Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 5 tháng 11 năm 2024  

Giống cây trồng, vật nuôi được coi là cốt lõi phát triển nông nghiệp

Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024 | 15:43

Ứng dụng khoa học kỹ thuật, việc nghiên cứu, phát triển giống cây, con mới, đặc sản đưa vào sản xuất nông nghiệp đang là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp Hà Nội.

Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi

Gà mía là một giống gà bản địa của thị xã Sơn Tây (Hà Nội), từ lâu đã gắn liền với các địa danh cổ xưa của xứ Đoài như làng Mía, chùa Mía. Thịt gà Mía thơm, có vị ngọt, đậm, dai; không mềm, nhũn như thịt gà công nghiệp nhưng cũng không dai quá như gà ta. Da gà ăn rất giòn, nhất là gà trống thiến.

Mô hình chăn nuôi gà Mía sinh sản ở Ba Vì 

Thịt gà mía ngon như thế là do cách chăn thả tại Sơn Tây là nuôi thả vườn và ăn cả thức ăn xanh (rau, củ, quả...), thóc, cám gạo, ngô nghiền, các loại khoáng, vitamin... nên bảo đảm khỏe mạnh và ngon.

“Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi gà Mía bền vững tại vùng nông thôn, miền núi của thành phố Hà Nội” là dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ giao Xí nghiệp Chăn gia cầm, Công ty Hadico chủ trì thực hiện, Viện Chăn nuôi là đơn vị chuyển giao công nghệ.

Hiện, dự án đã xây dựng 3 mô hình chăn nuôi gà Mía sinh sản tại huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây với tổng đàn 6.000 con; xây dựng được 5 mô hình nuôi gà Mía thương phẩm có tổng đàn 10.000 con với tổng số 7 nông hộ tham gia; xây dựng 2 mô hình liên kết thu gom, giết mổ; tập huấn đào tạo kỹ thuật; thông tin tuyên truyền, chuyển giao và mở rộng mô hình của dự án.

Gia đình ông Nguyễn Đức Chính (thôn Phụ Khang, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cũng là một trong những nông hộ thu được hiệu quả cao từ mô hình chăn nuôi gà Mía thương phẩm. Với quy mô 2.000 con, sau 5 tháng chăn nuôi, gà đạt tỷ lệ sống trên 92%, trọng lượng gà trống đạt 2,19kg/con, gà mái 1,76kg/con. Gà đến tuổi xuất bán được đơn vị bao tiêu với giá ổn định.

Gà thương phẩm nuôi từ dự án sẽ được 2 hợp tác xã trong mô hình liên kết thu mua, sơ chế, chế biến. Gà có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, chất lượng thịt thơm ngon. Quy trình giết mổ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Do đó, sản phẩm của 2 cơ sở thu gom giết mổ, đóng gói làm ra bao nhiêu khách đã đặt mua hết, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đây là một dự án mang tính ứng dụng nhằm đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Vì vậy, việc duy trì hoạt động chăn nuôi gà Mía chất lượng cao có ý nghĩa quyết định đến việc mở rộng và nhân rộng mô hình.

Nhiều giống cây đặc sản cho giá trị cao

Bưởi Quế Dương xuất phát từ một cây bưởi hạt, được gia đình cụ Trần Thảo, ở xóm Tháp Thượng lưu giữ và nhân giống. Do mẫu mã đẹp, quả to, cùi mỏng, độ ngọt vừa phải, nên người dân ưa chuộng. Bưởi Quế Dương là giống bưởi quý, sau khi nghiên cứu nguồn gen, đặc tính sinh trưởng, phát triển của cây, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã hỗ trợ người dân nhân rộng cây trồng này theo hướng hàng hóa.

Cây bưởi đường Quế Dương thu 1 tấn quả của bà Thu ở thôn Cát Nổi, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức

Theo ông Nguyễn Như Hảo, giám đốc HTX sản xuất bưởi an toàn Quế Dương, bưởi Quế Dương có mẫu mã đẹp, quả to, cùi mỏng, độ ngọt vừa phải, ăn nhiều không thấy chán nên được người dân trong vùng nhân giống. Đặc biệt, thời gian thu hoạch của bưởi Quế Dương thường từ rằm tháng Tám âm lịch, sớm hơn bưởi Diễn khoảng 2 - 3 tháng nên người dân trồng xen kẽ để rải vụ.

