Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024  

Hòa Bình thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Thứ ba, ngày 12 tháng 11 năm 2024 | 11:7

Hiện nay, nhiều nông sản ở Hòa Bình đang vào vụ. Các địa phương trong tỉnh đều nỗ lực giúp bà còn thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa.

Cam Cao Phong vào vụ được mùa, được giá

Trở lại vùng đất Mường Thàng (Cao Phong) đầy nắng và gió, thủ phủ trồng cam của tỉnh. Thời điểm này bắt đầu vào vụ thu hoạch cam niên vụ 2024 - 2025. Cam năm nay được mùa, được giá, niềm vui lấp lánh trong ánh mắt, nụ cười của người nông dân.

Ông Phan Văn Tâm, khu 2, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) phấn khởi với vườn cam sai trĩu quả.

Đưa chúng tôi thăm vườn cam lòng vàng sai trĩu quả vào kỳ thu hoạch, ông Phan Văn Tâm, khu 2, thị trấn Cao Phong chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hà Tĩnh. Khi trưởng thành tôi đi bộ đội, công tác và lập gia đình tại huyện Cao Phong rồi bén duyên với cây cam nơi đây. Năm 2017, khi về hưu tôi bắt đầu trồng cam. Gia đình tôi nhận thầu 4.000m2 ở xã Thu Phong, đến nay đã cho thu hoạch 5 năm. Năm nay, sản lượng đạt khoảng 15 tấn. Giá tại vườn dao động từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Tổng doanh thu ước đạt 300 triệu đồng, trừ chi phí thu về khoảng 200 triệu đồng. Tiểu thương là các mối quen vào tận vườn thu mua. Cam vụ này được mùa, được giá, không phải lo lắng về đầu ra, người trồng cam rất phấn khởi.

Ông Bùi Văn Dán, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Phong cho biết: Niên vụ 2024 - 2025, diện tích cây có múi toàn huyện trên 971 ha. Trong đó, cây cam 715,21 ha (diện tích thời kỳ kinh doanh 673,8ha; thời kỳ khai thác cơ bản 41,41ha), năng suất dự kiến đạt 302 tạ/ha, sản lượng dự kiến 20.348 tấn; cây quýt 9,62 ha, năng suất dự kiến 202 tạ/ha, sản lượng dự kiến 194,32 tấn; cây chanh 27,9 ha, năng suất dự kiến 44,6 tạ/ha, sản lượng dự kiến 70,9 tấn; cây bưởi 218,82 ha, năng suất dự kiến 169 tạ/ha, sản lượng dự kiến 3.698 tấn. So với năm trước, diện tích cây có múi giảm, nguyên nhân là do một số diện tích cây già cỗi, hết thời kỳ kinh doanh.

Với tiềm năng phát triển cây có múi, trong đó chủ lực là cây cam, những năm qua, huyện Cao Phong đã thực hiện nhiều giải pháp định hướng, hỗ trợ người dân phát triển. Sản phẩm được tiêu thụ mạnh trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Cây cam đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho huyện Cao Phong, là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2014; năm 2016 được Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư "Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5". Cam Cao Phong có mặt ở các siêu thị như: Big C, Vinmart, Metro, BRG... tiếp cận với thị trường lớn. Từ năm 2013 đến nay, có những niên vụ, sản lượng cam của huyện Cao Phong đạt trên 30.000 tấn, giá trị thu nhập đạt từ 500 - 700 triệu đồng/ha. Nhiều hộ trở nên giàu có sau mỗi vụ cam.

Huyện đã và đang thực hiện các giải pháp giữ gìn, phát triển thương hiệu cam Cao Phong. Trong đó, thực hiện Đề án tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, những năm qua, huyện Cao Phong tập trung thực hiện tái canh cây cam, chú trọng duy trì vùng trồng cam chất lượng cao đạt chuẩn VietGAP, xây dựng cánh đồng mẫu trồng cam kết hợp du lịch tham quan trải nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến, đa dạng sản phẩm từ cam. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân chung tay giữ gìn thương hiệu cam Cao Phong; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi ảnh hưởng đến thương hiệu của địa phương. Với chất lượng đã được khẳng định trong nhiều năm, cam Cao Phong có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và du khách.

