Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 28 tháng 9 năm 2024  

Xuất khẩu thủy sản nỗ lực về đích với sự dẫn dắt của những sản phẩm chủ lực

Thứ bảy, ngày 28 tháng 9 năm 2024 | 10:1

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 8 tháng của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng này được dẫn dắt bởi tôm, cá tra, và cá ngừ - những sản phẩm chủ lực của ngành. Nếu giữ được đà tăng trưởng như hiện tại, mục tiêu đạt 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 hoàn toàn khả thi.

Chế biến tôm phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Tăng trưởng từ những sản phẩm chủ lực

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 8 tháng của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng này được dẫn dắt bởi tôm, cá tra, và cá ngừ - những sản phẩm chủ lực của ngành.

Ngành thủy sản Việt Nam đã trải qua những biến động lớn trong vài năm qua. Sau đại dịch Covid-19, từ 2020 đến 2023, xuất khẩu thủy sản liên tục đối mặt khó khăn, khiến tổng kim ngạch năm ngoái dưới 9 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, năm 2024 đang đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ, với các số liệu tích cực từ đầu năm đến nay.

Trong đó, xuất khẩu tôm đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2023. Riêng tháng 8, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 404 triệu USD, tăng tới 20%, mức cao nhất từ đầu năm, cho thấy nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc khôi phục sản xuất và tăng trưởng.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, top 5 sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất trong tháng 8/2024 là tôm chân trắng, cá tra, cá ngừ, tôm sú và mực.

Theo đó, tôm chân trắng tăng 19%, cá tra tăng 12%, tôm sú tăng 6%; xuất khẩu mực tiếp tục sụt giảm hơn 9% trong tháng 8 do khai thác sụt giảm và những qui định chống khai thác IUU khiến doanh nghiệp chế biến mực không có nguyên liệu để chế biến xuất khẩu.

Trong tháng 8 xuất khẩu cá ngừ chỉ tăng 3% sau khi liên tục tăng trưởng 2 con số (14 - 56%) trong 6 tháng đầu năm. Xuất khẩu cá ngừ gặp khó bởi quy định về kích cỡ cá ngừ vằn theo Nghị định 37/2024/NĐ-CP.

Cá tra cũng không đứng ngoài đà tăng trưởng này. 8 tháng qua, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 9%. Trong khi đó, cá ngừ mang về 652 triệu USD, tăng mạnh 21% so với cùng kỳ. Đây là những con số cho thấy ngành thủy sản Việt Nam đang hồi sinh sau thời kỳ khó khăn.

Nguyên nhân chính của sự phục hồi này nằm ở việc nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc và EU tăng mạnh trở lại. Đặc biệt, tại Mỹ, xuất khẩu tôm đã tăng 21% trong tháng 8 nhờ các nhà bán lẻ cần bổ sung hàng hóa cho mùa lễ hội cuối năm. Tồn kho giảm và nền kinh tế Mỹ phục hồi cũng góp phần thúc đẩy nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Trung Quốc, một trong những thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam, cũng ghi nhận tăng trưởng đáng kể. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong tháng 8 tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, một phần nhờ Ecuador - đối thủ cạnh tranh chính gặp vấn đề về kiểm dịch và chất lượng sản phẩm, mở ra cơ hội chiếm lĩnh thị phần cho Việt Nam.

Thành công không chỉ đến với tôm, mà còn ở cá tra. Tháng 8, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 35 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ. Điều này không chỉ nhờ vào nhu cầu tăng, mà còn do chương trình đấu thầu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, mở rộng cơ hội cho cá thịt trắng như cá tra Việt Nam. Bên cạnh đó, cuộc điều tra chống bán phá giá đối với cá tra từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng đã mang lại tin vui khi các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam được xác định không vi phạm, giúp họ tránh được thuế chống bán phá giá. Đây là bước ngoặt quan trọng sau hai thập kỷ đối mặt với các rào cản thương mại từ thị trường Mỹ.

