Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024  

Giải pháp nuôi tôm hiệu quả

Thứ hai, ngày 11 tháng 11 năm 2024 | 10:38

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Thủy sản, năm 2024, đặc biệt là trong những tháng cuối năm, ngành nuôi tôm đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nguyên nhân chính do chi phí sản xuất cao, dịch bệnh ngày càng nhiều, công tác quản lý dịch bệnh trên tôm nuôi còn nhiều khó khăn. Nhiều giải pháp đã được đưa ra.

Nhiều khó khăn

Trong 9 tháng năm 2024, sản lượng tôm cả nước đạt 1,1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,8 tỉ USD. Tại Hội thảo tham vấn giải pháp nuôi tôm hiệu quả các tháng cuối năm 2024, diễn ra tại Cà Mau mới đây, đã chỉ ra nhiều khó khăn mà ngành tôm nước đang gặp phải như: Giá thành sản xuất cao; Sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, liên kết lỏng lẻo và Hạ tầng chưa đồng bộ. Thực tế, giá thành tôm nước ta đang cao hơn, trong khi sản lượng, hiệu quả sản xuất thấp hơn, dẫn đến tôm nước ta khó cạnh tranh. Cạnh tranh gay gắt giữa các nước sản xuất tôm, khi một số nước tiêu thụ tôm có chiến lược phát triển thủy sản nội địa, tăng yêu cầu về chất lượng.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng tôm cả nước đạt 1,1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,8 tỉ USD.

Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau chia sẻ, Cà Mau có diện tích nuôi tôm trên 280 nghìn ha, với nhiều loại hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp với tôm - lúa, tôm - rừng, sản lượng thu hoạch bình quân hằng năm trên 280 nghìn tấn, riêng kế hoạch năm 2024 là 243 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu hằng năm trên 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, lợi nhuận cho doanh nghiệp và người nuôi tôm rất thấp, đây là những thách thức lớn cho nghề nuôi tôm ở Cà Mau.

Theo ông Bằng, trong 10 tháng năm nay, sản lượng tôm nuôi trên 200 nghìn tấn, đạt 82,30% so kế hoạch, tăng 2,02% so cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 968 triệu USD, bằng 87% so kế hoạch, tăng trên 12% so cùng kỳ. Dự báo 3 tháng cuối năm nay, điều kiện thời tiết, môi trường không thuận lợi, dịch bệnh trên tôm nuôi có nguy cơ bùng phát, ngành chức năng khuyến cáo người nuôi tuân thủ đúng quy trình nuôi từ khâu chuẩn bị ao nuôi đúng kỹ thuật, chọn con tôm giống có chất lượng tốt, thay thế hoá chất, thuốc kháng sinh bằng các sản phẩm sinh học, chọn thời điểm, kích cỡ phù hợp để thu hoạch tôm nuôi đảm bảo được lợi nhuận cao nhất. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các vùng nuôi, chú trọng đầu tư thay thế máy móc, thiết bị động cơ sang các thiết bị sử dụng điện, sử dụng điện năng lượng mặt trời, để hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm.

Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, khó khăn lớn nhất của nuôi tôm nước lợ các tháng đầu năm là giá tôm nguyên liệu ở mức rất thấp, sản xuất không có lợi nhuận. Bên cạnh đó, hiện tượng El-Nino xuất hiện làm nắng nóng gay gắt, kéo dài, làm độ mặn, nhiệt độ tăng cao ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó, nguồn lao động qua đào tạo chịu làm việc trong môi trường sản xuất tại các doanh nghiệp còn khan hiếm, vì vậy việc mở rộng sản xuất cũng bị ảnh hưởng.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu, trong các tháng đầu năm 2024, ngành tôm tỉnh này gặp nhiều khó khăn như kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất ngành tôm hiện nay còn thiếu và chưa đồng bộ; mạng lưới giao thông đường thủy chưa được phát huy; hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng bồi lắng nhanh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nhất là thời điểm mùa khô. Ngoài ra, việc phát triển nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua khá nhanh, trong khi đó việc ứng dụng và thực hiện các giải pháp xử lý nước thải, chất thải trong nuôi trồng thủy sản còn hạn chế...

Cục Thú y đánh giá, năm nay diễn biến thời tiết tiêu cực, khó dự báo tiếp tục diễn ra gây nhiều thiệt hại cho ngành nuôi trồng thủy sản, thường trực nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh. Thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản chủ yếu xảy ra đối với ngành hàng tôm nuôi nước lợ. Trong đó, hai loại bệnh hoại tử gan tụy và đốm trắng đã làm thiệt hại hơn 2.000/tổng khoảng 3.600 ha tôm nuôi bị thiệt hại của cả nước. Thời gian tới, vấn đề dịch bệnh, nhất là 2 loại bệnh vừa nêu vẫn là một trong những khó khăn của người nuôi tôm.

Mô hình nuôi tôm - lúa ở tỉnh Cà Mau mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Phan Thanh Lâm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, đối với các mô hình nuôi quảng canh hay quảng canh cải tiến, phần chi phí lớn nhất chủ yếu là con giống và cải tạo ao. Tuy nhiên, do nguồn thức ăn tự nhiên không đủ cho suốt thời gian nuôi nên năng suất tôm nuôi đạt thấp, lợi nhuận tuyệt đối trên đơn vị diện tích không cao. Vì vậy, việc tiến hành ương giống tôm, cua, sử dụng vì sinh ổn định môi trường và tạo thức ăn tự nhiên... cần được chú trọng hơn để giúp năng suất và lợi nhuận được cao hơn.

