Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024  

Tạo động lực đổi mới và tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp phân bón

Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024 | 16:15

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đưa mặt hàng phân bón sang diện chịu thuế giá trị gia tăng không những làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nội địa so với hàng nhập khẩu, đem lại lợi ích cho người nông dân, mà còn tạo động lực, cơ hội đổi mới công nghệ sản xuất phân bón cho các doanh nghiệp, giúp ngành phân bón phát triển bền vững.

Phân bón là vật tư quan trọng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành trồng trọt.

Đưa mặt hàng phân bón quay trở lại diện chịu thuế VAT

Phân bón là vật tư quan trọng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành trồng trọt. Nhằm hỗ trợ giá đầu vào cho nông dân, tháng 11/2014, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (Luật số 71/2014/QH13), chuyển phân bón từ đối tượng chịu thuế VAT 5% sang đối tượng không chịu thuế.

Theo một số chuyên gia, qua thực tiễn 10 năm thực hiện Luật số 71/2014.QH13, chúng ta đã có đủ trải nghiệm, số liệu, căn cứ để đánh giá được kết quả như thế nào khi thực hiện không áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) với phân bón. Theo đó, do không chịu thuế GTGT, toàn bộ chi phí đầu vào không được khấu trừ, phải tính vào giá thành sản xuất. Hàng năm có khoảng 7- 8% chi phí sản xuất tăng thêm, kéo theo giá bán cuối cùng cho người nông dân cũng tăng tương ứng, điều này đi ngược lại mục đích ban đầu nhằm hỗ trợ giá phân bón cho người nông dân.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, từ năm 2015 khi thực hiện Luật Thuế số 71, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng 5,2 - 6,1%... so với những năm còn áp dụng VAT 5% đối với phân bón. Đồng thời, còn làm hạn chế sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng tiêu cực đến các dự án đầu tư sản xuất phân bón khiến các doanh nghiệp phân bón nội địa mất đi lợi thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, vốn đã được khấu trừ thuế giá trị gia tăng khi sản xuất ở nước nhà.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Trí Ngọc cũng cho biết, hầu hết các nước đều coi phân bón là mặt hàng chịu thuế. Đối với nước ta, mặt hàng phân bón thuộc đối tượng “không chịu thuế VAT” trong suốt những năm qua, khiến các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào, đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón, nên các hoạt động sản xuất phân bón phải tính vào chi phí sản phẩm, tác động đẩy giá phân bón. Xét về nhiều góc độ thì người nông dân vẫn là đối tượng thiệt thòi nhất.

Hài hòa “mối quan hệ 3 nhà”

Cùng quan điểm đưa mặt hàng phân bón quay trở lại diện chịu thuế VAT, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) Nguyễn Văn Phụng cho rằng: đứng trên tổng thể lợi ích nền kinh tế, việc này sẽ giải quyết hài hòa được “mối quan hệ 3 nhà”: Doanh nghiệp, Nhà nước và Nhà nông.

TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng khẳng định, phân bón chịu thuế GTGT sẽ đảm bảo được hài hòa lợi ích của 3 nhà, trong đó người nông dân có đủ cơ sở để được hưởng lợi và không bị chịu thiệt như các ý kiến lo ngại.

TS. Nguyễn Trí Ngọc cho biết, hiện đang có hai luồng ý kiến trái ngược nhau: Sửa đổi thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón là hết sức cần thiết và sửa đổi thuế GTGT sẽ chỉ có lợi cho doanh nghiệp còn người nông dân thì sẽ phải chịu thiệt.

Khi thay đổi chính sách thuế GTGT sẽ tác động chủ yếu đến 3 đối tượng: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng (người nông dân). Theo tính toán của Hiệp hội, nếu sửa đổi luật theo hướng áp thuế GTGT 5% đối với phân bón sẽ hài hòa lợi ích của cả ba đối tượng này. Đặc biệt, người nông dân sẽ được hưởng lợi về lâu dài.

Cụ thể, TS. Nguyễn Trí Ngọc chỉ ra, Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu vào ngân sách. Theo thống kê của cơ quan quản lý, số thu về thuế GTGT phân bón luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp có động lực đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sản xuất các loại phân bón có hàm lượng kỹ thuật cao, thế hệ mới, làm tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm.

