Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 8 tháng 8 năm 2024  

Trại heo ở Thanh Hóa gây ô nhiễm suối: Nhiều chỉ số nước thải vượt ngưỡng an toàn

Thứ tư, ngày 7 tháng 8 năm 2024 | 19:54

Kết quả phân tích mẫu nước từ vụ dân kêu trời vì suối ô nhiễm từ trại heo ở Thanh Hóa cho thấy có nhiều chỉ số nước thải vượt ngưỡng an toàn.

Nước có chất lượng rất xấu

Ngày 4/7, nhiều người dân xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn đã tới cổng trang trại chăn nuôi của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt đóng ở xã Bãi Trành, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) để phản đối và yêu cầu chấm dứt việc xả thải gây ô nhiễm nguồn nước suối khe Sào.

Ngày 5/7, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã lấy hai mẫu nước thải của trang trại (mẫu nước thải sau xử lý tại cửa xả ra hồ chứa và mẫu nước thải tại hồ chứa nước thải) và bốn mẫu nước mặt (hai mẫu tại khe Sào; một mẫu nước tại suối Tổng Kho - đoạn trước khi chảy qua khu vực trang trại và một mẫu nước tại khe nước từ phía trang trại chảy vào suối Tổng Kho).

Trang trại lợn của Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina gây ô nhiễm môi trường, bốc mùi hôi thối vào khu dân cư khiến hàng ngàn hộ dân "khốn khổ" trong thời gian qua

Kết quả phân tích sau đó cho thấy mẫu nước thải tại hồ chứa nước thải có chỉ số COD vượt 1,3 lần; BOD5 vượt 1,68 lần; coliform vượt 7 lần.

Kết quả phân tích 4 mẫu nước mặt so sánh với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt thì hai mẫu lấy ở khe Sào và một mẫu lấy tại khe nước từ phía trang trại chảy vào suối Tổng Kho có chỉ số BOD5 ở mức D; chỉ số COD, chỉ số P, chỉ số tổng N trong hai mẫu lấy ở khe Sào và khe nước từ phía trang trại chảy vào suối Tổng Kho đều ở mức D.

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt thì chỉ số ở mức D là đồng nghĩa với việc nước có chất lượng rất xấu, có thể gây ảnh hưởng lớn tới cá và các sinh vật sống trong môi trường nước do nồng độ oxy hòa tan thấp, nồng độ chất ô nhiễm cao. Trong khi đó, khe Sào là một trong những dòng chính của con sông Sào, cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt cho các xã Nghĩa Yên, Nghĩa Mai của huyện Nghĩa Đàn.

Từ những kết quả phân tích mẫu nước, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa khẳng định nước thải sau xử lý của trang trại lợn thuộc Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt thải ra hồ chứa sau một thời gian bị tái ô nhiễm do tù đọng lâu ngày và do yếu tố tác động của điều kiện thời tiết (nắng nóng kéo dài) dẫn đến làm tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong nước. Do hồ chứa nước không được lót bạt thành đáy đảm bảo chống thấm dẫn đến nước rò rỉ, thẩm thấu ra khe Sào.

Như vậy, việc phản ánh của người dân, chính quyền các địa phương huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An và huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa về hoạt động nuôi lợn của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt gây ô nhiễm môi trường nước khe Sào là có cơ sở. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã xử phạt hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt số tiền hơn 120 triệu đồng, đồng thời yêu cầu công ty này thực hiện các giải pháp đảm bảo môi trường, ngăn nước thải chưa xử lý ra bên ngoài.

Tiếp đó, huyện Nghĩa Đàn giao cho UBND xã Nghĩa Yên thực hiện quản lý nhà nước lĩnh vực môi trường theo quy định hiện hành, giám sát việc xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm mà cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã chỉ ra.

Cũng trên địa bàn Thanh Hóa, thông tin từ UBND huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina xây dựng trang trại chăn nuôi trên địa bàn xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh đã xuất bán, di dời gần 30.000 con lợn ra khỏi trang trại gây ô nhiễm.

Trước đó, sau khi kiểm tra thực tế và làm việc với các đơn vị liên quan vào chiều 2/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang yêu cầu, đình chỉ hoạt động trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Tân Phúc của Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Agri-Vina từ 30/7, đồng thời rà soát lại toàn bộ các nguồn phát sinh mùi hôi để có phương án xử lý, điều chỉnh biện pháp xử lý phù hợp.

Trang trại lợn của Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2021. Mục tiêu đầu tư, chăn nuôi lợn chất lượng cao, kết hợp trồng rừng sản xuất, trên diện tích khoảng 40ha.