Xuất khẩu cá ngừ 8 tháng của năm 2024 đạt 648 triệu USD, tăng 48%.Thế mạnh chủ lực của cá ngừ xuất khẩu là cá hộp tăng 19% và xuất khẩu cá ngừ nguyên liệu đóng hộp như cá ngừ vây vàng và cá ngừ vằn. Nguồn nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu cá ngừ trong nửa đầu năm chủ yếu là từ lượng hàng dự trữ cuối năm và những tháng đầu năm. Dự báo những tháng cuối năm và năm 2025 xuất khẩu cá ngừ sẽ ít hơn, vì không có đủ nguyên liệu để chế biến xuất khẩu.

Đến hết tháng 8, xuất khẩu mực giảm 6,5% đạt 220 triệu USD. Trong đó, chỉ có thị trường Trung Quốc tăng 22% nhập khẩu mực Việt Nam, xuất khẩu sang các thị trường chính khác đều giảm. Sự sụt giảm này là do vấn đề về nguyên liệu, sức tiêu thụ giảm... Trong khi đó, xuất khẩu bạch tuộc tăng nhẹ 2,5% đạt 185 triệu USD.

VASEP nhận định, với mức tăng 14,5% xuất khẩu thủy sản trong tháng 8 mang lại tín hiệu tích cực cho cộng đồng ngành thủy sản. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức lớn đang ảnh hưởng đến ngành thủy sản xuất khẩu, như thẻ vàng IUU đối với thị trường EU, thuế chống trợ cấp tôm đối với thị trường Mỹ…

Tuy nhiên, triển vọng tích cực không thể che mờ những thách thức lớn vẫn còn phía trước. Giá tôm nguyên liệu có xu hướng tăng 10-20% so với cùng kỳ, đồng thời các dịch bệnh như EHP (bệnh vi bào tử trùng) đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất nuôi trồng. Thêm vào đó, Trung Quốc - thị trường quan trọng của thủy sản Việt Nam có dấu hiệu chững lại, khiến sức mua giảm. Dù vậy, các dịp lễ lớn như Trung thu và Quốc khánh tại Trung Quốc có thể kích cầu tiêu thụ thủy sản, đặc biệt là tôm.

Trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động, VASEP cho rằng các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần tiếp tục duy trì chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng tối đa các cơ hội từ các chương trình thương mại và đấu thầu quốc tế. Nếu giữ được đà tăng trưởng như hiện tại, mục tiêu đạt 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 hoàn toàn khả thi.

Nâng cao sức cạnh tranh

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước ngày 21/9/2024, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú đã có bài phát biểu với nội dung liên quan đến những thách thức của ngành tôm Việt Nam và những kiến nghị, đề xuất nâng cao sức cạnh tranh của ngành tôm đến phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả.

Tôm của Việt Nam là 1 trong 2 loài thủy sản nằm trong chiến lược phát triển nuôi của quốc gia.

Theo ông Quang, tôm của Việt Nam là 1 trong 2 loài thủy sản nằm trong chiến lược phát triển nuôi của quốc gia, với tổng giá trị xuất khẩu 3,5 – 4 tỷ USD, chiếm 13 -14% tổng giá trị tôm toàn cầu. Việt Nam là quốc gia được đánh giá có công nghệ chế biến tôm hiện đại nhất và có thế mạnh về sản xuất hàng giá trị gia tăng, hàng cao cấp. Khoảng 2 triệu nông dân liên quan đến ngành tôm.

"Năm 2023, sản lượng tôm Việt Nam giảm mạnh 32%, trong khi Ecuador tăng 14%, Ấn Độ tăng 2%, Thái Lan giảm 9%, Indonesia giảm 12%. Giá bán tôm thương phẩm giảm sâu do suy thoái kinh tế và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, trong khi giá thành tôm của Việt Nam lại rất cao và không cạnh tranh", ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho hay.

