Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tháng 10 đã đạt hơn 176 nghìn tấn với trị giá hơn 76 triệu USD, tăng mạnh 45,7% về lượng và tăng 34% về trị giá so với tháng trước đó.
Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt trên 950 triệu USD, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính. Ảnh:TL
Riêng mặt hàng sắn đã chứng kiến sản lượng xuất khẩu tăng mạnh đến 239% về lượng và 208% về trị giá, tương ứng hơn 24 nghìn tấn và đạt giá trị hơn 6 triệu USD trong tháng 10.
Lũy kế trong 10 tháng xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đã cán mốc hơn 2,09 triệu tấn, trị giá hơn 955 triệu USD, giảm 12,7% về lượng và giảm 7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Xét về thị trường, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu nhiều sắn nhất từ Việt Nam với hơn 1,93 triệu tấn, trị giá hơn 873 triệu USD, giảm 11,6% về lượng và giảm 6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá tăng 6% so với cùng kỳ, đạt bình quân 452 USD/tấn.
Đứng thứ 2 là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với hơn 40 nghìn tấn, trị giá hơn 22 triệu USD, tăng 2,5% về lượng và tăng 8% về trị giá. Giá nhập khẩu bình quân đạt 542 USD/tấn, tăng 6%.
Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 3 với hơn 37 nghìn tấn, trị giá hơn 11,8 triệu USD, giảm 61% về lượng và giảm 66% về trị giá. Giá bình quân 316 USD/tấn, giảm 14%.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện cả nước có khoảng trên 140 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với tổng công suất thiết kế 13,4 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 9,3 triệu tấn/năm. Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu sắn đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan, trong 5 năm gần đây đều đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Nước ta có khoảng 530.000ha sắn, sản lượng hơn 10 triệu tấn một năm. Tuy nhiên lượng sắn lát trữ kho của doanh nghiệp vụ 2023-2024 rất thấp, ước tính chỉ bằng 60% sản lượng trữ kho của vụ 2022-2023.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ đầu tháng 10 đến nay, sản lượng sắn về các nhà máy nhiều hơn, trong khi tình hình xuất khẩu tinh bột sắn lại đang chậm. Vì vậy, một số nhà máy tại miền Trung, Tây Nguyên hạ giá mua nguyên liệu. Những ngày đầu tháng 11, giá thu mua sắn nguyên liệu tại một số tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên dao động ở mức 1.900-2.300 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với đầu tháng 10.
Xuất khẩu tinh bột sắn tuy tăng mạnh trong 10 tháng nhưng trong những tháng vừa qua, nhu cầu nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc đã giảm mạnh, đang tác động tới giá sắn Việt Nam. Giá tinh bột sắn chào bán về các cảng chính của Trung Quốc đều ở mức thấp, khiến cho giá tinh bột sắn Việt Nam đang giảm xuống.
Cụ thể, trong những ngày đầu tháng 11/2024, giá tinh bột sắn xuất khẩu được các nhà máy Việt Nam chào bán ở mức 460-480 USD/tấn (FOB) tại cảng TP. Hồ Chí Minh, giảm 20 USD/tấn so với đầu tháng 10. Giá tinh bột sắn xuất khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn và Móng Cái cũng dao động ở mức 3.400-3.520 CNY/tấn, giảm 1.000 CNY/tấn.
Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, thông tin từ các đơn vị kinh doanh sắn lát cho hay, dự kiến thị trường sắn lát vụ 2024-2025 sẽ tiếp tục có xu hướng giảm giá và giảm nhu cầu. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp còn sắn lát tồn kho vụ 2023-2024 đang buộc phải mở kho bán xả lỗ, quay vòng tài chính cho vụ mới 2024-2025.