Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 5 tháng 10 năm 2024  

Xây dựng cơ chế thị trường để phát triển nông nghiệp xanh

Thứ tư, ngày 2 tháng 10 năm 2024 | 20:3

Phát triển nông nghiệp xanh là một xu hướng tất yếu trong sản xuất hàng hoá. Một trong những yếu tố để phát triển nông nghiệp xanh là đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp thông qua cơ chế thị trường

Còn nhiều “điểm nghẽn”

Nông nghiệp xanh là một hướng tiếp cận và phương pháp mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và tăng cường sức khỏe con người. Nông nghiệp xanh chú trọng vào việc áp dụng các phương pháp canh tác thông minh, sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thiểu sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm và đặc biệt là sử dụng công nghệ số để quản lý hiệu quả.

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp của Việt Nam đã và đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh. Nông nghiệp xanh ứng dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển nông nghiệp bền vững.

Tại Việt Nam, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái đã phát huy hiệu quả.

Mặc dù, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc từ năm 1986 đến nay, giúp Việt Nam cải thiện đáng kể an ninh lương thực, góp phần giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng nông nghiệp xanh của Việt Nam hiện nay còn bộc lộ nhiều lo ngại về chất lượng, tính bền vững và vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”. Cụ thể:

Sản xuất nông nghiệp của nước ta còn nhỏ lẻ và mang tính manh mún, chưa có sự liên kết chặt chẽ sâu về chuỗi sản xuất. Chuỗi liên kết trong sản xuất, trồng trọt nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay mới chỉ hình thành ở một số ngành hàng sản xuất nông sản xuất khẩu trọng điểm như lúa, cà phê, hồ tiêu, cao su.

Chưa ứng dụng triệt để khoa học, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp do chi phí ban đầu lớn, trong khi đó, năng lực đầu tư của các thành phần kinh tế vào nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, khả năng hiện đại hóa các thiết bị phục vụ nông nghiệp xanh là rất khó khăn, hạ tầng kết nối, hạ tầng thông tin trong nông nghiệp, nông thôn còn thiếu.

Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu là rào cản lớn trong quá trình xanh hóa ngành Nông nghiệp. Có thể thấy, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến cả một hệ sinh thái diện rộng, trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, dẫn đến nhiều vùng sản xuất sẽ phải quy hoạch lại và tìm những cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện mới...

Xây dựng cơ chế thị trường để phát triển nông nghiệp xanh

Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nền nông nghiệp hiện đóng góp khoảng 12% GDP của Việt Nam, cung cấp sinh kế cho khoảng 30% lực lượng lao động.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng các công nghệ xanh trong nông nghiệp, từ hệ thống tưới nhỏ giọt, công nghệ nhà kính thông minh đến việc sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất. Các mô hình này đã giúp giảm lượng phát thải CO2, tiết kiệm nước tới 50%, và tăng năng suất cây trồng từ 20% đến 30%. Việt Nam cũng đang hướng tới mục tiêu giảm 9% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với kịch bản cơ sở, đồng thời cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Để đạt được điều này, ngành Nông nghiệp cần xây dựng một cơ chế thị trường linh hoạt, nơi các sản phẩm nông nghiệp xanh được khuyến khích và hỗ trợ phát triển, đó chính là bệ đỡ để thúc đẩy huy động nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân, từ mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng các mô hình phát triển xanh, bền vững. Đặc biệt, thị trường sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, người nông dân và các bên có liên quan liên kết với nhau một cách hiệu quả, tối ưu hóa quá trình sản xuất, tiêu thụ và lưu thông hàng hóa.

Việt Nam đã có các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và hiện đang thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Chiến lược xác định 6 ngành quan trọng, trong đó có ngành nông nghiệp bền vững.

Theo đó, Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động phát triển xanh, bền vững, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp như Quyết định 429/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030; Quyết định 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030; Quyết định 157/QĐ-TTg ngày 1/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030...

