Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  

Cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến quản lý thị trường BĐS và nhà ở xã hội

Thứ ba, ngày 19 tháng 11 năm 2024 | 15:41

Thời gian qua, thị trường bất động sản (TTBĐS) và nhà ở xã hội (NƠXH) đã có những bước phát triển về quy mô, tạo ra khối lượng lớn cơ sở vật chất cho xã hội, giúp cho các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển và nâng cao điều kiện sống cho các tầng lớp Nhân dân.

Tuy nhiên, TTBĐS và NƠXH còn nhiều tồn tại, bất cập, phát triển chưa bền vững, mất cân đối cung - cầu, cần phải có sự điều chỉnh về pháp lý.

AMH

Xây dựng NOWXXH cho người thu nhập thấp luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm

Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ

Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý TTBĐS và phát triển NƠXH từ năm 2015 đến hết năm 2023” tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV cho thấy, đến cuối giai đoạn giám sát, có 3.363 dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị đã và đang triển khai thực hiện với quy mô sử dụng đất khoảng 11.191 ha; 413 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 87.700 ha. Về NƠXH, có khoảng 800 dự án đã được triển khai với quy mô 567.042 căn, trong đó 373 dự án đã hoàn thành với quy mô 193.920 căn; 129 dự án đã khởi công với quy mô 114.934 căn; 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 258.188 căn.

Bên cạnh kết quả đạt được, TTBĐS và NƠXH còn nhiều tồn tại, bất cập, phát triển chưa bền vững, mất cân đối cung - cầu; giá bất động sản còn cao so với thu nhập của đa số người dân; nhiều khu đô thị bỏ hoang; quản lý chung cư mini còn nhiều bất cập;nhiều dự án gặp vướng mắc, chậm được triển khai. Nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến về kết quả giám sát và đưa ra những giải pháp để thực hiện tốt việc quản lý của Nhà nước.

Đề cập đến nguyên nhân của những tồn tại, bất cập trên, Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) chỉ rõ, đầu tiên là điểm nghẽn về thể chế và hạn chế nhiều lần được chỉ ra là một số quy định của các luật còn chồng chéo, chưa thống nhất, chưa đồng bộ và chưa phù hợp với thực tế, chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, do chính sách của Nhà nước trên các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, đất đai... cho NƠXH chưa khuyến khích  nhà đầu tư, gói tín dụng 120 ngàn tỷ đồng chậm được giải ngân, nhiều văn bản pháp quy còn chồng chéo nhau, chưa rõ ràng, nhiều địa phương chưa đạt tỷ lệ về NƠXH theo quy định, nếu có, chỉ số ít căn hộ được mua hoặc thuê, chưa đáp ứng được nhu cầu, quỹ đất đô thị chủ yếu đấu thầu dự án dành cho nhà ở thương mại, còn NƠXH phụ thuộc vào 20% trong dự án của nhà ở thương mại.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) nêu ý kiến, giá bất động sản cao bất thường do người mua bất động sản để tích lũy tăng cao khiến dòng tiền đẩy vào bất động sản cao, không chảy vào kinh doanh sản xuất; nguồn cung bất động sản ngày càng khan hiếm; bên cạnh đó, các lực lượng thị trường như môi giới, đấu giá cố tình đẩy giá lên cao để kiếm lợi nhuận. Về phát triển NƠXH, ông Cường cho rằng, người có thu nhập thấp thường không đủ khả năng tích lũy để mua nhà, thậm chí không đủ tiền trả lãi vay ngân hàng.

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), trên thực tế có dấu hiệu lũng đoạn, thổi giá bất động sản, tạo ra bong bóng bất động sản của một nhóm lợi ích làm thị trường bất động sản tăng giá cao, đột ngột. Đại biểu cho rằng, chúng ta cần đánh giá sát, đúng vấn đề, từ đó chỉ ra được giải pháp cụ thể, căn cơ. Dự thảo Nghị quyết đã đánh giá được hạn chế, chủ yếu vẫn là hạn chế trong chính sách, pháp luật, nhưng vẫn còn yếu tố bất thường, tăng giá đột ngột, gấp 2-3 lần, không phù hợp với tình hình thực tế chung và nhu cầu của người dân.

Chính vì còn những bất cập nêu trên, đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) bày tỏ băn khoăn trước tình trạng nhiều mục tiêu về phát triển NƠXH trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chưa đạt được. Nguồn cung NƠXH còn hạn chế, giá bán cao, các quy định về điều kiện để tiếp cận chính sách đối với người dân còn phức tạp. Mức thu nhập bình quân đầu người của người dân còn thấp so với khả năng chi trả cho nhà ở.

Thực hiện hiệu quả nhóm giải pháp về thể chế

Trước những tồn tại, bất cập mà Báo cáo của Đoàn giám sát nêu ra, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục thực hiện hiệu quả nhóm giải pháp về thể chế trong thời gian tới. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định liên quan để triển khai hiệu quả Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản công khai, dễ tiếp cận để người dân nắm rõ giá đất, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá. Cùng với đó, đại biểu đề nghị giao Bộ Xây dựng tham mưu ban hành cơ chế, chính sách quản lý chặt chẽ các chủ đầu tư dự án NƠXH; đồng thời phối hợp đánh giá, rà soát khó khăn, vướng mắc trong chính sách ưu đãi tín dụng về nhà ở xã hội.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) nêu ý kiến, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do nhiều tỉnh, thành phố chưa bố trí quỹ đất độc lập để phát triển NƠXH và việc phát triển NƠXH chủ yếu phụ thuộc vào quỹ đất là 20% trong dự án nhà ở thương mại, nhưng triển khai còn nhiều bất cập, vướng mắc.

Theo đó, sớm nghiên cứu ban hành các văn bản quy định riêng về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; đẩy nhanh việc thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách phát triển NƠXH, trong đó có chương trình hỗ trợ NƠXH cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và NƠXH cho người có thu nhập thấp tại đô thị; cải cách chính sách xét duyệt cho vay, tránh tình trạng chính sách rất hay nhưng lại phải trải qua “rừng thủ tục”.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) đề nghị, cần tìm giải pháp đối với các dự án tồn đọng, kéo dài. Chính phủ cũng cần rõ các danh mục dự án chậm tiến độ, nguyên nhân và giải pháp xử lý, nhất là những dự án trên 10 năm, 20 năm. Yêu cầu chủ đầu tư, các ngành, địa phương có liên quan chủ động phối hợp tham mưu, có giải pháp giải quyết dứt điểm hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành những cơ chế cụ thể, có lộ trình, thời gian giải quyết rõ ràng, thực hiện hiệu quả Quyết nghị của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó trưởng đoàn giám sát của Quốc hội, kiến nghị giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục rà soát những tồn tại, hạn chế của chính sách, pháp luật trong quản lý TTBĐS và phát triển NƠXH đã được nhận diện, được điều chỉnh tại các luật, văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã ban hành, những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ và có giải pháp đồng bộ, cụ thể để khắc phục tồn tại, hạn chế, vướng mắc, yếu kém quản lý TTBĐS và phát triển NƠXH đã nêu tại Báo cáo của Đoàn giám sát, hướng tới phát triển TTBĐS an toàn, lành mạnh, bền vững, đa dạng hóa sản phẩm cho TTBĐS, hài hòa giữa cung và cầu, tăng nguồn cung bất động sản phù hợp với thu nhập của người dân, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội.

 

 

 

Ngọc Thủy

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top