Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  

Việt Nam cần làm gì để không bỏ lỡ trên hành trình phát triển xanh?

Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024 | 14:44

Phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp là một chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, những cánh rừng của Việt Nam, không chỉ là nơi bảo tồn, lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học không phải nơi nào cũng có được mà ẩn chứa sâu trong những tầng lá còn là những "kho vàng".

Phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp là một chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước.

Sản xuất xanh là đòi hỏi toàn cầu

Phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp là một chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, được thể hiện rất rõ trong các Nghị quyết 19, 20, Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XIII. Cụ thể hóa chủ trương này, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng các chương trình, đề án để hướng tới mục tiêu này, trong đó, lĩnh vực lâm nghiệp được coi là ngành có đóng góp lớn. 

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng). Đây là bước khởi đầu về tiềm năng thương mại tín chỉ carbon rừng. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng, với hơn 14,86 triệu hecta, đạt tỉ lệ che phủ 42,02% và là lĩnh vực duy nhất phát thải ròng âm..

Hiện nay, các nước trên thế giới cũng rất coi trọng sản xuất xanh và lập những hàng rào cho những loại hàng hóa, nông sản không rõ ràng về nguồn gốc. Ví dụ, Luật chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) dù đã hoãn thực thi thêm một năm nhưng khi có hiệu lực cũng sẽ có tác động đối với một số sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ, cao su… nếu không chứng minh được không có xuất xứ từ vùng trồng có rừng bị tàn phá hoặc làm suy thoái rừng.

Điều này cho thấy, quản lý, phát triển rừng, hướng đến sản xuất nông nghiệp, bền vững, có trách nhiệm là đòi hỏi của toàn cầu. Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp- nhìn từ tín chỉ Carbon rừng và thực thi EUDR", do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Văn phòng Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức, các diễn giả cho rằng, nếu tiếp tục mở rộng ứng dụng chuyển đổi số và hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong việc thay đổi phương thức sản xuất theo hướng xanh và số hóa, hiệu quả giảm phát thải và phát triển bền vững sẽ ngày càng được nâng cao.

Có mặt tại tọa đàm, ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT), chia sẻ rằng hiện nay, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những lĩnh vực giao dịch sôi động nhất. Tín chỉ carbon không chỉ được xem như một loại hàng hóa mà còn là công cụ thiết yếu để thực hiện cam kết giảm phát thải toàn cầu.

Hai thị trường tín chỉ carbon chính là thị trường tự nguyện (Voluntary Carbon Market - VCM): Đây là nơi các tổ chức, công ty, hoặc quốc gia thực hiện các giao dịch tín chỉ carbon thông qua thỏa thuận song phương hoặc sàn giao dịch. Người mua tín chỉ nhằm đáp ứng mục tiêu giảm phát thải carbon, tiến tới Net Zero – mục tiêu mà họ tự công bố để minh bạch hóa nỗ lực giảm dấu chân carbon.

Ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT) chia sẻ tại tọa đàm.

Thị trường bắt buộc (Compliance Carbon Market - CCM): Đây là nơi giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon để doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp luật về giảm phát thải. Hiện nay, 48 quốc gia đã thành lập thị trường carbon bắt buộc, điển hình là các chính sách thuế carbon – một biện pháp kinh tế hiệu quả nhằm thúc đẩy các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm tài chính cho lượng khí nhà kính mà họ phát thải.

Giá tín chỉ carbon trên thị trường rất đa dạng, dao động từ 1-2 USD/tín chỉ cho đến mức gần 200 USD/tín chỉ, tùy thuộc vào loại hình dự án tạo ra tín chỉ carbon. Tiêu chuẩn áp dụng (như Verra, VCS, Gold Standard, hoặc American Carbon Registry). Các lợi ích đi kèm và địa điểm giao dịch.

Một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc và Úc đã phát triển tiêu chuẩn quốc gia riêng cho tín chỉ carbon. Những tiêu chuẩn này vừa hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải, vừa khuyến khích đầu tư tư nhân. Các doanh nghiệp tại đây không chỉ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải mà còn chủ động áp dụng cơ chế tự nguyện trong sản xuất và kinh doanh, minh bạch hóa quá trình để đáp ứng sự giám sát từ cộng đồng quốc tế.

Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang gấp rút hoàn thiện tiêu chuẩn về tín chỉ carbon rừng. Mục tiêu là xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư và vận hành hiệu quả thị trường tín chỉ carbon trong nước. Điều này không chỉ góp phần giảm phát thải mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững cho nền kinh tế lâm nghiệp Việt Nam.

Việt Nam cần làm gì để không bị bỏ lỡ?

Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội lớn và thách thức không nhỏ trong việc khai thác tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho biết: Trong các lĩnh vực của NDC (Đóng góp do quốc gia cam kết về ứng phó với khí hậu, bao gồm mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chính sách và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris), lâm nghiệp và trồng trọt là những lĩnh vực ưu tiên được quan tâm. Hiện nay, thế giới cũng đã ghép lĩnh vực lâm nghiệp, chuyển đổi sử dụng đất vào lĩnh vực giảm phát thải của NDC, là yêu cầu để phục vụ chuyển đổi sản xuất sang giảm phát thải, phát triển bền vững.

Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội lớn và thách thức không nhỏ trong việc khai thác tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon.

Đối với đặc thù của Việt Nam, chúng ta đặt mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực là số 1, đất đai là sở hữu toàn dân, đây là điều kiện giúp chúng ta đạt được các mục tiêu phát triển bao trùm, tuy nhiên đó cũng sẽ là thách thức trong việc thực hiện thị trường tín chỉ carbon. Cái khó nữa là đến nay chúng ta vẫn chưa có khung pháp lý thực hiện NDC, chưa có khung chính sách rõ ràng minh bạch để những người chuyển đổi năng lượng, công nghệ, chuyển sang canh tác carbon thấp có thể tận dụng được cơ hội của thị trường tài chính khí hậu.

“Rõ ràng, cơ hội là rất lớn, đặc biệt, tại COP26 các nước đã cam kết tăng hỗ trợ cho tài chính khí hậu, thích ứng cũng như hỗ trợ cho các nước chịu tổn thất do biến đổi khí hậu, trong đó Nhóm G20 cũng đã hỗ trợ cho các nước thực hiện thành công, vậy thì Việt Nam làm gì để tận dụng cơ hội thực hiện nguồn tài chính khí hậu này? Nếu chậm thì người nông dân sẽ không có được nguồn hỗ trợ thực hiện giảm thiệt hại và tổn thất do biến đổi khí hậu.

Do đó, tôi cho rằng, các bộ ngành, đặc biệt là Bộ NNPTNT, Bộ TNMT cần thực hiện xây dựng chính sách rõ ràng minh bạch về vấn đề này, cái gì thuộc về vai trò, nhiệm vụ của người dân, cái gì là nhiệm vụ của doanh nghiệp, chính quyền địa phương…, mục tiêu nhằm đảm bảo công bằng giữa người dân và doanh nghiệp; đảm bảo công bằng giữa người dân miền ngược với miền xuôi, người dân hiện nay và mai sau", Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ cho hay.

Trong nền kinh tế của chúng ta hiện nay thì người dân tộc thiểu số, phụ nữ, người yếu thế là những đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất, trong khi những người dân ở đồng bằng lại được hưởng lợi nhiều hơn từ tăng trưởng kinh tế. Vì thế tôi cho rằng, áp dụng nguyên tắc người phát thải phải trả phí sẽ tạo ra sự cân bằng trong việc áp dụng chính sách.

Ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và PTNT nhận định: Bộ TNMT đã chủ trì và trình Chính phủ lộ trình để chúng ta thực hiện mục tiêu đến 2028 sẽ vận hành được sàn giao dịch tín chỉ carbon toàn quốc. Dưới góc nhìn của mình, tôi cho rằng có 5 đầu mục, giải pháp cần thực hiện:

Ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và PTNT nhận định, mục tiêu đến 2028 sẽ vận hành được sàn giao dịch tín chỉ carbon toàn quốc.

