Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 1 tháng 11 năm 2024  

Áp thuế giá trị gia tăng 5% với phân bón: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thứ ba, ngày 29 tháng 10 năm 2024 | 14:58

Tại phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), sáng 29/10, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị không đánh thuế 5% với mặt hàng phân bón, tuy nhiên, cũng có đại biểu ủng hộ đề xuất như dự thảo luật mà Chính phủ trình.

Đánh 5% thuế với phân bón là rất tội cho người dân

Tham gia tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) cho rằng, đây là loại thuế gián thu mà người cuối cùng phải chịu là người tiêu dùng, trong trường hợp này là người nông dân. Thuế suất 5% với phân bón chắc chắn sẽ dẫn tới tăng giá phân bón trên thị trường, tạo ra tác động không hề nhỏ với ngành nông nghiệp và nông dân.

Theo bà An, trong bối cảnh ngành nông nghiệp còn nhiều khó khăn, thiếu bền vững, thiếu tính cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài, việc áp thuế với phân bón sẽ giúp tăng ngân sách khoảng 4.200 tỷ đồng.

Đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An)

Đại biểu Song An băn khoăn là người dân phải chịu mức phân bón tăng cao và khi giá phân bón tăng, chi phí sản xuất nông nghiệp tăng, làm tăng giá thành sản xuất nông nghiệp.

"Nếu áp dụng thuế suất 5% với phân bón, Nhà nước và doanh nghiệp sẽ được lợi nhưng người nông dân là bộ phận quan trọng nhất của ngành nông nghiệp lại chịu thiệt thòi nhất", đại biểu Lê Thị Song An bày tỏ.

Cùng quan điểm với đại biểu An, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho rằng, hiện nay thuế giá trị gia tăng (VAT) đang đánh vào người tiêu dùng trong đại bộ phận người dùng phân bón, thực phẩm, nông sản. Vì vậy, đại biểu Hạ cho rằng, đề xuất này cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng.

Theo ông Hạ, khi người nông dân mua phân bón không có hóa đơn, như vậy không được khấu trừ đầu vào nên việc đánh 5% thuế với phân bón là người nông dân phải chịu. Do đó, đại biểu đề xuất đưa mặt hàng phân bón với thuế suất 0%.

Câu chuyện cạnh tranh giữa 70% nhập khẩu và 30% trong nước thì các doanh nghiệp Việt Nam phải tính toán nâng cao năng lực quản lý, đổi mới công nghệ… để giảm giá thành, đảm bảo cạnh tranh. Các cô ngồi cấy lại gò lưng tần tảo cả đời, nay lại gánh tiếp cạnh tranh cho các doanh nghiệp phân bón", đại biểu Tạ Văn Hạ nêu thực tế, đồng thời cho rằng việc này là không hợp lý.

"Người dân đã rất cực, may được mùa thì lại mất giá. Nếu bây giờ tiếp tục đánh thuế 5% người dân phải chịu nữa tôi nghĩ là rất tội cho người dân", đại biểu Hạ nêu ý kiến.

Áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón có lợi cho ba nhà

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) lại cho rằng: “Việc áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón có lợi cho ba nhà, đó là nhà nông, Nhà nước và doanh nghiệp”.

Theo ông An, với thuế VAT, đầu vào - đầu ra phải đi cùng với nhau, đầu ra không chịu thuế, đầu vào không được khấu trừ. Giả sử doanh nghiệp mua sản phẩm đầu vào 80 đồng, họ sẽ chịu thuế VAT đầu vào là 8 đồng; giá phân bón bán ra 100 đồng. Nếu không được khấu trừ, nguyên tắc họ sẽ phải đưa vào chi phí, tính vào giá, giá đó sẽ là 108 đồng. Nếu đánh thuế 5%, doanh nghiệp đó được khấu trừ 8 đồng, giá bán sẽ chỉ là 105 đồng.

"Tôi đồng tình với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ở đây doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu được bình đẳng với nhau. Việc áp thuế 5% này chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu, còn doanh nghiệp trong nước cũng được bảo vệ, người dân sẽ có cơ hội giảm giá. Nguyên tắc làm giá không phải cứ tăng thuế 5% thì giá sẽ tự động tăng 5% và người dân bị chịu ảnh hưởng", đại biểu An nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng, áp mức thuế giá trị gia tăng 5% “không chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà cả nông dân."

