Dịp này, tỉnh Phú Yên cũng đón nhận Bằng Di tích quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển được cấp cho các địa phương: TP Hải Phòng (xuất bến) và các tỉnh Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau (mở bến).
Đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những phát kiến xuất sắc của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Vũng Rô - nơi vận chuyển hàng hóa quan trọng
“Đường Hồ Chí Minh trên biển” là tên gọi của tuyến đường vận tải quân sự do Hải quân Nhân dân Việt Nam và quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên biển Đông trong chiến tranh, để vận chuyển vũ khí, cán bộ từ miền Bắc vào chi viện cho quân giải phóng miền Nam, trong kháng chiến chống Mỹ. Đây là một nhân tố quan trọng, chiến lược, góp phần đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.
Bản đồ mô tả hành trình của những chuyến tàu chi viện bằng đường Hồ Chí Minh trên biển
Để kịp thời chi viện cho các chiến trường, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam; sau khi nghiên cứu, thử nghiệm, rút kinh nghiệm và chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn Vận tải quân sự 759 (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay), mở tuyến đường vận tải chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển.
Trong suốt 14 năm (1961-1975), cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã lập nên những kỳ tích anh hùng trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, ác liệt.
Tàu C41 đã 3 lần vào bến Vũng Rô
Tàu Không số chở 100 tấn
Tại Phú Yên, Vũng Rô là một địa danh lịch sử, gắn liền với con đường vận tải chiến lược - “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, cùng với “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh” đã trở thành biểu tượng vinh quang của cả dân tộc, hiện thân của ý chí và khát vọng đấu tranh chống giặc ngoại xâm thống nhất đất nước. Từ bến Vũng Rô, những con đường mòn bí mật len qua khe núi, đèo dốc, được hàng ngàn thanh niên xung phong, dân công ngày đêm vận chuyển vũ khí, hàng hóa về hậu cứ và tỏa đi khắp các tỉnh của chiến trường Nam Trung Bộ. Nhờ đó, sức mạnh chiến đấu của quân và dân 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk được nâng lên, đã lập nên nhiều chiến thắng vang dội, góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy trên chiến trường Khu 5.
Tàu vận tải Đoàn 125 vận chuyển hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam
Hơn 23 giờ 30 phút ngày 28/11/1964, chuyến tàu Không số đầu tiên cập bến Vũng Rô do Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, Chính trị viên Trần Hoàng Chiếu cùng 19 thuyền viên chở 63 tấn vũ khí từ miền Bắc vào cập bến an toàn. Từ đây, công việc bốc xếp hàng hết sức khẩn trương. Những thùng hàng đầu tiên từ Bãi Chính - Vũng Rô đã được đưa đến cầu Cây Khế, vượt Bãi Môn len lách qua những dốc đá cheo leo tập kết ở Hang Vàng. Hàng từ kho Hang Vàng vượt qua hành lang Hoà Xuân vận chuyển về tuyến sau.
Tải đạn ra chiến trường
Trước sự phát triển lớn mạnh của cách mạng, yêu cầu của chiến trường Khu 5, Khu 6 và điều kiện bảo đảm của Bến Vũng Rô thuận lợi, chuyến Tàu Không số thứ 2 tiếp tục cập bến Vũng Rô vào 23 giờ ngày 25/12/1964, xã Hòa Hiệp tiếp tục động viên, chọn và tuyển thêm 200 dân công cùng 10 chiếc thuyền, ghe để chuyển hàng theo đường bộ và đường biển về Bãi Xép, kho Hang Vàng, kho Hàng Sải... tạo thuận lợi cho các tỉnh bạn Khánh Hòa, Đắk Lắk đến nhận hàng.
Lúc 23 giờ 50 phút rạng ngày 1/2/1965, chuyến Tàu Không số thứ 3 cập bến Vũng Rô an toàn, đúng vào đêm giao thừa mừng năm mới Ất Tỵ. Công tác đón tàu, bốc dỡ chuyển tải hàng thuận lợi, hàng tiếp tục chuyển dần vào các kho cả mang vác bộ và dùng cả ghe nhỏ độ 1-2 tấn chuyển lên kho bãi Xép, bãi Tiên - Hòa Xuân... Tiếp đó là những đoàn dân công vài ba chục người vác, mang, chuyển theo đường giao liên vượt quốc lộ 1A qua đoạn Hòa Xuân để đưa hàng về Tây Nguyên một cách bí mật an toàn, hiệu quả, tránh được sự dòm ngó và tuần tra của địch.
Vận chuyển vũ khí phục vụ chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968
23 giờ, đêm ngày 15/2/1965, Tàu 143 có trọng tải 100 tấn do Thuyền trưởng Lê Văn Thêm, Chính trị viên Phan Văn Bảng chỉ huy cập bến Vũng Rô, trên bến khẩn trương, đưa lực lượng bốc dỡ hàng, lực lượng này gồm Đại đội K60, Đại đội K64/83 Quân khu 5 cùng du kích và hàng trăm dân công hai xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân. Địch phát hiện Tàu 143, chúng tập trung lực lượng đánh tàu và bến. Hai ngày 18 và 19/2/1965, địch đổ bộ lên bờ, du kích Hòa Hiệp cùng bộ đội K60 và Trung đội huyện Tuy Hòa, Trung đội K64 phân chia từng tổ tiểu đội chặn mọi lối ra vào bến đánh diệt nhiều tên địch, không cho chúng vào gần... Những ngày sau đó địch mở rộng bàn đạp, chiến sự xảy ra ác liệt nhiều ngày, quân và dân Phú Yên không hề nao núng, anh dũng chiến đấu đến cùng để bảo vệ tài sản của Đảng và Nhà nước.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh thuyền trưởng tàu Không số C41 đã vận chuyển 3 chuyến hàng thành công, Vũng Rô tiếp nhận gần 200 tấn vũ khí,...
