Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 8 tháng 8 năm 2024  

Trung Quốc kỳ vọng sầu riêng trở thành “cây làm giàu”

Thứ năm, ngày 8 tháng 8 năm 2024 | 9:27

Hải Nam được chọn là nơi đầu tiên thử nghiệm trồng sầu riêng số lượng lớn ở Trung Quốc, do nơi đây có nhiều ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, ở Tam Á, khu vực trồng sầu riêng lớn nhất của Hải Nam, mưa chủ yếu xuất hiện vào tháng 7 - 9 hàng năm đặt ra thách thức lớn cho người trồng.

Năm nay, Trung Quốc đưa sầu riêng “nhà trồng” ra thị trường trong tháng 7, bên cạnh hai nguồn cung chính từ Thái Lan và Việt Nam.

Kỳ vọng trở thành “cây làm giàu”

Hải Nam bắt đầu trồng thử sầu riêng những năm 1950, nhưng tỷ lệ sống rất thấp. Từ năm 2018, địa phương này bắt đầu đưa vào trồng trên diện rộng, hiện toàn tỉnh có khoảng 30.000 mẫu (1 mẫu Trung Quốc bằng 666,67m2) trồng sầu riêng.

Sầu riêng cho thu hoạch vụ đầu tiên, tuy sản lượng khá ít, được đánh giá là kết quả của sự liên kết giữa người trồng và các đơn vị nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài nước, khắc phục hàng loạt bài toán khó liên quan quản lý nước, phân bón; giám sát sâu bệnh, nhằm đưa tỷ lệ sống từ 30% giai đoạn đầu lên tới hơn 90% hiện nay.

Cùng với sự cải tiến và nâng cấp công nghệ trồng trọt, sầu riêng được kỳ vọng trở thành loại “cây làm giàu” cho người dân địa phương.

Năm 2023, Trung Quốc có khoảng 1.400 mẫu trồng sầu riêng cho ra quả, với sản lượng khoảng 50 tấn.

Những trái sầu riêng trong vụ đầu tiên đã được chính thức ra mắt và tiêu thụ tại thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam.

Nông dân Zhang Mingming thăm vườn sầu riêng của anh trên đảo Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: Straits Times.

Zhang Mingming, một doanh nhân 35 tuổi chuyển sang làm vườn gần đây, đang đứng trước vận may bất ngờ khi chuẩn  bị thu hoạch khoảng 1.000 quả sầu riêng từ trang trại ở huyện tự trị dân tộc Lê và dân tộc Miêu Bảo Đình thuộc tỉnh đảo Hải Nam. Hòn đảo này là nơi được xem là thiên đường của trái cây nhiệt đới tại Trung Quốc.

Sầu riêng anh trồng, thuộc giống sầu riêng Ganyao nổi tiếng Thái Lan, đang có giá bán  200 nhân dân tệ/kg (700.000 VNĐ). Nếu vụ thu hoạch diễn ra suôn sẻ, Zhang sẽ kiếm được khoảng 700.000 nhân dân tệ vào cuối mùa sầu riêng tháng 9 tới.

Thu nhập của Zhang sẽ còn tăng thêm khi hai giống sầu riêng khác Musang King và Black Thorn của Malaysia ở trang trại của anh bắt đầu ra quả trong một hoặc hai năm tới. Anh cho biết, trái sầu riêng của hai giống này có thể bán được giá cao, thậm chí có khi lên tới 2.000 nhân dân tệ (7 triệu VNĐ) mỗi trái.

Trên khắp tỉnh Hải Nam, những người nông dân thức thời như Zhang đang nỗ lực mở rộng trồng sầu riêng, vốn không phải là loài trái cây bản địa. Cơ hội kiếm được lợi nhuận lớn đã thúc đẩy nông dân tăng diện tích trồng sầu riêng.

Người tiêu dùng Trung Quốc cực kỳ yêu thích loại trái cây nặng mùi này. Năm 2023, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 1,4 triệu tấn sầu riêng tươi nhập khẩu từ Đông Nam Á, tăng hơn 70% so với năm 2022.

