Đặc biệt, việc giảm đầu lợn từ các hộ chăn nuôi, nguy cơ dịch bệnh bùng phát đang là thách thức không nhỏ cho nguồn cung phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025.
Nguồn cung bị ảnh hưởng
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), 19 địa phương phía Bắc bị thiệt hại bởi bão số 3 và hoàn lưu của nó. Cụ thể, tổng số thiệt hại gia súc 9.063 con; gia cầm 2.025.554 con. Trong đó, 5 tỉnh, thành chịu thiệt hại nặng nhất gồm: Hải Phòng (3.923 con gia súc, 713.303 con gia cầm); Quảng Ninh (1.874 con gia súc, 262.222 con gia cầm); Yên Bái (426 con gia súc, 122.602 con gia cầm); Hải Dương (73 con gia súc, 388.605 con gia cầm); Vĩnh Phúc (600 con gia súc, 17.917 con gia cầm).
Đối với Hà Nội, con số thiệt hại chỉ là 29 con gia súc, trong khi gia cầm lên đến 37.508 con. Quốc Oai là huyện có nhiều trang trại chăn nuôi lợn của Hà Nội. Đợt mưa lũ do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra, các trang trại chăn nuôi ít bị ảnh hưởng.
Trao đổi phóng viên, bà Nguyễn Thị Sắc, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Quốc Oai, cho biết, huyện có khoảng 20.000 đầu lợn, được nuôi chủ yếu ở các trang trại vừa và nhỏ. Đợt mưa lũ vừa qua, địa phương không bị thiệt hại đến đàn lợn, mặc dù các xã ven sông Tích bị ngập lụt nhiều ngày.
Chủ động phòng chống dịch tả lợn Châu Phi để có đủ nguồn cung cho thị trường dịp tết Nguyên đán.
“Do các trang trại chăn nuôi lợn của huyện đã được quy hoạch tập trung ở những vùng cao, xa sông Tích; mặt khác, các hộ chăn nuôi lợn riêng lẻ không còn nhiều, nên thiệt hại đối với đàn lợn tại Quốc Oai là không có”, bà Sắc nói.
Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại, nhận định, số đàn lợn thiệt hại thực tế có thể cao hơn nhiều lần so với thống kê, do khó khăn trong việc thu thập dữ liệu và nhiều địa phương vẫn đang phải khắc phục hậu quả bão lũ.
“Có những trại 5.000 con ở Yên Bái, Lào Cai bị xóa sổ. Điều tương tự cũng xảy ra ở Thái Bình. Tôi e ngại rằng con số có thể lên tới hàng trăm nghìn con. Ngoài ra, nếu sắp tới, công tác vệ sinh không làm tốt, nguy cơ cao các dịch bệnh nguy hiểm đối với đàn lợn như dịch tả châu Phi bùng phát, khiến đàn lợn còn hao hụt tiếp, khả năng cao sắp tới nguồn cung sẽ giảm”, ông Trọng nói.
Ông Trọng cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới bởi trong đợt mưa bão vừa qua, nhiều hộ đang nuôi lứa lợn để chuẩn bị cho Tết nhưng phần nhiều trong số này bị thiệt hại.
Khó khăn và thách thức
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết: “Nguy cơ dịch bệnh thông thường cuối năm rất lớn, cộng thêm bão lũ đang diễn biến phức tạp, Cục Thú y đã chỉ đạo tăng nguồn hóa chất, thuốc sát trùng và vắc - xin để tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh”.
Bà Nguyễn Thị Sắc chia sẻ, may mắn là số đầu lợn trên địa bàn huyện không thiệt hại, nhưng không hẳn là đã an toàn. Bởi từ nay đến cuối năm, với tình hình thời tiết thay đổi bất thường, lại là cao điểm của dịch bệnh, vì thế, nguy cơ xảy ra dịch bệnh đối với đàn lợn là rất lớn. Do đó, ngay từ bây giờ, phải coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh.
Hiện, nuôi lợn theo hộ gia đình ở Quốc Oai không còn nhiều, nguyên nhân do ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt. Vì vậy, bà con đã chuyển sang chăn nuôi tập trung tại khu vực được quy hoạch. Việc chăn nuôi tập trung có những thuận lợi và khó khăn. Nếu xảy ra dịch bệnh sẽ phải tiêu hủy cả đàn và ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường.
Một trong những khó khăn nữa đối với chăn nuôi lợn là nguồn thức ăn, nước uống. Sau bão, lũ lụt, nguồn thức ăn của gia súc có thể bị lũ cuốn trôi, hư hỏng, bị ô nhiễm do mầm bệnh từ nơi khác đến, bùn đất nổi lên bám vào cây trồng, sức khỏe của đàn vật nuôi giảm sút, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của đàn lợn.
Ông Nguyễn Đình Đảng, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi, thủy sản và thú y Hà Nội, cho biết: “Hà Nội hiện có quy mô đàn khoảng 155 nghìn trâu, bò; 1,48 triệu con lợn và trên 41 triệu con gia cầm. Đây là quy mô đàn tương đối ổn định và với tình hình dịch bệnh được kiểm soát như bây giờ, tin rằng Hà Nội vẫn đảm bảo cung cấp tốt cho thị trường dịp cuối năm”.
Đảm bảo nguồn cung cho Tết
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thịt lợn hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong “rổ thực phẩm” của người tiêu dùng trong nước. Chính vì vậy, việc bảo đảm nguồn cung thịt lợn luôn là vấn đề được ngành nông nghiệp quan tâm. Từ năm 2019 đến nay, tốc độ tăng tổng đàn lợn được duy trì. Sản lượng thịt lợn cũng ngày một tăng, đáp ứng cơ bản đầy đủ nhu cầu về thịt lợn cho người tiêu dùng. Thêm vào đó, giá thịt lợn từ cuối năm 2023 đến nay cũng khá tốt, bảo đảm có lợi cho doanh nghiệp, hộ chăn nuôi.
Dự báo về nguồn cung, giá lợn, gà các tháng cuối năm, ông Tiến cho rằng: So với cùng kỳ năm 2023, nguồn cung thịt lợn, gia cầm năm nay sẽ vẫn giữ ở mức ổn định nên giá các mặt hàng này sẽ không có biến động nhiều mà vẫn duy trì ở mức vừa phải.
Theo ông Tiến, những năm qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững. Đặc biệt là trong việc kiểm soát dịch bệnh và ngăn chặn hoạt động buôn lậu, nhập khẩu trái phép thịt lợn, các sản phẩm thịt lợn.
Ông Tiến nhấn mạnh, dịp cuối năm, cận Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm nói chung sẽ rất lớn, nếu không chủ động từ sớm, từ xa thì nguồn cung thịt lợn sẽ bị ảnh hưởng lớn, đảm bảo nguồn cung phải tăng 10 - 15% dịp trước, trong và sau Tết. Chính vì vậy, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y và các địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và PTNT.
“Nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung là đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh. Xây dựng ngành hàng thịt lợn theo chuỗi liên kết, hài hoà lợi ích giữa các thành phần tham gia. Đồng thời, khuyến khích phát triển chăn nuôi các giống lợn đặc sản, bản địa gắn với du lịch sinh thái, tích hợp đa giá trị”, ông Tiến khẳng định.
Theo đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành chăn nuôi phải bám sát 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Đây là những đề án về giống, công nghiệp giống, thức ăn, môi trường, thiết bị chăn nuôi, chế biến, khoa học công nghệ và cũng là những căn cứ pháp lý quan trọng, xuyên suốt trong một thời gian dài.