Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 1 tháng 11 năm 2024  

“Cây kinh tế” của bản làng Xa Phó

Thứ bảy, ngày 26 tháng 10 năm 2024 | 11:48

Từ cây chuối, đồng bào Xa Phó ở thôn 2 Nhai Thổ, xã Kim Sơn (Bảo Yên - Lào Cai) đã đa dạng hóa sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chuối thực sự trở thành “cây kinh tế” của bà con nơi đây, khi vừa cho thu quả, thân cây còn làm ra những sợi tơ bền, chắc, nguyên liệu sản xuất của nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo, thân thiện với môi trường...

Đặc biệt, việc tận dụng các nguồn phụ phẩm từ cây chuối đã hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn mới mẻ với bà con nơi đây.

Bóc bẹ chuối để đưa lên máy tuốt tơ.

Hành trình chuyển mình

Thôn 2 Nhai Thổ có 126 hộ, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Xa phó. Ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Kim Sơn, chia sẻ, so với mặt bằng chung của 17 thôn trong xã thì đây là thôn khó khăn nhất do tập quán sinh hoạt lạc hậu, người dân sống khép kín, không giao lưu với các dân tộc khác trên địa bàn, đa số không nghe, nói được tiếng phổ thông. Trước tình hình đó, các cấp chính quyền địa phương, cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, nỗ lực thay đổi nhận thức của bà con thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao, và phong trào cộng đồng, nhằm gắn kết và cải thiện đời sống sinh hoạt.

Bà Lý Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Sơn, cho biết: “Để tập hợp, thu hút hội viên tham gia, Hội Phụ nữ xã lựa chọn hội viên nòng cốt vận động các chị em khác tham gia theo đội nhóm tập múa xòe, hát, thổi sáo..., biểu diễn vào mỗi dịp họp thôn, lễ, Tết. Nhiều hoạt động thể thao như: bóng chuyền, kéo co, ném còn, bịt mắt bắt dê... cũng được tổ chức để bà con tích cực tham gia sinh hoạt cộng đồng. Sau một thời gian, chúng tôi phát động các phong trào thi đua “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Vệ sinh đường làng ngõ xóm”... Đặc biệt là mô hình “Hũ gạo tiết kiệm”, mỗi hội viên đóng góp từ 1kg gạo trở lên/tháng. Mỗi năm mở 2 lần, mỗi lần được 1 tạ gạo để giúp đỡ hội viên có gia cảnh khó khăn. Đến nay, chính quyền cùng ban ngành, đoàn thể đã bắt đầu triển khai xây dựng các mô hình kinh tế giúp bà con nơi đây nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”.

Máy tuốt tơ.

Nhiều năm nay, người dân  thôn 2 Nhai Thổ  chỉ trồng sắn, ngô, lúa. Mặc dù cũng được hỗ trợ gia súc, gia cầm(dê, gà) để tăng gia sản xuất nhưng  bà con chưa từ bỏ lối canh tác, chăn nuôi truyền thống nên không đem lại hiệu quả. Đến năm 2023, người dân mới đồng ý chuyển đổi sang trồng chuối tiêu hồng. “Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng vẫn lo vì là cây trồng mới đối với người dân, chưa biết có phù hợp hay không, hiệu quả kinh tế như thế nào? Chúng tôi bàn bạc, thống nhất giao cho Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn đứng ra nhận trách nhiệm vận động và bàn giao cho từng hộ, trồng trên diện tích 10ha. Cùng với đó là sự vào cuộc của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, đội ngũ khuyến nông viên tận tình hướng dẫn. Đến nay, cây chuối phát triển tốt, người dân đã có thu nhập từ bán quả nên diện tích tăng lên 15,9ha”, ông Dũng nói.

