Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024  

Dồn lực xuất khẩu nông sản thời kỳ cao điểm

Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024 | 15:50

Những tháng cuối năm 2024, nhiều quốc gia trên thế giới đã tăng mua các mặt hàng nông sản Việt Nam, trong đó có lúa gạo, rau quả và cá tra. Động thái này, làm cho doanh nghiệp (DN) đặt nhiều kỳ vọng dồn lực cho hoạt động xuất khẩu thời kỳ cao điểm những tháng còn lại của năm.

Xuất khẩu rau quả kỳ vọng đạt 7 tỷ USD.

Từ rau quả…

Những năm gần đây, Việt Nam trở thành nhà cung ứng nông sản nằm trong top đầu các quốc gia trên thế giới. Ba mặt hàng mang tính tiêu biểu trong hoạt động xuất khẩu nông sản của quốc gia nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng (có kim ngạch xuất khẩu cao) là rau quả, lúa gạo và cá tra.

Năm 2024, DN đặt chỉ tiêu sẽ xuất khẩu nông sản đạt 55 tỷ USD. Trong 3 mặt hàng vừa nêu, mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất là rau quả. Theo đó, Việt Nam đặt kỳ vọng xuất khẩu mặt hàng này đạt 7 tỷ USD. Sản phẩm mang tính đại diện để kim ngạch đạt mức nói trên là sầu riêng, thanh long, xoài, chanh dây cùng nhiều mặt hàng khác. Hiện nay, rau quả Việt Nam xuất sang các quốc gia trên thế giới có 2 dạng, trái cây tươi và hàng đông lạnh. “Về thị trường, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt, tiếp theo là Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan cùng các quốc gia khác…” - bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu chia sẻ.

Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 8/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 8 tháng qua xuất khẩu rau quả ước đạt 4,58 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất với gần 2,5 tỷ USD rau quả từ Việt Nam trong 7 tháng của năm 2024, chiếm tới 64% thị phần.

Ở An Giang, đơn vị có bề dầy tham gia vào hoạt động xuất khẩu rau quả là Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco). Đơn vị này hiện có 3 nhà máy đặt tại An Giang, tổng năng lực sản xuất 45.000 tấn/năm. Hoạt động kinh doanh của công ty phủ khắp các vùng, miền trong cả nước, kể cả tại Campuchia. Hệ thống nhà xưởng, dây chuyền, máy móc, thiết bị được nâng cấp đồng bộ và hiện đại, phục vụ cho chương trình xuất khẩu rau quả hàng năm của tỉnh. 8 tháng của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của tỉnh ước đạt 98.400 tấn, tương đương 50,2 triệu USD (tăng 14,91% về kim ngạch so cùng kỳ). Mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 2 trong xuất khẩu nông sản là gạo.

Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu lúa gạo năm 2024 sẽ đạt 5 tỷ USD, Việt Nam trở thành 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo mạnh nhất thế giới. Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi, do nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines, Indonesia và một số quốc gia khác vẫn ở mức cao. Những quốc gia này vừa là thị trường lớn, vừa là khách hàng mang tính truyền thống.

“Nhờ đẩy mạnh xuất khẩu gạo, lúa trên đồng luôn ở mức cao. Đài thơm 8, tôi bán được giá từ 8.300 - 8.500 đồng/kg; OM 18 hiện có giá từ 8.300 - 8.500 đồng/kg. Mức giá này, giúp nông dân ổn định cuộc sống” - ông Trần Văn Đệ (xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu) cho biết.

Tập trung “mùa” cao điểm

Ngoài rau quả, lúa gạo (2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tỷ đô), cá tra cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tốt. Dự kiến trong năm 2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ đạt kim ngạch 1,8 tỷ USD (tăng 6% so năm 2023). Đây là mặt hàng Việt Nam có lợi thế gần như tuyệt đối. “Hiện nay, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, các quốc gia Châu Á đẩy mạnh nhập hàng để phục vụ các sự kiện lớn cuối năm. DN chế biến cá tra đang bước vào cao điểm sản xuất” - ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt thông tin.

Doanh nghiệp chế biến cá tra tăng ca, kịp đáp ứng đơn hàng dịp cuối năm.

Điểm nhấn trong xuất khẩu nông sản Việt Nam từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của quốc gia và tỉnh đều cao hơn cùng kỳ năm trước. Trên bình diện cả nước, 8 tháng của năm 2024, mặt hàng rau quả đạt 4,63 tỷ USD (tăng 30,6% so cùng kỳ); gạo đạt 3,85 tỷ USD (tăng 21,7% so cùng kỳ); cá tra đạt 1,2 tỷ USD (tăng 8,2% so cùng kỳ).

Xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt đang bước vào thời kỳ cao điểm. Hy vọng với nỗ lực lớn, quyết tâm cao, các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sẽ đạt mức 55 tỷ USD trong năm 2024.

Nâng giá trị từ thương hiệu

Theo các chuyên gia, nếu nông sản có thương hiệu chính danh thì không chỉ mang về giá trị cao hơn, thu nhập của người sản xuất sẽ tốt hơn mà thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng được nâng tầm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), hơn 10 năm qua, xuất siêu nông sản bình quân khoảng 8 tỷ USD/năm. Các mặt hàng nông sản của Việt đang được người tiêu dùng thế giới đón nhận tích cực. Sản xuất chế biến và xuất khẩu các mặt hàng nông sản tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược quan trọng, trụ cột vững chắc của nền kinh tế cũng như sự ổn định xã hội.

Mặc dù đạt kết quả ấn tượng trên hành trình chinh phục thế giới nhưng theo nhiều chuyên gia, nông sản Việt đang giới hạn ở sản phẩm thô, xuất khẩu dưới dạng bao trơn và phân phối dưới thương hiệu đơn vị nhập khẩu ở nước ngoài nên giá bán thường thấp. Trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản chủ yếu ở các khâu chế biến, bao gói, hoạt động thương mại.

Theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, 80% sản phẩm nông sản xuất khẩu của chúng ta chưa có thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác,… Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá bán nông sản của ta chưa cao, giá trị thu về thấp, ảnh hướng lớn tới thu nhập của nhà nông, nhà vườn.

Chẳng hạn như mặt hàng sầu riêng, nếu không có thương hiệu sẽ thiệt thòi rất lớn. Sầu riêng giống Musang King thương hiệu từ Malaysia trồng tại Việt Nam được bán với giá 500.000 - 800.000 đồng/kg. Trong khi giống sầu riêng Ri6 của Việt Nam, chất lượng không thua kém, nhưng giá chỉ 100.000 đồng/kg, bằng khoảng 1/6 đến 1/8 so với sầu riêng Musang King.

Các chuyên gia cũng đưa ra rất nhiều nguyên nhân như: công nghệ xử lý trước và sau thu hoạch lạc hậu, chuỗi kinh doanh từ sản xuất, chế biến đến marketing, phân phối và tiêu thụ chưa phát triển.

Việc xây dựng thương hiệu nông sản và đăng ký nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ đối với nhiều nông sản chủ lực còn có vướng mắc về mặt pháp lý và kinh phí. Vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản được đề cập nhiều nhưng vẫn chung chung, chưa cụ thể, chưa có chiến lược, chương trình tổng thể đặc thù cho nông sản; chưa có sự kết nối, điều phối giữa các bên liên quan.

Tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, với kết quả trên, ngành Nông nghiệp sẽ đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD, tăng trưởng GDP 3,5% trong năm 2024.

 Ngành Nông nghiệp cũng đang tích cực phối hợp cùng các doanh nghiệp mở cửa các thị trường mới.

Theo đó, trong những tháng cuối năm, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, gồm: Tập trung giải ngân đầu tư công; tăng cường phòng chống dịch bệnh động vật, bảo vệ đồng ruộng; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong tất cả lĩnh vực như thủy lợi, phòng chống thiên tai, lâm nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, thú y, bảo vệ thực vật... Đồng thời, nâng cao năng lực chế biến sâu, tập trung xây dựng thương hiệu để nông sản Việt Nam thực sự có giá trị trên thị trường quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu những sản phẩm nông sản có lợi thế; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo Chiến lược đã đề ra.

Nhấn mạnh về việc phát triển thị trường tiêu thụ xuất khẩu, ông Tiến cho biết thêm, Bộ NN&PTNT tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Liên minh kinh tế Á - EU...; tận dụng các hiệp định thương mại quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thuỷ sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.

Ngoài các thị trường lớn, trọng tâm như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU, ngành Nông nghiệp cũng đang tích cực phối hợp cùng các doanh nghiệp mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: Các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...

“Đây là những giải pháp mang tính căn cốt để thúc đẩy cho toàn ngành Nông nghiệp về đích năm 2024 và tạo tiền đề cho những năm tiếp theo”, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh./.

 

Thanh Tâm (t/h thoibaotaichinhvietnam.vn, baoangiang.com.vn...)

Xem thêm

4 5[6]
Top