Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024  

Giải pháp phát triển giống cá tra ứng phó biến đổi khí hậu

Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024 | 14:43

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, các cơ sở sản xuất giống cá tra nào đủ điều kiện thì cơ quan cấp giấy chứng nhận, nếu cơ sở nào không đủ điều kiện thì tuyệt đối không cấp giấy phép và có biện pháp xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, khuyến cáo giảm sử dụng chất cấm và kháng sinh trong ao nuôi mà tăng cường phòng bệnh trên đàn cá tra bằng việc tăng cường tiêm phòng vacine nhằm giảm dịch bệnh.

Gặp nhiều khó khăn

Trong những năm gần đây, cá tra đã trở thành một trong số ít các đối tượng xuất khẩu chiến lược, có tăng trưởng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Năm 2023, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.700 ha (bằng 98% so với cùng kỳ năm 2022), sản lượng cá tra ước khoảng 1,61 triệu tấn (tương đương với cùng kỳ năm 2022); kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt 1,8 tỷ USD.

9 tháng đầu năm 2024, sản lượng giống cá bột ước đạt 33,6 tỷ con; cá giống ước đạt 3,41 tỷ con. Ước cả năm 2024, sản lượng cá bột thu hoạch đạt 36,1 tỷ con (bằng 139% với cùng kỳ năm 2023); cá giống đạt 4,07 tỷ con (bằng 116% so với cùng kỳ năm 2023). Giá cá tra giống cỡ 30 con/kg trung bình năm 2024 dao động trong khoảng 24.000-33.000 đồng/kg. Ba tháng đầu năm 2024, giá giống cá tra dao động mức từ 34.000-39.000 đồng/kg (cỡ cá giống 30 con/kg tuỳ từng địa phương). Bắt đầu từ 2 tuần cuối tháng 4/2024, giá cá tra giống giảm dần và duy trì ở mức 24.000-30.000 đồng/kg cho đến hiện nay.

Tính đến ngày 15/9, sản lượng cá tra ước đạt 1.241.000 tấn bằng 103% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo số liệu từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện số lượng giống cá tra bố mẹ có khoảng trên 240.000 con sẵn sàng tham gia sinh sản, trong đó, 184.000 con được tuyển chọn từ cá nuôi thương phẩm, có 40.000 con là đàn cá tra chất lượng cao do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II chuyển giao từ nguồn chương trình giống 2016 - 2020 đã sinh sản và 20.000 con tham gia sinh sản lần đầu.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh có khoảng 52 cơ sở sinh sản cá tra bột với số lượng đàn cá bố mẹ khoảng 150.000 con, sản lượng cung ứng hàng năm ra thị trường khoảng 18 tỷ con cá tra bột. Hiện, toàn tỉnh có 850 cơ sở ương dưỡng cá tra giống với diện tích khoảng 800ha, hàng năm, cung cấp khoảng 1,3 tỷ con cá tra giống cho thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động sản xuất cá tra giống vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là từ biến động của thị trường xuất khẩu và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Để ngành cá tra phát triển bền vững, Đồng Tháp mong muốn lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, doanh nghiệp nhằm tìm kiếm giải pháp hiệu quả, ứng phó với những khó khăn này.

 Về vấn đề này, ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, bên cạnh những thuận lợi còn có một số khó khăn nhất định như công tác kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ươm dưỡng giống thủy gặp nhiều khó khăn, do đây là một thủ tục hành chính nên phụ thuộc vào việc nộp hồ sơ của người dân, cơ sở không đạt về tiêu chí cơ sở hạ tầng và không khắc phục theo hướng dẫn của đơn vị kiểm tra; việc sử dụng nhiều hóa chất, thuốc kháng sinh nhất là kháng sinh dùng cho động vật trên cạn vào sản xuất giống thủy sản.

Tình hình sản xuất giống cá tra gặp nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, dịch bệnh diễn ra thường xuyên và khó điều trị. Giá cả con giống không ổn định, chi phí đầu vào tăng, tỷ lệ sống trong khâu ươm dưỡng thấp. Các vùng sản xuất giống tập trung trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng phù hợp để sản xuất giống đảm bảo chất lượng, ông Đạt cho biết thêm.

