Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024  

Xuất khẩu nông sản vào thị trường Ấn Độ còn nhiều dư địa

Thứ hai, ngày 7 tháng 10 năm 2024 | 10:13

Với mức chi tiêu dự kiến tăng từ 1.500 tỷ USD hiện nay lên khoảng 6.000 tỷ USD vào năm 2030, thị trường Ấn Độ có nhiều dư địa cho hàng hóa Việt. Đây cũng là thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam.

Nhiều tiềm năng

Đánh giá về quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya khẳng định, Việt Nam và Ấn Độ có nhiều tiềm năng mở rộng hợp tác và thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực nông - ngư nghiệp; sản xuất điện, điện tử, hóa chất và dược phẩm; chế biến khoáng sản; năng lượng và nhiều lĩnh vực khác.

Chung quan điểm, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cũng cho rằng, thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ, liên tục đạt tăng trưởng đều đặn trong hơn 20 năm qua. Quan hệ song phương từ mức khoảng 200 triệu USD (năm 2000) tăng lên 15 tỷ USD (năm 2022), đưa Ấn Độ trở thành 1 trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của nước ta, trong khi Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia ASEAN có quan hệ thương mại với Ấn Độ.

Giới thiệu hoa quả xuất khẩu của Việt Nam với khách tham quan Ấn Độ. Ảnh: Ngọc Thúy-TTXVN

Đáng chú ý, những năm qua, cơ cấu mặt hàng xuất - nhập khẩu của hai nước cân bằng và có sự bổ sung cho nhau. Trong khi Ấn Độ là nguồn cung cấp nguyên liệu và thành phẩm quan trọng cho Việt Nam đối với các mặt hàng sắt thép, hóa chất, dược phẩm, dệt may, thức ăn chăn nuôi, thủy sản thì nhóm mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Ấn Độ là máy tính cá nhân, điện thoại di động và linh kiện, sắt thép, hóa chất, gỗ và sản phẩm từ gỗ, giày dép, gia vị, cà phê, hồ tiêu…

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Ấn Độ đạt hơn 8,49 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm trước.

Thị trường xuất khẩu hàng đầu của hoa hồi Việt

Tính đến năm 2022, nước ta có khoảng 40.000ha hoa hồi, tập trung ở Lạng Sơn, Cao Bằng với sản lượng hàng năm hơn 16.000 tấn.

Theo thống kê của Tổ chức Gia vị thế giới, sản lượng hoa hồi của Việt Nam đứng thứ 2 toàn cầu, sau Trung Quốc. Trong đó, Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu hoa hồi nhiều nhất từ Việt Nam.

Xét về thị trường, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia nhập khẩu nhiều nhất hoa hồi từ Việt Nam với 6.083 tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho thấy, xuất khẩu hoa hồi của nước ta trong tháng 8 đạt 1.146 tấn với trị giá 5,4 triệu USD, giảm 31% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 8, nước ta xuất khẩu 9.831 tấn hoa hồi với tổng kim ngạch đạt 47,3 triệu USD, giảm 1,7% về lượng và giảm 17,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Xét về thị trường, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia nhập khẩu nhiều nhất hoa hồi từ Việt Nam với 6.083 tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ 2 là Mỹ với 694 tấn, tăng 8,4%. Đài Loan (Trung Quốc) vươn lên vị trí thứ 3 với 301 tấn, tăng 169% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo VPSA, lý do khiến Ấn Độ trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của hoa hồi Việt Nam bởi là quốc gia sử dụng nhiều gia vị và hương liệu, đồng thời là nước sản xuất dược liệu lớn trên thế giới. Việt Nam cũng đang thống lĩnh thị trường Ấn Độ với hơn 80% lượng nhập khẩu quế, hồi. Với dân số đông nhất thế giới, Ấn Độ có dải nhu cầu của thị trường rất lớn về quế, hồi, dược liệu.

