Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  

Sơn La: Ứng dụng KHKT nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Thứ ba, ngày 19 tháng 11 năm 2024 | 10:58

Việc ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại… vào sản xuất ở Sơn La là giải pháp hữu hiệu, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, mà còn thúc đẩy xuất khẩu nông sản đến nhiều thị trường nước ngoài.

Người trồng cà phê có thu nhập khá cao

Những ngày này, nhân dân các xã Chiềng Ban, Chiềng Mai, Chiềng Chung, Chiềng Mung, huyện Mai Sơn đang dồn lực thu hoạch cà phê.

Tại xã Chiềng Ban, từ sáng sớm, bà con nhân dân đã lên nương hái cà phê; những chuyến xe hối hả chở các bao tải cà phê từ nương về các điểm tập kết của thương lái để vận chuyển đến nhà máy và các cơ sở chế biến. Anh Lò Văn Nghĩa, bản Phiêng Quài Tong Chinh, xã Chiềng Ban, chia sẻ: Gia đình tôi trồng gần 3 ha cây cà phê đang chín rộ nên phải thuê người hái cho kịp thời vụ. Năng suất ước đạt gần 30 tấn/ha, giá bán đạt từ 16.000 đồng - 18.000 đồng/kg quả tươi.

Ông Lèo Văn Cương, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Phiêng Quài Tong Chinh, cho biết: Bản có 150 hộ, nhà nào cũng trồng cà phê, với tổng diện tích 110 ha được trồng theo hướng hữu cơ, sản lượng đạt khoảng 1.650 tấn. Năm nay, bà con trong bản ai cũng phấn khởi, bởi giá cà phê đạt cao, đem lại thu nhập ổn định.

Nông dân bản Phiêng Quài Tong Chinh, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn thu hái cà phê.

Cây cà phê bén rễ trên đất Chiềng Ban từ những năm 1994 của thế kỷ trước. Đến nay, xã có hơn 1.250 ha cây cà phê đã cho thu hoạch. Ông Đoàn Quang Dũng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban, thông tin: Xã chỉ đạo các bản tuyên truyền bà con tập trung nhân lực, chủ động thu hái những quả cà phê đã đủ độ chín, không được hái xanh để đảm bảo năng suất, chất lượng của cà phê. Đến thời điểm này, nhân dân đã thu hái khoảng 40% sản lượng quả tươi. Bên cạnh đó, xã thành lập 3 tổ công tác thường xuyên kiểm tra các cơ sở sơ chế, chế biến cà biến cà phê trên địa bàn, đảm bảo không xả nước thải, vỏ cà phê bừa bãi làm ảnh hưởng đến môi trường; tổ chức cho các hộ gia đình, cá nhân đăng ký sơ chế cà phê ký cam kết các quy định về bảo vệ môi trường, nguồn nước.

Tại xã Chiềng Mung, trên các triền đồi, nhân dân cũng đang tất bật thu hái cà phê. Ông Phạm Duy Hùng, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Chiềng Mung có 751 ha cà phê đã cho thu hoạch. Đến thời điểm này, nhân dân trong xã đã thu hoạch được khoảng 45% sản lượng, năng suất đạt từ 12 - 15 tấn quả tươi/ha, kém hơn niên vụ năm 2023, nhưng giá thu mua cà phê của các đại lý, cơ sở chế biến đang ở mức khá cao, từ 16.000 đồng đến 18.000 đồng/kg quả tươi. Với mức giá này, không chỉ người trồng cà phê mà nhân công thu hái cà phê cũng có thu nhập khá cao.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, cho biết: Huyện Mai Sơn có 7.600 ha đã cho thu hoạch, chủ yếu là giống Arabica, sản lượng đạt gần 90.000 tấn quả tươi/năm. Do đặc điểm sinh học của giống cà phê Arabica không chín đồng loạt, đòi hỏi người nông dân khi thu hái phải có chọn lọc và chia làm nhiều đợt. Phòng đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn, khuyến cáo người nông dân thu hái đúng kỹ thuật, đảm bảo tỷ lệ quả chín đạt từ 95% trở lên. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ, nhóm hộ ký kết hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong thu mua, chế biến và bao tiêu sản phẩm cà phê. Thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng cà phê thu hoạch và hoạt động thu mua, chế biến của các cơ sở, doanh nghiệp, đại lý, HTX, tổ hợp tác trên địa bàn...

