Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 5 tháng 12 năm 2024  

Quảng Ngãi đẩy mạnh xúc tiến thương mại, số hóa sản phẩm OCOP

Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024 | 16:34

Tỉnh Quảng Ngãi xác định, chuyển đổi số (CĐS) ngành Nông nghiệp và PTNT là một trong những nội dung cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Mục tiêu đến năm 2025, 100% các sản phẩm OCOP được hỗ trợ, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) của tỉnh và một số sàn TMĐT như: Voso.vn, Postmart.vn,… và 50% sản phẩm OCOP được số hóa.

Những kết quả ban đầu, tạo động lực mới

Thực hiện từ năm 2019 đến nay, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đạt những kết quả ban đầu rất quan trọng, tạo nên động lực mới trong trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh.

Mật mía - sản phẩm OCOP thuộc dự án “Mật mía miền xanh” đạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi lần thứ V.

Mật mía - sản phẩm OCOP thuộc dự án “Mật mía miền xanh” đoạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi lần thứ V.

Gần 5 năm qua, nhờ sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành và cộng đồng địa phương, Chương trình OCOP đã thật sự lan tỏa trên khắp địa bàn tỉnh. Các địa phương quan tâm, khai thác các nguồn tài nguyên bản địa, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng OCOP chuẩn hóa sản phẩm nên bước đầu hình thành được các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương như: Nước mắm Mười Quý Bình Sơn, hành tỏi Lý Sơn, sản phẩm quế Trà Bồng, trái cây Nghĩa Hành...

Tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 204 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao (trong đó có 17 sản phẩm đạt 4 sao và 187 sản phẩm đạt 3 sao); 13/13 huyện, thị xã, thành phố đều có sản phẩm OCOP; đã xây dựng 13 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đặc biệt, UBND tỉnh công nhận OCOP đối với 02 sản phẩm du lịch là: Du lịch cộng đồng Làng Gò Cỏ (thị xã Đức Phổ) đạt 3 sao và Điểm du lịch Thành cổ (thành phố Quảng Ngãi) đạt 4 sao.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Những năm qua, Quảng Ngãi đã tổ chức giới thiệu, trưng bày những sản phẩm thế mạnh, tiềm năng trên địa bàn tỉnh ra thị trường trong nước và khu vực, đồng thời làm cầu nối để các DN trên địa bàn tỉnh gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh và liên kết mở rộng thị trường với các đối tác trong khu vực và thế giới. Qua đó đã tạo điều kiện cho các DN hợp tác thu mua một số nông sản chủ lực của tỉnh.

Quảng Ngãi đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại các hoạt động kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP.

Quảng Ngãi đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại các hoạt động kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP.

Hàng năm, tỉnh Quảng Ngãi và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức các Hội chợ triển lãm các sản phẩm NN nhằm tạo điều kiện để các HTX, DN và nông dân tìm hiểu và liên kết hợp tác.

Văn phòng Điều phối NTM tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn cho chủ thể OCOP về năng lực cộng đồng và tinh thần hợp tác; hỗ trợ để sản phẩm OCOP được bày bán tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại các hoạt động kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP, đặc biệt là xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Công Thương đã hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại nhiều sự kiện quy mô lớn. Trong đó, sản phẩm OCOP tiêu biểu và sản phẩm đặc trưng của tỉnh đã được giới thiệu tại Chương trình “Sắc quê Quảng Ngãi” tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Các đặc sản được người tiêu dùng ủng hộ, một số sản phẩm đã được các kênh phân phối lớn như siêu thị, trung tâm mua sắm quan tâm, xúc tiến ký hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã hỗ trợ DN quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các thị trường mới như tham gia Hội chợ triển lãm thương mại và du lịch Phú Yên năm 2024; Hội chợ triển lãm công thương - OCOP Thái Nguyên 2024. Một số sản phẩm có tiềm năng tham gia thị trường xuất khẩu được Sở Công Thương hỗ trợ tham gia Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu năm 2024 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm TP. Hồ Chí Minh; Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất khẩu khu vực miền Trung tại Đà Nẵng. Các sản phẩm OCOP được kết nối tham gia Hội chợ Hàng Việt Đà Nẵng năm 2024; Hội chợ Công nghiệp - Thương mại Quảng Ngãi 2024...

