Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  

“Người lái đò” thầm lặng

Thứ ba, ngày 19 tháng 11 năm 2024 | 20:43

“Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa. Từng ngày giọt mồ hôi rơi nhẹ trang giấy…”. Ca từ bài hát “Người thầy” vang lên gợi nhớ hình ảnh người thầy giáo năm nào của chúng tôi. Một nhà giáo tận tụy, không quản ngại mưa gió, sớm hôm đến từng nhà “gieo mầm” kiến thức cho các thế hệ học trò.

Thầy Đặng Văn Ái vẫn miệt mài giải những bài toán, trao dạy kiến thức đến các thế hệ học trò.

Đến từng nhà “gieo mầm” kiến thức

Hình ảnh “Người lái đò” tận tụy ấy chính là thầy giáo Đặng Văn Ái, hiện thầy là Hiệu Phó Trường THCS Phan Thái Ất trên quê hương Lĩnh Sơn, Anh Sơn, Nghệ An.

Còn nhớ, hồi đó vừa kết thúc kỳ nghỉ hè dài của cấp học đầu tiên, chúng tôi chính thức trở thành những “tân binh” mới của ngôi trường Trung học Cơ sở Lĩnh Sơn – nay là Trường THCS Phan Thái Ất. Nhận danh sách về lớp và được biết giáo viên chủ nhiệm lớp chọn 6A của chúng tôi chính là thầy giáo Đặng Văn Ái (sinh năm 1977), chúng tôi ai nấy đều háo hức bước vào lớp của cấp học mới.

Lúc ấy, thầy là một giáo viên trẻ mới về trường, nhưng “khét tiếng” nghiêm khắc, nhiều học trò “rén” khi gặp thầy lắm. Lớp chúng tôi tuy là lớp chọn của khối, nhưng cũng có không ít những bạn cá biệt vì độ nghịch cứ gọi là “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò” quả không oan. Đã có không biết bao nhiêu tiết học phải dừng lại giữa chừng để làm công tác tư tưởng “xốc lại” nền nếp cho cả lớp. Những giờ học đó thực sự rất căng thẳng với chúng tôi. Mọi thứ xung quanh lặng như tờ, như nín thing nghe thầy phân tích. Nét trầm buồn qua lời thầy nói, khiến chúng tôi ai nấy cũng cảm thấy có phần “ăn năn”, như những “kẻ phạm lỗi” bị chạm đúng sai phạm, ai nấy nín thing chờ thầy xử phạt. Nhưng, thầy tôi, luôn có những cách dạy phải nói là “đi vào lòng người”, lặng lẽ phân tích, lặng lẽ chia sẻ những câu chuyện thầy từng gặp và sự kỳ vọng của thầy đối với chúng tôi lớn nhường nào, thầy còn kể cho chúng tôi nghe những điều tốt đẹp về những gương học tập, rèn luyện tốt và nhờ cách “cảm hóa” đó của thầy, tập thể chúng tôi đã vươn lên đứng đầu trong thi đua và học tập.

Thầy Đặng Văn Ái phát biểu tại Lễ xuất quân đội tuyển học sinh giỏi và chúc mừng các thế hệ học sinh sẽ luôn tiếp nối phát huy tinh thần thi đua học tập giỏi.

Thầy tôi là thế đó, luôn nghiêm khắc nhưng cũng thật ân cần, quan tâm và thấu hiểu học trò. Chúng tôi luôn cảm nhận được sự tâm huyết thầy dành cho lớp không phải là vì câu chuyện thành tích, mà đó chính là vì sự “nên người” của những đứa học trò chúng tôi.

Cũng hiếm có người thầy giáo nào mà có sự tận tụy với học trò như thầy giáo của chúng tôi. Hồi đó thầy tuyên bố, buổi tối thầy sẽ đột xuất đến nhà từng bạn để kiểm tra việc học tập của các em ở nhà như thế nào. Nói thật, từ đó không ai bảo ai, chúng tôi đều cố gắng học bài chăm chỉ hẳn ra, vì sợ đột xuất thầy đến nhà mà ngủ sớm là sợ mang tiếng lười học lắm. Nói là làm, hơn 40 học trò của lớp, hầu như nhà bạn nào cũng được thầy đến hỏi han quan tâm việc học hành ở nhà như thế nào, đồng thời đó cũng là cách để thầy quan tâm hỗ trợ những bạn có hoàn cảnh gia đình còn khó khăn của lớp.