Đồng quan điểm, đại diện ngành Nông nghiệp tỉnh An Giang cho rằng, do đặc trưng của địa phương các cơ sở sản xuất còn manh mún, các ao ương dưỡng hiện hữu đã có từ rất lâu năm. Các quy định mới đang được triển khai đối với các cơ sở sản xuất, ương dưỡng và nuôi thương phẩm đặc biệt là đối tượng chủ lực như cá tra. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các hộ sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa có sự đầu tư về cơ sở vật chất, chuẩn bị tốt để thực hiện các quy định.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ, cũng như kết quả sản xuất kinh doanh nên người nuôi chưa có ý thức trong việc thực hiện các quy định, hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh. Các cơ sở nuôi thương phẩm phục vụ xuất khẩu chưa quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc giống thủy sản, nên giá cá giống mua của các cơ sở có giấy tờ nguồn gốc đầy đủ cũng bằng giá cá giống của các cơ sở không thực hiện giấy tờ.

Về vấn đề khó khăn, ông Trần Công Khôi, Trưởng Phòng giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn như giá nhiên liệu, giá vật tư, thức ăn tăng. Suy thoái kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm tại nhiều nước xuất khẩu dẫn đến giá bán cá tra nguyên liệu giảm, gây khó khăn cho các cơ sở sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao, chi phí logistic cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ chững lại và quy mô sản xuất bị thu hẹp.

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa,... vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi trồng thủy sản. Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ khuyến cáo về sử dụng kích dục tố (HCG) trong sản xuất cá tra giống của Việt Nam; nhiều quốc gia yêu cầu tiêu chuẩn ngày càng khắt khe đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu.

Đứng trước thách thức này về biến đổi khí hậu, một số doanh nghiệp sản xuất giống cá tra đã đầu tư cơ sở vật chất theo hướng công nghệ cao.

Theo ông Khôi, để phát triển giống cá tra ứng phó với biến đổi khí hậu, rào cản thương mại quốc tế vẫn còn tồn tại, một số bất cập như: Tỉ lệ cá sống trung bình rất thấp ở cả hai giai đoạn ương cá hương và cá giống. Nguyên nhân chính có thể là sự suy giảm chất lượng nguồn nước, biến đổi khí hậu dẫn đến sự thay đổi tiêu cực của các điều kiện sản xuất cơ bản và tình trạng này có dấu hiệu nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, khả năng phòng ngừa dịch bệnh đối với giai đoạn ương từ cá hương lên cá giống khó thực hiện; trong quá trình vận chuyển cá dễ gây ra tổn thương và dẫn đến suy giảm chất lượng cá giống. Ngoài ra, nguồn lực cho phát triển giống cá tra còn nhiều hạn chế nên việc chủ động trong nghiên cứu, sản xuất gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sản phẩm…

Quản lý chặt chẽ các cơ sở giống cá tra

Để khai thác tốt nhất cơ hội, hạn chế rủi ro, vượt qua thách thức, phấn đấu đạt mục tiêu năm 2024, kế hoạch 2025 các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục duy trì giống cá tra chất lượng cao phục vụ cho diện tích thả dự kiến 5.700 ha, với sản lượng cá tra thương phẩm dự kiến đạt trên 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt trên 2,0 tỷ USD.

Tại Hội nghị Bàn giải pháp phát triển giống cá tra ứng phó với biến đổi khí hậu diễn ra mới đây, các nhà khoa học đến từ các viện, trường ở BĐSCL chia sẻ một số giải pháp để phát triển sản xuất giống cá tra bền vững hơn như: phát triển giống cá tra thích ứng với môi trường mặn, ứng dụng giải pháp công nghệ trong việc nâng cao năng suất và chất lượng cá tra giống, áp dụng chuyển đổi số trong chuỗi sản xuất cá tra, đầu tư hạ tầng chuyên nghiệp trong khâu sản xuất giống cá tra...

Ngành Nông nghiệp An Giang cũng đưa ra kiến nghị các giải pháp quản lý giống cá tra như: tăng cường công tác tuyên truyền luật thủy sản cho các cơ sở sản xuất, ương dưỡng để các cơ sở nắm được các nội dung quy định trong sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Phối hợp với Hiệp hội nghề nuôi và chế biến Thủy sản An Giang (AFA) hướng dẫn hội viên thực hiện các điều kiện ương dưỡng giống Thủy sản, đăng ký kiểm tra và chứng nhận cơ sở đủ điều kiện cho các hội viên của hiệp hội.

