Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  

Được hỗ trợ vốn ban đầu, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng vườn mẫu đẹp, làm VAC hiệu quả

Thứ ba, ngày 19 tháng 11 năm 2024 | 9:5

Nghĩa Đàn (Nghệ An) là huyện miền núi thấp có đất đai khá rộng. Diện tích tự nhiên 61.755 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 53.315 ha, hơn nửa trong số này (52%) là đất đỏ Bazan, rất thuận lợi cho phát triển trồng trọt.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về vốn, tập huấn kỹ thuật, dạy nghề… hoạt động tư vấn của các hội, ngành, trong đó có Hội Làm vườn các cấp…, nhiều hộ dân nói chung, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã xây dựng được vườn mẫu đẹp, làm kinh tế VAC mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tiêu biểu trong số đó phải kể đến hộ anh Lương Quang Yên, dân tộc Thái, ở xóm Xuân Tầm, xã Nghĩa Thành. Gia đình anh Yên được huyện Nghĩa Đàn đầu tư nguồn vốn ban đầu là 40 triệu đồng. Sau 4 năm đầu tư xây dựng vườn mẫu, với sự trợ giúp về kỹ thuật của các ban ngành ở huyện, xã cùng sự thông minh, sáng tạo, anh Yên đã xây dựng nên khu vườn mẫu có diện tích 7.500 m2 trồng các loại bưởi Diễn, bưởi ngọt, dưới tán bưởi, anh đặt 30 tổ ong, hệ thống vườn có tưới phun tự động… Mỗi năm thu nhập từ bưởi và mật ong là 120 triệu đồng. Trong khu vườn anh có ao nuôi cá, nuôi các loại trắm, rô phi…, hàng năm cho thu hoạch 300 kg cá thương phẩm, trị giá 200 triệu đồng. Chuồng trại của anh Yên nuôi  bò, lợn, gà…, mỗi năm có thu nhập 100 triệu đồng.

Dưới tán cây trong vườn bưởi, anh Yên đặt 30 tổ ong và có thảm cỏ, hoa tạo cảnh quan.

Ngoài các sản phẩm chính trên, gia đình anh Yên còn sản xuất 5 sào lúa, mỗi năm thu hoạch 1,5 tấn lúa, vừa đủ dùng cho gia đình và thoải mái trong chăn nuôi. Tất cả các sản phẩm VAC của anh Yên hàng năm đem lại lợi nhuận 500 triệu đồng, giúp anh sắm sanh đầy đủ máy móc, nông cụ cho sản xuất như: máy cày, máy kéo, máy cấy… và đầu tư làm vườn mẫu xanh, sạch đẹp, được nhiều người đến tham quan, học hỏi… Tại cuộc thi vườn mẫu toàn huyện Nghĩa Đàn năm 2023, vườn mẫu anh Yên đạt giải nhất, sau đó anh dự thi ở tỉnh và đạt giải 3 của tỉnh Nghệ An.

Được huyện cấp cho 20 triệu đồng, anh Ngân Văn Nam, sinh năm 1979, dân tộc Thái, trú ở bản Mồn, xã Nghĩa Lạc lại có khó khăn trong xây dựng vườn mẫu và làm kinh tế VAC, đó là vì bản Mồn của anh là bản vùng sâu, giáp tỉnh Thanh Hóa, thuộc diện khó khăn (135), tuy vậy, anh đã phát huy thế mạnh của địa bàn mình là nuôi bò và lợn sinh sản. Không nuôi nhiều để vừa sức chăm, anh Nam cùng vợ là chị Vân (người dân tộc Thổ) nuôi 5 con bò sinh sản, đều đặn mỗi năm, anh chị bán 5 con bê, thu về 50 triệu đồng. Lợn sinh sản của anh cũng có 3 con, hàng  năm, anh chị bán lợn con cho thu 150 triệu đồng. Thu hoạch từ vườn của gia đình anh Nam là cây keo với 11ha (vườn rừng), cho thu  150 triệu đồng/năm và ổi (diện tích 3500 m2), cho thu 50 triệu đồng/năm. Như vây, tổng thu nhập từ kinh tế trang trại và chăn nuôi của anh Nam là 400  triệu đồng/năm.

Đàn bò sinh sản và đàn lợn con của anh Nam.

Trường hợp xây dựng vườn mẫu và làm kinh tế VAC của anh Lê Trọng Mừng, sinh năm 1963, dân tộc Thổ ở xóm Lũng Thượng, xã nghĩa Lợi lại có đặc thù khác. Anh Mừng hiện tại là xóm trưởng và đã làm cán bộ xóm có “thâm niên”, anh cũng được đầu tư 40 triệu đồng từ huyện, anh trăn trở mình phải làm thế nào cho hiệu quả để bà con trong xóm noi theo.

Về trồng trọt, anh Mừng trồng đa dạng cây trồng gồm mía (cho thu nhập 50 triệu đồng/năm), bưởi, ổi, cà tím (thu 50 triệu đồng/năm), keo (thu 100 triệu đồng/năm). Về chăn nuôi, chủ yếu anh Mừng nuôi gà thịt, cho thu hoạch 50 triệu đồng/năm. Như vậy, mỗi năm làm VAC, anh có thu nhập 250 triệu đồng/năm, chưa kể hàng năm anh còn sản xuất được 2 tấn lúa, ngô làm lương thực và thức ăn chăn nuôi. Làm kinh tế hiệu quả nhiều năm, anh Mừng đã mua được máy làm đất (dùng làm vườn) và mua được ô tô đời mới có giá hơn 600 triệu đồng.

Đàn gà thịt và máy làm đất của anh Mừng.

Trên đây chỉ là 3 hộ tiêu biểu trong hàng trăm hộ xây dựng vườn mẫu xanh sạch đẹp và làm VAC giỏi ở huyện Nghĩa Đàn, trong đó có hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số như hộ anh Lê Văn Tựu, dân tôc Thổ ở xóm Hợp Thành, xã Nghĩa Lâm chuyên trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP, cho thu nhập 100 triệu đồng/năm, hay hộ anh Lê Thủy Triều, cũng dân tộc Thổ, ở xóm Trống, xã Nghĩa Thọ trồng ổi hàng hóa, được khách hàng miền xuôi ưa chuộng…

Ông Phan Thanh Khuông, Phó chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn huyện Nghĩa Đàn phấn khởi cho biết, để đạt dược những kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm cấp vốn đầu tư  của huyện, Hội Làm vườn huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Hội Làm vườn tỉnh, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện… tổ chức tập huấn kỹ thuật, dạy nghề… cho hội viên, tổ chức tham quan mô hình kinh tế giỏi trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh…; tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, phát huy tính sáng tạo của hội viên… Từ các mô hình trên, trong thời gian tới tin tưởng sẽ  lan tỏa, phát triển nhiều mô hình sáng tạo, đặc sắc, hiệu quả hơn nữa…, góp phần đưa Nghĩa Đàn trở thành huyện giàu mạnh của tỉnh Nghệ An.

 

Bá Minh

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top