Về phần doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón sẽ được hưởng lợi từ việc hoàn thuế đầu vào theo công thức sau: Số thuế GTGT cần nộp = số thuế GTGT đầu ra - số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ. Từ đó, doanh nghiệp có nguồn vốn để mở rộng nhà xưởng, nâng cao năng lực sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Hơn nữa, áp thuế GTGT phân bón còn tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu.

Đối với người nông dân, khi doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế đầu vào thì chi phí đầu tư giảm, giá thành sản xuất sẽ giảm đi. Và khi doanh nghiệp có động lực đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sản xuất các loại phân bón có hàm lượng kỹ thuật cao, thế hệ mới sẽ làm tăng năng suất và hiệu quả của sản xuất sẽ làm tăng suất cây trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm do đó tăng hiệu quả công tác trồng trọt một cách bền vững. Đặc biệt, nếu Nhà nước thu được một khoản thuế từ mặt hàng phân bón thì sẽ có thêm điều kiện để tăng chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học... từ đó, làm cho người nông dân tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trong nước.

“Trong ngắn hạn thì giá bón phân bón sẽ tăng lên và người nông dân sẽ chịu thiệt một chút do phải bỏ thêm tiền để mua phân bón. Tuy nhiên, trong thời gian dài hơn, người nông dân sẽ được hưởng lợi từ chính sách thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón” - TS. Nguyễn Trí Ngọc nhận định.

Nhưng xét trong dài hạn, người nông dân sẽ được hưởng lợi từ chính sách thuế giá trị gia tăng 5% đối với mặt hàng phân bón. Ông Ngọc chỉ ra 3 cơ sở thực tế khiến người nông dân được hưởng lợi từ chính sách này.

Thứ nhất, doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế đầu vào, nên chi phí đầu tư giảm, giá thành sản xuất sẽ giảm đi.

Thứ hai, doanh nghiệp có động lực đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sản xuất các loại phân bón có hàm lượng kỹ thuật cao, thế hệ mới, làm tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, do đó tăng hiệu quả công tác trồng trọt một cách bền vững.

Thứ ba, Nhà nước thu được một khoản thuế từ mặt hàng phân bón nên có thêm điều kiện để tăng chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học... Điều này sẽ làm cho người nông dân tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trong nước.

“Phân bón chịu thuế giá trị gia tăng sẽ hài hòa lợi ích của cả 3 'nhà', đó là Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất và người nông dân”, đại diện Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam khẳng định.

Tạo động lực đổi mới và phát triển bền vững

Nhìn nhận về việc không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, cùng cơ hội cạnh tranh với phân bón nhập khẩu thấp, các chuyên gia cũng cho rằng: Phần nào cũng làm các nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất trong nước ngần ngại, không có động lực để tăng đầu tư, tái đầu tư, nâng cao quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các dự án có công nghệ cao. Dẫn tới nông dân cũng thiệt hại khi không được sử dụng sản phẩm tốt hơn, ngành phân bón trong nước ngày càng thụt lùi so với thế giới.

Việc đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ, kỹ thuật nhằm giảm lượng tiêu thụ năng lượng, giảm lượng phát khí thải, ô nhiễm môi trường nước, không khí.

Theo Phó tổng giám đốc DAP - Vinachem Nguyễn Hoàng Trung: Vòng đời công nghệ của một nhà máy vào khoảng 10-15 năm, nếu không có động lực và nguồn lực, ngành sản xuất phân bón trong nước sẽ rất khó khăn để đổi mới công nghệ, từ đó không tạo ra được sản phẩm cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu, cũng như không giữ ổn định được giá bán trên thị trường.

Đại diện DAP - Vinachem cũng cho rằng, việc điều chỉnh chính sách thuế lần này là động lực quan trọng nhất, tác động thúc đẩy ngành sản xuất trong nước, dẫn đến phục vụ tốt hơn cho bà con nông dân, cũng như đóng góp cho sự phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam.