Khi ánh chiều buông xuống, trên các tuyến đường, những chiếc ô tô chất đầy cà phê nối đuôi nhau từ các xã, bản của huyện Mai Sơn về các nhà máy, cơ sở chế biến. Những ngôi nhà điện sáng lung linh, đầy ắp tiếng cười, nói, trong chúng tôi nhân lên niềm vui chung với bà con nhân dân nơi đây khi có thêm một mùa cà phê thắng lợi.

Xây dựng vùng nhãn công nghệ cao ở Yên Châu

Ngày 25/10/2024, UBND tỉnh Sơn La ban hành quyết định công nhận vùng sản xuất nhãn ứng dụng công nghệ cao cho HTX Phương Nam, tại xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu. Đây là HTX đầu tiên được công nhận và là đơn vị đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của huyện Yên Châu.

HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng thành lập năm 2016, với ngành nghề chính là trồng cây ăn quả, chăn nuôi theo hướng VietGAP; trong đó, nhãn là cây trồng chủ lực được HTX quan tâm, phát triển. Từ 80 ha nhãn ban đầu, đến nay, HTX liên kết với 23 hộ gia đình trong vùng mở rộng diện tích trồng nhãn lên 303 ha, trở thành vùng trồng nhãn chuyên canh lớn của huyện Yên Châu.

Đoàn công tác của UBND tỉnh khảo sát diện tích nhãn tại HTX Phương Nam. 

Anh Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam chia sẻ: Giống nhãn được HTX đưa vào trồng là nhãn chín muộn với 2 dòng là PHM 1.1 và T6, trong đó giống PHM 1.1 được đánh giá chất lượng và có giá bán cao vượt trội. Sản lượng quả nhãn bình quân của HTX đạt trên 4.200 tấn/năm, năng suất 14 tấn/ha, giá bán trung bình 15.000 đồng/kg. Thu nhập của các hộ trồng nhãn đạt 210 triệu đồng/ha. 

Nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX Phương Nam đã chuyển giao kỹ thuật cho các thành viên và các hộ liên kết áp dụng vào thực tế sản xuất nhãn chín muộn, như: Khoanh gốc, tiện cành để hãm sự phát triển của cây, lùi thời gian ra hoa, đậu quả; thường xuyên theo dõi lộc, lá của cây, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Bên cạnh đó, HTX tăng cường áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học an toàn, côn trùng thiên địch bảo vệ cây trồng, vừa giữ cây bền, khỏe, vừa nâng cao hiệu quả canh tác. Đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, HTX đầu tư xây dựng trong vùng sản xuất 6 bể chứa thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; định kỳ hằng năm, bàn giao đơn vị chuyên môn của xã, huyện chuyển đi xử lý theo đúng quy định.

Hiện nay, HTX Phương Nam có 35 ha nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 65 ha được cấp mã số vùng trồng. Toàn bộ diện tích nhãn trong vùng sản xuất của HTX được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Sản phẩm nhãn của HTX đã xây dựng được thương hiệu, ngoài thị trường nội tỉnh, quả nhãn của HTX góp mặt tại các siêu thị lớn ở các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa... Đặc biệt, năm 2018, có 1,5 tấn nhãn của HTX được kiểm định chất lượng, xuất khẩu sang Mỹ; liên tục nhiều năm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Năm 2022, hơn 2 tấn nhãn chín muộn của HTX được Công ty cổ phần suất ăn hàng không Nội Bài và Công ty cổ phần Dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam thu mua, đưa vào suất ăn tại các chuyến bay... Qua đó, khẳng định chất lượng sản phẩm nhãn của HTX.

Giảm nhân lực trong sản xuất, HTX còn vận động các thành viên áp dụng công nghệ tưới ẩm cho 30 ha nhãn, gắn camera giám sát phục vụ việc truy xuất nguồn gốc, bảo đảm xuất khẩu sản phẩm cho gần 20 ha nhãn. Bước đầu, HTX sử dụng flycam để phun thuốc cho cây nhãn; ứng dụng phần mềm dự báo thời tiết, sử dụng điện thoại thông minh giám sát hệ thống nước tưới trong quá trình chăm sóc.

