Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  

Nâng cao nhận thức, con đường nâng tầm cho chè Việt

Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024 | 13:21

Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia sản xuất chè lớn nhất thế giới, với những vùng chè trứ danh và hương vị đặc trưng. Tuy nhiên, phát triển chè hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và giá trị mang lại chưa cao.

Nhiều tiềm năng

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và PTNT, sản lượng chè tăng từ 1 triệu tấn (năm 2015) lên 1,125 triệu tấn (năm 2023). Theo phân vùng sản xuất, sản lượng chè tập trung chính tại  vùng miền núi phía Bắc (74,7%) và Tây Nguyên (10,94%).

Đơn cử, Thái Nguyên là địa phương có sản lượng, diện tích chè dẫn đầu cả nước. Tỉnh đã xây dựng được vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi với quy mô gần 22,5 nghìn hecta, sản lượng búp tươi đạt trên 267,5 nghìn tấn, giá trị sản phẩm trà đạt 12,3 nghìn tỷ đồng.

Tỉnh Lai Châu có trên 10.500 ha chè, trong đó có  8.400ha chè kinh doanh, năng suất chè búp tươi bình quân đạt trên 70 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi trên 58.000 tấn. Chè được phát triển thành vùng tập trung tại Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, thành phố Lai Châu, Phong Thổ, Sìn Hồ. Giống chè chủ yếu là Shan tuyết, Kim Tuyên, PH8. Diện tích chè thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 7.000 ha, chiếm 67% tổng diện tích. 

Chè là cây chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp người dân vươn lên làm giàu.

Trong tổng số 194 nghìn tấn chè sản xuất năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD; Chè tiêu thụ trong nước khoảng 48 nghìn tấn, trị giá khoảng 7.500 tỷ đồng - tương đương 325 triệu USD. Đến nay, Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau với sản phẩm chủ yếu là chè đen và chè xanh.

Về xuất khẩu, nước ta hiện đứng thứ 5 trên thế giới, chủ yếu xuất sang Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU, chiếm khoảng 70% về lượng và hơn 70% về giá trị xuất khẩu.

Theo thống kê, thị trường chè toàn cầu dự kiến  đạt 37,5 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó, 10 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt hơn 120 nghìn tấn, trị giá gần 212 triệu USD. Qua đây để thấy thị phần xuất khẩu chè của Việt Nam còn rất rộng mở nếu đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế.

Mức tăng trưởng của ngành chè ngày càng cao do lối sống thay đổi và nhận thức của người tiêu dùng về việc uống trà có lợi cho sức khỏe. Cục Xuất - nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, đây tín hiệu tích cực để ngành chè Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mở rộng thị phần trong chiếc bánh 37,5 tỷ USD.

Hiện nay, ngành chè thu hút lực lượng lao động lớn với hơn 6 triệu người từ 34 tỉnh, thành phố. Việt Nam có điều kiện khí hậu và đất đai phù hợp cho ngành chè phát triển, với những thương hiệu chè nổi tiếng như: Shan tuyết (Hà Giang), Suối Giàng (Yên Bái), chè B’lao, Ô long Cầu Đất (Lâm Đồng)...

Giá thấp và nguyên nhân

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, giá chè xuất khẩu bình quân của nước ta chỉ bằng 65% giá bình quân của các nước hàng đầu về xuất khẩu chè và chỉ bằng 55% giá chè xuất khẩu bình quân của Ấn Độ và Sri Lanka. Thời gian qua,  giá chè xuất khẩu trung bình 1,7 USD/kg, trong khi giá  của thế giới là 2,6 USD/kg.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, chia sẻ, là do xuất phát từ tình trạng “dễ mua, dễ bán” của nhiều doanh nghiệp trong ngành.

