Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 5 tháng 12 năm 2024  

Bảo tồn văn hóa dân tộc để thu hút du khách và tăng thu nhập cho đồng bào Thái

Chủ nhật, ngày 1 tháng 12 năm 2024 | 18:57

Bản Hoa Tiến (bao gồm Hoa Tiến 1 và Hoa Tiến 2) là bản Thái cổ có 350 hộ với 1.800 khẩu thuộc xã Châu Tiến (Quỳ Châu - Nghệ An). Thiên nhiên ban tặng cho bản này con sông Nậm Hạt đầy cá, tôm, một cánh đồng lúa bằng phẳng với những mùa vàng trĩu hạt. Điểm xuyết cho những phong cảnh thơ mộng hữu tình đó là hàng trăm chiếc cọn nước có tự ngàn xưa vừa trực tiếp tưới nước cho lúa và hoa màu, vừa tạo nên vẻ đẹp mê hồn làm níu chân du khách trong và ngoài nước.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Chính phủ, những năm qua, chính quyền tỉnh Nghệ An và huyện miền núi Quỳ Châu đã không ngừng quan tâm, tạo điều kiện cho bà con trong bản phát triển du lịch cộng đồng, với phương châm: “Du lịch cộng đồng nhưng phải bảo tồn nét văn hóa truyền thống, bảo tồn nét văn hóa truyền thống để thu hút khách du lịch”.

Những chiếc cọn nước có tự ngàn xưa đẹp mê hồn, thu hút du khách nhưng lại hữu ích trong việc tưới nước cho lúa và hoa màu. 

Chị Sầm Thị Bích, 58 tuổi, dân tộc Thái, chủ một cơ sở nhà nghỉ cộng đồng (homestay) ở bản Châu Tiến 1 cho biết: Chị được huyện hỗ trợ 100 triệu đồng để làm du lịch cộng đồng, ngoài ra, cấp trên còn hỗ trợ hiện vật như tủ, bàn, ghế, nệm… hỗ trợ tập huấn, dạy nghề, được đi tham quan, học hỏi các địa phương khác… Vì vậy, gia đình chị đã tự tin, thành thạo làm chủ homestay với đầy đủ các dịch vụ: ăn uống, ngủ nghỉ, bán sản phẩm thổ cẩm, du lịch… Cơ sở của chị có thể cho khách lưu trú tới 30 người/đêm. Ẩm thực ăn uống toàn món mới lạ như: cá nướng, thịt chua, gà đồi, cơm lam, măng muối… Du lịch thì có các dịch vụ độc đáo như: chèo bè, bắt cá, hái bông, tắm suối, giã gạo, buộc chỉ cổ tay…

Với các dịch vụ này, bình quân chị Bích có thu nhập 20 triệu đồng/ tháng, một mức thu nhập rất cao so với đồng bào dân tộc huyện Quỳ Châu.

Các món ẩm thực mới lạ, hấp dẫn du khách.

Anh Vi Văn Minh, 55 tuổi, dân tộc Thái, trú tại bản Hoa Tiến 2, cũng được huyện cấp cho 100 triệu đồng để làm homestay, ngoài các dịch vụ du lịch cộng đồng như chị Bích, anh còn tổ chức một HTX dệt thổ cẩm, cung cấp cho du khách nhiều sản phẩm thổ cẩm đẹp, mới lạ, tổ chức sản xuất 2 đặc sản nông nghiệp của huyện Quỳ Châu là sản xuất nếp thơm, nuôi vịt bầu (Được huyện đầu tư thêm một tủ cặp đông và một máy vặt lông vịt), đưa các sản phẩm ẩm thực này phục vụ khách du lịch và cung cấp ra thị trường trong huyện, trong tỉnh, mỗi tháng cho thu nhập hơn 20 triệu đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người trong bản Hoa Tiến.

Một lớp học dệt và may thêu thổ cẩm của phụ nữ Thái bản Hoa Tiến.

 Nhờ có “Thiên thời, Địa lợi”, người dân bản Hoa Tiến lại vui vẻ, xởi lởi, hữu nghị, mến khách nên trong những năm qua, vùng đất thơ mộng này đã thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước và đã có hàng chục hộ tại đây làm du lịch cộng đồng cho thu hập khá. Chị Nga, du khách từ Hà nội vào cho biết: “Tôi thật sự ấn tượng về vẻ hoang sơ, tự nhiên của Hoa Tiến, đặc biệt những đôi tay khéo léo của các mẹ, các chị ở đây đã làm ra những sản phẩm thổ cẩm rât đẹp”. Còn anh Ngọc, đến từ Hải Phòng thì thốt lên: “Sông suối, cánh đồng, cọn nước… ở đây rất đẹp, các món ăn rất ngon, người dân ở đây gần gũi, nhiệt tình, thân thiện… chúng tôi rất hài lòng và sẽ giới thiệu cho nhiều người đến đây”.

Các cô gái Thái biểu diễn trong ngày hội.

Ông Sầm Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến nói: “Mặc dù ngày 6/3/2024 bản Hoa Tiến mới được UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 500/QĐ – UBND công nhận là điểm du lịch cộng đồng, nhưng trong năm 2024, đã có hơn 5.000 du khách đến đây. Chúng tôi xác định, phát triển du lịch cộng đồng nhưng phải bảo tồn các phong tục, tập quán, các nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Càng bảo tồn được văn hóa truyền thống thì càng thu hút khách, càng tăng thu nhập cho đồng bào Thái nơi đây”.

   

Bá Minh

Xem thêm

4[5] 6
Top