Một trong những hộ tiên phong chuyển đổi là gia đình ông Lương Văn Ngọc, Trưởng thôn 2 Nhai Thổ. Từ năm 2023, ông đã trồng 1,2ha chuối tiêu hồng với khoảng 2.400 cây,  thu hoạch được hơn 1.000 buồng. Được chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi buồng chuối nặng trung bình 25kg, bán với giá 5.000 đồng/kg, gia đình ông có thu khoảng 100 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế của gia đình ông Ngọc từ cây chuối đã giúp bà con trong thôn nhận ra lợi ích của việc chuyển đổi cây trồng.

Đặc biệt, thực hiện liên kết sản xuất, Hợp tác xã Thượng Lâm (Phú Thọ) đã hỗ trợ bà con rất nhiều. Hợp tác xã cung cấp 100% cây giống và 50% túi bao buồng, giúp người dân chỉ cần đầu tư công sức và phân bón là cây sinh trưởng và phát triển tốt. Nỗ lực của địa phương không chỉ giúp cải thiện thu nhập mà còn mở ra hướng đi mới, bền vững hơn cho bà con Xa Phó tại Nhai Thổ.

Tơ chuối xử lý qua nước vôi trong và phơi khô.

Tương lai một làng nghề

Để phát triển bền vững nghề trồng chuối, thôn 2 Nhai Thổ  đã thành lập tổ nghề nghiệp trồng chuối tiêu hồng, quy tụ 18 hộ tham gia. Tổ không chỉ hỗ trợ nhau  kỹ thuật trồng trọt mà còn nhận chuyển giao công nghệ tuốt sợi tơ chuối từ Hợp tác xã Thượng Lâm. Đây là bước tiến lớn, giúp bà con tận dụng tối đa giá trị của cây chuối.

Hợp tác xã cung cấp 4 máy tuốt sợi chuối và 1 máy chẻ bẹ chuối, giúp tổ hoạt động hiệu quả. Thay vì bỏ đi, thân chuối vừa thu hoạch buồng giờ đây được thu mua lại với giá 300 đồng/kg. Mỗi cây chuối có trọng lượng trung bình 15-20kg, tương đương khoảng 6.000 đồng. Trong mùa thu hoạch chuối vừa qua, tổ hội nghề nghiệp đã thu mua được 9,5 tấn thân chuối, cho ra 74kg sợi tơ. Trưởng thôn Lương Văn Ngọc tính toán rằng, với mỗi tấn thân chuối, bà con có thể thu được 10-12kg sợi khô, bán với giá 90.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận hơn 1 triệu đồng. Chỉ tính riêng 1ha chuối, người dân có thể thu về khoảng 50 triệu đồng từ việc tận dụng thân chuối.

Bà con học cách bện tơ chuối theo các kích cỡ khác nhau để làm ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, bã chuối sau khi tuốt tơ không chỉ đơn thuần là phụ phẩm, mà còn có thể được ủ thành phân hữu cơ hoặc sử dụng để sản xuất nấm, tạo thêm thu nhập cho người dân. Như vậy, từ thân cây chuối, bà con không chỉ nâng cao thu nhập cho mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong thôn.

Theo bà Nguyễn Vân Anh, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên, tơ chuối sau khi khô sẽ được bện thành những sợi thừng có kích cỡ khác nhau, đáp ứng nhu cầu của  đơn vị thu mua. Sản phẩm thủ công từ tơ chuối không chỉ tinh xảo mà còn thân thiện với môi trường, mở ra cơ hội xuất khẩu. Đây là  ngành nghề tiềm năng, phù hợp với bà con nông dân và mang lại nguồn thu nhập ổn định. Hợp tác xã Thượng Lâm cũng đang xây dựng vùng nguyên liệu rộng hơn, quy mô tại 3 xã của huyện Bảo Yên để đảm bảo nguồn cung sợi chuối ổn định hơn. Tương lai của nghề trồng chuối tiêu hồng tại thôn 2 Nhai Thổ không chỉ là niềm hy vọng về kinh tế mà còn là hướng đi mới cho sự phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc Xa Phó nơi đây.

 

Nguyên Hoa

Xem thêm

4[5] 6
Top