“Thái độ mua bán dễ dãi khiến người sản xuất không trau chuốt, làm mới, đẩy ngành chè vào bẫy giá rẻ của thế giới”, ông Long nói.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng, do diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (VietGAP, GlobalGAP, RA - quy tắc thực hành phát triển bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững, hữu cơ…) còn ít. Các cơ sở chế biến chè có quy mô nhỏ, các sản phẩm chè chế biến chủ yếu là dạng thô, mẫu mã chưa đa dạng, năng lực cạnh tranh thấp. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ còn hạn chế, chủ yếu xuất sang các nước Trung Đông và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), dẫn đến giá thành thấp.

Tập trung nâng cao chất lượng

Đưa ra giải pháp để nâng tầm giá trị cây chè, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, cần đồng bộ các giải pháp để đưa cây chè lên vị thế mới.

“Để phát triển vùng sản xuất và nâng cao chất lượng chè, cần chú trọng xây dựng vùng chè an toàn, kết hợp với cơ cấu giống phù hợp, định hướng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và quy hoạch các nhà máy chế biến nhằm gia tăng giá trị. Liên kết các vùng chè đặc sản với Chương trình OCOP và phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất chè an toàn và liên kết tiêu thụ cần được đẩy mạnh, cùng với nâng cao năng lực cán bộ khuyến nông và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức chứng nhận chất lượng như Utz Certified, RFA”, ông Mạnh chia sẻ.

Đối với hoạt động sản xuất, đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, cần đầu tư công nghệ hiện đại, ứng dụng quy trình kỹ thuật phù hợp với từng loại đất, phát triển các sản phẩm chè đa dạng như chè Ôlong, matcha và nước uống đóng chai từ chè. Các kỹ thuật trồng trọt an toàn, sử dụng phân hữu cơ và phương pháp phòng trừ sâu bệnh IPM cũng cần được triển khai rộng rãi.

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, liên kết vùng sản xuất với hệ thống phân phối và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA..., để mở rộng thị trường ngoài nước, từ đó nâng cao giá trị ngành chè.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo, sản phẩm chè khi lưu thông cần đảm bảo các nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm. Trong đó, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất chè phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh.

Trên thực tế, chè hữu cơ, chè đặc sản và chè cao cấp là yếu tố then chốt để mở rộng thị trường, tăng lợi nhuận cho các nhà sản xuất, chế biến chè và đảm bảo hiệu quả bền vững.

Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần khuyến khích và tạo điều kiện tập trung đất đai hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn; ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông tại các vùng sản xuất chè; xây dựng thương hiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại vùng chè; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển vùng chè chủ lực.

Ngoài ra, đối với các chủ thể sản xuất cần thay đổi tư duy trong cách làm, phải đặt mục tiêu chè là cây làm giàu chứ không phải là cây xóa đói giảm nghèo. Từ đó, đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn, sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ tạo ra sản phẩm đáp ứng với tiêu chí thị trường nhập khẩu.

Các cơ quan chức năng cần kiểm soát tốt chất lượng vật tư đầu vào; kiểm tra các cơ sở sản xuất chè về điều kiện ATTP; hướng đến người trồng chè thâm canh, nâng cao chất lượng, xây dựng vùng chè an toàn; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ, xúc tiến thương mại, đa dạng sản phẩm; gắn việc bán chè với bán câu chuyện về trà Việt; hỗ trợ kết nối liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với nông dân, nhà khoa học...

Để hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách từ cấp Trung ương đến địa phương ban hành nhằm phát triển sản xuất và tiêu thụ chè.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và PTNT  phê duyệt  Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT ngày 26/1/2024 với mục tiêu: Đến năm 2030, diện tích trồng chè cả nước đạt 120-125 nghìn hecta, năng suất 110-115 tạ/ha; sản lượng  1,2-1,4 triệu tấn chè búp tươi.

Trong đó, diện tích chè ứng dụng IPM/IPHM (tiêu chuẩn quản lý dịch hại trên cây trồng/quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp) đạt 90%; diện tích chè được áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn (GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ và tương đương...) chiếm trên 70%; tỉ lệ diện tích chè được cấp mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm đạt trên 70%...

 

Thanh Xuân

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top