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Để thúc đẩy thị trường TMĐT trong tỉnh phát triển, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định số 1389/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 có 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT; 80% website TMĐT của các doanh nghiệp, cơ sở KD trên địa bàn tỉnh có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% DN vừa và nhỏ tiến hành KD trên các sàn giao TMĐT, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT.

Ớt xiêm Sơn Hà được giới thiệu trên sàn OCOP Quảng Ngãi

Ớt xiêm Sơn Hà được giới thiệu trên sàn OCOP Quảng Ngãi

Nhằm hỗ trợ các DN, hộ SX NN tham gia sàn TMĐT; hỗ trợ đưa nông sản hộ SX NN lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số NN, tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng và triển khai vận hành hệ thống quản trị Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ngãi; quản lý các sản phẩm OCOP và kênh thông tin thương mại sản phẩm OCOP Quảng Ngãi được tích hợp trên website https://ocop.quangngai.gov.vn, giới thiệu và trưng bày sản phẩm OCOP Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, phần lớn hộ KD, HTX và DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ vẫn duy trì SX và KD theo hình thức truyền thống, chưa tận dụng lợi thế của TMĐT để đưa sản phẩm, dịch vụ đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả, khiến việc tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ gặp khó khăn trong thị trường nhiều cạnh tranh.

Sản phẩm OCOP Chả mực KITA – đặc sản Quảng Ngãi

Sản phẩm OCOP Chả mực KITA – đặc sản Quảng Ngãi

Ông Nguyễn Thanh Hiên, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Thông qua Chương trình OCOP, các chủ thể OCOP nói chung và HTX nói riêng đã bước đầu thực hiện việc CĐS trong Chương trình OCOP và đã mang lại một số kết quả đáng khích lệ như: 100% sản phẩm được gắn mã vạch, mã QR code truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm, giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc về quy trình SX, chế biến sản phẩm. Một số HTX đã sử ứng dụng KiotViet trong quản lý KD, giúp quản lý dễ dàng, bán hàng hiệu quả. Một số đã thực hiện bán hàng trên các sàn TMĐT do Sở Công Thương quản lý như: quangngaitraide.gov.vn hoặc mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm như tham gia các sàn TMĐT (Shopee, Lazada, Tiki, tiktok shop,...); mạng xã hội như Facebook, Zalo để quảng bá sản phẩm, nâng cao thương hiệu và tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp. Bên cạnh đó: tất cả các sản phẩm đạt OCOP 3-4 của tỉnh đều được Văn phòng Điều phối NTM của tỉnh đăng tải trên trang thông tin điện tử https://ocop.quangngai.gov.vn nên giúp cơ quan quản lý cũng như tiêu dùng tiện theo dõi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc CĐS đối với các HTX tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhiều HTX thiếu nguồn nhân lực (con người) có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin, am hiểu các kỹ năng bán hàng trực tuyến, online nên hiệu quả bán hàng và doanh số thấp. Cập nhật hình ảnh, quy trình SX chế biến (nếu có thay đổi) trên tài khoản mã vạch, mã QR code truy xuất nguồn gốc không được thực hiện thường xuyên, nhiều tài khoản hết hạn không được gia hạn nên người tiêu dùng truy xuất không được, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ngãi…

Để CĐS đối với các HTX, DN tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thành công, đòi hỏi sự phối hợp từ nhiều phía, từ HTX, DN, hộ KD chính quyền địa phương cho đến các đối tác công nghệ và tài chính. Chỉ khi có sự đồng bộ và cam kết dài hạn, quá trình CĐS tại các HTX, DN, hộ KD ở Quảng Ngãi mới có thể đạt được thành công bền vững.

 

Hải Yến

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top