Tôi nhớ lần thầy ghé nhà tôi đó là một tối mùa đông, hình như hôm đó là vào dịp lễ Noel thầy đến thăm nhà một bạn trong lớp theo đạo Thiên chúa và cũng gần nhà tôi nên thầy ghé luôn. Nói thật lúc đó tôi đang chong mắt xem tivi cùng mấy chị em, bỗng thấy có bóng dáng của ai đi vào phòng khách cùng ông nội, đến khi ông bật đèn sáng lên tôi giật thót người, lí nhí chào thầy và phi thẳng xuống bàn học như đúng rồi, chời ơi thật là hình ảnh “đẹp” cho lần kiểm tra của tôi quá đi. Tôi ngồi lo lắng, không biết thầy và ông nội tôi nói chuyện gì mà lâu thế không biết? Ngồi một lúc thầy dặn dò và chào cả nhà tôi ra về giữa cơn mưa phùn ngày đông giá rét, nhìn sau bóng lưng trên chiếc xe máy từ từ lao xuống cổng, tôi thấy thương sự vất vả của thầy, nếu không vì sự tận tâm vì học trò thì có mấy ai lặn lội mưa rét, đường xá trơn trượt, lầy lội đến từng nhà như thầy giáo của chúng tôi.

Còn nhớ hồi học bồi dưỡng học sinh giỏi, vì điều kiện trường còn khó khăn, buổi ngày không đủ phòng để học, các thầy trò chỉ còn cách mượn lớp để tranh thủ học tối, đường quê tối om chẳng có điện sáng như giờ, thầy lo lắng khi các học sinh về trong đêm, nên cứ lặng lẽ phi xe máy sau soi đèn cho lũ nhóc chúng tôi đạp xe phía trước. Thầy tôi là thế đó, nhiệt huyết của tuổi trẻ dường như thầy dành hết cho lũ học trò nhỏ chúng tôi và luôn đồng hành "soi sáng" trên con đường học tập của chúng tôi.

Kể mới nhớ, cũng hiếm có người thầy nào như thầy giáo của chúng tôi, thay vì kiểm tra vở ghi hay vở bài tập thì thấy giáo chúng tôi lại yêu cầu kiểm tra vở nháp của từng học sinh. Chao ôi phải nói đó là bữa kiểm tra chúng tôi choáng nhất, vì vở nháp như là “thế giới thứ hai” trong lớp của chúng tôi, nháp bài có, nháp trò chơi “o-x” có, vẽ vời có và thậm chí cả "nói chuyện" riêng trên nháp nữa cơ… thầy mà kiểm tra thì lộ hết tin nhắn bí mật của chúng tôi. Thế là vội phi tang những đoạn chát trên nháp, nộp quyển nháp lên để thầy kiểm tra. Sau vụ đó, chúng tôi không chỉ chỉn chu trên vở ghi, vở bài tập, mà trong vở nháp cũng gọn gàng hẳn ra, thầy chúng tôi bảo, nhìn vào bài nháp là thầy biết các em đã làm bài thế nào và thể hiện sự cẩn thận của các em ra sao. Thật sự những kỷ niệm đặc biệt này là sự riêng có của lớp chúng tôi.

Không chỉ sát sao, tận tụy và thấu hiểu từng đứa học trò, trong chúng tôi thầy luôn gắn với hình ảnh của một người thầy mẫu mực và tràn đầy tâm huyết.

Thầy giáo Đặng Văn Ái cùng đại diện Công đoàn nhà trường gửi tặng món quà giúp đỡ gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Nhớ hồi đầu năm học lớp 6, lớp chúng tôi còn chia làm 2 phe, là phe Lĩnh Sơn 1 và Lĩnh Sơn 2 vì lớp có học sinh của 2 Trường tiểu học Lĩnh Sơn 1 và Trường Tiểu học Lĩnh Sơn 2 chuyển lên. Nhìn thấy những khoảng cách đó, thầy đã khéo léo tổ chức các trò chơi ngoài giờ để chúng tôi có cơ hội thân quen nhau hơn và quả thực hiệu quả, bỗng bạn bè thân nhau từ thủa nào không hay. Thầy chúng tôi vẫn luôn lặng lẽ đứng sau gắn kết chúng tôi thế đấy...