Thứ nhất, nâng cao và thống nhất nhận thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tiến tới vận hành cơ chế tín chỉ carbon trong cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng những người sống cạnh rừng.

Thứ hai, phải có vai trò vận hành của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách. Trong đó có việc vận hành sàn giao dịch tín chỉ quốc gia, đồng thời có cơ chế chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước, sự quan tâm của xã hội trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Hiện, cơ chế thúc đẩy của chúng ta chưa được đề cập nhiều, chúng ta đang có tiềm năng nhưng biến được thành tín chỉ carbon thì còn hành trình dài.

Thứ ba, ngay từ bây giờ phải nghĩ tới cơ chế tư vấn và giám sát độc lập, nếu dựa vào Nhà nước là không thành công. Tư vấn đo đếm, giám sát phát thải tới từng doanh nghiệp phải độc lập, phải phi Nhà nước. Đồng thời phải ứng dụng công nghệ và xem công nghệ như một tiêu chí tạo niềm tin của chúng ta với quốc tế.

Thứ tư, cần có tổ chức điều phối quốc gia làm đầu mối, tôi nghĩ vẫn là Bộ TNMT, kết nối với hệ thống các doanh nghiệp có phát thải hoặc hấp thụ nhiều, tạo thành Working Group để xây dựng nguồn lực, tổ chức dữ liệu, giám sát và tuyên truyền thực hiện.

Thứ năm, thị trường quốc tế rất quan trọng. Việt Nam chúng ta không thể làm một mình, phải coi trọng các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế để vận hành và áp dụng sao cho phù hợp.

Cần có cơ chế khuyến khích khu vực tư nhân và quốc tế tham gia đầu tư

Ông Trần Hiếu Minh, Trưởng phòng KHCN và HTQT, Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT): Cho đến nay, EUDR vẫn là quy định mới, trước kia tập trung về mảng hợp pháp, nhưng nay tích hợp thêm quy định về không gây mất rừng. Thực ra yêu cầu này đối với các doanh nghiệp không phải mới mẻ, nhất là với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vì họ đã quen với việc tuân thủ các quy định về nguồn gốc, sản xuất có chứng chỉ. Tôi thấy rằng các doanh nghiệp cần thể hiện rõ vai trò tuân thủ EUDR, cũng như có chia sẻ, hướng dẫn với những người nông dân trực tiếp sản xuất, đơn vị cung cấp nguyên liệu để họ hiểu và thực hiện.

Chúng tôi cũng mong rằng các Hiệp hội cần phối hợp với cơ quan chức năng, mạng lưới và cập nhật bản tin của ngành lâm nghiệp. Bản tin này được cập nhật 2 lần/tuần về các quy định EUDR, từ đó nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai giao dịch khung, nắm bắt và thực hiện các yêu cầu về việc giải trình, tuân thủ quy định.

Ông Nguyễn Đình Thọ cho biết, ở góc độ kỹ thuật, Việt Nam hiện phát triển chậm thị trường tín chỉ carbon do điểm nghẽn lớn nằm ở quy định chính sách. Trong khi nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Singapore đã có thị trường mua bán tín chỉ carbon với sự đầu tư lớn và chính thức, chúng ta vẫn thiếu khung pháp lý rõ ràng. Ví dụ, Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã quy định về rừng trồng và rừng tự nhiên, nhưng lại chưa làm rõ các cơ chế liên quan đến tín chỉ carbon. Nhà đầu tư muốn tham gia cần biết cơ chế chia sẻ lợi ích, nhưng điều này hiện chưa được quy định cụ thể, gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào các dự án rừng tự nhiên.