Trang trại có quy mô gồm nhà lợn thịt (32 nhà, diện tích hơn 44.000m2), nhà lợn con sau cai sữa (7 nhà, diện tích gần 8.000m2), quy mô rừng sản xuất (15ha), công suất trang trại 60.000 heo thịt/năm.

Trang trại hoàn thành và bắt đầu đưa lợn vào nuôi từ đầu năm 2024, với số lượng 30.000 con.

Đồng Nai: Rà soát, di dời nhiều cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường tới nơi mới

Thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tại “thủ phủ” chăn nuôi Đồng Nai có số lượng đàn lợn, gà rất lớn (đàn lợn khoảng 2,5 triệu con, đàn gà khoảng 26 triệu con). Toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 1.400 cơ sở chăn nuôi tập trung và hơn 22.000 cơ sở chăn nuôi nông hộ với hai loại chính là lợn và gà. Ngành chăn nuôi ở Đồng Nai đóng góp lớn cho nền kinh tế, tuy nhiên nhiều năm trở lại đây cũng bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là không đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường.

Tháng 2/2023, tỉnh Đồng Nai phê duyệt danh sách di dời hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Theo đó, trước ngày 31/12/2024, tất cả cơ sở chăn nuôi này phải di dời đến nơi mới hoặc tự chấm dứt hoạt động.

Thực hiện chủ trương di dời các cơ sở chăn nuôi đến nơi mới để đảm bảo công tác môi trường, đến nay (tháng 8/2024) toàn tỉnh Đồng Nai đã có hơn 1.300 cơ sở chăn nuôi di dời, ngừng chăn nuôi. Trong đó chỉ có 10 cơ sở di dời đến nơi mới, số còn lại là ngừng chăn nuôi.

Các cơ sở di dời đến nơi mới là cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, có tiềm lực để tiếp tục đầu tư. Cơ sở ngừng chăn nuôi đa phần là cơ sở chăn nuôi nhỏ, do nông hộ làm chủ. Dù tỉnh Đồng Nai đã có chính sách hỗ trợ cơ sở chăn nuôi di dời đến nơi mới, nhưng đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ di dời.

Hiện, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai tiếp tục phối hợp với các địa phương để thực hiện rà soát, bổ sung các cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Theo đại diện các huyện, thành phố trên địa bàn Đồng Nai, việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, khu vực không được phép chăn nuôi là cần thiết và cấp bách, tuy nhiên quá trình triển khai di dời các địa phương gặp một số khó khăn như: Người dân khó tiếp cận hoặc từ chối tiếp cận chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm. Hầu hết cơ sở chăn nuôi nhỏ tại vùng nông thôn do nông hộ làm chủ, họ tận dụng đất trong vườn để làm chuồng trại chăn nuôi, khi có chủ trương di dời người dân không có điều kiện thuê đất, mua đất tại nơi mới để tiếp tục chăn nuôi.

Vì vậy, việc di dời các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm trên địa bàn Đồng Nai là một yêu cầu cấp thiết để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện thành công cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các ngành chức năng và người dân.

Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu

Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn cho biết, trong 3 năm qua, Việt Nam luôn duy trì đàn lợn đứng thứ 5 thế giới về đầu con, thứ 6 về sản lượng; đàn gia cầm đứng Top đầu thế giới trong đó thủy cầm đứng thứ 2 thế giới; sản lượng sữa tươi nguyên liệu đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN; sản lượng thức ăn chăn nuôi (TACN) công nghiệp đứng số 1 khu vực Đông Nam Á, thứ 12 thế giới.

Tuy nhiên, ông Thắng cho biết thêm, ngành chăn nuôi Việt Nam, cũng như thế giới, hiện nay đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các vấn đề như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biến động thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tình trạng kháng kháng sinh, … đặc biệt vấn đề quản lý môi trường chăn nuôi đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp bách cho ngành cần phải giải quyết.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi Việt Nam có nhiều đặc thù khác với các quốc gia khác đó là yêu cầu phát triển đảm bảo sinh kế cho nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (vẫn còn chiếm tỷ lệ cao với khoảng 9 triệu hộ); thách thức từ sự phụ thuộc vật tư đầu vào đặc biệt là nguyên liệu sản xuất TACN và con giống; hệ thống tổ chức chăn nuôi theo chuỗi, lưu thông, phân phối khép kín còn chiếm tỷ trọng thấp, công tác quản lý môi trường, xử lý chất thải chăn nuôi, phát triển bền vững đảm bảo an sinh xã hội và không đánh đổi môi trường.