Đồng quan điểm trên, các chuyên gia cho rằng, nếu phân bón được đưa trở lại mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng, các doanh nghiệp trong ngành sẽ được khấu trừ thuế đầu vào giúp có thêm động lực cho các quyết định đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô để gia tăng năng lực cạnh tranh từ đó có nhiều dư địa hơn để giảm giá thành sản phẩm tới tay người nông dân.

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế hướng đến kinh tế xanh, giảm phát thải khí nhà kính, việc bảo vệ môi trường hiện nay là vấn đề cấp thiết trên toàn cầu. Quá trình sản xuất phân bón có sử dụng nhiều loại hóa chất dễ gây ra ô nhiễm môi trường sinh thái, từ khí thải, nước thải, chất thải rắn... Việc đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ, kỹ thuật nhằm giảm lượng tiêu thụ năng lượng, giảm lượng phát khí thải, ô nhiễm môi trường nước, không khí... Đồng thời, tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm từ đó mang lại lợi ích lâu dài cho người nông dân, ngành nông nghiệp. Qua đó, tạo ra hướng phát triển bền vững cho các doanh nghiệp phân bón trong nước.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã tự chủ trong việc sản xuất các loại phân bón chính như Urê, phân lân, và NPK. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn phân Kali do không có quặng Potash để tự sản xuất. Hiện tại, tổng công suất sản xuất phân bón trong nước đã vượt xa nhu cầu tiêu thụ hàng năm, khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành phân bón bắt đầu hướng tới việc xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Mặc dù cơ hội xuất khẩu đang mở rộng, nhưng các doanh nghiệp phân bón của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những khó khăn lớn là chi phí sản xuất phân Urê của Việt Nam hiện đang cao hơn so với nhiều quốc gia sản xuất lớn như Nga, Ai Cập, và Trung Quốc. Điều này khiến Việt Nam gặp khó khăn trong việc cạnh tranh về giá cả và giành thị phần trên thị trường quốc tế.

Việc tăng cường xuất khẩu phân bón là chiến lược quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cung vượt cầu toàn cầu. Tuy nhiên, để thành công, các doanh nghiệp cần tiếp tục cải thiện hiệu quả sản xuất và tìm kiếm các cơ hội thị trường phù hợp nhằm vượt qua thách thức về chi phí và cạnh tranh quốc tế.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2024 cả nước nhập khẩu 378.158 tấn phân bón, tương đương 140,35 triệu USD, giá trung bình 371 USD/tấn, giảm 15,8% về lượng, giảm 10,9% kim ngạch nhưng tăng 5,8% về giá so với tháng 8/2024. So với tháng 9/2023 giảm 19,8% về lượng, giảm 10% kim ngạch nhưng tăng 12,1% về giá.

Tính chung trong 9 tháng của năm 2024 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt gần 3,85 triệu tấn, trị giá 1,28 tỷ USD, giá trung bình đạt 332,2 USD/tấn, tăng 32,3% về khối lượng, tăng 29,7% về kim ngạch nhưng giảm 2% về giá so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 42% trong tổng lượng và chiếm 40,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt gần 1,62 triệu tấn, tương đương 519,38 triệu USD, giá trung bình 321,2 USD/tấn, tăng 13% về lượng, tăng16,5% kim ngạch và tăng 3% về giá so với cùng kỳ năm 2023,

Tiếp đến thị trường Nga đứng thứ 2, chiếm 11,6% trong tổng lượng và chiếm 15% trong tổng kim ngạch, với 447.138 tấn, tương đương 191,92 triệu USD, giá trung bình 429,2 USD/tấn, tăng 130,2% về lượng, tăng 109% về kim ngạch nhưng giảm 9,1% về giá so với cùng kỳ năm 2023.

Nhập khẩu phân bón từ thị trường Lào đạt 263.596 tấn, tương đương 68,27 triệu USD, tăng 18,4% về lượng, nhưng giảm 9,8% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023, chiếm trên 6,9% trong tổng lượng và chiếm 5,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước,

Nhìn chung, trong 9 tháng của năm 2024 nhập khẩu phân bón từ đa số các thị trường tăng so với cùng kỳ năm 2023./.

 

Thanh Tâm (t/h theo daibieunhandan.vn, nongthonviet.com.vn...)

Xem thêm

4 5[6]
Top