Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 5 tháng 11 năm 2024  

Làm nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch trải nghiệm ở Thanh Đông

Chủ nhật, ngày 3 tháng 11 năm 2024 | 12:11

Thành phố Hội An (Quảng Nam) những năm qua đã nổi lên như một trung tâm tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch trải nghiệm. Việc tích hợp nông nghiệp và du lịch không chỉ tạo ra nguồn thu nhập mới cho người dân mà còn xây dựng một mô hình phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Trong đó, vườn rau thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh là một ví dụ điển hình.

Từ những ấp ủ ban đầu…

Sự khởi đầu của nông nghiệp hữu cơ tại Hội An bắt đầu vào năm 2014, khi thành phố triển khai dự án trồng rau hữu cơ tại xã Cẩm Thanh. Mô hình đầu tiên được thực hiện tại thôn Thanh Đông với diện tích khoảng 6.400m². Nhờ sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, dự án đã nhanh chóng đạt được thành công, sau đó mở rộng diện tích canh tác lên gần 12.400m². Đây là bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp bền vững, tạo cơ sở cho sự liên kết chặt chẽ giữa nông nghiệp và du lịch.

Sau hai năm triển khai, năm 2016, mô hình nông nghiệp hữu cơ tại Thanh Đông đã chứng tỏ được thành công rõ rệt. Diện tích canh tác đã tăng gần gấp đôi, từ 6.390m² lên hơn 12.370m². Thành công này không chỉ là kết quả của quy trình sản xuất sạch và nghiêm ngặt mà còn là minh chứng cho sự cam kết của chính quyền trong việc bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

TP. Hội An không chỉ chú trọng đến việc mở rộng diện tích canh tác mà còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển các chính sách hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ. Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dự án nông nghiệp bền vững và nâng cao đời sống người dân nông thôn. Việc thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ không chỉ là chiến lược bảo vệ môi trường mà còn là một phần trong kế hoạch phát triển kinh tế gắn liền với việc bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên của Hội An.

Khách du lịch nước ngoài được trải nghiệm trồng rau hữu cơ.

Khách du lịch nước ngoài được trải nghiệm trồng rau hữu cơ.

Mô hình nông nghiệp hữu cơ không chỉ hoạt động độc lập mà còn kết hợp chặt chẽ với các dịch vụ du lịch, thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan và trải nghiệm. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch mà còn tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Bà Nguyễn Thị Sinh, thành viên HTX Thanh Đông cho hay: “Trong quá trình sản xuất, hiệu quả mang lại cho bà con khá rõ nét, trước hết là nhờ sản phẩm rau hữu cơ, đồng thời cũng thu hút được các tour du lịch, nâng cao thu nhập thêm cho bà con”.

Trong những năm qua, chính quyền Hội An đã nỗ lực không ngừng để xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế nông thôn bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nông dân cũng như phát triển nông nghiệp sinh thái và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội vùng nông thôn. Những nỗ lực này không chỉ cải thiện môi trường sống và làm việc của người dân mà còn củng cố vị thế của Hội An như một điểm đến du lịch xanh và bền vững, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết.

Bà Ngô Huyền Trân - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết thêm, gắn kết sản xuất lúa hữu cơ với cải tạo cảnh quan nông thôn mới, Cẩm Thanh đã góp phần phát triển có hiệu quả loại hình du lịch với nội vùng sinh thái giàu giá trị lịch sử và văn hóa của địa phương.

Về mô hình nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch, ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đánh giá, du lịch xanh - bền vững là sự lựa chọn hàng đầu của rất nhiều khách du lịch trên thế giới, đặc biệt là khách từ các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, Nhật Bản…

… Đến mô hình tiên phong trong du lịch nông nghiệp hữu cơ

Mô hình nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái tại xã Cẩm Thanh đã trở thành một điểm sáng trong quá trình phát triển nông nghiệp bền vững của thành phố Hội An. Đây không chỉ là một mô hình sản xuất thực phẩm sạch mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn, mang đến những trải nghiệm độc đáo cho du khách.

Vườn rau thôn Thanh Đông nổi bật với sự chăm sóc tỉ mỉ theo tiêu chuẩn hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học. Đến đây, du khách có cơ hội tham gia vào các hoạt động như cuốc đất, trồng rau, thu hoạch, và học cách chế biến các món ăn từ những sản phẩm hữu cơ tươi ngon. Những trải nghiệm này không chỉ tạo ra thu nhập trực tiếp cho người nông dân mà còn giúp họ thêm kỹ năng tổ chức và vận hành các dịch vụ du lịch.

Du khách đạp xe tham quan xung quanh các cánh đồng xã Cẩm Thanh.

Du khách đạp xe tham quan xung quanh các cánh đồng xã Cẩm Thanh.

Với sự kết nối hiệu quả với các tour lữ hành, vườn rau đã thu hút một lượng khách ổn định, trung bình mỗi đoàn khoảng 30-40 người, và có những đoàn lên tới 100 khách. Trong những tháng cao điểm từ tháng 2 đến tháng 5, vườn rau có thể đón khoảng 300 khách mỗi tháng. Sự kết hợp giữa sản xuất nông sản và dịch vụ du lịch không chỉ giúp cải thiện thu nhập cho nông dân mà còn nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của nông nghiệp bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa. Những nông dân tham gia mô hình này không chỉ là những người sản xuất rau mà còn trở thành những hướng dẫn viên du lịch, truyền cảm hứng về lối sống xanh và thân thiện với môi trường.

Ngoài việc phục vụ du khách, vườn rau còn tạo ra giá trị mới cho cộng đồng thông qua các lớp học ngoại khóa về nông nghiệp hữu cơ và bảo vệ môi trường. Các lớp học này không chỉ dành cho học sinh Việt Nam mà còn cho sinh viên quốc tế, góp phần nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về tầm quan trọng của nông nghiệp bền vững.

Cụ thể, năm 2023 vườn rau HTX Thành Đông chào đón sinh viên trường Đại học Oa-sinh-tơn đến trải nghiệm và học hỏi, năm 2024 HTX đã liên kết với trường Đại học KHXH và nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Trước đó, HTX cũng liên kết với các trường Đại học như: Đại học Huế, Đại học Sư Phạm Đà Nẵng, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng,... để đào tạo sinh viên, ông Nhương tự hào chia sẻ.

Một du khách người Úc chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm, ở bên Úc cũng có trồng rau vườn nhỏ nhỏ, gia đình tự trồng tự ăn, nhiều thì chia sẻ cho hàng xóm chứ không bán, không làm du lịch như ở đây. Rất thú vị!”.

Sự kết hợp giữa sản xuất hữu cơ và du lịch không chỉ mang lại thu nhập trực tiếp từ việc bán nông sản mà còn giúp nông dân tiếp cận thêm các kỹ năng mới như nấu ăn, tiếp khách, tổ chức tour du lịch và homestay. Trong tương lai, Hội An dự định mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ và nhân rộng mô hình này ra các khu vực lân cận như xã Cẩm Kim, tiếp tục tạo điều kiện phát triển kinh tế nông thôn và gắn kết du lịch sinh thái, phát triển mạnh và nhân rộng 1,5 ha lúa hữu cơ tại địa phương.

Đến nay, xã Cẩm Thanh đang thực hiện và duy trì 3 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với 4 ha rau, củ, quả ở Thanh Đông, Đồng Giá và 1,5 ha lúa tại cánh đồng mẫu gắn kết với du lịch sinh thái bền vững trong nội vùng xanh mát, cùng đồng hành với điểm du lịch sông nước Rừng dừa Bảy mẫu, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

 

Anh Vũ

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top