Ngọc Sơn trăn trở tìm hướng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Là 1 trong 3 xã thuộc cụm vùng cao huyện Lạc Sơn, xã Ngọc Sơn có tiềm năng, lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ nông sản gặp khó, giá sụt giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của người dân. Theo rà soát, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã hiện chiếm trên 40%.

Mô hình chăn nuôi đại gia súc của gia đình ông Bùi Văn Năm ở xóm Rộc, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) gặp khó trong tiêu thụ.

Gia đình ông Bùi Văn Năm ở xóm Rộc là một trong những hộ tiên phong phát triển sản xuất nông nghiệp, nhưng thời điểm này ông chán nản bởi nông sản tiêu thụ chậm. Một số mặt hàng mũi nhọn của gia đình đều gặp khó ở đầu ra, giá sụt giảm khoảng 40% so với thời gian trước. Cụ thể như 1 con trâu trên 1 tạ trước có thể bán giá khoảng 25 triệu đồng nhưng hiện tại giá chỉ 16 - 17 triệu đồng cũng rất khó bán. Bình quân hàng năm, tổng thu nhập của gia đình ông trên 100 triệu đồng, dự kiến năm nay chỉ khoảng 50 - 60 triệu đồng.

Ông Năm trăn trở: "Những năm trước, nông sản bà con làm ra được tư thương đến thu mua tận vườn. Hiện nay, thị trường tiêu thụ ngày càng khó khăn. Giá các nông sản giảm, trong khi chi phí trồng trọt, chăn nuôi đều tăng. Nếu không sản xuất nông nghiệp thì gia đình cũng chưa biết lựa chọn mô hình kinh tế nào khác để có thu nhập”.

Là xã thuần nông với trên 90% số dân sản xuất nông nghiệp, người dân xã Ngọc Sơn đã tận dụng tiềm năng để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế phù hợp. Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn xã gần 400 ha; trong đó, ngô 234 ha, lạc 36 ha, mía tím 36 ha… Năng suất, sản lượng cây trồng đều đạt và vượt kế hoạch. Tổng đàn gia súc, gia cầm duy trì và phát triển gần 45.000 con… Thời gian gần đây, nông sản gặp khó trong tiêu thụ, tư thương ép giá, giá không ổn định.

Theo chia sẻ của người dân, nguyên nhân chính dẫn đến tiêu thụ nông sản khó khăn do địa hình cách trở, giao thông không thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa. Chất lượng nông sản của các hộ còn chênh lệch, không đồng đều. Nguồn cung lớn nhưng nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn và các vùng lân cận hạn chế.

Xác định những khó khăn, thách thức trong việc tìm hướng tiêu thụ nông sản, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân xác định mô hình kinh tế chủ lực để chú trọng nâng cao chất lượng. Lựa chọn cây, con giống đảm bảo chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất. Tăng cường liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ với các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận. Chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội facebook, zalo…

Nhằm đẩy mạnh liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chính quyền xã đang hỗ trợ thành lập 1 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa để hợp tác xã đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất.

Bà Bùi Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết: "Những tiềm năng, lợi thế của xã phù hợp sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ đã và đang cản trở sự phát triển của các hộ nông dân trên địa bàn xã. Thời gian tới, xã mong UBND huyện Lạc Sơn và các ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ địa phương tạo mối liên kết tiêu thụ sản phẩm. Triển khai các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân. Đẩy mạnh liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và bao tiêu sản phẩm. Từ đó, góp phần phát huy thế mạnh các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Triển vọng xuất khẩu hành tăm Yên Thủy

Hành tăm (củ nén) được trồng trên địa bàn huyện Yên Thủy từ nhiều năm nay. Không đơn thuần là loại gia vị giúp món ăn thêm hấp dẫn mà trong đông y, hành tăm được đánh giá như một loại dược liệu chữa được nhiều bệnh hiệu quả. Từ loại cây được dùng làm gia vị cho những bữa ăn hàng ngày, với sự nỗ lực của nông dân cũng như các cấp chính quyền, hành tăm đã trở thành cây hàng hóa, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, đem lại thu nhập cao cho người dân. Đặc biệt, trong tháng 10 vừa qua, hành tăm đã vượt qua các yêu cầu về an toàn thực phẩm (ATTP) để xuất khẩu sang thị trường Anh.

Quá trình sản xuất hành tăm muối của Hợp tác xã nông nghiệp Phú Lai (Yên Thủy) được thực hiện đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng chất bảo quản.