Tuy nhiên, ông Quang cho rằng nền sản xuất tôm còn bất cập, bởi chi phí nhân công chế biến tôm cao do các khu công nghiệp thường nằm ở cánh đồng xa khu dân cư, làm mất nhiều chi phí đưa đón công nhân. Bên cạnh đó, thời gian người công nhân từ nhà đến nơi làm việc kéo dài làm giảm năng suất lao động, đồng thời chi phí cuộc sống của người công nhân tăng cao làm áp lực tăng lương luôn đè nén doanh nghiệp và hiện tại lương công nhân Việt Nam ở mức cao của khu vực.

Trong khi đó, chi phí xử lý nước thải trong nuôi tôm rất cao. Cụ thể, doanh nghiệp phải xử lý nước đạt tiêu chuẩn loại B với chi phí 5.000 đồng/m3 rồi mới đưa về khu xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, xử lý nước thải đạt loại A mất 10.000 - 15.000 đồng/m3. Nếu để doanh nghiệp xử lý nước thải đạt loại A thì chỉ mất không quá 5.500 đồng/m3. Người nông dân nuôi tôm chưa chịu làm các chứng nhận BAP, ASC, tôm hữu cơ/sinh thái… nên khó bán tôm và bán được giá tôm không cao.

Tỷ lệ thành công của tôm nuôi tại Việt Nam (40%) quá thấp so với Ecuador (90%), Ấn Độ (60-70%). Phương pháp nuôi tôm của Việt Nam sạch bệnh lớn nhanh và công nghệ cao với mật độ cao có thể đến 500 con/m2 nên tôm bị stress, gây ô nhiễm môi trường làm phát sinh dịch bệnh thường trực (Ecuador nuôi tôm theo phương pháp kháng bệnh, thích nghi và vừa sức tải môi trường với mật độ chỉ từ 15-30 con/m2 nên Ecuador rất thành công trong nhiều năm nay).

Hiện tại, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất tôm giống kém chất lượng trà trộn vào thị trường, người mua không phân biệt được nên tỷ lệ nuôi tôm thành công rất thấp. Nuôi tôm của Việt Nam thường là các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ nên không có kênh cấp, kênh thoát riêng nên dễ lây lan dịch bệnh tôm.

“Trong chuỗi giá trị tôm, doanh nghiệp Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh ở khâu chế biến, tuy nhiên ở khâu nuôi tôm và khâu phân phối khó có thể cạnh tranh được với các đối thủ khác. Trong thời gian tới, các nước sẽ có thể bắt kịp và vượt Việt Nam cả về khâu chế biến, vì các Chính phủ và doanh nghiệp của họ cũng đang rất nỗ lực đầu tư công nghệ chế biến", ông Quang cảnh báo.

Do đó, ông Quang cho rằng ngành tôm cần thay đổi tư duy, thay vì chạy theo sản lượng, công nghệ cao (số lượng) cần phải chú trọng vấn đề bền vững và hiệu quả (chất lượng, môi trường, sức khoẻ và giá bán).

Đề xuất nâng cao sức cạnh tranh của ngành tôm đến phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả, ông Quang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có chính sách quy hoạch và quản lý về giống; nghiên cứu đề xuất sửa đổi về quy định đối với việc sản xuất tôm giống; cho phép các doanh nuôi tôm lớn gia hóa chọn giống theo hướng chọn lọc tự nhiên để có được tôm giống kháng bệnh, thích nghi với thời tiết, khí hậu và môi trường của từng vùng nuôi. Đề nghị Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống kênh rạch, đê điều, hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt cho  nuôi tôm.

Tập trung vào thị trường trọng điểm

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn của thuỷ sản Việt Nam, song hoạt động xuất khẩu sang thị trường này hiện còn gặp rất nhiều khó khăn do yêu cầu về chất lượng ngày càng cao.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn của nước ta, Công ty CP Vĩnh Hoàn đang có sự tăng trưởng khá mạnh về doanh thu. Trong tháng 8/2024, doanh nghiệp thu về 1.172 tỷ đồng doanh thu, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.

Việc ký Nghị định thư sẽ giúp tháo gỡ bớt rào cản cho xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, Vĩnh Hoàn thu về 8.355 tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bức tranh doanh thu của doanh nghiệp này có nhiều biến động trái ngược.