Ông Thắng nhấn mạnh, để phát triển bền vững ngành chăn nuôi cần dựa trên các khía cạnh: đảm bảo hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo phúc lợi động vật. Do đó, xu hướng chuyển dịch ngành chăn nuôi trong thời gian tới cần phát triển cần đáp ứng đồng bộ: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn.

Trước thực trạng này, đòi hỏi toàn ngành phải tìm ra được hướng đi mới và chuyển đổi mô hình từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế nông nghiệp tuần hoàn là cần thiết để phát triển bền vững trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Theo đó, Mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nguyên lý cơ bản “ mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác” và kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được coi là một dạng nông nghiệp sinh thái nhằm mục đích tạo ra vòng tuần hoàn của các nguyên liệu và các chất, giảm việc sử dụng tài nguyên và giảm thải ra môi trường.

Theo các chuyên gia, trước mắt, để thực hiện thành công trong nông nghiệp tuần hoàn thì cần phải ưu tiên tập trung vào 2 đối tượng trọng tâm là doanh nghiệp và người nông dân. Để đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp và người nông dân thì nhiệm vụ then chốt cần thực hiện là phải nhà nước phải có khung chính sách, những cơ chế quy chuẩn cho từng đối tượng. Cơ chế chính sách để đảm bảo con người tự có động lực tự thay đổi hành vi để hướng tới kinh tế tuần hoàn sử dụng đầu vào ít, để lại phụ phẩm ít, giảm phát thải là bài toán rất quan trọng. Tất cả chính sách hiện nay hầu như đều áp dụng cho nền kinh tế tuyến tính.

Về doanh nghiệp cần có cơ chế chính sách đảm bảo sự bao trùm, sự nhất quán và sự dài hạn. “Trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn chính sách cần có sự nhất quán có thể dự báo được để doanh nghiệp có thể  đưa ra 1 quyết định đầu tư dài hạn trên cơ sở định hướng này có thể hiệu quả cho tất cả các bên từ người nông dân, người tiêu dùng và nhà sản xuất. Khi nói đến phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp thì cũng cần mở rộng ra về biên giới giao thoa giữa sản xuất nông nghiệp với các ngành phụ trợ, với công nghiệp, logistics và thương mại. Vì đối với góc độ là các nhà sản xuất thì chúng tôi không chỉ áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn ở các trang trại mà sẽ có những sự giao thoa giữa các trang trại, trong nhà máy sản xuất hay trong chuỗi cung ứng logistics. Khi có góc nhìn như vậy thì yêu cầu phải có định hình lâu dài về mặt chính sách. Do đó, tôi mong muốn cơ quan nhà nước có những chính sách luôn luôn có tính hiệu quả công bằng, ai làm tốt thì có cơ chế khuyến khích, làm chưa tốt thì có cơ chế ràng buộc như thế nào để làm động lực cho nền kinh tế ngày càng phát triển”. Bà  Lê Thị Hoài Thương, đại diện Tiểu bang Tăng trưởng xanh của Eurocham bày tỏ

Ông Huỳnh Quốc Dũng đại diện IDH cho biết: “Hỗ trợ chuyển đối số xanh, kinh tế tuần hoàn có hiệu quả phải có sự đầu tư. Do đó Bộ NN&PTNT nên có chiến lược định hướng trong việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn – đối tượng quan trọng nhất để có những mô hình hiệu quả. Muốn doanh nghiệp đầu tư thì cũng cần phải đảm bảo 2 yêu cầu là phải có thị trường và có lợi nhuận, lợi ích. Tôi đề xuất nhà nước, các tổ chức quốc tế nên hỗ trợ việc kết nối giữa các doanh nghiệp để thiết kế những cam kết chuỗi”.

Để làm kinh tế tuần hoàn cũng đòi hỏi phải đổi mới sáng tạo rất lớn và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ là rất cần thiết. Và người nông dân sẽ là những người trực tiếp tiếp nhận những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, từ đó áp dụng vào trong thực tiễn sản xuất. Do đó những chính sách cần phải ban hành tiếp theo chính là về vấn đề nâng cao nhận thức, trình độ kỹ thuật của người dân. Bởi khi chúng ta đã thay đổi toàn bộ mô hình sản xuất thì không còn tồn tại những cái cũ nữa mà là những sáng tạo hoàn toàn mới. Việc xây dựng các mô hình tuần hoàn cũng không chỉ đơn giản là dùng kinh phí để tổ chức sau đó mới đánh giá tổng kết kinh nghiệm mà mô hình ở đây là phải bắt đầu từ ý tưởng của các nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp, là 1 mô hình trong khuôn khổ pháp lý thì kinh tế tuần hoàn lới thực sự đi vào đời sóng xã hội.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ tuoitre, baodantoc, nhachannuoi...)

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top