Di sản của kiến trúc
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, nhà rường có từ rất sớm, vào khoảng 300 đến 400 năm trước, thậm chí có thể còn sớm hơn nữa. Nhà rường Huế không chỉ là một ngôi nhà gỗ, mà còn là cả không gian vườn bao quanh nó. Nhà rường Huế không chỉ là nơi ở mà còn là biểu tượng của sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Nhà rường Huế thường được đặt trong một không gian rộng, có khuôn viên vây quanh, với bức tường thành kiên cố hay chỉ là hàng chè tàu được cắt tỉa gọn gàng cùng những cấu trúc phụ chung quanh ngôi nhà như bình phong, non bộ, hồ nước….
Nhà rường Huế thực chất có nhiều loại hình, nhưng phổ biến nhất vẫn là ngôi nhà rường 1 gian 2 chái. Về mặt không gian, nhà rường được tạo nên theo các nguyên tắc và triết lí phương Đông truyền thống. Khi dựng nhà rường, các chủ nhân bao giờ cũng cẩn thận tuân thủ những nguyên tắc của thuật phong thủy được lưu truyền từ nhiều đời. Đây là ngôi nhà tiêu chuẩn mà người xưa sử dụng để dựng nhà rường. Gỗ, vật liệu chính cho nhà rường Huế là các loại mít, gõ làm cột; kiền kiền, chua, huỷnh làm hệ khung mái. Các vật liệu khác như đá dùng để đẽo chân táng, ngói lợp, gạch xây, gạch lát cũng được chọn lựa cẩn thận.
Nhà rường cổ Bao Vinh bị xuống cấp.
Gắn liền với việc dựng nhà rường là rất nhiều nghi lễ truyền thống như lễ Phạt Mộc, lễ Động Thổ. Sau khi công trình được khởi công vẫn còn nhiều lễ khác: Lễ Thượng Trụ để dựng bộ vì đầu tiên của ngôi nhà, lễ thượng lương để đặt đòn Đôông, lễ Gài Nóc để bắt đầu lợp mái công trình. Khi ngôi nhà đã hoàn thiện, có lễ tống mộc để xua đuổi ma quỷ, lễ nhập trạch để xin phép thổ thần cho gia chủ dọn về nhà mới, lễ an vị để cung nghinh ông bà vào nhà. Và cuối cùng mới là lễ tân gia để gia chủ lễ tạ các thần thánh và mời khách khứa, bạn bè mừng ngôi nhà mới.
Các khu vực nhiều nhà rường tại Huế như Phú Dương, Mậu Tài, Kim Long, Thủy Phù, Tứ Hạ..., mỗi làng có vài chục ngôi nhà cổ. Trong đó, có những ngôi nhà cổ gần 300 năm tuổi còn nguyên vẹn như căn nhà ba gian hai chái của bà Cửu Thể, nhà ông Trần Văn Loan ở Mậu Tài, nhà ông Đoàn Kim Khánh, hay nhà rường An Hiên là ngôi nhà rường được xem là mẫu mực của xứ Huế. Nơi đây đã trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo người dân và du khách ngược xuôi đã tìm về để được đắm chìm trong không gian cổ kính thơ mộng với hoa thơm trái ngọt, với điệu hò nam ai và mái nhì được những nghệ sĩ ca Huế tiếp đón; có loại bánh đặc sản mời chào.
Hỗ trợ trùng tu sửa chữa
Cuối tháng 7/2024, UBND TP. Huế ban hành quyết định về chủ trương đầu tư dự án tu bổ, chống xuống cấp nhà vườn bà Nguyễn Thị Ngộ, số 3 Phạm Thị Liên, phường Kim Long thuộc danh mục nhà vườn tham gia Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng trên địa bàn tỉnh” (viết tắt là Đề án nhà vườn).
Theo đại diện gia đình bà Nguyễn Thị Ngộ, nhà được xây dựng vào năm 1890 trên diện tích 1.969m2, phân loại nhà vườn xếp loại 1. Qua hơn 130 năm đưa vào sử dụng và chưa đầu tư sửa chữa lớn nên hiện nhà đã xuống cấp, cần trùng tu để bảo tồn, bảo vệ di sản gắn với khai thác du lịch. Sau khi nhận quyết định tu sửa nhà của thành phố, gia đình bà rất mừng, đồng thời cho biết sẽ cố gắng phát huy giá trị nhà vườn Huế sau khi hoàn thành công tác trùng tu.
Nhà vườn Kim Long thu hút khách du lịch.
Trên cơ sở khảo sát và đánh giá hiện trạng cùng với nhu cầu sửa chữa của chủ nhà vườn, đề án tiến hành hạ giải toàn bộ hệ mái ngói liệt, hệ khung gỗ để phục hồi; hệ thống ván vách, cửa, liên ba, ván trần sẽ được thay thế một số lá cửa, phục hồi các cấu kiện hư hỏng nặng, tu bổ, xử lý một số cấu kiện còn tốt để tái sử dụng… Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng, nhà vườn không đối ứng, dự kiến khởi công trùng tu vào đầu tháng 9/2024.
Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, dự án nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị đặc trưng của hệ thống nhà vườn Huế. Đồng thời, tạo sự đồng thuận, hợp tác của người dân trong thực thi chính sách làm tiền đề lan tỏa, hình thành ý thức tự nguyện tham gia ở phạm vi rộng trong việc bảo vệ di sản nhà vườn Huế gắn liền với khai thác hiệu quả kinh tế.