Theo tờ South China Morning Post, sầu riêng trồng tại đảo Hải Nam sẽ đưa ra thị trường vào tháng 7, với sản lượng trong năm nay ước đạt 200 tấn.

“Trung Quốc có rất ít đất canh tác để trồng sầu riêng. Trong tương lai, cần mở rộng thêm ngành chế biến sầu riêng, tạo chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh với Đông Nam Á và cùng khai thác thị trường”, ông Phùng Tuyết Kiệt (Viện cây ăn quả nhiệt đới Trung Quốc) cho biết.

Theo tờ China Daily, tỉnh Hải Nam đang cố gắng hoàn thiện nhà máy chế biến sầu riêng đầu tiên vào tháng 8/2024. Đây cũng là nhà máy chế biến sầu riêng đầu tiên của Trung Quốc.

Năm 2024, đánh dấu năm thứ hai sầu riêng sản xuất trong nước có mặt trên thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, rất ít người Trung Quốc thực sự được nếm thử chúng. Sản lượng quá nhỏ và giá quá đắt khiến chúng hầu như không thể tiếp cận được ở thời điểm hiện tại.

Tăng tốc phát triển ngành sầu riêng

Tại Hội thảo Công nghiệp sầu riêng Trung Quốc-ASEAN năm 2024 vừa tổ chức tại tỉnh Hải Nam, các chuyên gia cho biết, kể từ khi trồng thử nghiệm cây giống trên quy mô lớn thành công vào năm 2019, ngành sầu riêng Trung Quốc đang có xu hướng tăng tốc phát triển nhờ vào các định hướng chính sách, trao quyền công nghệ và hợp tác quốc tế. 

Năm nay, diện tích trồng sầu riêng ở tỉnh Hải Nam tăng lên gần 40.000 mẫu (2.666,7 ha), diện tích cho trái khoảng 4.000 mẫu, sản lượng dự kiến đạt 250 tấn.

Các chuyên gia nông nghiệp kiểm tra sầu riêng trồng trên đảo Hải Nam. Ảnh: Image China.

Hải Nam là tỉnh dẫn đầu Trung Quốc thử nghiệm thành công trồng sầu riêng trên quy mô lớn vào năm 2019. Đến năm 2022, tỉnh này ban hành kế hoạch hành động coi sầu riêng là một trong những chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh được tập trung xây dựng ở cấp tỉnh. Thời gian tới, để phát triển ngành sầu riêng, Hải Nam sẽ hỗ trợ toàn diện kinh phí nghiên cứu khoa học, thu hút nhân tài, phê duyệt sử dụng đất rừng, thông tin khí tượng... cũng như đẩy nhanh việc xây dựng các tiêu chuẩn địa phương và xây dựng thương hiệu sầu riêng.

Ông Lưu Tác Khải, Bí thư Đảng ủy Viện Khoa học Nông nghiệp Hải Nam, cho biết, hiện nay, ngoài Hải Nam, các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam cũng đang tích cực phát triển sầu riêng quy mô lớn (diện tích có thể đạt 30.000ha). Cùng với các chính sách thuận lợi và thị trường tiêu thụ, Trung Quốc sẽ xem xét thiết lập một hệ thống công nghệ ngành sầu riêng với lợi thế cạnh tranh độc lập, đồng thời tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại sầu riêng với các nước ASEAN.

Theo số liệu Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), nửa đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng đạt 1,32 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Sầu riêng hiện chiếm 65% tỷ trọng trong nhóm quả xuất khẩu.

Trong số 10 thị trường hàng đầu nhập khẩu sầu riêng Việt Nam nửa đầu năm, Trung Quốc dẫn đầu với kim ngạch 1,22 tỷ USD, chiếm 92,4%. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng 46%.

Đáng chú ý, Thái Lan là nước nhập khẩu sầu riêng Việt Nam sau Trung Quốc. Người Thái chi 47 triệu USD để nhập sầu riêng Việt Nam, tăng đến 90,5% so với cùng kỳ năm 2023.

 

 

Chanh (t/h)

Xem thêm

4[5] 6
Top