Qua 3 chuyến vận chuyển thành công, Vũng Rô tiếp nhận gần 200 tấn vũ khí, bổ sung kịp thời cho các lực lượng vũ trang Phân khu Nam. Ở Phú Yên nhận 10.000 khẩu súng các loại, 10 tấn đạn dược thuốc nổ, 1 tấn thuốc tân dược; Ban Y tế Phú Yên nhận 500 kg tân dược. Đặc biệt, cả cơ quan Huyện ủy, Huyện đội, lực lượng vũ trang huyện Tuy Hòa 1 trực tiếp nhận trang bị tại chỗ đầy đủ; riêng lực lượng du kích có khoảng 6.976 người được trang bị gần 3.000 súng các loại. Xưởng quân giới bảo đảm được nguyên vật liệu để sản xuất các loại lựu đạn, mìn, thủ pháo có uy lực sát thương cao. Khi được trang bị đầy đủ vũ khí, toàn tỉnh hoạt động mạnh và liên tục, mở ra vùng giải phóng nông thôn, đồng bằng, dồn địch co cụm lại ở thị trấn, thị xã, dọc trục giao thông thành 8 cụm chông chênh: Phú Lâm, Tuy Hòa, Củng Sơn, Cà Lúi, Phú Tân, La Hai, Xuân Phước, Sông Cầu, cùng với quân dân Phân khu Nam góp phần đánh bại Kế hoạch MacNamara, đẩy chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đến chỗ phá sản hoàn toàn trên chiến trường Khu 5.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam với cán bộ chiến sĩ Tàu C41, Tiểu đoàn 1, Đoàn 125 tại bến Bính Động năm 1970
Việc vận chuyển vũ khí vào Vũng Rô (Phú Yên) bằng đường biển (cuối năm 1964 - đầu năm 1965) mang một ý nghĩa lịch sử trọng đại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, có sự phối hợp chi viện của hậu phương, lực lực kháng chiến đã được tăng cường mạnh mẽ, góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng. Đồng thời còn để lại những bài học kinh nghiệm quý báu về xác định tuyến vận tải và tính chất bí mật bất ngờ, về quá trình xây dựng bến bãi, cầu tàu và tổ chức tiếp nhận hàng... Đó là những kinh nghiệm rất cần được nghiên cứu vận dụng trong điều kiện mới.
Trân trọng quá khứ, vững tin hiện tại, mạnh mẽ tương lai
Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương nhấn mạnh, trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta thành kính nghiêng mình tưởng nhớ công lao vĩ đại và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới - Người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân và hòa bình, tiến bộ của nhân loại. Chúng ta khắc ghi và biết ơn công lao to lớn của các bậc tiền bối, các anh hùng, liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công, cùng toàn thể lực lượng vũ trang và Nhân dân tỉnh nhà - những người con ưu tú của quê hương, đất nước, đã anh dũng chiến đấu, hy sinh tại bến Vũng Rô và trong toàn bộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, để chúng ta có được một đất nước hòa bình, độc lập, tự do và cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương phát biểu
60 năm đã trôi qua, nhưng sự kiện những chuyến Tàu Không số đưa hàng trăm tấn hàng hóa, vũ khí chi viện từ hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa vào bến Vũng Rô vẫn luôn được nhắc đến như một kỳ tích của sự mưu trí, sáng tạo, một trang sử vẻ vang của quân và dân Phú Yên và của cả dân tộc.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng lãnh đạo tỉnh Phú Yên, những cựu chiến binh tàu Không số thắp nén hương tri ân và thả vòng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, đồng đội đã hy sinh tại bến tàu Vũng Rô.
Bí thư Tỉnhh ủy Phú Yên kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ trong toàn tỉnh, phát huy tinh thần của chiến công bến Vũng Rô, "trân trọng quá khứ, vững tin hiện tại, mạnh mẽ tương lai", chung sức, đồng lòng, đồng tâm, hiệp lực; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức; quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh đúng như tên gọi "đất Phú - trời Yên"; xứng đáng với những cống hiến, hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ và các thế hệ cha anh đi trước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Phú Yên đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Phú Yên tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm đột phá, hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; tạo nền tảng vững chắc để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, vì mục tiêu “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Tại lễ kỷ niệm, thừa ủy nhiệm Thủ tướng Chính phủ, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng Di tích quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển cho tỉnh Phú Yên./.
Năm 1986, Vũng Rô đã trở thành Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đến năm 2001, Bia di tích Bến Vũng Rô đã được xây dựng, Đài tưởng niệm Vũng Rô hoàn thành, để mãi khắc ghi một sự kiện oai hùng trong lịch sử chiến tranh dân tộc. Sau đó, tỉnh Phú Yên kiến nghị Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia xem xét, cho ý kiến về hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích Tàu không số Vũng Rô là di tích quốc gia đặc biệt. |