Tạo sức khỏe cho đất
Trong canh tác lúa truyền thống của người Việt Nam là duy trì mực nước ngập liên tục trong hầu hết thời gian canh tác lúa. Do vậy, khi người bạn của tôi nhắc đến dự án “Tưới ngập khô xen kẽ trong canh tác lúa để thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam”, tôi ngơ ngác không hiểu thực hiện như vậy cây lúa sẽ phát triển ra sao, sự tò mò của tôi đã được người bạn ấy đưa về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Định, nơi đang thực hiện mô hình đầu tiên của tỉnh để kiểm chứng.
Gặp bà Nguyễn Hương Giang, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Định, bà cho biết, vụ mùa 2024 là vụ đầu tiên Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Định thực hiện thí điểm dự án tín chỉ carbon và kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ trong sản xuất lúa để giảm phát thải khí Metan (CH4) tại xã Yên Phong trên diện tích 100ha, với 434 hộ dân tham gia.
Bà Nguyễn Hương Giang, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Định đang trên cánh đồng 100ha lúa thí điểm dự án dự án tín chỉ carbon và kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ trong sản xuất lúa để giảm phát thải khí Metan (CH4) tại xã Yên Phong.
Theo bà Giang, tất cả các hộ dân tham gia mô hình đều phải tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật dự án. Mỗi giai đoạn tương ứng với từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa được áp dụng kỹ thuật tưới nước ngập - khô xen kẽ phù hợp.
“Do tập quán canh tác truyền thống, bà con nông dân sau khi thu hoạch vụ xuân sẽ lấy nước tiến hành làm đất và gieo cấy vụ mùa ngay nên không có thời gian để đất nghỉ, dẫn đến việc các tồn dư trong đất như rơm rạ, cây cỏ, gốc lúa... chưa phân hủy kịp. Rơm rạ tươi trong một thời gian nhất định sẽ phân hủy trong điều kiện ngập nước, yếm khí nên sinh ra acid hữu cơ, từ đó tạo ra lượng khí Metan (CH4) gây ra ngộ độc bộ rễ lúa.
Để giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, phương pháp tưới ngập - khô xen kẽ hay còn gọi là phương pháp tưới "nông, lộ, phơi" là một biện pháp kỹ thuật vô cùng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp nói chung, góp phần giảm phát thải khí nhà kính”, bà Giang chia sẻ.
Vị trí đặt máy đo khí Metan (CH4) phải nơi thuận lợi nhất trên thửa ruộng để dễ kiểm tra khí theo định kỳ quy định..
Chị Đỗ Thị Sinh, nông dân xã Yên Phong cho biết: “Nếu canh tác theo lối truyền thống, khi nào chân lúa cũng phải ngập nước. Ban đầu người dân lo ngại việc giảm mực nước sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Tuy nhiên, khi thực hiện theo quy trình kỹ thuật theo từng giai đoạn bằng việc áp dụng phương pháp tưới ngập - khô xen kẽ thì bộ rễ phát triển tốt hơn, cây lúa rất khỏe, chống đổ ngã tốt hơn. Đặc biệt, lượng phân bón và vật tư đầu vào giảm nhiều so với canh tác lúa thông thường. Quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải không khác so với một số giải pháp kỹ thuật như “1 giảm, 5 phải; 3 giảm 3 tăng…”.
Cần lựa chọn kỹ nhà cung cấp dịch vụ
Cũng theo cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Định, việc áp dụng phương pháp canh tác tưới ngập - khô xen kẽ giúp giảm lượng nước tưới 30 - 50% so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Bên cạnh đó, lượng phân bón vô cơ sử dụng trong sản xuất cũng giảm từ 10 - 20%, giúp nông dân tiết kiệm được khá nhiều chi phí và công sức lao động.
Trao đổi với ông Nguyễn Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Vụ mùa năm 2024, Thanh Hóa được Viện Khoa học Nông nghiệp giới thiệu đấu mối với một Công ty liên doanh Việt Nam - Nhật Bản khảo sát và thí điểm dự án tín chỉ carbon và kỹ thuật tưới ngập- khô xen kẽ trong sản xuất lúa để giảm phát thải khí Metan (CH4) tại xã Yên Phong, huyện Yên Định. Mô hình thử nghiệm tại huyện Yên Định kết quả bước đầu tương đối tốt, thu được là 4,8 tín chỉ cacbon/ha.
Theo ông Trung, để giảm phát thải trong nông nghiệp cụ thể là cây lúa cần áp dụng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt hơn, đòi hỏi phải thay đổi quy chế và tư cách. Cơ quan quản lý nhà nước phải đảm bảo lợi ích cho nhân dân, an toàn môi trường và không ảnh hưởng đến mục đích chính là vừa đảm bảo năng suất và chất lượng.
“Việc sản xuất lúa giảm phát thải cần hạn chế tối đa việc sử dựng phân bón vô cơ. Đối với phân bón hữu cơ phải đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho đất, đặc biệt là các nguyên tố vi lượng như kali… Nếu sử dụng phân bón hữu cơ đúng cách có thể giảm được lượng phân bón vô cơ cần sử dụng”, ông Trung nhấn mạnh.
Cánh đồng lúa thí điểm dự án tín chỉ carbon và kỹ thuật tưới ngập- khô xen kẽ trong sản xuất lúa để giảm phát thải khí Metan (CH4) tại xã Yên Phong phát triển khỏe mạnh.
Tuy nhiên, Thanh Hóa có địa hình độ dốc cao, sự biến đổi khí hậu phức tạp, quy mô lớn dẫn đến việc tưới ngập - khô xen kẽ sẽ khó chủ động. Ngoài ra, dịch bệnh cũng là một trong những khó khăn cho sản xuất lúa.
Bên cạnh đó, về cơ chế pháp lý tổ chức tham gia sản xuất lúa, chi trả tiền phát thải chưa rõ ràng (cụ thể các tổ chức dịch vụ) gây khó khăn cho việc triển khai sản xuất.
“Trong khi đó, Thanh Hóa không nằm trong nhóm thực hiện 1 triệu ha lúa, nên sẽ không thí nghiệm trên người nông dân. Tỉnh sẽ lựa chọn cách làm chắc chắn nhất, do vậy, đến hiện tại Thanh Hóa chưa ban hành kế hoạch cụ thể và chưa lựa chọn đối tác nào. Các đơn vị sẽ cung cấp dịch vụ sau đó được giới thiệu ở các địa phương. Tỉnh sẽ lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ tốt nhất trong quy trình kỹ thuật, giải ngân và năng lực tài chính tốt nhất.
“Hiện nay, mô hình trồng lúa giảm phát thải đang trong thử nghiệm đảm bảo quy trình chặt chẽ, trách nhiệm thuộc về Sở Nông nghiệp và PTNT. Mô hình này do Chính phủ khởi xướng và triển khai”, ông Trung thông tin.
Để chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân 2025, Sở Nông nghiệp và PTNT đã gửi văn bản về các địa phương, đơn vị đăng ký và tiếp nhận các doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường sản xuất lúa giảm phát thải, tạo dựng cacbon trên địa bản tỉnh. Các đơn vị tham gia phải báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT về quy mô, cách thực triển khai, tập huấn, quy vùng sản xuất và quy trình kỹ thuật.