Từ vài chục năm trước, căn bệnh về gan, dạ dày, hiếm muộn... đã được những bài thuốc Nam của gia đình anh điều trị hiệu quả. Nắm bắt được cơ hội từ cơ chế, chính sách cùng với sức mạnh tập thể, HTX Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm dược liệu chất lượng cao.
Nhiều sản phẩm OCOP 3 sao
Về Gia Phú hỏi nhà Mạnh - Hương thì ai cũng biết, bởi nhiều hộ nông dân vùng này đang “ăn nên làm ra” nhờ trồng cây dược liệu bán cho HTX Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương. Thành lập năm 2016, ban đầu, HTX tập trung vào các sản phẩm nông sản truyền thống như: gạo nếp cái hoa vàng, lợn đen bản địa và mật ong rừng. Chương trình OCOP của tỉnh Lào Cai đã tạo cơ hội để HTX tập trung phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng từ khâu trồng trọt không sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu và hoàn thiện quy trình sản xuất.
Dây chuyền chiết xuất và cô đặc tạo thành Cao lá gan.
Trong khu nhà xưởng, anh Mạnh lần lượt giới thiệu với chúng tôi từng loại sản phẩm đang được sản xuất trên các thiết bị hiện đại, gồm: tinh bột nghệ, bột sắn dây, hà thủ ô, cà gai leo, trà bí đao, trà mướp đắng, trà và hoa đu đủ đực nấu cao đặc, chế biến cây dược liệu thành sản phẩm cao cô đặc.., được đóng gói đẹp mắt.
Anh Mạnh chia sẻ: “Đây đều là những cây dược liệu tốt cho sức khỏe, ngày trước mọc hoang rất nhiều ở các thôn Nậm Trà, Nậm Phảng, Mường Bo. Đặc biệt, cây nghệ có đến 12 loại khác nhau như: nghệ đỏ, đen, vàng, độc thân, bọ cạp..., mỗi loại lại chủ trị căn bệnh khác nhau về dạ dày, gan, mật, làm lành vết thương, tái tạo tế bào da..., được gia đình duy trì trong các bài thuốc Nam nhiều năm nay. Chính vì vậy, khi được sự giúp sức từ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tôi mạnh dạn phát triển sản xuất những sản phẩm này”.
Ban đầu, HTX có 7 thành viên tham gia, vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng và 8ha đất nông nghiệp trồng nguyên liệu. Để được chứng nhận là sản phẩm OCOP, phải trải qua nhiều khâu thẩm định nghiêm ngặt của các cơ quan liên ngành từ vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất đến chất lượng sản phẩm. HTX cũng nhiều lần lao đao do thành lập từ việc nâng cấp mô hình sản xuất kinh doanh của hộ gia đình nên thiếu vốn để hoạt động, trang thiết bị máy móc chưa hoàn toàn tự động hoá, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết bền vững, sức cạnh tranh chưa cao.
Ngày 26/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định dược liệu là một trong 5 loại cây trồng chủ lực và là hàng hóa quan trọng thuộc lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Đây là cơ sở cho hướng đi mới phát triển các sản phẩm nông nghiệp, dược liệu hàng hoá trên thị trường. Nắm bắt cơ hội, anh Mạnh bàn với các thành viên vận động bà con tham gia, kết nạp thêm thành viên, mở rộng vùng nguyên liệu.
Tham quan một vòng thôn Chính Tiến, thấy nhiều diện tích nghệ xanh nõn, cao ngang đầu người. Bà Nguyễn Thị Tuyến vừa gom đống cỏ nhổ trong ruộng nghệ về làm thức ăn cho bò, vừa chia sẻ: “Trước đây, vùng này bà con chủ yếu trồng rau, màu, mạnh ai nấy làm, tự tiêu thụ nên giá cả khá bấp bênh. Nay đã chuyển đổi sang trồng nghệ liên kết với HTX theo mô hình hữu cơ, không sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu. Mỗi hecta cho thu hoạch trung bình 25 tấn củ/vụ/năm, bán với giá 6.000 đồng/kg, thu về 150 triệu đồng (cao gấp 3 lần trồng rau)”. Sự liên kết chặt chẽ với người dân đã giúp HTX thành công với 6 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao cấp tỉnh, gồm: Sản phẩm tinh bột nghệ nếp đỏ nguyên chất, tinh bột nghệ đen nguyên chất, tinh nghệ viên mật ong, tinh bột sắn dây, trà bí đao, trà cà gai leo. 5 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, trong đó có 2 sản phẩm cấp tỉnh, 3 sản phẩm đạt chứng nhận cấp khu vực phía Bắc. HTX còn có một nhãn hiệu tập thể “Hà thủ ô đỏ Lào Cai” được Sở Khoa học và Công nghệ Lào Cai chứng nhận.
Hướng đi bền vững
HTX Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 lao động và hơn 100 lao động thời vụ. Tổng vốn hoạt động là 2,5 tỷ đồng, doanh thu năm 2023 đạt 5,8 tỷ đồng.
Các hộ dân liên kết trồng nghệ với HTX được hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Nhận định về hoạt động của HTX, anh Nguyễn Tiến Mạnh cho rằng: “HTX đã có sự chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, dược liệu do thành viên HTX và người dân trên địa bàn xã sản xuất. Hiện, chúng tôi cũng linh hoạt chuyển đổi giống cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây nghệ xen canh lạc, ngô để gia tăng thu nhập cho các hộ dân. Việc hình thành được vùng dược liệu, rau màu an toàn, rau chuyên canh, áp dụng công nghệ cao đã giải quyết việc làm, tạo nguồn thu ổn định, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương. Đây cũng chính là mục tiêu của HTX để xây dựng chuỗi giá trị bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu của của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)”.
Giám đốc HTX Nông sản - dược liệu Mạnh Hương giới thiệu những sản phẩm OCOP 3 sao đang “đắt hàng”.
Thành công của HTX hôm nay cũng phải kể đến những nỗ lực trong công tác chuyển đổi số, tìm hiểu thị trường, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm cũng như tạo việc làm, thu nhập ổn định cho xã viên. Ứng dụng các hệ thống phần mềm, hệ thống minh bạch thông tin, truy suất nguồn gốc điện tử nông sản với 9 dòng nông sản an toàn được cấp mã QR Code. Tham gia hệ thống thông tin quản lý chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận trên địa bàn tỉnh để đảm bảo lợi ích cho chính HTX, các đối tác và người tiêu dùng.
Anh Mạnh cho biết thêm, thời gian tới, HTX sẽ tập trung chế biến sâu các sản phẩm như: Trà túi lọc, cao đặc, cao khô, cao lỏng, sản phẩm dạng nước, sản phẩm dạng viên…, hướng tới đa dạng sản phẩm, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu dược liệu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Bên cạnh đó, gắn vùng sản xuất với du lịch để tăng cường quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm bằng cách hình thành các vùng sản xuất liền vùng, liền khoảnh. Xây dựng hệ thống nhà xưởng tạo điều kiện cho du khách tham gia trải nghiệm quá trình thu hái, sơ chế, đóng gói, bảo quản...; kết nối tiêu thụ sản phẩm dược liệu cho du khách tại các khu du lịch, các lễ hội…; tiếp tục mở rộng thị trường, tìm kiếm các đối tác chiến lược để đưa sản phẩm OCOP của mình đến với nhiều thị trường hơn, đặc biệt là các thị trường quốc tế tiềm năng.