Ông đề nghị “phân tích vấn đề rộng ra," quan tâm đến nông dân nhưng cũng “đừng quên doanh nghiệp là nơi hàng triệu công nhân đang làm việc nếu họ không sống được, họ phá sản thì các công nhân sẽ như thế nào?”.

“Khi chúng ta tự lực, tự chủ, tự cường được nhiều lĩnh vực thì Chính phủ sẽ chi phối được và sẽ áp dụng các biện pháp để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng," đại biểu Nghĩa nói.

Tha thiết đề nghị các ĐBQH ủng hộ đánh thuế VAT 5% với phân bón

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội và giải trình một số vấn đề cụ thể.

"Đây là dự luật quan trọng, có tác động đến hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Dự thảo có nhiều nội dung thay đổi theo đúng sự vận hành của nền kinh tế và xã hội", ông Hồ Đức Phớc khẳng định.

Về thuế VAT đối với phân bón, Phó Thủ tướng cho biết, trước năm 2015, theo quy định, thuế VAT đối với phân bón là 5%. Sau khi có nhiều phản ánh, Quốc hội khoá XIV đã ban hành, điều chỉnh quy định phân bón không phải chịu thuế VAT. Quy định này được triển khai cho đến nay.

Hiện nay, theo đề nghị của các ban ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kiểm Toán Nhà nước, các đoàn ĐBQH tỉnh Càu Mau, Bình Định, Hải Phòng, Nam Định… đề nghị sửa nội dung này.

Phó Thủ tướng phân tích, giá phân bón không chỉ phụ thuộc vào vấn đề thuế tăng hay giảm mà giá phân bón phụ thuộc vào giá thành sản xuất, phụ thuộc vào thị trường, phục thuộc vào cung cầu.

“Nếu chúng ta cố định tất cả các loại chi phí lãi thì thuế sẽ đảm bảo giá phân bón tăng hay giảm. Nhưng, thực ra giá thành sản xuất phụ thuộc vào khoa học công nghệ, năng suất lao động, nhân công, phụ thuộc vào các yếu tố khác và điều đặc biệt là phụ thuộc vào cung cầu”, Phó Thủ tướng nói.

Cũng theo ông Phớc, khi chúng ta đang thực hiện không thu thuế đối với mặt hàng này giai đoạn 2018-2022 thì giá phân đạm ure vẫn tăng 19,71% đến 43,6%, thuế VAT vẫn không thu, điều đó có nghĩa phụ thuộc cơ bản về thị trường, tức là về cung cầu. Nhưng năm 2023 thì giá đạm ure lại tăng lên 6,29% đến 6,4% là vì chiến tranh của Nga - Ukraine, vì cầu cao mà cung ít, cho nên phụ thuộc chủ yếu vào cung cầu.

Lý giải về lợi ích khi thu thuế VAT đối với phân bón, ông Phớc cho rằng, khi đưa thuế vào thì đúng là tăng giá. Tăng giá chủ yếu là giá nhập khẩu, mà giá nhập khẩu thì có nghĩa là doanh nghiệp trong nước sẽ có lợi. Bởi vì tăng giá thì thuế áp cả nhập khẩu, áp cả trong nước. Tuy nhiên, khi giá nhập khẩu tăng lên thì doanh nghiệp trong nước sẽ có điều kiện để cạnh tranh.

“Doanh nghiệp của nước ngoài phải nộp 1.500 tỷ đồng vì hàng hóa nhập vào nhiều, doanh nghiệp trong nước chỉ phải nộp tăng thêm 200 tỷ đồng. Lợi ích để đảm bảo cho doanh nghiệp trong nước là rất tốt và tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước cải tiến kỹ thuật và áp dụng công nghệ hiện đại, giảm giá thành phần sản phẩm. Như vậy, sẽ giảm được giá bán cho người nông dân và chúng ta làm chủ được vấn đề phân bón”, Phó Thủ tướng phân tích.

"Tôi tha thiết đề nghị đại biểu ủng hộ cho phương án như đã trình, tức là thuế suất 5% sẽ không ảnh hưởng nhiều đến vấn đề giá ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh sau khi đã giải trình.

 

Theo VOV.VN

Xem thêm

[4] 5 6Trang cuối
Top