Với rừng tự nhiên, hiện nay chủ yếu được quản lý bởi các ban quản lý rừng, nhưng nguồn lực từ nhà nước đầu tư vào đây còn hạn chế. Do đó, cần có cơ chế khuyến khích khu vực tư nhân và quốc tế tham gia đầu tư, với chính sách rõ ràng về chia sẻ lợi nhuận để phát triển rừng và giảm phát thải. Trong khi đó, với rừng trồng, Việt Nam đang có cơ hội lớn. Các dự án gỗ lớn không chỉ tăng sản lượng gỗ mà còn tạo lợi ích kép từ tín chỉ carbon. Tuy nhiên, nếu cơ chế chia sẻ lợi ích không được làm rõ, chúng ta sẽ khó đạt được hiệu quả mong muốn. Thực tế, một hecta rừng trồng từ dự án gỗ lớn trong 10 năm đã tạo thêm 120.000 tấn CO2. Với 2 triệu hecta rừng trồng hiện có, đây là cơ hội rất lớn để gia tăng năng suất và lợi ích kinh tế.

Việt Nam hiện phát triển chậm thị trường tín chỉ carbon do điểm nghẽn lớn nằm ở quy định chính sách.

Để thị trường tín chỉ carbon vận hành hiệu quả và tiến ra quốc tế, cần có quy trình công nhận rõ ràng. Tuy nhiên, trước mắt, phát triển thị trường tín chỉ carbon nội địa vẫn là hướng đi khả thi hơn. Các doanh nghiệp có thể đầu tư vào công nghệ để vừa giảm phát thải, vừa tạo nguồn lực tài chính bổ sung, thúc đẩy nông nghiệp bền vững và phát triển xanh.

Phát triển rừng bền vững

Thực tế cho thấy, nguồn lực trong nước ổn định nhưng cần sự thay đổi từ công tác quản lý đến người trồng rừng. Việt Nam đã có kinh nghiệm qua hai chương trình phát triển lâm nghiệp quốc gia, đủ năng lực và đội ngũ để tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, việc giám sát thị trường tín chỉ carbon cần sự quản lý chặt chẽ từ Nhà nước để tránh trùng lặp giao dịch. Vai trò của Nhà nước là rất quan trọng trong việc xây dựng niềm tin và đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường này.

Ông Hà Công Tuấn, Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và PTNT cho rằng: Nghị quyết 13 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã có, để đạt được mục tiêu đó, trước hết nền kinh tế của chúng ta chuyển sang nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Còn về khái niệm theo Nghị định 83 năm 2013 của Chính phủ, kinh tế xanh có 3 nội hàm, trụ cột: Thứ nhất nền kinh tế phát thải thấp, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, hài hòa xã hội.

Tôi đã trao đổi và rất khuyến khích các doanh nghiệp, nông dân đều nhận thức sâu sắc vấn đề này. Chúng ta thực hiện phát triển xanh, giảm phát thải khí nhà kính không chỉ là trách nhiệm mà là niềm tự hào của mỗi người, đi đầu phải là các doanh nghiệp, người dân. Nếu chúng ta làm tốt sẽ nâng vị thế quốc gia, chúng ta sẽ là công dân kiểu mẫu theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.

Chúng ta phải cùng cộng đồng để đóng góp vào sự nghiệp của Đảng và Nhà nước. Tương lai, chúng ta, ai cũng có lợi, hướng đến xã hội phồn vinh, phát triển và có cuộc sống đủ đầy.

Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được coi là một nhiệm vụ trọng yếu, góp phần thực hiện thành công cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, hướng đến NET ZERO vào năm 2050.

"Những cánh rừng của Việt Nam, không chỉ là nơi bảo tồn, lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học không phải nơi nào cũng có được mà ẩn chứa sâu trong những tầng lá còn là những "kho vàng", chính là nguồn carbon cây rừng hấp thụ, đây chính nguồn tài chính bền vững để phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Mong rằng những thông tin tại buổi tọa đàm hôm nay sẽ góp phần giúp nông dân, các chủ rừng có thêm thông tin về việc phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng từ đó có thêm động lực bảo vệ, phát triển rừng, phấn đấu những người nông dân sống gần rừng sống được với nghề rừng và những cánh rừng mãi mãi xanh tươi", ông Hà Công Tuấn nhấn mạnh. 

 

Thanh Tâm (t/h)

Xem thêm

4[5] 6
Top