Thúc đẩy quảng bá nông sản và thực phẩm chế biến

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, Ấn Độ là thị trường thực phẩm vô cùng lớn và có nhiều dư địa để khám phá, kinh doanh. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Ngành công nghiệp này hiện đóng góp 13% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Ấn Độ, dự kiến đạt 535 tỷ USD vào năm 2025-2026, với tốc độ tăng trưởng 15%/năm đến năm 2030.

Tại Hội chợ Thực phẩm Thế giới ở Ấn Độ (WFI 2024) lần thứ 3, nhiều sản phẩm được các công ty Việt Nam đem đến giới thiệu, gồm trái cây tươi, trái cây sấy, sầu riêng đông lạnh, nhãn, thanh long, hạt điều, càphê, chè, tiêu, quế, mỳ tôm, phở gói…

Trong đoạn băng phát biểu gửi tới WFI 2024, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định, Ấn Độ có văn hóa ẩm thực đa dạng.

Trong 10 năm qua, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra những cải cách trên diện rộng để chuyển đổi lĩnh vực chế biến thực phẩm nhằm tạo ra hệ sinh thái hiện đại và phát triển, qua đó trở thành một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, ông kêu gọi hiện thực hóa giấc mơ xây dựng một thế giới bền vững, an toàn, toàn diện và bổ dưỡng.

Bộ trưởng Công nghiệp Chế biến Thực phẩm Ấn Độ Chirag Paswan cho rằng, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm có vai trò, vị trí quan trọng, giúp quốc gia Nam Á đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2047.

Ông Chirag Paswan khẳng định, WFI 2024 đóng vai trò là nền tảng hỗ trợ, thúc đẩy và khuyến khích kết nối ngành chế biến thực phẩm của Ấn Độ với các nước trên thế giới, đưa ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Ấn Độ nâng tầm toàn cầu.

Tại WFI 2024, Việt Nam được lựa chọn là một trong 2 quốc gia trọng điểm (Focus Country). Năm nay, nước ta có 2 gian hàng rộng 27m2 và 150m2, trưng bày các nông sản, thực phẩm chế biến đặc trưng của hơn 20 doanh nghiệp như Công ty cổ phần 365 Café, Công ty TNHH trái cây Hồng Sang, Công ty Tedfastrượu (gạo Ngọc Bình), Công ty Uniben, Công ty cổ phần Richy, Công ty Wakey coffee, Công ty TNHH chè Vân Phong, Công ty ANTO tea company limited...

Gian hàng Việt Nam đã thu hút đông đảo sự quan tâm, đánh giá cao từ các doanh nghiệp của Ấn Độ và của các nước khác, cũng như thu hút sự chú ý của khách tham quan. Các sản phẩm như nhãn, thanh long, càphê của Việt Nam đặc biệt được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ.

Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ - ông Bùi Trung Thướng, việc Việt Nam được chọn là một trong 2 quốc gia trọng điểm tại WFI 2024 là cơ hội lớn và rất ý nghĩa. Đây là sự ghi nhận từ phía Ấn Độ đối với mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ và sự cố gắng của Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, đồng thời khẳng định vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu. Điều này cũng là minh chứng cho tiềm năng và chất lượng của các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam, giúp quảng bá hình ảnh đất nước và sản phẩm đến với bạn bè quốc tế.

Tham tán Bùi Trung Thướng kỳ vọng, việc tham gia WFI lần này đã mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có tăng cường kết nối, tiếp cận những đối tác tiềm năng, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu sang Ấn Độ cũng như các quốc gia khác. Đây cũng là dịp để học hỏi các quốc gia khác về công nghệ chế biến và bảo quản thực phẩm hiện đại, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản Việt. Hơn nữa, với sự hiện diện của nhiều lãnh đạo từ 18 bộ, ban, ngành của Ấn Độ, hội chợ cũng là dịp thúc đẩy đối thoại, hợp tác chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Ấn Độ, đặc biệt là việc đẩy nhanh các quy trình kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

Chanh (t/h)

Xem thêm

4 5[6]
Top