Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  

Người đưa sản phẩm OCOP nếp Cay Nọi phát triển bền vững

Thứ tư, ngày 20 tháng 11 năm 2024 | 11:2

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo huyện Mường Lát (Thanh Hóa), từ chưa hiểu sản phẩm OCOP là gì, nhưng bằng nghị lực, sự táo bạo trong cách nghĩ, cách làm và được sự ủng hộ của chính quyền, chị Lương Thị Nồng ở xã Quang Chiểu đã đưa nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện (năm 2021) và phát triển bền vững.

Từ giống nếp ngon của địa phương

Chị Lương Thị Nồng, hiện là Giám đốc HTX nông - lâm Chung Thành, chia sẻ: Là người con dân tộc Thái, tôi lớn lên với mùi thơm của cơm nếp. Nếp Cay Nọi quê tôi có từ xa xưa, được người dân lấy giống từ nước bạn Lào về trồng.

Theo chị Nồng, nếp Cay Nọi có nhiều loại giống, nhưng nếp Cay Nọi vỏ đỏ sọc là giống ngon nhất, khi nấu chín cơm có hương thơm đặc biệt, vị ngọt, hạt cơm để cả ngày vẫn dẻo, thời gian ngâm gạo chỉ 1,5 giờ đồng hồ…

Lương Thị Nồng, người con dân tộc Thái đã gây dựng sản phẩm OCOP đầu tiên cho huyện Mường Lát.

Lương Thị Nồng đôi mắt dần đỏ khi kể về chặng đường để em đi đến quyết định xây dựng sản phẩm  OCOP đầu tiên cho huyện Mường Lát.

Muốn có được giống nếp Cay Nọi ngon, chị Nồng phải đi rất nhiều nơi để mua các loại gạo nếp Cay Nọi về ăn thử, tìm kiếm giống tốt nhất cho bà con trồng, mang thương hiệu vùng biên không thể ở đâu có được.

Trong quá trình tìm kiếm gạo chất lượng, người phụ nữ ấy bị mẹ ngăn cản và nói: “Nhà gạo xếp cả dãy đấy rồi, còn đi khắp nơi mua gạo về ăn làm gì cho vất vả”. Với quyết tâm gây dựng sản phẩm bền vững, chị  đáp lời mẹ: “Nếu không đi tìm kiếm ăn thử, làm sao có loại giống lúa ngon mang thương hiệu cho riêng mình, cho bà con dân bản”.

Theo chính quyền địa phương, giống lúa nếp Cay Nọi đã được nhiều địa phương từ Bắc vào Nam canh tác, nhưng chất lượng lại không đạt được như ở đây, đối với các xã lân cận cũng vậy. Chỉ duy nhất vùng đất Quang Chiểu và Mường Chanh trồng là ngon, địa hình nơi đây như một lòng chảo hứng ánh sáng mặt trời, giống lúa lại ưa nắng.

Giống lúa nếp này  cách canh tác cũng khác, phải thực hiện lúc có nước, lúc khô (giải thoát khí các-bon - PV), thời gian sinh trưởng dài (5 tháng).

Thời gian đầu thành lập HTX và được công nhận sản phẩm OCOP (năm 2021), diện tích của các hộ dân liên kết khoảng 70ha. Khi tham gia liên kết sản xuất, HTX hỗ trợ kỹ thuật, phân bón và giúp bà con tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định. Đây chính là điều kiện để nông dân yên tâm mở rộng diện tích và phát triển thương hiệu giống lúa gạo đặc sản.

Đến xây dựng sản phẩm OCOP

Toàn xã Quang Chiểu liên kết gieo cấy 320ha nếp Cay Nọi, với hơn 1.000 hộ tham gia (tổng diện tích toàn xã 340ha, với 1.300 hộ). Vì người dân ở đây toàn ăn gạo nếp, nên sản lượng của HTX thu mua 2 năm nay vào khoảng 300 tấn/năm.