Trong khi xuất khẩu sang Mỹ, EU có sự tăng trưởng ổn định thì giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc lại giảm 34% so với cùng kỳ, còn 105 tỷ đồng trong tháng 8.

Một doanh nghiệp khác là Godaco Seafood cũng đang gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang Trung Quốc khi hiện nay, thủ tục hồ sơ xuất khẩu cá tra bằng đường mậu biên sang Trung Quốc còn phức tạp (chủ yếu do phía Trung Quốc), điều này làm chậm thông quan hàng hoá qua cửa khẩu, phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu và đánh mất uy tín trước các đối tác.

Bức tranh không nhiều màu sáng của các doanh nghiệp thủy sản sang thị trường Trung Quốc là bức tranh chung của ngành thuỷ sản Việt Nam.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với dân số đông và nhu cầu thủy sản ngày càng tăng, Trung Quốc hiện là một trong những thị trường rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam. Trong 7 tháng của năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 836,7 triệu USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, hiện nay, thị trường Trung Quốc ngày càng trở nên “khó tính”; các tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng được nâng cao. Do đó, các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc phải điều chỉnh, từ chất lượng hàng hoá đến tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình sản xuất trong nước. Nhiều doanh nghiệp chưa thể đáp ứng kịp các yêu cầu này.

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường (NAFIQPM), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc đang yêu cầu các đối tượng tham gia vào quá trình này phải có mã số, vùng nuôi, phải được kiểm soát và có khả năng truy xuất nguồn gốc…

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng yêu cầu các cơ sở bao gói phải thực hiện đăng ký và phải nằm trong danh sách được phép xuất khẩu sang Trung Quốc mới được tham gia vào công đoạn xuất khẩu thủy sản sống vào thị trường này.

Hiện các sản phẩm xuất khẩu nằm trong danh mục được Trung Quốc công nhận gồm 48 loài thủy sản động vật thủy sản sống.

Các cơ sở nuôi sẽ được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản, thú y địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), điều kiện vệ sinh thú y, được cấp mã số, lấy mẫu giám sát bệnh trong quá trình nuôi (tôm sú, tôm thẻ sống). NAFIQPM sẽ thẩm định điều kiện ATTP cơ sở bao gói xuất khẩu sản phẩm thủy sản sống và gửi văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ đăng ký của cơ sở tới Vụ Giám sát Kiểm dịch động thực vật (GACC).

TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho biết, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, đồng thời cũng là thị trường có tính cạnh tranh cao, nhất là đối với nông sản, thuỷ sản.
Để tận dụng được các lợi thế sẵn có, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp được khuyến cáo cần thay đổi cách tiếp cận, nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam được khuyến cáo cần tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá để có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường này, nhất là khu vực nhiều tiềm năng ở phía Bắc, Đông Bắc của Trung Quốc.

Song song với đó, doanh nghiệp cần chủ động trao đổi, kết nối thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định, chính sách thương mại của Trung Quốc; tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm để kết nối trực tiếp đẩy mạnh giao thương, hợp tác thương mại, kinh tế ổn định, lâu dài.

“Nếu Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu thủy sản sẽ đảm bảo cho chúng ta có được một khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn, thông qua các tiêu chuẩn cụ thể hơn, thị trường minh bạch hơn”, TS Lê Duy Bình nêu quan điểm.

Theo đó, khi có được Nghị định thư, các giao dịch hàng hóa sẽ minh bạch hơn; trong quá trình giao dịch có thể bảo vệ được cho các doanh nghiệp Việt Nam, như giao dịch qua ngân hàng hoặc các yêu cầu giao dịch chính ngạch.

Khi giao thương chính thống sẽ bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam, bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của đối tác.

Đối với tình trạng chậm thông quan hàng hóa qua xuất khẩu Trung Quốc, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công thương đã có thư cho Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc và thư cho Tỉnh ủy tỉnh Vân Nam và sẽ có những cải thiện về vấn đề này trong thời gian tới./.

 

Thanh Tâm (t/h)

Xem thêm

4[5] 6
Top