Huyện Yên Thủy hiện có gần 100ha trồng hành tăm, tập trung nhiều tại xã Phú Lai. Sản phẩm được xuất khẩu là hành tăm muối Yên Thủy do Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Phú Lai sản xuất. Ông Bùi Văn An, Giám đốc HTX cho biết: Từ năm 2020 đến nay, sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, diện tích trồng hành tăm trên địa bàn xã ngày càng được mở rộng. Để sản phẩm đạt yêu cầu khi lấy mẫu phân tích trước khi xuất khẩu, quá trình sản xuất hành tăm muối được thực hiện đảm bảo tuyệt đối các yêu cầu về vệ sinh ATTP, không sử dụng chất bảo quản.

Từng củ hành được phân loại, chọn lựa kỹ rồi sơ chế, làm sạch, lên men và đóng lọ thành phẩm. HTX sử dụng lọ thủy tinh để bảo quản sản phẩm nhằm giữ hành được lâu, tròn vẹn hương vị đặc trưng và các tinh chất dược liệu quý bên trong, khi ăn vẫn giữ được độ giòn. Trên sản phẩm đều được dán nhãn mác, mã số, mã vạch, thông tin truy xuất nguồn gốc in đầy đủ từ vỏ bao bì đến túi giấy đựng sản phẩm. Đối với các sản phẩm xuất khẩu, HTX đóng lọ đảm bảo quy cách, yêu cầu của nước nhập khẩu, mỗi lọ có trọng lượng 390gram.

Bà Bùi Thị Xanh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thủy cho biết: Chuyến xuất khẩu hành tăm vừa qua là chuyến hàng nông sản chế biến đầu tiên của tỉnh chào hàng sang thị trường Anh quốc. Đây là tín hiệu tích cực, mở ra hướng mới cho sản phẩm đặc trưng của huyện, thúc đẩy thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Để đồng hành cùng các doanh nghiệp, HTX sản xuất hành tăm trên địa bàn, huyện tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, hỗ trợ và tổ chức cho doanh nghiệp, HTX được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho các đơn vị, HTX, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về số lượng, chất lượng sản phẩm không chỉ với các sản phẩm xuất khẩu mà cả tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần R.Y.B cho biết: Trước khi được xuất khẩu, phía nhà nhập khẩu cũng như công ty đã lựa chọn kỹ các mặt hàng trong số hàng nghìn sản phẩm OCOP do các địa phương sản xuất. Hành tăm muối Yên Thủy là sản phẩm tiềm năng ở thị trường nước ngoài, bởi chế biến, bảo quản được lâu, có thể sử dụng ngay, được sản xuất từ nguồn gốc thiên nhiên và có tác dụng tốt cho sức khỏe. Do đó, phù hợp với xu hướng và nhu cầu của một số thị trường xuất khẩu hiện nay. Từ đơn hàng đầu tiên này, công ty sẽ phối hợp với địa phương, đơn vị sản xuất phát triển thêm thị trường, đơn hàng xuất khẩu nếu như sản phẩm đáp ứng được nhu cầu tại thị trường Anh và phát triển thêm các sản phẩm chế biến tương tự có chất lượng tốt, tiềm năng lớn.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Hồng Yến cho biết: Để chuẩn bị cho lô hàng xuất khẩu, trong đó có sản phẩm hành tăm muối Yên Thủy, Sở NN&PTNT đã phối hợp với UBND huyện Yên Thủy hướng dẫn và hỗ trợ cơ sở sản xuất chuẩn hóa vùng nguyên liệu, nâng cao kỹ thuật sơ chế, đóng gói nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Trước khi đóng gói và vận chuyển, các mẫu phân tích sản phẩm đều đạt các chỉ tiêu kiểm định về ATTP theo yêu cầu của EU và Anh quốc. Dù số lượng không nhiều nhưng đây là bước tiến lớn giúp sản phẩm OCOP của tỉnh có thể "đặt chân” tới một trong những thị trường xuất khẩu khó tính nhất. Thời gian tới, các đơn vị chuyên môn cũng như ngành nông nghiệp tỉnh tích cực tìm kiếm thị trường, kết nối tiêu thụ để mở rộng thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa cho những sản phẩm nông sản tươi, nông sản chế biến có chất lượng cao, trong đó có sản phẩm hành tăm.

Theo baohoabinh.com.vn

 

V.N (tổng hợp)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top