Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  

Quảng Ngãi phát triển nuôi yến, chế biến, tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu sản phẩm tổ yến

Thứ ba, ngày 19 tháng 11 năm 2024 | 17:0

Quảng Ngãi mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 2 tấn yến sào đảm bảo chất lượng. Tỉnh sẽ sớm có quy hoạch cụ thể để phát triển nghề nuôi yến. Thương hiệu chung “Yến sào Quảng Ngãi” nhất định phải có… Đó là mong muốn từ phía Hiệp hội Yến sào Việt Nam.

Chiều 19/11, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Hiệp hội Yến sào Việt Nam tổ chức Hội nghị phát triển nuôi yến, chế biến, tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu sản phẩm tổ yến trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị nhằm tạo điều kiện giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong phát triển nghề nuôi chim yến…

Toàn cảnh hôi nghị.

Hội nghị nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm tổ yến và vật tư phục vụ ngành nuôi yến có cơ hội giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong phát triển nghề nuôi chim yến, sơ chế, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ tổ yến. Tăng cường quảng bá sản phẩm yến tỉnh Quảng Ngãi đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Hình thành chuỗi liên kết sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích sử dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm từ tổ yến, tạo sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đức Bình cho biết, cũng như các tỉnh trong khu vực Duyên hải miền Trung, Quảng Ngãi có hệ sinh thái nông nghiệp mang tính đa dạng sinh học cao với thảm thực vật phong phú, là cơ sở tạo nguồn thức ăn dồi dào cho quần thể chim yến di cư từ các nơi khác đến địa phương để sinh sôi phát triển.

Theo đó, cùng với sự phát triển của ngành yến sào của cả nước, ngành yến sào Quảng Ngãi cũng đã từng bước được hình thành, phát triển và khẳng định nghề nuôi chim yến, kinh doanh khai thác tổ yến hiện nay có hiệu quả kinh tế khá cao, giá bán tổ yến thương phẩm luôn ổn định; do vậy, số lượng nhà yến trên địa bàn tỉnh liên tục phát triển và tăng nhanh trong thời gian qua.

Tuy nhiên, để hội nhập, phát triền bền vững và khai thác có hiệu quả, ngành nuôi yến ở Quảng Ngãi gặp nhiều khó khăn và thách thức trong định hướng quy hoạch vùng nuôi trọng điểm, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, quản lý chất lượng và xây dựng thương hiệu.

Luật Chăn nuôi quy định các nhà nuôi chim yến phải nằm trong vùng được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt và phải đảm bảo các điều kiện nuôi theo quy định. Trong khi đó, phần lớn nhà yến trên địa bàn tỉnh được xây dựng tự phát, ban đầu xây nhà ở, sau đó chuyển thành nhà nuôi yến, gây khó khăn trong quá trình quản lý của địa phương và cơ quan chức năng, làm ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường. Ngoài ra, việc phát thanh dẫn dụ chim yến của các nhà yến nằm trong khu dân cư gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng.

Vậy, giải pháp nào để đưa ngành sản phẩm yến của Quảng Ngãi phát triển bền vững cùng với ngành yến cả nước, là câu hỏi cấp thiết đặt ra không chỉ cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà còn cho cả các cấp chính quyền.

Sản phẩm Yến sào Quảng Ngãi

Sản phẩm Yến sào Quảng Ngãi.

Theo thông tin của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi, Chi hội Yến sào tỉnh Quảng Ngãi trong những năm qua đã kết nối các hội viên cùng phát triển, xây dựng ngành yến, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 2 tấn yến sào đảm bảo chất lượng. Quảng Ngãi sẽ sớm có quy hoạch cụ thể để phát triển nghề nuôi yến.

Ông Phạm Duy Khiêm, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Yến sào Việt Nam, cho biết: Yến Việt Nam từ lâu đã khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế với sản phẩm chất lượng cao và giá trị dinh dưỡng dồi dào. Tuy nhiên, để nâng tầm giá trị và đưa ngành lên tầm cao mới, chúng ta cần thực hiện một chiến lược toàn diện, bao gồm tăng cường hợp tác, nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao nhận thức người tiêu dùng.

