Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024  

Hải Phòng nỗ lực khôi phục sản xuất nông nghiệp

Thứ hai, ngày 7 tháng 10 năm 2024 | 10:4

Vượt qua khó khăn do bão số 3 (Yagi) gây ra, nông dân Hải Phòng đang tập trung đưa những cây trồng mới vào sản xuất, nhằm sớm ổn định cuộc sống.

Chuyển đổi cây trồng

Có mặt tại một trong những vùng trồng chuối lớn của TP. Hải Phòng, lắng nghe tâm tư của người nông dân sau khi trải qua cơn bão số 3, họ chỉ biết lặng nhìn bao mồ hôi, công sức cuốn theo mưa, gió.

Chị Nguyễn Thị Bích, hằng ngày có mặt trên cánh đồng để dặm lại vườn rau húng.

Bão số 3 đã qua gần 1 tháng, nhưng đến giờ chị Nguyễn Thị Bích (SN 1985, thôn Xuân Hưng, xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng) còn chưa hết bàng hoàng, đau xót khi toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp của gia đình bị hư hại hoàn toàn. Cả gia đình chị Bích đang có nguồn thu nhập ổn định15 - 20 triệu đồng/tháng, thì sau cơn bão  không còn nguồn thu.

Chị Bích cho hay: Sau khi  bão đi qua, buổi sáng bước chân ra ngoài cánh đồng, tôi như chết lặng người khi thấy 4 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) chuối đổ rạp, buồng nằm la liệt, không bán được, ăn thì không kịp, đành bỏ đi; 1 mẫu rau húng Hà Nội (1 mẫu = 10 sào) đang cho thu nhập với mức giá khoảng 30.000 đồng/kg thì bị lụt, thối rễ; 7,5 sào cà chua, mướp, bầu đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch đều bị tàn phá, trụ cột đổ gục hết. Chỉ sau một ngày, cơn bão khiến gia đình tôi trắng tay.

“Chưa hết bàng hoàng, đau xót nhưng gia đình tôi vẫn gấp rút bắt tay khôi phục sản xuất, diện tích chuối thì trồng lại từ những cây con. Do ảnh hưởng bão, lũ không mua được rau húng Hà Nội để trồng lại, tôi tận dụng lại số rau còn cứu vãn được, trồng được 2 sào. Diện tích còn lại, tôi chuyển đổi sang gieo các loại rau su hào, bắp cải, cải thìa, xà lách…,đây là giống rau gắn ngày theo mùa vụ. Tạm thời chuyển đổi để tìm nguồn thu nhập. Nếu thuận lợi, trong vòng 2 năm tới thì việc sản xuất nông nghiệp của gia đình mới ổn định lại được”, chị Bích bộc bạch.

Cùng chung tâm trạng như chị Bích, bà Ng.T.H. (huyện Tiên Lãng) đang cặm cụi làm đất để chuyển sang trồng rau màu. Bà H. cho biết: “Toàn bộ 7 sào trồng chuối và rau màu của gia đình bị thiệt hại, những nải chuối vẫn còn xanh non và thân chuối bị đổ gục không còn khả năng hồi sinh. Gia đình không có cây giống để trồng, đợi cho những cây con lớn hơn rồi trồng lại sau”.

Nhiều nông dân phải chuyển sang trồng giống rau ngắn ngày theo thời vụ để ổn định cuộc sống.

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Hưng, cho biết, cơn bão số 3 đã khiến xã thiệt hại nặng nề với 930 nhà ở bị hỏng; 62ha lúa bị ảnh hưởng; 47ha rau màu các loại bị ngập lụt; 907 chậu hoa, cây cảnh, 154ha cây lâu năm, cây ăn quả bị mất trắng; 95 con gia súc, 31.160 gia cầm bị chết; trên 200 tấn thức ăn chăn nuôi bị hư hỏng; 301ha  thủy sản bị mất trắng…, ước tính thiệt hại khoảng 128 tỷ đồng.

