Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024  

Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp

Thứ tư, ngày 9 tháng 10 năm 2024 | 12:58

Biến đổi khí hậu gây ra nhiều tác động tiêu cực đến Việt Nam. Tại buổi Tọa đàm với chủ đề “Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình tổ chức, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm giảm thiểu tác động của khí nhà kính trong nông nghiệp.

Toạ đàm “Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp” được tổ chức tại Quảng Bình.

Mô hình sản xuất giảm phát thải khí nhà kính

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khí nhà kính hiện được coi là nguyên nhân chủ yếu gây nên hiện tượng gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Tại các nước phát triển, khí nhà kính chủ yếu từ ngành công nghiệp và năng lượng. Còn tại các nước đang phát triển, khí nhà kính chủ yếu lại xuất phát từ nông nghiệp.

Tại Việt Nam, nền nông nghiệp chiếm khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính (KNK) toàn quốc. Phát thải KNK trong nông nghiệp tập trung  trong 3 lĩnh vực chính: trồng lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2 quy đổi (CO2e), chiếm 50%; chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2e, chiếm 19%; quản lý đất và sử dụng phân bón phát thải 13,2 triệu tấn CO2e, chiếm 13%; các lĩnh vực khác, chiếm 18%.

Thu gom rơm bằng máy cuộn ở Tây Ninh. Ảnh: Giang Phương.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã nêu một số kết quả nổi bật mô hình sản xuất giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, nổi bật là mô hình thí điểm thuộc phạm vi Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; mô hình ứng dụng dịch vụ cơ giới hoá thu gom rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất nấm, thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2023-2025; mô hình vỗ béo trâu, bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học kết hợp trồng trọt…

Các đại biểu đều cho rằng, các mô hình khuyến nông về giảm phát thải khí nhà kính đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn gặp nhiều khó khăn.

Mô hình nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học, sử dụng nền chuồng bằng đệm lót sinh học ở Anh Sơn (Nghệ An). Ảnh: Thái Hiền.

Một số địa phương chưa có chính sách hỗ trợ tài chính, đất đai, nguồn lực để phát triển nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính. Phụ phẩm nông nghiệp chưa được tái sử dụng triệt để tại một số địa phương, vẫn còn tình trạng lãng phí các phụ phẩm nông nghiệp, chất thải vật nuôi, gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, việc sản xuất và thương mại phế phụ phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức, đa số mới chỉ dừng lại tận dụng để phục vụ trồng trọt tại gia đình.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Các nghiên cứu của các đơn vị đầu ngành nông nghiệp Việt Nam như: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Môi trường Nông nghiệp, Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam… chỉ ra rằng, các giải pháp giảm phát thải KNK cần được thực hiện đồng bộ, nâng cao nhận thức của bà con nông dân trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, cần tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và người sản xuất nông nghiệp, cần chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo chuỗi tuần hoàn, xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe của con người.

Viện Môi trường Nông nghiệp đề xuất, ngoài sử dụng phương pháp canh tác hữu cơ, giảm sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu trong trồng trọt, cần có giải pháp nâng cao nhận thức của người làm nông nhằm chấm dứt các hình thức đốt phế, phụ phẩm nông nghiệp, đặc biệt là tình trạng đốt rơm, rạ...

Thời gian qua, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức đã xây dựng, thử nghiệm một số giải pháp, mô hình chăn nuôi tại Việt Nam, như chăn nuôi lợn, bò và đã có nhiều kết quả tích cực, áp dụng với khí hậu nhiệt đới Việt Nam; giải pháp chăn nuôi tuần hoàn sử dụng phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn, cụ thể là rơm, rạ sẵn có tại Việt Nam, các nghiên cứu, quy trình đã được xây dựng thành chuỗi quy trình chuẩn tại Việt Nam.

Còn đối với trồng lúa, việc xây dựng mô hình phát triển sinh kế từ phụ phẩm nông nghiệp để giảm áp lực quản lý rơm rạ khi không thể đốt hoặc vùi rơm là hết sức quan trọng, việc sử dụng phân hữu cơ sẽ giúp giảm 30% phân bón vô cơ khi gieo trồng, giảm bớt 50% số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, các giải pháp chính sách cũng được đề xuất:  Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính, đất đai, nguồn lực để phát triển nông nghiệp giảm phát thải KNK.

Đồng thời, cần đẩy mạnh tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến để phát triển sản xuất nông nghiệp giảm phát thải KNK, ứng dụng công nghệ thông tin thu thập, tổng hợp, phân tích, đánh giá, đề xuất quy trình, quy chuẩn phù hợp từng đối tượng, lĩnh vực, vùng miền.

Tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và người sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản), chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo chuỗi tuần hoàn.

Khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, hữu cơ, theo hướng hữu cơ, an toàn…; quản lý và tái tạo tài nguyên theo chu trình khép kín, hạn chế tối đa lượng phế thải, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm; giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe của con người.

Tập trung, khai thác các nguồn lực, tài nguyên, nguồn vốn (ngân sách Nhà nước, các tổ chức quốc tế, PPP - đối tác công - tư), đối ứng của người dân, doanh nghiệp…); xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm cũng như dự báo các rủi ro cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, từ đó tạo động lực cho sản xuất, các tổ chức, cá nhân hạn chế, khắc phục các cản trở, khó khăn, phát huy được hết khả năng của cá nhân, tập thể, lợi thế vùng miền trong nước cũng như quốc tế.

Đăng Quang

Xem thêm

4 5[6]
Top