Từ năm 2013, hội sản xuất kinh doanh bưởi Quế Dương thành lập đồng thời đã được Cục Đo lường và Chất lượng sản phẩm cấp giấy đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhưng đến năm 2019 thì chỉ có ông cùng 9 thành viên khác thành lập HTX sản xuất bưởi an toàn Quế Dương, trong đó có 3ha diện tích trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP. Chỉ sau đó 1 năm, sản phẩm bưởi của HTX đã được công nhận OCOP 4 sao. Ông Hảo cho biết thêm.

Điều thuận lợi là từ khi có HTX, người dân được hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón và đầu ra nên nhanh chóng nhận thấy giá trị của cây bưởi. Nhiều hộ cũng đẩy mạnh chuyên canh, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống khấm khá hơn rất nhiều.

Hiện nay Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu tập thể bưởi Quế Dương, giúp việc tiêu thụ tương đối thuận lợi. Khi vào vụ thu hoạch, bưởi được thương lái vào tận vườn thu mua với giá ổn định, thu nhập khoảng 300-400 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2-3 lần trồng lúa.

Giống cây trồng, vật nuôi được coi là cốt lõi của tăng năng suất và chất lượng sản phẩm

Cùng với đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, việc nghiên cứu, phát triển giống cây, con mới, đặc sản đưa vào sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp Hà Nội trong những năm tới để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản trên thị trường.

Điểm nổi bật là trong những năm qua, Hà Nội đã tăng cường đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất song song với việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển các giống bản địa đặc sản. Hà Nội hiện có khoảng 30 giống cây trồng, vật nuôi đặc sản, trở thành thương hiệu nổi tiếng, được đưa vào danh mục những nguồn gen cần bảo tồn, phát triển. Trong đó, có thể kể đến gà Mía Sơn Tây, vịt cỏ Vân Đình (huyện Ứng Hòa), rau muống Linh Chiểu (huyện Phúc Thọ), rau sắng chùa Hương và mơ Hương Tích (huyện Mỹ Đức), cải mào gà (huyện Hoài Đức), sữa bò Ba Vì (huyện Ba Vì), bưởi đỏ Đông Cao (huyện Mê Linh), lúa gạo Khu Cháy (huyện Ứng Hòa), nhãn chín muộn Đại Thành (huyện Quốc Oai)...

Trong kế hoạch sản xuất giống cho lĩnh vực nông nghiệp, thành phố Hà Nội hướng đến nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi bản địa, đặc sản, từ đó tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu nông sản có giá trị. Đặc biệt, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu phục tráng nguồn gen cây trồng quý bản địa, áp dụng các biện pháp canh tác bền vững cây ăn quả đặc sản.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, thành phố đặt mục tiêu đưa hoạt động sản xuất con giống làm chủ lực của ngành chăn nuôi. Theo đó, thành phố sẽ áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất giống áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa. Đặc biệt, công tác quản lý về giống vật nuôi sẽ bảo đảm tất cả các cơ sở giống phải áp dụng phần mềm quản lý dữ liệu giống thành phố Hà Nội và dữ liệu quốc gia, giống vật nuôi phải được gắn mã định danh để truy xuất nguồn gốc trong quản lý giống. Cùng với đó, áp dụng công nghệ gen vào chọn tạo giống vật nuôi, đẩy nhanh tiến bộ di truyền để công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong việc tạo dòng, tạo giống, nhân và phát triển giống vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao.

Phát triển giống cây trồng, vật nuôi đòi hỏi phải làm tốt nhiều khía cạnh từ nhiệm vụ nghiên cứu, lai tạo, phục tráng đến công tác quản lý nhà nước, quản lý sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, làm sao để khi đưa giống vào sản xuất bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác.

 

Ngọc Thủy

Xem thêm

4[5] 6
Top