Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024  

Dấu ấn nông thôn Hà Nội

Thứ hai, ngày 7 tháng 10 năm 2024 | 9:59

Tôi sinh ra ở nơi giáp Thủ đô không thể gần hơn và chỉ mới chứng kiến Hà Nội “thay da đổi thịt” gần 30 năm. Nhưng, ấn tượng trong tôi về Hà Nội thực sự thay đổi từng ngày.

Những kết quả ấn tượng

Nhìn lại quá trình 70 năm sau ngày giải phóng, Thủ đô luôn phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn, nổi bật với nhiều con số ấn tượng. Đặc biệt là ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn.

Hà Nội sau ngày giải phóng (10/10/1954) bị ảnh hưởng do chiến tranh tàn phá nặng nề, nông nghiệp ngoại thành tiêu điều, ruộng đất hoang hóa, sâu bệnh, dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi hoành hành, trâu - bò ít, sức kéo thiếu, hệ thống thủy lợi hầu như chưa có… Nông thôn nghèo, lạc hậu, đời sống nông dân cơ cực.

Thực hiện chủ trương của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn người dân trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản. Quá trình cải tạo, phát triển sản xuất nông nghiệp được thực hiện theo phương châm kết hợp giữa thủy lợi hóa và hợp tác hóa; bước đầu thí điểm cơ khí hóa nông nghiệp từ những năm 60 của thế kỷ XX.

Mô hình sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ đang dần phổ biến tại Hà Nội. Ảnh: Khắc Nam

Trong giai đoạn 1965-1975, ngành Nông nghiệp Hà Nội thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý HTX, đưa lên HTX bậc cao; thực hiện “3 xây, 3 chống” trong các cơ sở nông, lâm, ngư nghiệp. Năng suất lúa đạt trên ngưỡng 5 tấn/ha/năm, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 1975 đạt 90.907 triệu đồng, tăng 19,3% so với năm 1965.

Hệ thống thủy nông, thủy lợi lớn từng bước đã được xây dựng, dần đáp ứng được yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; người dân tích cực khai hoang mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời áp dụng rộng rãi các biện pháp cải tiến kỹ thuật canh tác nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; mở rộng phát triển thêm các ngành nghề nông thôn nhằm nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

Đến nay, Hà Nội đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hoá tập trung với năng suất và giá trị thu nhập cao như: vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng cam Canh, bưởi Diễn, vùng chăn nuôi gia cầm, bò thịt, bò sữa tập trung tại các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, Ba Vì, Thanh Trì, Mê Linh… 

Xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt nhiều kết quả ấn tượng. Đến nay, Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã (100%) đạt chuẩn NTM; 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 188 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 76 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 4 huyện đạt NTM nâng cao. Hà Nội dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), lũy kế từ 2019 đến nay, TP. Hà Nội đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm, bằng 89% so với mục tiêu giai đoạn đến hết năm 2025 là 3.054 sản phẩm, là địa phương dẫn đầu cả nước trong thực hiện Chương trình OCOP.

Đời sống nông dân hiện không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2023 đạt 66,01 triệu đồng/người/năm.

Những miền quê ngày càng xanh, sạch, đẹp

Trước kia, vùng ven Thủ đô cũng như những vùng quê xa xôi khác, người dân chỉ lo làm kinh tế, chưa chú trọng đến vấn đề môi trường. Nay, khi kinh tế gia đình ổn định, cuộc sống được nâng cao, người dân đã chú ý hơn đến làm xanh, sạch, đẹp quê hương.

Về những vùng ven Hà Nội hôm nay, bộ mặt nông thôn đã hoàn toàn thay đổi. Xin được nêu vài  thí dụ. Đặt chân về xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), cả xã như một công viên thu nhỏ, trong đó mọi người đều ý thức được rằng, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính mình. Đến Hồng Vân, ai nấy đều bị cuốn hút bởi những con đường khang trang, hoa nở bốn mùa. Mỗi tuyến đường là một loại cây đặc trưng như: Cau vua, hoàng yến, bằng lăng, phượng, điệp vàng… Mùa hè, những cây bằng lăng, phượng vĩ đua nhau khoe sắc như tô điểm thêm hương sắc cho một vùng quê. Nhiều gia đình còn xây dựng những vườn hoa, cây cảnh vừa để làm đẹp ngõ xóm vừa để bảo vệ môi trường. Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết, để có được không gian như vậy, các thành viên Tổ tự quản bảo vệ môi trường làng nghề của xã đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, nhắc nhở, động viên người dân tích cực xây dựng quê hương xanh, sạch, đẹp thông qua việc trồng cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm…

Những con đường xanh, sạch, đẹp ở xã Hồng Vân.

Hay, về xã Song Phượng (Đan Phượng) hôm nay, không ai nhận ra vùng đất khó khăn ven sông những năm về trước, ai cũng ngỡ ngàng bởi những con đường bích họa sạch sẽ, nhiều cây xanh và hoa... Không chỉ thế, cuộc sống người dân nơi đây khá sung túc với những mô hình kinh tế phát triển.

Ông Bùi Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Song Phượng, cho biết, xã đang hướng đến mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, kết hợp đẩy mạnh phát triển kinh doanh dịch vụ... với mục tiêu thiết thực hàng đầu là nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống người dân.

Trên thực tế, nhiều “mô hình xanh” do Hội Nông dân, Hội Làm vườn các cấp trên địa bàn thành phố xây dựng đã lan tỏa rộng khắp, góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan, không gian xanh, sạch, đẹp, nâng cao đời sống cho người dân ở các vùng quê ngoại thành. Tiêu biểu phải kể đến các mô hình “Tuyến đường nông dân tự quản sáng, xanh, sạch, đẹp”, “Đoạn đường nông dân kiểu mẫu”, “Cánh đồng sạch, cánh đồng không đốt rơm rạ”, “Trồng rau hữu cơ, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học”...

Nỗ lực vì Thủ đô xanh

Để đạt được những thành tựu xanh hóa nông thôn như ngày nay, Hà Nội nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp ngành, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở. Đồng thời là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và chung sức, đồng lòng của người dân ở các địa phương. Đặc biệt, qua xây dựng NTM, bộ mặt nhiều vùng nông thôn đã trở nên khang trang, sạch đẹp và giúp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển nhằm nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Để nông nghiệp, nông thôn Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các huyện trên địa bàn thành phố mở rộng những mô hình có áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; xây dựng và cấp chứng nhận các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong đó, dành nguồn lực ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, sinh thái, sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ, sản phẩm OCOP. Mặt khác, ngành Nông nghiệp sẽ chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản song song với nâng cao năng lực dự báo thị trường, tăng kết nối với công nghiệp chế biến, chuỗi tiêu thụ sản phẩm và thị trường xuất khẩu. “Như vậy, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được xác định là hướng đi quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm không ngừng hiện đại hóa và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn của Thủ đô trong tương lai trước những khó khăn, thách thức của biến đổi khí hậu”, Giám đốc Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

Nhấn mạnh về nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp Thủ đô trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, cho biết: Để ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, một trong những nhiệm vụ, giải pháp Hà Nội xác định là tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng xây dựng NTM. Cụ thể, thành phố phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với nâng cao chất lượng xây dựng NTM, hiện đại hóa nông thôn và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Chanh

Xem thêm

[4] 5 6Trang cuối
Top