Tăng cường kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận và kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản cũng như của triển khai thực hiện tốt Nghị định 37, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Đồng thời, tăng cường thanh tra các cơ sở sản xuất, ươm dưỡng trên địa bàn tỉnh (đặt biệt là các cơ sở sản xuất cá tra bột và các cơ sở trương bảng hiệu kinh doanh cá cảnh, cá giống, các phóng sanh dọc quốc lộ) nhằm đánh động vào ý thức của các cơ sở thực hiện các quy định của pháp luật.

Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng giống thủy sản khi lưu thông trên thị trường không để lọt, sót giống thủy sản chưa được kiểm dịch từ cơ sở sản xuất, ươm dưỡng giống không đảm bảo điều kiện theo quy định; không có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng (đặc biệt là nguồn giống từ các tỉnh lân cận). Đẩy mạnh công tác kiểm dịch giống thủy sản.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Võ Minh Khôi, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần cá tra Việt Úc chia sẻ, tất cả các giai đoạn sản xuất của cá tra giống nói trên đều chịu ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, đặc biệt là nhiệt độ. Nhiệt độ thấp vào các thời điểm cuối năm và đầu năm sau đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề sinh sản (tỷ lệ cá bố mẹ thành thục thấp), sinh trưởng, phát triển (tỷ lệ sống và tăng trưởng không cao) của cá tra. Đây là một trong những nguyên nhân chính góp phần làm mất tính ổn định của ngành sản xuất cá tra giống, làm cho giá thành cá tra giống thời điểm này tăng cao, gây khó khăn cho người nuôi.

Ngành hàng cá tra đang gặp phải một số khó khăn thách thức về số lượng và chất lượng cá tra giống, những rào cản thương mại quốc tế…

Đứng trước thách thức này, một số doanh nghiệp sản xuất giống cá tra đã đầu tư cơ sở vật chất theo hướng công nghệ cao. Các hình thức che chắn toàn phần hoặc một phần với các vật liệu khác nhau, cũng như việc thiết kế đảm bảo sự thay đổi linh hoạt về cấu trúc đã được áp dụng nhằm giảm thiểu mức độ chênh lệch nhiệt độ giữa ngày về đêm, giữa các mùa trong năm. Cùng với đó, vấn đề phát sinh chi phí đầu tư, khấu hao cần được tính toán kỹ càng bởi đội ngũ tư vấn, thiết kế và thi công chuyên nghiệp. Không thể không nhắc tới lợi ích khác từ các mô hình nuôi công nghệ cao này là hiệu quả che chắn của nó trước các nguy cơ mất an toàn sinh học từ các đối tượng hoang dã như chim, cò, chuột, rắn, ông Khôi cho biết.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Nông nghiệp và PTNT cho rằng, để có con cá tra da trơn hoàn hảo đạt chất lượng sạch bệnh từ ao nuôi đến xuất khẩu, trước nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương quản lý chặt các cơ sở sản xuất giống cá tra. Các cơ sở sản xuất giống cá tra trên địa bàn nào đủ điều kiện cơ quan cấp giấy chứng nhận, nếu cơ sở nào không đủ điều kiện thì tuyệt đối không cấp giấy phép và có biện pháp xử lý nghiêm.

Các cơ sở sản xuất giống cá tra trên địa bàn nào đủ điều kiện thì cơ quan cấp giấy chứng nhận, nếu cơ sở nào không đủ điều kiện thì tuyệt đối không cấp giấy phép và có biện pháp xử lý nghiêm. Bên cạnh đó khuyến cáo giảm sử dụng chất cấm và kháng sinh trong ao nuôi mà tăng cường phòng bệnh trên đàn cá tra bằng việc tăng cường tiêm phòng vacine nhằm giảm dịch bệnh.

Cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng một cách bài bản cho các vùng ươm nuôi cá giống và cả nuôi thương phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện tốt đề án cá tra 3 cấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải đồng bộ, hiệu quả nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao ổn định cung, cầu về sản xuất giống, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, huy động các thành phần kinh tế tham gia chuỗi. Từ đó, góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, ông Tiến nhấn mạnh.

 

Tổng hợp nguồn từ: Nhandan.vn; Baodongthap.vn; Doanhnghiepvietnam.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)

Xem thêm

4[5] 6
Top