Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024  

Phát triển tín dụng trong lĩnh vực tam nông: Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Thứ tư, ngày 9 tháng 10 năm 2024 | 19:47

Ngày 9/10, tại Hà Nội, Tạp chí Ngân hàng phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Giải pháp tài chính, tín dụng thúc đẩy “Tam nông” phát triển nhanh và bền vững.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Ngân hàng nhận định, tại Việt Nam, nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Tam nông) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân. Đây là vấn đề chiến lược luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn, xuyên suốt qua từng giai đoạn.

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế.

Nhằm bám sát các chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong những năm qua, ngành Ngân hàng luôn xác định “Tam nông” là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng, do đó, đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tăng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực này.

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, bình quân giai đoạn 2016-2023, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 16,27%, cao hơn mức tăng 14,91% của tín dụng chung toàn nền kinh tế.

Sự tăng trưởng này theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước là đến từ việc hệ thống các tổ chức tín dụng ngày càng chú trọng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn. Hiện có hơn 90 tổ chức tín dụng và gần 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân tham gia cấp vốn cho lĩnh vực này. Đặc biệt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cùng hệ thống Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank), Quỹ tín dụng nhân dân đã cung cấp các dịch vụ tài chính đặc thù cho nông dân, cư dân vùng sâu, vùng xa.

Dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng, chiếm 1/4 tổng vốn tín dụng của toàn nền kinh tế; tăng gần gấp bốn lần sau 9 năm Nghị định 55 được ban hành. Trong đó, dư nợ doanh nghiệp khoảng 31,5%; dư nợ cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh khoảng 68,3%; dư nợ Hợp tác xã và đối tượng khác khoảng 0,25%.

Ông Hoàng Minh Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Agribank.

Dư nợ cho vay ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đạt 27.649 tỷ đồng vào cuối năm 2023, trong khi dư nợ tín dụng dành cho các chuỗi giá trị liên kết trong nông nghiệp tăng trưởng 13,42% mỗi năm trong giai đoạn 2018-2023. Đối với nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực, tỷ trọng tín dụng đã tăng từ 31% vào năm 2016 lên gần 39% năm 2023, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản và vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết thêm, thời gian qua, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của NHNN, sự phối kết hợp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, Agribank luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế đất nước. Tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong các năm qua luôn chiếm trên 60% tổng dư nợ cho vay. Qua đó, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, thế nhưng việc sử dụng tín dụng lĩnh vực “tam nông” còn gặp không ít khó khăn.

Theo các chuyên gia, một số điểm nghẽn có thể kể đến như biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều yếu kém, tiếp tục là thách thức lớn để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong quá trình phát triển, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc; chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Mặt khác, phần lớn nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, còn thiếu liên kết trong các khâu sản xuất…

Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Giang cũng chỉ ra một số khó khăn trong việc phát triển tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, như: thủ tục, điều kiện vay vốn tiếp tục là thách thức lớn.

Cụ thể, các chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo vẫn còn hạn chế, chỉ chiếm khoảng 20% dư nợ nông nghiệp, nông thôn. Các hợp tác xã nông nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng, dù đã có các quy định khuyến khích nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ ràng. Quá trình thẩm định, xét duyệt và quản lý khoản vay trong lĩnh vực này cũng còn nhiều trở ngại, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, bà Hà Thu Giang cho rằng,  cần có sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương với các giải pháp cụ thể. Cần các giải pháp đồng bộ của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, như chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp, vấn đề đất đai trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết nông nghiệp bền vững... Bên cạnh đó, cần xem xét mở rộng đối tượng được bảo hiểm và hỗ trợ phí bảo hiểm đối với người nông dân canh tác với diện tích lớn, tại các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, mất mùa.

Đồng quan điểm với bà Giang, đại diện Ngân hàng Agribank cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét xây dựng các chương trình tín dụng chính sách theo hướng tách bạch tín dụng chính sách và tín dụng thương mại, tránh tư tưởng ỷ lại vào vốn ngân sách nhà nước, tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng hưởng lợi; Ưu tiên cho Agribank làm ngân hàng phục vụ các dự án ủy thác đầu tư đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Ưu tiên nhận vốn nhàn rỗi từ các quỹ của Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, quỹ hỗ trợ sắp xếp đối với doanh nghiệp với lãi suất thấp để cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 

Thanh Xuân

Xem thêm

[4] 5 6Trang cuối
Top