Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 1 tháng 11 năm 2024  

Giải pháp cho bài toán sụt lún, hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL

Thứ hai, ngày 28 tháng 10 năm 2024 | 10:0

Ưu tiên dự án quan trọng, cấp bách, đa mục tiêu trong ứng phó biến đổi khí hậu ở ĐBSCL là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khi nghe báo cáo kết quả xây dựng Đề án Phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khó lường

Những năm gần đây, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, quá trình phát triển ở thượng nguồn sông Mê Công... gây tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước, sạt lở, lún sụt.. Riêng mùa khô năm 2023-2024, ở khu vực này hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến hàng nghìn héc-ta cây trồng và hàng chục nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Những năm gần đây, ĐBSCL chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu trong đó tình trạng sạt lở bờ sông gây hậu quả nghiêm trọng tại các địa phương.

Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), ĐBSCL nằm ở hạ lưu sông Mê Công, có nhiều thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp do nguồn nước phong phú và được điều tiết tự nhiên bởi Biển Hồ (Campuchia), tài nguyên, đất đai bằng phẳng, màu mỡ, thủy sản dồi dào, đa dạng... So với cả nước, diện tích Đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm 12% nhưng sản xuất lúa chiếm tới 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước; xuất khẩu gạo của vùng chiếm tới 90% sản lượng và thủy sản chiếm 70% diện tích nuôi trồng, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu của cả nước...

Nhưng khu vực này cũng luôn phải đối mặt với không ít khó khăn và hạn chế do mặn xâm nhập với diện tích khoảng từ 1,2 đến 1,6 triệu héc-ta ở vùng ven biển, ứng với độ mặn 4 g/l (vào mùa kiệt); thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt ở những vùng xa sông, gần biển; xói lở bờ sông, biển, sụt lún bờ kênh, rạch xảy ra nhiều nơi và ngày càng nghiêm trọng…

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng và ĐBSCL chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất so với các vùng khác. Các nghiên cứu cho thấy, trong 30 năm qua, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm, đỉnh triều tăng nhiều hơn chân triều, dẫn đến năng lượng dòng triều tăng.

Toàn vùng có 17 cửa sông với tổng chiều rộng khoảng 25 km, dẫn đến sự trao đổi nước từ biển vào đã và tiếp tục gia tăng từ 25% đến 65% khiến diện tích bị ngập triều và xâm nhập mặn tăng theo. Bên cạnh đó, việc tiêu thoát nước cũng khó khăn, dẫn đến tăng diện tích ngập do lũ, do triều và kéo dài thời gian ngập.

Đến năm 2024, các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công đã xây dựng 128 hồ trên dòng chính và dòng nhánh với dung tích hữu ích khoảng 88 tỷ mét khối; dự kiến tăng lên 90 đến 95 tỷ mét khối vào năm 2030 và sẽ đạt 120 tỷ mét khối khi hoàn thành 231 hồ theo quy hoạch giai đoạn năm 2040-2060.

Các công trình này sẽ tác động đến dòng chảy về ĐBSCL trong cả mùa lũ và mùa kiệt, tần suất xuất hiện lũ lớn giảm, thay vào đó là lũ nhỏ, thậm chí mất lũ tăng lên…, do đó xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn. Hơn nữa, sự sụt giảm khoảng 70 đến 75% hàm lượng phù sa về ĐBSCL (do các hồ chứa thượng nguồn giữ lại) đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra xói lở nghiêm trọng bờ sông, biển.

Nhiều khu vực ven đê biển Đông tỉnh Bạc Liêu mất lá chắn rừng phòng hộ.

Về xu thế dài hạn, vùng ĐBSCL xâm nhập mặn cao khả năng gia tăng cả về cường độ và số lần xuất hiện, nhất là trong thời gian ảnh hưởng của El Nino thì xâm nhập mặn xuất hiện ở mức nặng đến nghiêm trọng. Đặc biệt, trong tương lai, khi các nước ở thượng nguồn hoàn thành xây dựng các hồ chứa nước theo quy hoạch, cùng với yếu tố nước biển dâng, biến đổi khí hậu, hạ thấp lòng dẫn sông... xâm nhập mặn có xu thế xuất hiện gay gắt, quy luật bất thường hơn, mức độ xâm nhập phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 đến 7 km; các đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng như mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020 xuất hiện thường xuyên hơn và không loại trừ còn có mức độ ảnh hưởng cao hơn.

