Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  

Nuôi bò thịt tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, lợi nhuận tăng 29%

Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024 | 10:19

Nuôi bò thịt tuần hoàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường còn mang lại lợi nhuận tăng 29% so với phương pháp nuôi truyền thống.

Nuôi bò thịt tuần hoàn

Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp rơm, rạ và thân cây bắp làm thức ăn cho bò. Còn chất thải trong quá trình chăn nuôi bò còn tạo thành giá trị hữu ích tái sử dụng trong nông nghiệp, như làm phân hữu cơ vừa cải tạo đất góp vệ môi trường. Với phương pháp nuôi bò thịt tuần hoàn đã mang lại lợi nhuận tăng 29% so với phương pháp nuôi truyền thống.

Mô hình được Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang hỗ trợ 50% các khoản chi phí cải tạo chuồng nuôi, xây nhà để ủ phân bò, máy cắt nhỏ thân cây bắp, hệ thống phun sương làm mát chuồng nuôi, hệ thống nước uống sạch, thức ăn hỗn hợp cho bò bổ sung vào giai đoạn vỗ béo. Sử dụng chế phẩm sinh học ủ phân bò, hệ thống phun sương làm mát chuồng nuôi và người chăn nuôi tham gia mô hình được hỗ trợ giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Nuôi bò thịt tuần hoàn của hộ bà Nguyễn Thị Nhanh, ở ấp Kiến Quới, xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới (An Giang) là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang triển khai mô hình nuôi bò thịt tuần hoàn, tận dụng phụ phế phẩm nông nghiệp dồi dào tại địa phương làm thức ăn cho bò thịt. Đến nay, hộ chăn nuôi có kinh tế ổn định cuộc sống khấm khá hơn trước.

Bà Lê Thị Nhanh chủ hộ nuôi cho biết: Trước kia gia đình nuôi bò theo cách truyền thống không có máy cắt thức ăn và máng ăn, uống cho bò. Từ năm 2023, được ngành Thú y hỗ trợ các thiết bị và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi theo phương pháp ứng dụng các công nghệ tưới phun sương khi trời nắng nóng, máng ăn được trang bị sạch đẹp và được tiêm phòng vacxin đầy đủ theo quy định.

Mô hình nuôi bò thịt tuần hoàn được tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin giúp bò sau 6 tháng nuôi tăng trọng từ 0,7 – 1,4kg/con/ngày. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vì vậy, nhiều năm qua đàn bò của bà Nhanh ít xảy ra dịch bệnh, bò phát triển nhanh, bình quân mỗi năm gia đình bà Nhanh xuất bán 2 đợt. Đến nay, tổng số đàn bò của gia đình đã tăng lên gần 20 con bò thịt và nhiều con bò con, nhờ vậy mà kinh tế gia đình khấm khá hơn trước.

Bà Nhanh chia sẻ thêm, muốn bò mau lớn, thức ăn và tiêm phòng vacxin định kỳ là 2 yếu tố quan trọng trong chăn nuôi. Đối với thức ăn cho bò phải được cung cấp thường xuyên liên tục để tránh thiếu hụt khiến bò đói. Phụ phẩm từ cây bắp được cắt nhuyễn là loại thức ăn giàu dinh dưỡng cho bò. Do đó, gia đình bà có nguồn nguyên liệu trồng bắp phải được chia ra làm nhiều đợt trồng (gối vụ), trái bắp để bán, còn thân cây bắp để cung cấp nguồn thức ăn cho bò được đều đặn.

“Gia đình có diện tích 1ha đất trồng bắp nên chia ra nhiều đợt trồng cứ cách 10-15 ngày là tôi lại xuống giống 1 lần để có nguồn thức ăn liên tục cho bò. Đến đợt thu hoạch, trái non bán, phần thân cắt nhuyễn, nên nguồn thức ăn cho bò dồi dào, nhờ có máy xay nhỏ thân cây mà Chi cục Chăn nuôi và Thú y hỗ trợ nên rất tiện lợi. Chất thải phân bò tôi đem ủ sử dụng để bón cho ruộng bắp thay thế một phần phân vô cơ, phần còn lại bán cho thương lái” bà Nguyễn Thị Nhanh nói.