Là thành viên của HTX Phương Nam từ những ngày đầu mới thành lập, anh Nguyễn Văn Hừa, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng cho biết: Gia đình trồng 17 ha nhãn ghép. Trước đây, việc trồng và chăm sóc nhãn theo phương pháp truyền thống nên năng suất, chất lượng không cao. Tham gia HTX, được chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch quả theo tiêu chuẩn an toàn, ứng dụng công nghệ tưới tự động, phun thuốc bằng flycam, sử dụng camera quan sát quá trình sinh trưởng cây trồng... giúp tiết kiệm chi phí, nhân công trong sản xuất. Nhờ vậy, sản lượng, chất lượng và giá bán sản phẩm ổn định hơn. Mỗi năm, gia đình thu 150 tấn quả, giá bán từ 15.000-17.000 đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận đạt gần 2 tỷ đồng.

Nhãn được đóng gói đi tiêu thụ.

Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật, doanh thu hằng năm của HTX Phương Nam tăng lên, đến nay, đạt trên 40 tỷ đồng; trong đó, doanh thu từ trồng nhãn trên 30 tỷ đồng. Đặc biệt tháng 10 vừa qua, toàn bộ vùng sản xuất nhãn của HTX đã được UBND tỉnh công nhận là vùng ứng dụng công nghệ cao. Đây là động lực để HTX tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết: Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 12/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển cây ăn quả gắn với tiêu thụ và xuất khẩu”, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Yên Châu có những bước phát triển tích cực; hình thành được nhiều vùng sản xuất cây ăn quả an toàn, ứng dụng công nghệ cao, từng bước khẳng định chất lượng sản phẩm, cho giá trị kinh tế cao. Nổi bật vừa qua, HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng, được UBND tỉnh công nhận là vùng sản xuất nhãn ứng dụng công nghệ cao đã tạo điều kiện để huyện Yên Châu nói chung và HTX Phương Nam nói riêng tiếp tục xây dựng vùng sản xuất nhãn tập trung, chất lượng cao. Đồng thời, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất bền vững; tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; khẳng định thương hiệu và đưa sản phẩm nhãn của huyện Yên Châu bay xa.

Sau việc được công nhận vùng sản xuất nhãn ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới, huyện Yên Châu tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các HTX, địa phương trên địa bàn xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất xoài và mận hậu, góp phần nâng cao thương hiệu, giá trị nông sản đặc trưng của địa phương.

Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Khai thác tiềm năng lợi thế để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tập trung xây dựng nguồn nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng phục vụ công nghiệp chế biến, góp phần nâng cao doanh thu, lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản trên thị trường.

Sơn La có trên 350.000 ha đất nông nghiệp. Tận dụng lợi thế về khí hậu, đất đai, các địa phương đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu nông sản theo hướng đầu tư chiều sâu, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phục vụ các nhà máy, cơ sở chế biến. Đồng thời, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, góp phần thúc đẩy nông nghiệp của huyện chuyển dịch đúng định hướng; tập trung tăng năng suất, chất lượng, tăng giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Sơn cho biết: Huyện đã tập trung tuyên truyền, định hướng nông dân, HTX, doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi. Trong quá trình liên kết, người sản xuất tuân thủ nghiêm kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn của nhà máy chế biến. Doanh nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ các điều khoản ký kết thu mua sản phẩm theo giá đã công bố. Các cơ quan chức năng tăng cường quản lý nhà nước, đảm bảo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp.

Tại huyện Sông Mã, thực hiện kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các xã rà soát hiện trạng, khả năng bố trí quỹ đất, tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu kém hiệu quả, quỹ đất cộng đồng, đất sản xuất nông nghiệp chưa giao, đất đã giao nhưng hiệu quả kinh tế không cao, đất có khả năng trồng xen...

Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết: Huyện kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết giữa sản xuất với chế biến thông qua hợp đồng. Theo đó, nông dân, HTX tổ chức sản xuất trên diện tích đất của mình để tạo ra sản phẩm theo tiêu chuẩn đã ký kết; doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ dân, cam kết bao tiêu sản phẩm và thu hồi lại phần vốn đã đầu tư đối ứng trước thông qua hợp đồng ký kết.

Dây chuyền chế biến tại Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La.

Sơn La hiện có 17 nhà máy, 543 cơ sở chế biến nông sản. Đây là điều kiện quan trọng để các địa phương phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến. Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Sở đã tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025. Thành lập Tổ phát triển vùng nhiên liệu cho các nhà máy chế biến và luôn đồng hành cùng với các nhà máy trong việc xây dựng phát triển các vùng trồng đảm bảo các tiêu chuẩn phục vụ các nhà máy chế biến.

Theo baosonla.vn

 

V.N (tổng hợp)

Xem thêm

4 5[6]
Top