Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024  

Quảng Ngãi: Chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ nông - lâm - thủy sản, tiếp cận sàn thương mại điện tử

Thứ tư, ngày 16 tháng 10 năm 2024 | 14:40

“Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh thì chuyển đổi số, số hóa là xu hướng tất yếu, là “chìa khóa” cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp Quảng Ngãi”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi Trần Thanh Trường nhấn mạnh.

Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) là ngành đa lĩnh vực, việc chuyển đổi số trong ngành đang diễn ra toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Ngành NN cũng đối mặt với 3 thách thức chính là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu thế tiêu dùng. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích và sẵn sàng thích ứng với 3 thách thức trong tình hình mới. Chuyển đổi số giúp  giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu, giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, nâng cao năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm NN và thúc đẩy hội nhập toàn cầu.

Cơ giới hóa là “Chìa khóa” để tăng năng suất cây trồng và chất lượng sản phẩm, giảm sức lao động và chi phí đầu tư.

Cơ giới hóa là “chìa khóa” để tăng năng suất cây trồng và chất lượng sản phẩm, giảm sức lao động và chi phí đầu tư.

Ngành NN tỉnh Quảng Ngãi bước đầu  khai thác hiệu quả nền tảng số và cơ sở dữ liệu, giúp đạt được các mục tiêu quan trọng trong chuyển đổi số. Đến giữa năm 2024, ngành NN đã cung cấp 50 dịch vụ công trực tuyến thuộc các lĩnh vực thủy sản, trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, quản lý chất lượng nông - lâm sản, thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp. Ngành NN Quảng Ngãi đã xây dựng phòng họp trực tuyến tại Sở và một số Chi cục trực thuộc, tạo thuận lợi trong quản lý, điều hành.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, đã thực hiện ứng dụng chuyển đổi số trong tưới tiết kiệm, vận hành tưới tự động đối với cây lúa, cây rau màu…với diện tích gần 3.000 ha. Việc cơ giới hóa đạt 80% trên toàn tỉnh đã tối ưu hóa năng suất lao động và tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng công nghệ vào đồng ruộng, bảo quản và chế biến nông sản. Điển hình như tại huyện Mộ Đức, công nghệ cao đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các cánh đồng sản xuất lúa. Giải pháp sạ cụm – bón phân vùi mang lại nhiều lợi thế so với sạ lan.

Theo ông Ngô Văn Đây (nguyên Phó Văn phòng Nam Bộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia), giải pháp sạ cụm đã giúp giảm giống, giảm phân. Mà giảm giống, giảm phân kéo theo giảm thuốc, tăng lợi nhuận, giảm phát thải. Nông nghiệp giảm phát thải đang được quan tâm rất lớn.

Nhờ làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng vùng sản xuất lúa tập trung, ở các địa phương như  Đức Hòa, Đức Chánh (huyện Mộ Đức), các hợp tác xã NN đã áp dụng máy bay phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc HTX NN công nghệ cao Mộ Đức, cho biết: “Phun thuốc dùng máy bay đã thực hiện ở Đức Hòa, Đức Chánh, bà con thấy lợi công, lợi thuốc. Công bay chỉ khoảng 50-60 ngàn đồng sào (1 sào Trung Bộ = 500m2). Nếu thuê đi phun 1 bình đã tốn 50 ngàn đồng rồi, chưa kể tiền thuốc. Khi dùng máy bay phun thuốc thì bà con được lợi tới 50%.

Trong SX lúa, việc ứng dụng công nghệ số đã giúp giảm chi phí đầu tư, giảm sử dụng phân bón, thuốc hóa học, nâng cao giá trị nông sản. Quảng Ngãi đang lựa chọn nền tảng công nghệ phù hợp với địa lý, thổ nhưỡng và các điều kiện tự nhiên khác để mang lại nhiều mặt lợi cho nhà nông.

Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định: Cơ giới hóa đạt 80% là thành tựu giúp cho ứng dụng công nghệ số diễn ra thuận lợi. Không chỉ ở khâu SX, mà khâu chế biến, kiểm soát bảo vệ môi trường cũng mang lại nhiều kết quả tốt. Ngoài lĩnh vực trồng trọt, các lĩnh vực khác của ngành NN Quảng Ngãi đang sử dụng hiệu quả nền tảng số dùng chung của Bộ NN&PTNT và nền tảng số của ngành NN địa phương.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo đối với bò và heo đã giúp cải tạo nhanh chất lượng đàn gia súc trên đia bàn tỉnh. Sau quá trình lai tạo, tỷ trọng đàn bò lai trên địa bàn tỉnh đạt hơn 78,6%. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Hà Tân ở Tư Nghĩa, Trại Chăn nuôi heo Huỳnh Cường ở Bình Sơn sử dụng công nghệ giám sát trại chăn nuôi bằng hệ thống camera từ xa. Trang trại chăn nuôi heo thịt theo hướng công nghiệp sạch Phú Hiệp ở Minh Long sử dụng công nghệ dây chuyền thức ăn công nghiệp tự động. Nhân công chỉ cần nhấn nút, thức ăn tự động đổ vào các máng ăn. Ngoài ra, để xử lý chất thải chuồng trại, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải NN An Hội ở Tư Nghĩa.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, công tác theo dõi diễn biến rừng được áp dụng bằng phần mềm Bản đồ lâm nghiệp, sử dụng công nghệ giải đoán ảnh và viễn thám trong công tác cảnh báo cháy rừng.

Về chuyển đổi số trong lĩnh vực thủy lợi, đến nay đã lắp đặt và quản lý vận hành 79 trạm đo mưa tự động, 10 trạm đo mực nước tự động trên các sông và các hồ chứa nước. Thông tin về lượng mưa, mực nước được cập nhật và quản lý qua các phần mềm chuyên dùng.

Ngành nông nghiệp Quảng Ngãi ứng dụng công nghệ số trong nuôi trồng Thuỷ sản

Ngành nông nghiệp Quảng Ngãi ứng dụng công nghệ số trong nuôi thuỷ sản

Lĩnh vực thủy sản hiện có nhiều ứng dụng liên quan đến chuyển đổi số, như ứng dụng công nghệ mới trong đóng tàu, ứng dụng máy dò ngang trong khai thác thủy sản ứng dụng hệ thống cơ giới hóa trong khai thác. Toàn tỉnh có 2.957/3.079 tàu cá có chiều dài 15m trở lên bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tỷ lệ đạt 99,43% .

Lĩnh vực HTX NN, một số HTX trên địa bàn tỉnh cũng đã đẩy mạnh SX-KD thông qua các trang mạng xã hội, trang điện tử bán hàng. Tiêu biểu như HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi, HTX Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận, HTX Rau sạch Mầm Việt... Các sản phẩm NN đạt tiêu chuẩn OCOP được giới thiệu, quảng báo qua Trang thông tin điện tử Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”...

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Ngãi tập huấn phát triển thị trường, năng lực xúc tiến thương mại cho các cơ sở SX, KD nông, lâm, thủy sản trên địa bàn huyện Bình Sơn.

Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản Quảng Ngãi tập huấn phát triển thị trường, năng lực xúc tiến thương mại cho các cơ sở SX, KD nông, lâm, thủy sản trên địa bàn huyện Bình Sơn.

Các lĩnh vực của ngành NN Quảng Ngãi đang đẩy mạnh chuyển đổi số, tuy nhiên, quá trình số hóa còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ nông dân có khả năng tiếp cận và áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin vào SX còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp và hộ SX nhỏ chưa có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư vào các hệ thống NN thông minh. Điều này tạo ra rào cản trong việc ứng dụng công nghệ số vào SX NN.

 

Hải Yến

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top