20/11 đặc biệt

Không biết đời học trò có mấy ai mà “bám” thầy như chúng tôi hay không, nhớ dịp 20/11 cách đây chừng hơn 20 năm, một lũ bắng nhẵng học trò chúng tôi rồng rắn xe đạp vượt qua cung đường lầy lội vì mưa đến tập kết tại nhà thầy. Đúng kiểu “trò đến chơi thầy” thì “cải chửa ra cây, cà mới nụ. Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa”... tất tần tật nhờ tài “săn bắt, hái lượm” lũ chúng tôi cũng khoắng sạch vườn rau, đàn gà thậm chí cả vại nhút (món ăn đặc trưng của Xứ Nghệ được muối từ xơ của quả mít và hoa chuối dùng ăn quanh năm) thầy trò xắn quần vào bếp cũng xong tươm tất bữa cơm trưa với chiếc “mâm tàu lá chuối dài nhất Việt Nam” với hơn 40 đứa học trò xúm xụm hồn nhiên vui cười. Thủa đó làm gì có điện thoại Smatphone để livestream, nhưng đó mãi là những thước phim sống động nhất và có lẽ đó là ngày “20/11 đặc biệt chưa từng có” của thầy trò chúng tôi. Để giờ đây, khi cuộc sống đủ đầy nhưng thật khó để “bao giờ cho đến ngày xưa”, bao giờ hơn 40 con người đó lại được dịp gần gũi đông vui đến thế.

Kể mới nhớ, lũ nhóc chúng tôi, đến cả ngày thầy lấy vợ cũng quyết không tha. Chắc hẳn quan viên hai họ cũng đến mắt chữ “A”, miệng chữ “O” khi thấy đâu ùn ra mấy chục đứa học sinh đến dự đám cưới thế này. Nói thật thời điểm đó chúng tôi đâu có nghĩ được nhiều đến vậy, mừng vì thầy cưới được vợ, nên cứ lũ lượt kéo nhau đi xem cô dâu. Thầy chúng tôi dù bận lo việc, nhưng vẫn ra vẫy gọi từng đứa kéo xếp vào mâm ổn định cho lũ nhóc chúng tôi dự tiệc an toàn đâu vào đó rồi mới tất tả chạy đi rước dâu. Chúng tôi vui vì như được trở thành một phần trong cuộc sống của thầy, thầy vẫn luôn quan tâm, lo lắng và yêu thương chúng tôi thật nhiều như thế.

“Người lái đò” thầm lặng

Theo dòng cảm xúc, cứ ngỡ mọi việc như vừa mới hôm qua. Những năm tháng học trò, có lẽ không kể sao cho xuể những kỷ niệm và như ngân vang đâu đây lời ca: “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này/Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại”. Người thầy chủ nhiệm năm xưa của chúng tôi nay đang là Hiệu Phó trường Phan Thái Ất trên quê hương Lĩnh Sơn. Thầy vẫn đang viết tiếp những bài học soi sáng cho biết bao thế hệ học trò. Thầy vinh dự được nhận nhiều Bằng khen trên sự nghiệp “trồng người” đầy cao cả của mình, đặc biệt nhất năm 2020 thầy nhận được Bằng khen của Chủ tịch Tỉnh... Ngoài những thành tích cá nhân, thầy còn là một tấm gương mẫu mực cho các con học tập và noi gương. 

    

Nhiều năm liền thầy được nhận nhiều giấy khen xuất sắc trong sự nghiệp "trồng người" cao cả.

Những kỷ niệm là những điều đã qua nhưng sẽ không bao giờ phai màu trong lòng chúng tôi. Đã hơn 20 năm kể từ ngày đó, lũ học trò nhỏ ngày ấy giờ đây đã tung bay khắp muôn nơi, nhưng chúng tôi mãi mãi là những học trò nhỏ của người thầy đáng kính. Để mỗi dịp được gặp lại thầy, vẫn được thầy hỏi han quan tâm từ cuộc sống, công việc, gia đình ra sao. Có lẽ trong cuộc đời học sinh mỗi chúng ta, “Một ngàn lời cảm ơn không bằng một lần cúi chào thầy cũ”, để mỗi dịp về quê, được gặp lại thầy, được nghe thầy nói thật gần gũi thân thương “nhớ bay lắm” (bay từ địa phương hay còn gọi là các em), được ngồi hàn huyên trò chuyện ôn lại những thước phim tuổi học trò, để thêm biết ơn và kính yêu những “người lái đò” thầm lặng ấy biết nhường nào./.

 

Thanh Tâm

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top