Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 8 tháng 8 năm 2024  

Hành trình đến hạnh phúc của người Việt Nam

Thứ tư, ngày 7 tháng 8 năm 2024 | 13:13

Tháng Tám - mùa Thu về không chỉ là câu chuyện chuyển mùa tuần tự hằng năm. Đối với người Việt Nam ta, Tháng Tám - mùa Thu trời xanh thắm, “mây của ta, trời thắm của ta - Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - NV).

Từ đây, nước Việt Nam bước vào thời kỳ mới, thời kỳ Nhân dân làm chủ, thoát ách nô lệ, tự lực xây nên cuộc sống mới ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Bài 1: Xóa mù chữ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Sau Ngày Độc lập (2/9/1945), một trong những việc làm đầu tiên để dân tộc Việt Nam thoát khỏi đói nghèo là dạy dân học chữ, phát triển ngành Giáo dục. Mục tiêu đặt ra là đào tạo thế hệ người Việt Nam mới sống lương thiện, giàu khát vọng, có đầy đủ phẩm chất, trí tuệ, tài năng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

Nỗ lực xóa mù chữ

Trước năm 1945, đại đa số người dân nước ta mù chữ. Theo tài liệu ghi lại của Nha Học chính Đông Pháp vào năm 1938 thì “95% dân chúng Việt Nam không biết một thứ chữ gì”.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay sau đó, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời, Bác Hồ đã đề nghị mở chiến dịch chống nạn mù chữ vì “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

Người dân ở tỉnh Sa Đéc (khu vực Đồng Tháp ngày nay) đi học chữ trong kháng chiến chống pháp. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Theo đó, ngày 8/9/1945, Nha Bình dân học vụ được thành lập (Sắc lệnh số 19). Chỉ sau một năm hoạt động, Bình dân học vụ đã có 74.957 lớp học xóa mù chữ và có hơn 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ (ước cả nước lúc đó có 22 triệu người).

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đảng và Chính phủ vẫn quan tâm lãnh đạo toàn dân tiếp tục công cuộc xóa mù chữ và tổ chức các lớp bổ túc văn hóa. Phong trào Bình dân học vụ phát triển, những lớp bổ túc văn hóa tiếp sau đó đã đưa 8 triệu người dân trong 9 năm kháng chiến (1946-1954) thoát nạn mù chữ. Tới năm 1959, tất cả các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng trung du miền Bắc đều hoàn thành nhiệm vụ xóa mù chữ cho Nhân dân ở độ tuổi 12-50. 

Kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), các vùng thấp thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc đã xóa xong nạn mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại miền Nam, đến năm 1975, vẫn còn 30% dân số mù chữ. Trong Chỉ thị 221 ngày 17/6/1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh: “Trước mắt, phải coi đây (xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa) là nhiệm vụ cấp thiết số một”. Cuối tháng 2/1978, 21 tỉnh, thành phố phía Nam cơ bản xóa mù chữ.

Sau khi đất nước thống nhất (30/4/1975), công cuộc xóa mù chữ tiếp tục sứ mệnh của mình với mục tiêu và nhiệm vụ cao hơn là phổ cập giáo dục trung học cơ sở và giáo dục thường xuyên... 

Hiện, tỷ lệ người trong độ tuổi 15-60 biết chữ mức độ 1 và mức độ 2 lần lượt là gần 99% và hơn 97%. Tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đều đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 48/63 tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (76,19%), trong đó có 4 tỉnh nâng chuẩn xóa mù chữ từ mức độ 1 lên mức độ 2 so với năm học trước (Phú Yên, Kiên Giang, Sóc Trăng và Quảng Nam).

Thành tựu giáo dục của Việt Nam được khẳng định qua việc các học sinh Việt Nam liên tục đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế. Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới, tăng 5 bậc so với năm trước. Chất lượng nguồn nhân lực đã có chuyển biến tích cực. Trong thành tựu về tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước những năm qua có phần đóng góp quan trọng của đội ngũ lao động trình độ cao mà đa số được đào tạo trong nước.

Nâng cao chất lượng giáo dục

Trên cơ sở những thành tựu đạt được, Đại hội XIII của Đảng đã định hướng phát triển giáo dục Việt Nam cho thời kỳ tới: “Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”.

Chiến lược phát triển giáo dục đặt mục tiêu ở bậc mầm non, phấn đấu 100% số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo vào năm 2030, số cơ sở giáo dục mầm non tư thục đạt 30%.

Tại Phiên họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho ý kiến về dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết: Chiến lược xác định 5 quan điểm với mục tiêu tổng quát là phát triển con người Việt Nam toàn diện, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; Tạo lập thế hệ người Việt Nam mới sống lương thiện, giàu khát vọng, có đầy đủ phẩm chất, trí tuệ, tài năng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc; Xây dựng hệ thống giáo dục mở, công bằng và bình đẳng, phục vụ học tập suốt đời, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, Chiến lược phát triển giáo dục phải gắn kết với chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo thành hệ thống giáo dục mở, liên thông. Đồng thời mong muốn, Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045 sẽ sớm được ban hành để các bên tổ chức thực hiện. Về tầm nhìn đến 2045, dự thảo Chiến lược xác định: Nền giáo dục Việt Nam phát triển hiện đại, kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, góp phần xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc; Giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực chính là sự gợi mở tư duy đột phá, đổi mới cho ngành giáo dục, tận dụng công nghệ cuộc cách mạng lần thứ tư, kinh tế số chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của một thế giới đang phát triển và hội nhập toàn cầu”.

Việt Nam - điểm sáng về thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) là nhận định trong Báo cáo năm 2015 của Liên Hợp quốc. Theo đó, các mục tiêu về giảm nghèo, bình đẳng giới và giáo dục được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, Việt Nam đã về trước thời gian và mục tiêu đề ra với thành tựu xóa đói giảm nghèo và hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học trước thời hạn gần 10 năm.

Bài 2: Quan tâm chăm sóc sức khỏe Nhân dân

 

Vân Nhi

Xem thêm

4 5[6]
Top