Xuất khẩu rau quả là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu.
Đối diện nhiều thách thức
Xuất khẩu nông sản năm 2024 có nhiều điểm sáng, mang về nguồn kim ngạch vượt chỉ tiêu đề ra của Chính phủ. Điều này cho thấy nỗ lực rất lớn của các đơn vị, chuỗi mắt xích trong toàn ngành: thuỷ sản, lúa gạo, trái cây, gỗ, tiêu, điều,… Đồng thời, những thành tích này cũng khẳng định vai trò của tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, dù có nhiều thành tích xuất khẩu tươi sáng, nhưng ngành nông sản vẫn còn đối diện với nhiều thách thức lớn. Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu nông sản Việt Nam đang đối diện với 5 thách thức lớn. Đó là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, chi phí vận tải, logistics chưa có dấu hiệu giảm, chính sách nhập khẩu của các nước liên tục thay đổi và lãi suất ngân hàng có biến động.
Không những vừa phải đối diện với các tiêu chí sản xuất, người sản xuất nông nghiệp còn phải đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng nông sản ngày càng tăng. Người tiêu dùng nước ngoài có xu hướng thắt chặt chi tiêu do áp lực lạm phát.
Đối với ngành thủy sản, hiện nay ngành thủy sản Việt Nam cũng đang nỗ lực gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU để khơi thông lại đường đi cho các sản phẩm khai thác, đánh bắt. Ông Hoàng Trọng Thủy, Chuyên gia nông nghiệp chia sẻ, đối với ngành nuôi trồng thuỷ sản, vẫn còn nhiều khó khăn về biến đổi khí hậu hiện nay. Cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng thủy sản chưa phát triển vượt trội, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành. Chất lượng con giống thủy sản cũng phải cải thiện hơn để tạo sản phẩm chất lượng và đáp ứng các yêu cầu của người tiêu dùng.
Chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam cũng không nằm ngoài những thách thức của thị trường trong năm 2024. Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức mới từ thị trường quốc tế trong năm 2024. Đáng chú ý là nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu giảm mạnh do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và lạm phát gia tăng, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Nhiều đơn hàng từ các thị trường này sụt giảm đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành gỗ. Cùng với đó, các yêu cầu về nguồn gốc gỗ và sản xuất bền vững càng tăng áp lực lên các nhà xuất khẩu Việt Nam. Tại Mỹ, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang đối diện với khả năng bị điều tra chống bán phá giá, đặc biệt với các sản phẩm có nguồn gốc từ nước thứ ba, chẳng hạn như gỗ nhập từ Trung Quốc. Việc điều tra có thể dẫn đến biện pháp trừng phạt thuế suất cao nếu bị kết luận vi phạm, đe dọa đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Tìm kiếm từng cơ hội
Mặc dù thách thức từ thị trường luôn tác động mạnh đến các ngành hàng của ngành nông nghiệp, nhưng mỗi ngành hàng đều có những nỗ lực riêng để giữ vững thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chắt chiu từng cơ hội xuất khẩu để đảm bảo hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp.
Theo bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam chia sẻ, trước những yêu cầu của người tiêu dùng, cũng như rào cản kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản vừa khắc phục những khó khăn nội tại như vấn đề truy xuất nguồn gốc, các vấn đề liên quan đến chính sách xuất khẩu vừa nỗ lực đầu tư công nghệ để năng cao năng lực sản xuất.
Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần nỗ lực đầu tư công nghệ để năng cao năng lực sản xuất.
Chẳng hạn như, thuỷ sản Việt Nam đối diện với các rào cản kĩ thuật về thuế chống bán phá giá hay thẻ vàng IUU, nhưng cơ hội mới xuất hiện là như cầu lớn từ thị trường Halal, các doanh nghiệp thuỷ sản cũng sẽ nỗ lực đầu tư để có thể khai thác thị trường này, hay yêu cầu về sản xuất xanh, bảo vệ môi trường cũng đang được các doanh nghiệp ráo riết thực hiện để hoàn thành tiến độ cho đến năm 2035.
Nhìn thấy khó khăn trước mắt nhưng cũng chứa nhiều cơ hội từ thị trường Mỹ, ông Trần Ngọc Liêm chia sẻ, thị trường Mỹ hiện chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam. Trong nhiệm kỳ trước, Tổng thống Donald Trump từng áp dụng nhiều biện pháp đối với xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ, đòi hỏi cân bằng thương mại.
Tới đây, khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, ngành gỗ có thể phải đối mặt với các biện pháp điều chỉnh nhưng cũng có thể hưởng lợi từ cơ hội thu hút đầu tư và phát triển. Bên cạnh thị trường Mỹ, các thị trường khác cũng đang tạo cơ hội cho ngành gỗ.
Đơn cử, các hiệp định thương mại tự do đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường mới, thị trường Trung Quốc đúng khôi phục sức tiêu dùng, hay thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tích cực chuẩn bị hàng hoá phục vụ cho các lễ hội truyền thống sắp tới.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản.
Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Các biện pháp như sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước, bảo vệ đất đai và đa dạng sinh học cần được áp dụng rộng rãi sẽ tăng cơ hội cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Tận dụng sản phẩm có lợi thế
Đánh giá về thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ hội cho ngành Thủy sản tại thị trường này là rất lớn. Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hoa Kỳ đang có xu hướng giảm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Trung Quốc, song song với đó tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Và rõ ràng, Việt Nam sẽ là lựa chọn hàng đầu nhờ nhiều lợi thế hơn các đối thủ khác.
Trong đó, 2 sản phẩm tôm và cá tra đang xuất khẩu rất nhiều sang Hoa kỳ. Đây cũng là 2 sản phẩm được nhận định là có cơ hội lớn nhất vào thị trưởng tiềm năng này, thay thế hàng Trung Quốc. Theo Chứng khoán Rồng Việt, nếu Hoa Kỳ quyết định áp thuế nhập khẩu 60-100% lên Trung Quốc và 10-20% lên các nước khác thì cơ hội tốt sẽ đến với ngành thuỷ sản Việt và cá tra sẽ hưởng lợi nhiều hơn tôm. Còn theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng, mức thuế 10 - 20% áp dụng cho hầu hết quốc gia sẽ không làm giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam, trong khi mức thuế 60% đối với Trung Quốc có thể mang lại lợi thế cho xuất khẩu thủy sản nước ta, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh thị phần giữa cá tra Việt Nam với cá rô phi Trung Quốc tại Mỹ.
Bên cạnh đó, theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP, đến thời điểm này, kết quả thuế chống bán phá giá đối với tôm, cá tra và thuế chống trợ cấp với tôm nước ta xuất khẩu sang Hoa Kỳ có xu hướng ngày càng thuận lợi hơn. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt tận dụng mở rộng thị phần tại Hoa Kỳ.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Đồng Tháp.
"Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ sẽ tăng mạnh do tồn kho thành phẩm hiện đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Do đó, các nhà bán lẻ tại đây sẽ phải tích cực nhập khẩu để bổ sung hàng phục vụ cho mùa lễ hội cuối năm sắp tới. Trong bối cảnh đó, chất lượng thủy sản nước ta ngày càng được cải thiện, mẫu mã phóng phú và sản phẩm đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường", ông Nam nhấn mạnh.
Dự báo, thời gian tới, Hoa Kỳ sẽ tăng cường áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ liên quan đến an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Điều này có thể gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn đến tăng chi phí sản xuất và kiểm tra. Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ và hàng rào thuế quan của Mỹ cũng có thể khiến cạnh tranh gia tăng giữa Việt Nam và các quốc gia xuất khẩu thủy sản khác như Ấn Độ, Ecuador, hay Indonesia, những đối thủ lớn trong ngành thủy sản.
Do đó, VASEP lưu ý các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần chủ động và linh hoạt trong việc thích ứng với các yếu tố biến động của thị trường, phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ. Nhất là về vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, sản xuất bền vững và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ khâu nuôi trồng đến chế biến để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
"Doanh nghiệp thủy sản Việt cần đầu tư áp dụng các phương pháp nuôi trồng bền vững, theo các tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP, ASC, MSC) để nâng cao uy tín và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Song song với đó, doanh nghiệp cần cung cấp thông tin minh bạch về quá trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu và các tiêu chuẩn chất lượng", ông Nam khuyến cáo.
Còn theo một số chuyên gia trong ngành, doanh nghiệp Việt cần có sự chuẩn bị, kế hoạch ứng phó nhanh chóng với các thay đổi về thuế quan và biện pháp thương mại của Hoa Kỳ. Đặc biệt, cần duy trì chất lượng sản phẩm cao, tăng cường chế biến sâu và khai thác các hiệp định thương mại tự do để tăng trưởng xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, khai mở các thị trường mới còn nhiều dư địa như thị trường Halal được coi là “chìa khóa” mở thêm “cánh cửa” cho xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam. Với khả năng xuất khẩu trên 50 tỷ USD nông, thủy sản mỗi năm cùng với việc đã xây dựng được các chuỗi cung ứng, đây sẽ là cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam xâm nhập vào thị trường Halal.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là chứng nhận Halal không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận lẫn nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng.
Bà Nguyễn Minh Phương, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho rằng, việc hiểu và tuân thủ các tiêu chuẩn Halal vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động kinh doanh của mình: Doanh nghiệp thủy sản khi mà tiếp cận những thị trường Halal thì chúng ta nâng cao thêm uy tín để mà sản xuất ra các sản phẩm không chỉ là tham các thị trường thông thường, những thị trường truyền thống mà chúng ta còn sang được các thị trường khu vực Trung Đông. Cái tiêu chuẩn Halal này rất là cao, khi mà những sản phẩm tạo được thị trường của các nước đạo Hồi thì lòng tin của người tiêu dùng đối với cả các sản phẩm nó sẽ cao hơn./.