Theo Cục Thủy lợi, đến cuối tháng 4, khu vực ĐBSCL có khoảng 1.581 ha lúa ở Sóc Trăng và Bến Tre, 4.642 ha cây ăn quả có nguy cơ giảm năng suất; khoảng 73.900 hộ dân bị ảnh hưởng do thiếu nước sinh hoạt tập trung tại bảy tỉnh là: Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Ưu tiên dự án quan trọng, cấp bách, đa mục tiêu

Trước việc ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng từ thiên tai và biến đổi khí hậu. Sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn đang đe dọa nghiêm trọng đến đời sống người dân, sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế, xã hội của vùng. Nhận thức rõ những thách thức này, Chính phủ đang tập trung xây dựng Đề án phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu  kiểm tra thực tế đê biển Đông bị sạt lở nghiêm trọng ở đoạn thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, (Ảnh: VOV).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Đề án Phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm nâng cao năng lực phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước góp phần đảm bảo ổn định dân sinh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng vùng ĐBSCL.

Đồng thời, làm cơ sở để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp tổng thể vừa cấp bách, vừa lâu dài thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng quản lý rủi ro để từng bước chủ động kiểm soát hiệu quả các tác động, giảm thiểu thiệt hại do sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

Thứ trưởng Hiệp cho biết thêm, mục tiêu của Đề án nhằm giải quyết cơ bản tình trạng sụt lún đất tại các vùng trọng điểm đến năm 2030; chủ động kiểm soát hiệu quả hoạt động khai thác nước ngầm, tích trữ nước; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sạt lở bờ sông, bờ biển; chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở; đảm bảo kiểm soát xâm nhập mặn mùa khô, duy trì nguồn nước ổn định cho sản xuất nông nghiệp, 80% người dân nông thôn sử dụng từ nước sạch tập trung…

Tại buổi làm việc mới đây nghe báo cáo kết quả xây dựng Đề án Phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm và đã ban hành nhiều Nghị quyết, chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động tổng thể về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các bộ, ngành cũng đã xây dựng, triển khai nhiều đề án, dự án cụ thể.

Cánh đồng tại xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây Tiền Giang khô cằn do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn.

Dó đó, quá trình xây dựng Đề án Phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn, Bộ Nông nghiệp và PTNT phải tiếp cận tổng thể, hệ thống, khoa học, bám sát Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, và các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, đề án đã được xây dựng.

Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, TN&MT, GTVT… rà soát, xác định các mục tiêu cụ thể của Đề án, tránh chồng chéo với các dự án, đề án đã được triển khai, bảo đảm khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của ĐBSCL.

Trong đó, "chìa khoá" là kết hợp dự án hạ tầng thuỷ lợi và giao thông để quản lý tài nguyên nước điều tiết lũ thượng nguồn và phân phối nước ngọt cho vùng trung tâm ĐBSCL, vùng ven biển; giảm khai thác nước ngầm để chống sụt lún; phòng, chống sạt lở bằng các công trình hạ tầng kỹ thuật kết hợp với quy hoạch, sắp xếp lại các khu dân cư ven sông, kênh, rạch và hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho người dân theo các vùng kinh tế nước ngọt, nước lợ, nước mặn.

Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng yêu cầu, trong Đề cần có tiêu chí lựa chọn đúng và trúng những dự án quan trọng, cấp bách cho ĐBSCL, nhất những dự án đa mục tiêu, bảo đảm nguyên tắc không hối tiếc, không trùng lặp.

 

Tổng hợp từ nguồn: Baochinhphu.vn; Moitruong.net.vn; Baonhandan.vn.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)

Xem thêm

4 5[6]
Top