Cùng với Đề án nhà vườn, trên cơ sở nội dung Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh, phường Hương Vinh, TP. Huế” (viết tắt là Đề án nhà rường cổ) được UBND tỉnh phê duyệt và để thuận lợi trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động liên quan đến Đề án nhà rường cổ, thành phố đã kiện toàn bổ sung chức năng nhiệm vụ tổ chức, triển khai thực hiện đề án cho Ban quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế. Đồng thời, đề nghị cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, tham mưu trình UBND tỉnh bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ tổ chức, triển khai thực hiện Đề án nhà rường cổ cho Quỹ hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng.
Cuối tháng 7/2024, Ban quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế đã khảo sát, đánh giá tình trạng xuống cấp của nhà rường cổ đối với hộ bà Phan Thị Diệu Liên, số 77B Bao Vinh. Nhà có diện tích nhà 139m2, xây dựng năm 1914, phân loại nhà rường cổ loại 1, hiện đã xuống cấp, cần trùng tu, nhà rường cổ đáp ứng tiêu chí và thuộc danh mục nhà rường cổ tham gia Đề án nhà rường cổ được UBND tỉnh phê duyệt để đề xuất hỗ trợ trùng tu, tu bổ trong năm 2024.
Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, đây là 2 trong số nhiều nhà vườn, nhà rường trên địa bàn sẽ được hỗ trợ kinh phí để tu bổ, chống xuống cấp trong thời gian tới. Cùng với việc hỗ trợ trùng tu, nhằm hình thành, phát triển điểm du lịch nhà vườn đặc trưng tại Thủy Biều, Kim Long và điểm du lịch phố cổ Bao Vinh để tổ chức khai thác dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ Bao Vinh theo hướng du lịch xanh, bền vững, thành phố tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ khác như đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, truyền nghề…; xây dựng chuyên trang quảng bá về du lịch nhà vườn đặc trưng nhằm phát huy giá trị nhà vườn Huế, nhà rường cổ trên địa bàn thành phố.
Bảo tồn và phát huy giá trị cổ
Trong bối cảnh hiện đại, việc bảo tồn kiến trúc nhà rường Huế đang đối mặt với nhiều thách thức. Dù vẫn còn hiện hữu nhưng nhà rường Huế đã thay đổi diện mạo rất nhiều. Nhiều nhà rường đã không còn vì xuống cấp do thời gian, một số không nhỏ khác bị chia năm xẻ bảy, bị thay đổi cấu trúc. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt về nguồn gỗ quý và kỹ thuật xây dựng truyền thống cũng là một vấn đề nan giải.
Hơn nữa, sự phát triển đô thị và tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra không ít khó khăn cho việc duy trì và bảo vệ những ngôi nhà cổ kính này. Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều hoạt động, dự án triển khai với mục đích trùng tu, phục hồi nhà rường. Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, mà còn cần phát huy giá trị của kiến trúc nhà rường Huế trong cuộc sống hiện đại. Các dự án phục dựng và xây dựng mới dựa trên mô hình nhà rường đang được thực hiện, nhằm tạo ra những không gian sống vừa hiện đại vừa giữ được nét truyền thống.
Tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện các chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị đặc trưng của hệ thống nhà vườn, nhà rường trên địa bàn.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần có một kế hoạch hành động xây dựng thương hiệu nhà rường Huế, có thể bằng hình thức chỉ dẫn địa lý cho nhà rường Huế, hoặc nhãn hiệu tập thể. Xác định giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của các nhà rường Huế tiêu biểu để đưa vào diện cần bảo tồn, tiến hành đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di sản nhà rường Huế. Xây dựng bảo tàng nhà rường Huế gắn với quảng bá sản phẩm du lịch và tạo ra nguồn thu nhập cho chủ nhân nhà rường, qua đó khuyến khích việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhà rường được tốt hơn. Đề xuất thành lập Hội sản xuất kinh doanh nhà rường Huế gồm các nghệ nhân, các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm nhà rường để các cơ sở sản xuất nhà rường tạo dựng cho mình một nhận diện thương hiệu đối với nhà rường, quảng bá thương hiệu nhà rường đi khắp trên cả nước và có thể xuất khẩu.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, nhà rường Huế đang mất đi khá nhiều trước cơn lốc đô thị hóa, đồng thời cũng xuất hiện những xu thế tích cực trong việc biến đổi nhà rường, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới. Để giải quyết những thách thức này, nhiều giải pháp bảo tồn hiện đại đã được đề xuất và triển khai. Để gìn giữ và phát huy giá trị nhà rường Huế, từ năm 2015, chính quyền các cấp đã ban hành nghị quyết về việc thông qua Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”.
Theo đó, chính quyền địa phương đã đầu tư hỗ trợ trùng tu cho 18 nhà rường ở Huế, 25 nhà rường ở làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền). Cùng với đó, dọc tuyến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, các doanh nghiệp đã đầu tư hơn 14 tỉ đồng để xây dựng chỉnh trang, lắp đặt 12 nhà rường tạo không gian hài hòa gắn với kiến trúc khu vực ven sông Hương.
Nhà rường Huế được xem là di sản quý báu về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử văn hóa của vùng đất Cố đô. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang hướng đến việc xây dựng thương hiệu nhà rường Huế gắn với những việc phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương như xây dựng bảo tàng nhà rường Huế gắn với quảng bá du lịch, phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp du lịch để xây dựng tour, tuyến du lịch sinh thái. Bằng cách kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, chúng ta không chỉ giữ gìn được những giá trị văn hóa quý báu mà còn làm phong phú thêm di sản kiến trúc của đất nước, để lại những di sản vô giá cho thế hệ mai sau.