Chú trọng vấn đề môi trường trong phát triển nông nghiệp đô thị

Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã chỉ rõ, công tác quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện dẫn đến không gian cho phát triển nông nghiệp đô thị cũng bị ảnh hưởng. Do vậy, quy hoạch đô thị cần lồng ghép với phát triển nông nghiệp đô thị, có tính đến đặc thù của vùng nội đô và ven đô, tính đến sản phẩm đặc sản, đặc hữu, bản địa và yêu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, phát triển nông nghiệp đô thị cần xây dựng chiến lược có tính dài hạn, phù hợp với quy hoạch phát triển ở các khu đô thị và tốc độ đô thị hóa của từng địa phương. Đặc biệt, cần có chính sách, chương trình phát triển nông nghiệp đô thị để ứng dụng các công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Đồng thời, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa khu vực tư nhân và nhà nước trong phát triển nông nghiệp đô thị và xa hơn nữa, việc sử dụng tối đa các không gian ở đô thị để sản xuất nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, môi trường sống xanh cho người dân đô thị cũng là kinh nghiệm mà các nước tiên tiến trên thế giới đã thực hiện thành công.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, do chúng ta phát triển đô thị quá nóng, quy hoạch chưa có tính đồng bộ nên vấn đề môi trường luôn trong tình trạng quá tải. Do vậy, cần ưu tiên tập trung cho công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể là việc xử lý chất thải và nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; chế biến theo hướng hạn chế pha loãng chất thải và tiến tới chấm dứt tình trạng quá tải của công nghệ biogas khi xử lý chất thải chăn nuôi.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên cho rằng, vấn đề môi trường luôn là thách thức lớn đối với sản xuất nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Do đó, trong những năm qua, lực lượng khuyến nông của tỉnh Hưng Yên đã thường xuyên lồng ghép trong các buổi tập huấn, tham quan, học tập cho bà con cũng như triển khai các mô hình về việc giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường nói chung.

Thông qua các chương trình khuyến nông cũng như các mô hình dự án, ngành khuyến nông Hưng Yên đã thực hiện nhiều mô hình trong các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Đặc biệt là chú trọng đưa các giống mới, các tiến bộ kỹ thuật, cũng như các giải pháp để sản xuất an toàn, giảm chi phí, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nông dân.

Theo ông Nguyễn Văn Kiên, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sẽ góp phần giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như phân bón hóa học. Lực lượng khuyến nông của địa phương cũng đã hướng dẫn người dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ cũng như thuốc trừ sâu sinh học để giảm ô nhiễm môi trường, nhưng vẫn đảm bảo năng suất cũng như không ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.

“Bên cạnh đó, ngành khuyến nông còn thực hiện Dự án Phát triển chăn nuôi bền vững, trong có có điểm nhấn là việc sử dụng máy tách phân. Ví dụ, năm 2023, ban đầu khi triển khai 50 máy tách phân tại một số hộ thì phần lớn người dân đều không biết đó là máy gì, nhưng khi sử dụng thì thấy nó rất dễ vận hành và hiệu quả. Máy này có thể tách gần như đạt 80-90% chất thải rắn, sau đó sẽ được ủ với men vi sinh làm phân bón hữu cơ cho cây trồng”, ông Kiên chia sẻ.

Bên cạnh lĩnh vực chăn nuôi, trong 3 năm vừa qua, lực lượng khuyến nông Hưng Yên đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) trong công tác xử lý chất thải trong trồng trọt tại 12 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm khi thu hoạch và thải ra có thể dùng để ủ phân hữu cơ hoặc dùng bạt phủ theo kỹ thuật của Nhật Bản.

“Tới đây, việc cắt giảm ô nhiễm môi trường chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng cả trong trồng trọt (chủ yếu đi vào VietGAP và sản xuất sản phẩm hữu cơ) và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Từ đó, vừa đảm bảo được môi trường xanh sạch vừa giúp nông dân có thu nhập cao và phát triển bền vững”, ông Kiên cho hay.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ Tapchitaichinh, nongnghiep, kinhtedothi...)

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top