 

Những thửa ruộng lúa nếp Cay Nọi của bà con nông dân xã Quang Chiểu nằm trong lòng chảo hứng nắng.

Mô hình trồng lúa nếp Cay Nọi của HTX Nông lâm Chung Thành đã  xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm, tạo giá trị cao cho người nông dân.

 

“Nhiều lúc không có sản phẩm để bán, bởi thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó; nhiều thương lái còn liên hệ với HTX và bà con nông dân đưa xe vào tận ruộng để thu mua sản phẩm, phải đặt trước mới có hàng.

Người dân xã Quang Chiểu trước kia trồng nếp Cay Nọi để phục vụ sinh hoạt hằng ngày, gạo chẳng mấy ai mua, giá cả bấp bênh. Từ khi trở thành sản phẩm OCOP thì nó thành sản phẩm có tính hàng hóa và được ưa chuộng trên thị trường”, chị Nồng cho biết.

Chia sẻ về quá trình gây dựng sản phẩm OCOP của huyện, chị Nồng mỉm cười nói: Học hết lớp 8, tôi đã lập gia đình, sinh con sớm hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Sau sinh con, cuộc sống vô cùng khó khăn, phải làm đủ mọi việc, từ bán tóc cho đến buôn bán nông sản để mưu sinh. Có được số vốn ban đầu, tôi vay mượn thêm tiền và bắt tay đầu tư cơ sở sơ chế nông sản, nhập cho thương lái tỉnh ngoài.

Chính quyền địa phương nhận định, nếp Cay Nọi là sản phẩm đặc trưng chỉ có huyện Mường Lát mới có, lại thấy chị Nồng là người trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, đã kinh doanh đủ các nghề để mưu sinh, nên đã vận động và hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP cho quê hương.

“Ban đầu cán bộ xã vận động, bản thân chưa hiểu sản phẩm OCOP là gì, nhưng vì sự tò mò và kiếm kế sinh nhai, tôi đã thử, trong khi đó lại có thể giúp được nhiều bà con ổn định cuộc sống”, chị Nồng chia sẻ.

 

Chị Vi Thị Chung (SN1994) ở bản Pùng, thành viên của HTX nông - lâm Chung Thành cho biết, Nồng là người phụ nữ có nghị lực và cả sự táo bạo trong cách nghĩ, cách làm. Khi được cô ấy vận động tham gia liên kết, tôi đã đồng ý cùng thực hiện.

Chị Vi Thị Chung một trong những thành viên của HTX Nông lâm Chung Thành phấn khỏi khi gây dựng sản phẩm OCOP của địa phương giúp người dân dần ổn định đời sống.

Chị Vi Thị Chung một trong những thành viên của HTX Nông lâm Chung Thành phấn khỏi khi gây dựng sản phẩm OCOP của địa phương giúp người dân dần ổn định đời sống.

“Trước đây, gia đình  trồng lúa đơn thuần, ngô, sắn trên diện tích 8 sào, năng suất thấp, đời sống khó khăn. Khi tham gia HTX trồng nếp Cay Nọi, lúa cho năng suất cao, gạo ngon, được giá, tổng thu nhập 70 triệu đồng/năm, cuộc sống dần ổn định”, chị Chung cho hay.

Ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng nông nghiệp và PTNT huyện Mường Lát cho biết, với nghị lực của mình, chị Lương Thị Nồng đã xây dựng được sản phẩm thương hiệu nếp Cay Nọi, giúp xã Quang Chiểu có sản phẩm OCOP và đây cũng là sản sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện Mường Lát.

Đồng thời, mô hình trồng lúa nếp Cay Nọi của HTX nông - lâm Chung Thành đã mở ra hướng sản xuất theo quy trình VietGAP, xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao giá trị sản phẩm  cho người nông dân, bởi cung không đủ cầu, giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

 

Thanh Duyên

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top