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), ngành tôm chúng ta đang khó, nên rất cần có sự chia sẻ của tất cả các bên liên quan để cùng nhau đưa ngành tôm đi xa hơn. Để đi cùng nhau thì các bên liên quan đều phải thấy trong mỗi mắt xích của chuỗi con tôm luôn có hình ảnh của mình trong đó. Chỉ có như vậy, mỗi khi con tôm gặp khó tất cả mới có thế ngồi lại với nhau để cùng nhau tháo gỡ, cùng nhau chia sẻ khó khăn, cùng dắt tay nhau đưa ngành tôm một ngày một tiến xa hơn.

Ông Luân khẳng định, ngành tôm không thiếu mô hình, giải pháp hay kỹ thuật công nghệ, nhưng tất cả sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu như con giống không đảm bảo chất lượng. Mặt khác, với quy mô nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình với các mô hình nuôi cấp thấp (từ bán thâm canh trở xuống) chiếm đến 80% như hiện nay thì bài toán giảm giá thành, chi phí sản xuất là rất khó, vì nuôi nhỏ lẻ bao giờ cũng phải chịu chi phí đầu vào ở mức cao.

Giải pháp nuôi tôm hiệu quả

Tại Hội thảo tham vấn giải pháp nuôi tôm hiệu quả các tháng cuối năm 2024,  nhiều giải pháp cho ngành tôm đã được đưa ra như: cần quản lý tốt chất lượng giống, vật tư thủy sản để phục vụ sản xuất. Tăng cường thả nuôi diện tích chưa thả theo kế hoạch, tập trung nuôi thâm canh, công nghệ cao, quản lý tốt các yếu tố môi trường dịch bệnh. Rà soát khung lịch mùa vụ thả giống, điều chỉnh phù hợp với điều kiện địa phương cũng như phương thức sản xuất. Thúc đẩy củng cố và thành lập mới các chuỗi liên kết sản xuất khép kín ngành hàng tôm. Thông qua chuỗi liên kết sản xuất sẽ giúp hộ nuôi hạn chế được chi phí phát sinh do vật tư nuôi tôm đầu vào tăng giá.

Các tháng đầu năm giá tôm nguyên liệu ở mức rất thấp.

Cục Thú y cho rằng, để chủ động trước các yêu cầu của các nước nhập khẩu cũng như bảo đảm hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản bền vững, giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra các cơ sở nuôi cần chủ động xây dựng và triển khai chương trình giám sát dịch bệnh tại cơ sở, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH).

Cục Thú y yêu cầu, các cơ sở sản xuất, ương dưỡng thủy sản giống cần xây dựng kế hoạch giám sát dịch bệnh chủ động, gắn với xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh để phục vụ trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh ngân sách nhà nước hỗ trợ, đề nghị người nuôi chủ động bố trí kinh phí và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại cơ sở nuôi của mình. Thực hiện nghiêm các quy định về khai báo dịch bệnh; sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm; chỉ sử dụng con giống đã qua kiểm dịch và có chất lượng tốt; quan tâm xử lý đối với nước cấp, nước thải để tiêu diệt mầm bệnh, giảm thiểu nguy cơ gây bệnh hoặc phát tán mầm bệnh ra môi trường.

Về vấn đề này, các địa phương cho rằng cần xây dựng mô hình quản lý cộng đồng vùng nuôi tập trung áp dụng tiêu chuẩn sản xuất thủy sản bền vững như: GlobalGAP, VietGAP, tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt (BAP), nuôi trồng thủy sản hữu cơ, nuôi sinh thái và các tiêu chuẩn quốc tế khác theo yêu cầu thị trường xuất khẩu.

Mặt khác, cũng cần đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là xử lý chất thải và nước thải trong quá trình sản xuất để bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tương ứng với loại hình nuôi. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư chuyển giao công nghệ, xây dựng các cơ sở vật tư, thiết bị, cung ứng dịch vụ trong nước được chủ động sản xuất và giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nuôi trồng thủy sản. Thực hiện có hiệu quả việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, thường xuyên cảnh báo về giá cả thị trường như: giá tôm nguyên liệu; giá thuốc, thức ăn, vật tư thủy sản... đến người dân để có kế hoạch nuôi và thu hoạch đạt lợi nhuận cao.

Hay việc dịch bệnh trên tôm nuôi có nguy cơ bùng phát.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang đề xuất, ngành Tôm là một trong những ngành lớn nhưng với tình trạng mạnh ai nấy làm như hiện nay thì chỉ có nước chết! Do đó, tôi đề nghị, Cục Thuỷ sản phải là nhạc trưởng, lấy 4 tỉnh nuôi tôm trọng điểm là: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang và Sóc Trăng làm trung tâm liên kết để hình thành nên một chuỗi liên kết hoàn chỉnh giữa tất cả các bên liên quan và giữa các tính với nhau.

Trong khi đó, tỉnh Bạc Liêu đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường tự động; hỗ trợ Bạc Liêu và các tỉnh nuôi tôm tìm kiếm và chuyển giao các quy trình xử lý hiệu quả chất thải, nước thải trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong nuôi tôm siêu thâm canh. Hỗ trợ đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đủ trình độ tiếp cận công nghệ hiện đại, giải quyết kịp thời những thách thức của ngành liên quan đến môi trường...

Tổng hợp từ nguồn: nhandan.vn; camau.gov.vn; thuysanvietnam.com.vn.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)

Xem thêm

4 5[6]
Top