Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 5 tháng 12 năm 2024  

Phát triển sản xuất sầu riêng bền vững

Chủ nhật, ngày 1 tháng 12 năm 2024 | 10:37

Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTT), Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) vừa tổ chức Lễ khởi động "Dự án Xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất sầu riêng bền vững".

Phát triển sản xuất sầu riêng bền vững- Ảnh 1.
 

So với các loại cây trồng khác, sầu riêng được đánh giá là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao

Tại buổi lễ, ông Nghiêm Quang Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh, so với các loại cây trồng khác, hiện sầu riêng được đánh giá là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, đóng vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương. Thị trường xuất khẩu sầu riêng vô cùng tiềm năng, dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng cao.

Việc sản xuất sầu riêng bền vững là một trong những vấn đề quan trọng mà các nhà quản lý, khoa học và doanh nghiệp cần hướng tới. Mục tiêu của dự án là phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón đúng, nhằm nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng. Từ đó tạo ra một vùng sản xuất an toàn, bền vững, tạo ra sản phẩm tốt; đặc biệt là thương hiệu, có trách nhiệm cao với xã hội và thúc đẩy việc bảo vệ môi trường, sinh thái mang lại những giá trị thiết thực, bền vững cho nông dân nói chung và người trồng sầu riêng nói riêng.

Thời gian tới, Cục Bảo vệ Thực vật tiếp tục đồng hành và theo sát quá trình triển khai, đảm bảo dự án sẽ phát huy được tối đa giá trị và đạt được những mục tiêu đã đề ra. Đặc biệt, hướng tới nền sản xuất có sự kết hợp hài hòa giữa kinh nghiệm thực tiễn và những tiến bộ khoa học, tạo nền tảng vững chắc cho ngành hàng sầu riêng, ông Nghiêm Quang Tuấn nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp phối hợp thực hiện dự án, bà Trần Ngọc Thanh Trúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Yara Việt Nam cho biết, với vai trò hỗ trợ nông dân trên hành trình phát triển sầu riêng bền vững, doanh nghiệp cam kết mang đến những giải pháp tối ưu nhất, kết hợp giữa khoa học tiên tiến và kinh nghiệm thực tiễn. Yara không chỉ cung cấp sản phẩm phân bón hữu cơ mà còn chuyển giao quy trình canh tác tiên tiến, giúp người trồng nâng cao năng suất, chất lượng sầu riêng và gia tăng lợi nhuận.

Dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng tầm giá trị sầu riêng Đắk Lắk, xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam bền vững trên thị trường quốc tế. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp và nông dân, mô hình sẽ được nhân rộng, góp phần định hình một tương lai nông nghiệp xanh không chỉ tại Đắk Lắk mà còn trên phạm vi cả nước.

Theo ban tổ chức, các bên tham gia "Dự án Xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất sầu riêng bền vững" sẽ bắt đầu với mô hình sản xuất sầu riêng bền vững tại tỉnh Đắk Lắk và sau đó sẽ mở rộng ra nhiều cây trồng chủ lực khác tại khu vực Tây Nguyên và cả nước.

Ngoài ra, các hoạt động thu gom và tái chế bao bì phân bón cũng sẽ được thúc đẩy, góp phần giảm thiểu phát thải từ sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu lớn nhất của sự hợp tác này là góp phần giảm khí thải carbon, thúc đẩy nông nghiệp bền vững, và giảm thiểu tác động của hoạt động sản xuất đến hệ sinh thái tự nhiên.

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, tỉnh Đắk Lắk hiện đang dẫn đầu cả nước về diện tích sầu riêng với khoảng 32.785 ha, tăng hơn 10.300 ha so với năm 2022; trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 15.852 ha (chiếm 48,35%). Sản lượng sầu riêng năm 2024 của tỉnh dự kiến trên 300.000 tấn.

Đỗ Hương/Chinhphu.vn

Xem thêm

4 5[6]
Top