Hợp tác là chìa khóa để giải quyết các thách thức chung và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành yến Việt Nam. Việc tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan như: chủ nhà yến, doanh nghiệp xuất khẩu, Hiệp hội Yến sào Việt Nam, cơ quan, ban ngành.

Ngành Yến Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Bằng cách tăng cường hợp tác, nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao nhận thức người tiêu dùng, chúng ta có thể đưa ngành tổ yến Việt Nam lên tầm cao mới và khẳng định vị thế dẫn đầu trên thị trường quốc tế. Ngành yến cần có một chiến lược phát triển dài hạn và bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước.

Cần có sự chung tay góp sức của tất cả các bên liên quan, từ Chính phủ, doanh nghiệp đến người dân, để xây dựng ngành yến Việt Nam phát triển mạnh mẽ và có uy tín trên thị trường quốc tế. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu là những yếu tố quan trọng để nâng cao giá trị của tổ yến Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trưng bày, triển lãm các sản phẩm yến và vật tư phục vụ ngành yến

Trưng bày, triển lãm các sản phẩm yến và vật tư phục vụ ngành yến.

Ông Trần Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Yến Sào Việt Nam, chia sẻ: Hiện nay, ước tính cả nước có hơn 80% nhà nuôi yến chưa được công nhận do vướng quy định về xây dựng khi nhà yến tồn tại trên đất thổ cư hoặc đất nông nghiệp. Tại nhiều địa phương, các chủ nhà nuôi yến gặp khó khăn khi xin xác nhận nguồn gốc tổ yến để bán cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.

Đối với tổ yến xuất sang Trung Quốc, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, trong đó thể hiện mã số nhà yến/hang yến là điều bắt buộc cho mỗi lô hàng xuất khẩu. Hiện nay, các doanh nghiệp đang tự quản lý nhà yến trong chuỗi cung ứng của mình bằng mã số của riêng doanh nghiệp.

Các mã số này đã được thông báo tới tổ chức hải quan Trung Quốc và được chấp thuận. Tuy nhiên, với cách làm tạm thời như hiện nay, các mã số này không đồng bộ với nhau và cơ quan quản lý cũng chưa có được cơ sở dữ liệu về nhà yến để quản lý một cách chặt chẽ hơn. Cục Chăn nuôi thông tin sắp tới sẽ thí điểm cấp mã nhà yến tại một số tỉnh, thành, đây là tin vui cho ngành yến.

Theo ông Tạ Quang Kiên, Phó trưởng phòng Phát triển thị trường, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cả nước hiện có khoảng 30 nghìn nhà yến, sản lượng 150 - 200 tấn/năm, với  trên 3 tấn yến đảo; trị giá khoảng 600 triệu USD/năm. Trong thời gian vừa qua, tổ yến chủ yếu được xuất tiểu ngạch, thu về khoảng 200-300 triệu USD/năm.  Theo Chiến lược Phát triển chăn nuôi đến năm 2030, sản lượng yến dự kiến đạt 350-400 tấn, với giá trị khoảng 1 tỷ USD.

Ông Tạ Quang Kiên khuyến nghị cần nghiên cứu quy định, thủ tục đăng ký xuất khẩu sản phẩm tổ yến đối với cơ sở sơ chế, chế biến; chứng nhận chất lượng cơ sở sơ chế, chế biến (ISO, HACCP…) theo yêu cầu của thị trường. Kết nối, truyền thông quảng bá, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại (hội chợ, lễ hội) phát triển thị trường nội địa, quốc tế. Hợp tác, liên kết doanh nghiệp, kết nối kênh phân phối (siêu thị, trung tâm thương mại…), thương mại điện tử.

Tại Hội nghị, đại diện Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã thông tin các quy định, yêu cầu của Việt Nam và của Trung Quốc khi xuất khẩu yến.

Trong khuôn khổ hội nghị, diễn ra ký hợp tác giữa các đơn vị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm yến.  

 

Hải Yến

Xem thêm

[4] 5 6Trang cuối
Top