Là người trực tiếp theo dõi mô hình nuôi bò thịt tuần hoàn chị Lê Thị Bé Hai, nhân viên kỹ thuật Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Chợ Mới cho biết: Về phía ngành chăn nuôi đã hỗ trợ tốt việc tiêm phòng đủ các loại vacxin phòng bệnh lở mồm long móng và viêm da nổi cục và khuyến cáo người nuôi tiêm phòng thêm vacxin tụ huyết trùng trên trâu bò vật nuôi.

Qua quá trình theo dõi nhận thấy bò phát triển tăng trưởng rõ theo từng mốc thời gian, mô hình rất hiệu quả. Trong thời gian tới ngành sẽ tiếp tục hỗ trợ người chăn nuôi trong công tác phòng bệnh như cấp thuốc sát trùng tiêu diệt mầm bệnh, tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo quy định và sẵn sàng hỗ trợ các nhu cầu khác khi người chăn nuôi cần để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình vỗ béo bò.

Sử dụng phụ phẩm nông nghiệp thân cây bắp

Bà Nguyễn Thị Xoàn, Phó chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang cho biết, mô hình nuôi bò tuần hoàn triển khai tại 2 hộ chăn nuôi bò có trồng bắp thu trái non, được thực hiện tại huyện Chợ Mới.

Sử dụng phụ phẩm nông nghiệp thân cây bắp kết hợp với bổ sung thức ăn hỗn hợp bằng công thức phối hợp hoàn chỉnh đảm bảo dinh dưỡng phù hợp cho đàn bò thịt. Đồng thời sử dụng chất thải trong chăn nuôi bò đã qua xử lý làm nguồn phân hữu cơ giàu dinh dưỡng cung cấp cho diện tích trồng cụ thể là bắp thu trái non tại những hộ nông dân trong HTX. Mô hình đã tăng hiệu quả kinh tế khoảng 29% so với những hộ nuôi không thực hiện, đồng thời cải thiện thu nhập người dân và góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.

Theo bà Nguyễn Thị Xoàn, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Sau 6 tháng nuôi tăng trọng bò thịt trung bình đạt khoảng từ 0,7 -1,4kg/con/ngày. Trong đó, tăng trọng trong 3 tháng cuối trước khi xuất chuồng đạt khoảng từ 1,1–1,4kg/con/ngày.

Ngoài ra, mô hình còn giảm lượng được 25% phân bón vô cơ cho 1ha ruộng trồng bắp thu trái non, hiệu quả kinh tế mang lại tăng khoảng 29% so với những hộ không thực hiện. Trong thời gian tới Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang sẽ tiếp tục đề xuất nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới có khoảng 130 hộ nuôi với tổng khoảng 600 con bò. Anh Huỳnh Phú Quới, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiến Thành, cho biết, xã có rất nhiều mô hình hay trong đó mô hình nuôi bò thịt tuần hoàn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ nông dân.

Thời gian tới, Hội nông dân xã sẽ phối hợp với các ban, ngành đoàn thể chính quyền tại địa phương vận động tuyên truyền đề xuất hỗ trợ nguồn vốn cũng như một phần chi phí để nhân rộng mô hình nuôi bò thịt theo hướng tuần hoàn cho cho hội viên cũng như nông dân trên địa bàn xã. Từ đó, góp phần ổn định kinh tế của địa phương nhằm duy trì cho hộ chăn nuôi trên địa bàn xã.

Hưng Yên: Áp dụng kỹ thuật mới cho mô hình chăn nuôi bò thịt vỗ béo

Với giá đầu ra sản phẩm cao và ổn định, đàn bò không bị dịch bệnh, môi trường vệ sinh đảm bảo, do đó phương pháp chăn nuôi này đã mở ra kỹ thuật mới mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên Đỗ Trọng Thạo, thực hiện mục tiêu của tỉnh về phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAP bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng và triển khai mô hình vỗ béo bò. Mô hình hướng tới tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp kết hợp với thức ăn công nghiệp để vỗ béo bò trước khi giết thịt trong thời gian khoảng 90 ngày nhằm tăng sản lượng, nâng cao chất lượng thịt và tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Đồng thời, hướng phát triển kinh tế cho các hộ nông dân, tạo thêm việc làm trong điều kiện đồng cỏ, khi diện tích chăn thả ngày một thu hẹp.

Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên đã triển khai mô hình vỗ béo bò với quy mô 300 con bò tại 37 hộ tại xã Ngọc Thanh (huyện Kim Động) và xã Hồng Vân (huyện Ân Thi). Các hộ tham gia mô hình bảo đảm các tiêu chí như có địa điểm thực hiện phù hợp với nội dung, yêu cầu kỹ thuật của mô hình; ngoài kinh phí hỗ trợ của mô hình; các hộ cam kết đầu tư vốn phù hợp với yêu cầu kỹ thuật.

Nhằm giúp các hộ nông dân tham gia mô hình tiếp nhận và thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật, Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật; kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật tại các hộ tham gia mô hình, kịp thời phát hiện và xử lý các tồn tại trong quá trình thực hiện; hướng dẫn hộ chăn nuôi viết nhật ký sổ theo dõi, báo cáo kết quả tiếp nhận, thực hiện mô hình... Khi  tham gia mô hình, các hộ nuôi  được hỗ trợ 50% thức ăn hỗn hợp theo định mức tương đương 135 kg/con bò. Đến nay, trung tâm đã cấp hơn 40 tấn thức ăn hỗn hợp cho đàn bò tham gia mô hình.

Gia đình ông Nguyễn Xuân Hợi, ở xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động là một trong những hộ tham gia mô hình. Ông Hợi cho biết, bò giống của các hộ tham gia mô hình chủ yếu là bò 3B, có tốc độ tăng trọng cao so với các giống bò thịt lai khác. Nguồn thức ăn tận dụng được các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để làm thức ăn tự chế, giúp giảm chi phí đầu vào. Hơn nữa, quy trình kỹ thuật vỗ béo bò thịt không quá phức tạp, quản lý đơn giản, dễ làm, phù hợp với đa số các hộ chăn nuôi. Đáng chú ý, do chất thải của bò được xử lý bằng chế phẩm sinh học vi sinh nên không còn mùi hôi thối, đảm bảo vệ sinh. Chuồng trại luôn trong trạng thái thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, thường xuyên sạch sẽ, vì thế đàn bò không bị mắc bệnh và tránh được nhiều rủi ro.

Theo ông Hợi, nuôi bò thịt vỗ béo đang thu hút nhiều người chăn nuôi tăng đàn để nâng cao thu nhập, bởi đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định và ít rủi ro hơn so với các ngành chăn nuôi khác, nhất là tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn, đặc biệt là lao động những ngày nông nhàn, lao động phụ làm tăng thêm thu nhập cho các hộ chăn nuôi vươn lên làm giàu.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên Đỗ Trọng Thạo đánh giá, mô hình vỗ béo bò giúp cho nông dân tận dụng được các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để làm thức ăn cho đàn bò, góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế. Quy trình kỹ thuật vỗ béo bò thịt dễ áp dụng, phù hợp với các hộ chăn nuôi; tạo ra đàn bò thịt cho năng suất cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng đó, mô hình tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận và sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi bò vỗ béo để xử lý chất thải chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Theo ông Thạo, thành công của mô hình là tạo ra đàn bò thịt cho năng suất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng thu nhập cho hộ chăn nuôi. Với các vùng bãi thuận lợi cần quy hoạch vùng chăn nuôi bò tập trung, ưu tiên hỗ trợ chăn nuôi bò thịt quy mô lớn. Đồng thời, khuyến khích các hộ chăn nuôi thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác; phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt chăn nuôi bò thịt an toàn sinh học theo hướng bền vững.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Lê Trung Cần chia sẻ, nhằm khuyến khích các địa phương phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, vốn tín dụng, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi xây dựng trang trại theo hướng khép kín. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị chuyên môn đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm với hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm chăn nuôi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 34.000 con trâu, bò; trong đó, bò thịt chiếm khoảng 65% tổng đàn, tập trung chủ yếu ở các huyện Văn Giang, Kim Động, Ân Thi, Khoái Châu, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ Nongnghiep, Baohungyen, hanoimoi...)

Xem thêm

[4] 5 6Trang cuối
Top