Ngay sau khi cơn bão số 3 tan, Hội Nông dân xã Tây Hưng đã bám sát các văn bản triển khai của ngành Nông nghiệp, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả. Tập trung tiêu thoát nước, đảm bảo sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn bà con gieo trồng những loại rau ngắn ngày, rau ăn lá, cung cấp rau kịp thời cho thị trường, đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Kịp thời cho nông dân vay vốn phục hồi sản xuất

Thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp của Hải Phòng là rất lớn, Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố có công văn hướng dẫn các huyện và nông dân về đề xuất nhu cầu hỗ trợ nông nghiệp để khôi phục sản xuất sau bão số 3.

Cụ thể: mức hỗ trợ đối với lúa bị thiệt hại từ 70% trở lên, dao động ở mức 2-3 triệu đồng/ha; đối với mạ, thiệt hại từ 30-70% mức hỗ trợ từ 15-20 triệu đồng/ha, ngô và rau màu thiệt hại từ 30-70% mức hỗ trợ từ 1-2 triệu đồng/ha, cây ăn quả và cây lâu năm thiệt hại từ 30-70%, mức hỗ trợ từ 2-4 triệu đồng/ha.

Đối với diện tích nuôi trồng các loại thủy, hải sản khác bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 4,1 - 6 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 2 - 4 triệu đồng/ha. Đối với gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 10.000 - 20.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 21.000 - 35.000 đồng/con; lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 300.000 - 400.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 450.000 - 1 triệu đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 2 triệu đồng/con...

Bà Ngô Thị Minh Hà, Chủ tịch Hội Làm vườn TP. Hải Phòng, cho biết: “Bão số 3 đi qua, việc cấp bách ngay sau đó là  khắc phục, phục hồi sản xuất nông nghiệp cho hội viên và người dân. Hội đã tích cực cùng Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố vận động ủng hộ cứu trợ giúp Nhân dân vượt qua khó khăn do bão lũ. Đồng thời, Hội cũng trực tiếp đến các mô hình sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn người dân chăm sóc VAC sau bão, đảm bảo tái sản xuất an toàn. Chỉ đạo  các cơ sở Hội vào cuộc hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, vườn cây, các ruộng hoa màu và xuống các giống cây vụ đông sớm, giúp bà con có thu hoạch ngay để giải quyết được bài toán về lương thực, thực phẩm, thu nhập trong thời gian sắp tới”.

Gần 6.000 tỷ đồng là con số thiệt hại của ngành nông nghiệp Hải Phòng sau bão số 3.

Gần 6.000 tỷ đồng là con số thiệt hại mà cơn bão số 3 gây ra đối với ngành Nông nghiệp Hải Phòng. Riêng lĩnh vực thuỷ sản, thiệt hại khoảng 4.985ha nuôi trồng thuỷ sản, 23.500m3 nuôi lồng bè, ước tính trên 1.100 tỷ đồng.

Để chia sẻ khó khăn với người dân, ngành Nông nghiệp Hải Phòng đã tham mưu UBND TP. Hải Phòng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại của thành phố rà soát, tổng hợp các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để kịp thời có giải pháp hỗ trợ nhằm kịp thời khôi phục sản xuất sau bão.

Trước thiệt hại lớn của ngành nông nghiệp, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đã có ý kiến chỉ đạo các đơn vị liên quan tìm các giải pháp hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp bị thiệt hại sản xuất nông nghiệp sau bão.

Trước mắt, nghiên cứu tăng nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các doanh nghiệp, hộ dân vay kịp thời phục hồi sản xuất, tập trung vào các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo mức lãi suất thấp nhất có thể. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cũng xem xét khoanh nợ, gia hạn nợ, xóa nợ, cho vay tiếp đối với các đối tượng vay bị thiệt hại sau bão số 3.

Nông dân Hải Phòng đang nỗ lực sản xuất, vững tin làm lại sau đổ nát, tan hoang, mất mát.

 

Phạm Trang

Xem thêm

4[5] 6
Top