Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024  

Động lực từ kinh tế vườn ở Ninh Phước

Thứ tư, ngày 9 tháng 10 năm 2024 | 8:54

Tận dụng ưu thế, tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây bưởi và một số đối tượng cây ăn quả khác, người dân xã Ninh Phước (Nông Sơn - Quảng Nam) đã tích cực cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả cho thu nhập khá.

Mô hình vườn trồng bưởi da xanh ở xã Ninh Phước. Ảnh: BÍCH LIÊN

Đầu tư thâm canh

Những năm qua, thôn Phú Gia 1 là một trong những thôn điển hình về phong trào cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả của xã Ninh Phước. Nhiều hộ dân đã chịu khó đầu tư thâm canh trồng bưởi trụ, bưởi da xanh và một số cây ăn quả, cải thiện kinh tế gia đình.

Có thể kể đến hộ ông, bà: Võ Văn Hùng, Nguyễn Thành Quý, Phan Thị Hiền, Phan Thị Thanh Trình, Nguyễn Thị Bưởi… Đây là những hộ có vườn bưởi trụ, bưởi da xanh có diện tích đất vườn rộng từ vài ba sào lên tới 5 - 6 sào, mỗi năm cho thu nhập cả trăm triệu đồng.

Theo ông Võ Văn Hùng, cây bưởi da xanh, cây bưởi trụ ở Phú Gia 1 có chất lượng và hương vị đậm đà không kém các nơi khác. Giá cả bán phải chăng, không cao như các nơi nhưng vẫn giúp cho người làm vườn có thu nhập ổn định.

Bà Nguyễn Thị Dung - Trưởng thôn Phú Gia 1 chia sẻ, bên cạnh nỗ lực cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả của nhân dân trong thôn, UBND xã Ninh Phước và UBND huyện Nông Sơn cũng tích cực hỗ trợ thêm cây giống, tập huấn kỹ thuật để người dân trồng nhân rộng các vườn bưởi, vườn cây ăn quả, phát triển kinh tế hộ gia đình từ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Gần đây, từ cơ chế, chính sách của Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh, địa phương đề xuất danh sách để gửi lên cấp trên phê duyệt, hỗ trợ, giải ngân vốn giúp các chủ vườn đầu tư thâm canh, tăng năng suất, sản lượng, nâng cao thu nhập từ kinh tế vườn.

Ông Hồ Ngọc Nhuận (thôn Đông An) trồng 6 sào bưởi da xanh, trong đó có một nửa diện tích đã cho thu hoạch quả, một nửa vườn mới trồng.

Ông Nhuận chia sẻ, từ nguồn hỗ trợ của Nghị quyết 35, vườn ông được hỗ trợ 70% chi phí đóng giếng, đầu tư hệ thống tưới, hỗ trợ 70% giá trị cây giống trồng trên diện tích 3 sào. Cùng với đó, ông được Nhà nước hỗ trợ xây dựng tường rào.

“Nhìn chung, cây bưởi da xanh giúp gia đình tôi cải thiện nguồn thu nhập. Nếu năm được mùa, một nửa vườn bưởi có thể cho thu hoạch 50 - 60 triệu đồng. Thời gian tới, nếu cả 6 sào cùng cho thu hoạch thì thu nhập cả trăm triệu đồng/năm là bình thường” - ông Nhuận nói.

Hỗ trợ thiết thực

Ông Trương Văn Nhanh (cán bộ địa chính xây dựng, phụ trách nông thôn mới xã Ninh Phước) cho biết, ngoài các hộ kể trên, trên địa bàn xã Ninh Phước cũng có một số mô hình vườn trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi, chẳng hạn mô hình của ông Nguyễn Thanh Trình (tổ 3, thôn Ninh Khánh); mô hình vườn cây ăn quả kết hợp chăn nuôi của bà Nguyễn Thị Tình (tổ 4, thôn Phú Gia 1)...

Vườn cây ăn quả xã inh Phước, huyện Nông Sơn. Ảnh: BÍCH LIÊN

Nhiều khu vườn mới trồng cây đang sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: BÍCH LIÊN

“Toàn xã Ninh Phước có khoảng 20 vườn trồng cây ăn quả, các vườn được bố trí các loại cây chủ lực như bưởi da xanh, bưởi trụ, các loại rau, dừa... Mỗi năm, giá trị từ các khu vườn đang cho quả khá, có vườn cho thu nhập cả trăm triệu đồng/năm, nhiều diện tích vườn mới trồng đang lên xanh, hứa hẹn những vụ mùa bội thu” - ông Nhanh cho biết.

Cũng theo ông Nhanh, những năm qua, từ chương trình xây dựng nông thôn mới, một số vườn mẫu trên địa bàn xã Ninh Phước đã gắn phát triển kinh tế vườn với phát triển du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách.

Địa phương hỗ trợ những chủ hộ có vườn rộng 1.000m2 trở lên 5 triệu đồng/vườn/hộ. Mỗi khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu có 5 - 6 hộ được hỗ trợ, trước mắt ưu tiên cho 2 thôn Phú Gia 1 và Mậu Long; 3 khu dân cư còn lại được phê duyệt phương án hỗ trợ đến năm 2025.

Tại Ninh Phước, theo tinh thần Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, mỗi chủ vườn đủ điều kiện được hỗ trợ 10 triệu đồng cải tạo vườn, hỗ trợ một phần chi phí đóng giếng, hỗ trợ 50% giá trị cây giống và tối đa mỗi vườn được hỗ trợ tiền cây giống không quá 4,5 triệu đồng...

“Ngoài các cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại của huyện, gần đây có cơ chế hỗ trợ từ Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh, người làm vườn ở Ninh Phước bắt đầu được hưởng lợi của cơ chế này từ năm 2022 trở đi.

Năm 2022, địa phương triển khai hỗ trợ được 10 hộ; năm 2024 triển khai được 10 hộ. Đến nay, qua rà soát chỉ mới có 6 hộ hoàn thành, đã khoan giếng, đủ điều kiện triển khai và đề xuất huyện kiểm tra công nhận hỗ trợ; số hộ khác đang hoàn thiện các hạng mục để được hỗ trợ; 4 hộ đang bổ sung thủ tục” - ông Nhanh nói.

 

Bích Liên/Báo Quảng Nam

Xem thêm

4[5] 6
Top