các tổ chức quốc tế (Liên Hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Liên minh châu Âu, Quỹ tiền tệ Quốc tế…) đều đưa ra nhận định lạc quan và điều chỉnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu với mức tăng từ 0,1 đến 0,3 điểm phần trăm so với các dự báo trước đó.

Điều này thể hiện rõ qua tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nước ta, trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5%, xuất siêu 11,63 tỷ USD. Tháng 7 và 7 tháng, xuất - nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng (tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 69,72 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng trước và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Xuất - nhập khẩu hàng hoá 7 tháng đạt 439,88 tỷ USD, xuất siêu 14,08 tỷ USD). Xuất khẩu nông sản 7 tháng tiếp tục đà tăng trưởng cao, đạt 34,27 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ, xuất siêu 9,42 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023.

Ở trong nước, các chính sách trợ lực của Nhà nước như giảm 2% thuế VAT, miễn giảm tiền thuê đất và giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp đã tác động tích cực đến thị trường.

Ngoài ra, từ 1/7, Chính phủ cũng đã giảm hơn 36 khoản phí và lệ phí với tổng số tiền phí giảm khoảng 700 tỷ đồng. Từ những thuận lợi đó, doanh nghiệp sẽ phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh nhờ có điều kiện cơ cấu lại tổ chức sản xuất, giảm chi phí nguyên vật liệu, tăng năng suất lao động. Chính phủ cũng đang yêu cầu các ngân hàng cố gắng giữ và nếu có thể thì tiếp hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Với những biện pháp về tài chính, tiền tệ, thúc đẩy đầu tư công (nhất là đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng, như đường cao tốc, sân bay,…) và các hoạt động về cải cách thủ tục hành chính, trong 6 tháng cuối năm, sản xuất trong nước có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn để nền kinh tế đạt được mục tiêu đề ra, thậm chí cao hơn.

Thu hút đầu tư nước ngoài 7 tháng tiếp tục tăng, vốn đăng ký  đạt hơn 18 tỷ USD, vốn đầu tư trực tiếp đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023 và là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.

Tuy vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP như Thủ tướng yêu cầu, cần sự vào cuộc chủ động, đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng và tích cực của cả hệ thống chính trị, đây là động lực chính. Theo đó,  Thủ tướng nhấn mạnh, thể chế phải đi sớm, đi trước mở đường cho đột phá phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, phục vụ Nhân dân và các yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới, đáp ứng tốt nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, theo các chuyên gia kinh tế, hiện chúng ta có quan hệ kinh tế thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã ký 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với hơn 60 quốc gia, trong đó có nhiều nền kinh tế lớn, nếu khai tốt các đối tác này, xuất khẩu sẽ tiếp tục là đầu kéo tăng trưởng.

Thứ ba, Nhà nước cần khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân như Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ tư, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động của đội ngũ công chức gắn với khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức.

Thứ năm, nghiên cứu để sớm tăng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân, kéo dài chính sách giảm VAT đến tháng 6/2025 và tăng mức giảm thuế VAT lên 3 - 4% nhằm kích cầu tiêu dùng.

Cùng nhau thì không có gì cản được ý chí của chúng ta.

 

Thanh Hiền

Xem thêm

4 5[6]
Top